Những câu hỏi liên quan
NH
Xem chi tiết
LV
30 tháng 1 2018 lúc 19:27

II. Các khuôn khổ và lĩnh vực hợp tác trong AEC

1.Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM)


Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) là Hội nghị thường niên và quan trọng nhất của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN trong năm nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị cấp cao ASEAN. Hội nghị là dịp để các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN kiểm điểm lại tình hình và kết quả triển khai các biện pháp thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN, hướng tới mục tiêu thiết lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng sẽ tiến hành các cuộc họp tham vấn với Bộ trưởng Kinh tế các nước đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Hoa Kỳ để rà soát và tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, và đầu tư.
AEM được tổ chức mỗi năm 1 lần từ năm 1975 nay. AEM lần thứ 42 diễn ra tại Đà Nẵng vào cuối tháng 8/2010 khi Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN. Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 43 (08/2011, Ma-na-đô, In-đô-nê-xi-a), lần thứ 44 (8/2012, Xiêm Riệp, Căm-pu-chia) và lân thứ 45 (8/2013, Bru-nây Đa-ru-xa-lam) là các Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN gần đây nhất.

AEM có nhiệm vụ giám sát và chỉ đạo hoạt động của SEOM. SEOM là viết tắt của Hội nghị các Quan chức Kinh tế Cao cấp. Hội nghị SEOM gồm đại diện cấp Vụ của cơ quan điều phối hội nhập kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN. Tại hội nghị các quan chức kinh tế ASEAN sẽ bàn bạc các vấn đề như chính sách cạnh tranh, hải quan, công nghiệp, sở hữu trí tuệ, quan hệ với các nước đối tác, dịch vụ, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), các tiêu chuẩn và độ hợp chuẩn,.v.v. Sau đó, những vấn đề này sẽ được báo cáo lên AEM để các Bộ trưởng xem xét và cho ý kiến chỉ đạo.

CCA là Ủy ban giám sát việc thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIG), văn kiện điều chỉnh toàn bộ Hiệp định thương mại hàng hóa trong ASEAN. CCI là Ủy ban giám sát việc thực hiện Hiệp định về Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) và Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA). CCS là Ủy ban giám sát việc thực hiện Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS).

2. Hội đồng AFTA và các FTA ASEAN và các nước đối tác

Giới thiệu chung

Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (viết tắt là AFTA từ các chữ cái đầu của ASEAN Free Trade Area) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương giữa các nước trong khối ASEAN. Theo đó, sẽ thực hiện tiến trình giảm dần thuế quan xuống 0-5%, loại bỏ dần các hàng rào phi thuế quan đối với đa phần các nhóm hàng và hài hòa hóa thủ tục hải quan giữa các nước.
Sáng kiến về AFTA vốn là của Thái Lan. Sau đó hiệp định về AFTA đượcđược ký kết vào năm 1992 tại Singapore. Ban đầu chỉ có sáu nước là Brunei, Indonesia,Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan (gọi chung là ASEAN-6). Các nướcCampuchia, Lào, Myanma và Việt Nam (gọi chung là CLMV) được yêu cầu tham gia AFTA khi được kết nạp vào khối này.
Hoàn cảnh ra đời

Vào đầu những năm 90, khi chiến tranh lạnh kết thúc, những thay đổi trong môi trường chính trị, kinh tế quốc tế và khu vực đã đặt kinh tế các nước ASEAN trước nhứng thách thức to lớn không dễ dàng vượt qua nếu không có sự liên kết chặt chẽ và nỗ lực vủa toàn hiệp hội, những thách thức đó là:

- Quá trình toàn cầu hoá kinh tế thế giới diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, chủ nghĩa bảo hộ truyền thống trong ASEAN ngày càng mất đi sự ủng hộ của các nhà hoạch định chính sách trong nước cũng như quốc tế.

- Sự hình thành và phát triển các tổ chức hợp tác khu vực mới đặc biệt như Khu vực Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ và Khu vực Mậu dịch Tự do châu Âu của EU, NAFTA sẽ trở thành các khối thương mại khép kín, gây trở ngại cho hàng hoá ASEAN khi thâm nhập vào những thị trường này.

- Những thay đổi về chính sách như mở cửa, khuyến khích và dành ưu đãi rộng rãi cho các nhà đầu tư nước ngoài, cùng với những lợi thế so sánh về tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực của các nước Trung Quốc, Việt Nam, Nga và các nước Đông Âu đã trở thành những thị trường đầu tư hấp dẫn hơn ASEAN, đòi hỏi ASEAN vừa phải mở rộng về thành viên, vừa phải nâng cao hơn nữa tầm hợp tác khu vực.

Để đối phó với những thách thức trên, năm 1992, theo sáng kiến của Thái lan, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN họp tại Singapore đã quyết định thành lập một Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (gọi tắt là AFTA).

Mục đích

Mục đích của AFTA là nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN với tư cách là một cơ sở sản xuất trên thế giới, đồng thời tăng cường tính hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cắt giảm thuế quan

Thông qua thực hiện Chương trình Hợp tác Thuế quan Ưu đãi có Hiệu lực Chung (CEPT - 1992), các nước ASEAN đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cắt giảm các rào cản thuế quan nội khối và gần như thực hiện hoàn chỉnh Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA). Với mục tiêu tạo ra dòng lưu chuyển hàng hoá tự do vào năm 2015, lộ trình cụ thể thực hiện AFTA như sau:

(i) Xoá bỏ hoàn toàn thuế quan vào năm 2010 đối với ASEAN-6 và 2015 đối với CLMV - với một số sản phẩm nhạy cảm linh hoạt đến năm 2018;
(ii) Xoá bỏ hoàn toàn thuế quan đối với các sản phẩm trong các Lĩnh vực Ưu tiên Hội nhập (PIS) vào năm 2007 đối với ASEAN-6 và 2012 đối với CLMV;
(iii) Hoàn thành đưa các sản phẩm còn trong Danh mục Nhạy cảm (SL) vào thực hiện CEPT (IL) và giảm thuế của các sản phẩm này xuống còn 0-5% vào 01/01/2010 đối với ASEAN-6, vào 01/01/2013 đối với Việt Nam, 01/01/2015 đối với Lào và Myanmar và 01/01/2017 đối với Campuchia.

2.1 Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA)

ACFTA là một khu vực thương mại tự do năng động với dân số trên 1,9 tỉ người và tổng GDP lên tới 6000 tỷ USD. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc.

Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) được bắt đầu thực hiện với việc ASEAN và Trung Quốc ký kết Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện ASEAN-Trung Quốc vào tháng 11 năm 2002. Để cụ thể hóa Hiệp định khung này, ASEAN và Trung Quốc đã đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc vào tháng 11 năm 2004, Hiệp định dịch vụ ASEAN-Trung Quốc vào năm 2007 và Hiệp định đầu tư ASEAN-Trung Quốc năm 2009. Hiệp định ACFTA chính thức có hiệu lực đầy đủ từ ngày 01/01/2010.

2.2 Hiệp định khung về Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP)

Nhật Bản là bạn hàng lớn thứ 3 của ASEAN. Trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của thương mại ASEAN – Nhật Bản trung bình đạt 16% năm.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của ASEAN sang Nhật Bản là Sunfua (99,7%), đồng chưa tinh luyện (97,7%), lụa thừa (94,1%),thiết bị báo hiệu điện, thiết bị điều khiển giao thông cho đường sắt hoặc cho đường bộ (90,1%), đồ gốm sứ sử dụng trong phòng thí nghiệm (85,4%), …

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của ASEAN là kim loại thường, bạc hoặc vàng được tráng bạch kim (97.9%), hợp chất kim loại hiếm của ytrim và scanđi (96,9%), kim loại thường được tráng bạc (không quá bán thành phẩm) (93,2%), v.v…

Về đầu tư: Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 2 ở ASEAN sau EU với giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 10 tỷ USD.

Hiệp định khung về Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN – Nhật Bản:

ASEAN và Nhật Bản đã tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định khung về Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) tại Hội nghị cấp cao ASEAN 13 (19-21/11/2007, Singapore). Từ đầu năm 2008, Hiệp định đã được ký luân phiên tại Thủ đô từng nước (Việt Nam ký ngày 01/4/2008 tại Hà Nội) và có hiệu lực từ ngày 1/12/2008.

Ngoài phần Mở đầu, Hiệp định bao gồm 10 chương, 80 điều và 5 phụ lục quy định khung hợp tác kinh tế ASEAN – Nhật Bản và quy định chi tiết về tự do hóa thương mại hàng hóa. Theo đó, Nhật Bản cam kết loại bỏ ngay thuế suất tương đương 80% biểu thuế khi hiệp định có hiệu lực và sẽ bãi bỏ các biểu thuế của 93% giá trị hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN trong vòng 10 năm kể từ khi AJCEP có hiệu lực; ASEAN-6 cam kết loại bỏ thuế đối với 90% hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản trong vòng 10 năm; CLMV sẽ loại bỏ thuế theo lịch trình chậm hơn. Trong số đó, ASEAN-6 và Nhật Bản sẽ loại bỏ thuế suất cho 90% biểu thuế vào năm 2012, CLMV được chậm sau 4 năm. Dự kiến đến năm 2018 FTA về hàng hoá ASEAN-Nhật Bản căn bản được thực hiện.

Vào tháng 12/2013, các nước ASEAN và Nhật Bản đã tuyên bố cơ bản hoàn thành đàm phán nội dung Chương Thương mại Dịch vụ và Chương Đầu tư và sẽ thúc đẩy để sớm ký kết và thực hiện.

2.3. Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA)

Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 5 của ASEAN. Các mặt hàng xuất/nhập khẩu chủ yếu của ASEAN đến/từ Hàn Quốc (chiếm hơn 75% thị phần):

Xuất khẩu: Vải lanh, thô hoặc chế biến nhưng không quay sợi, sợi lanh; bột gỗ nghiền cơ.
Nhập khẩu: lông thú, vụn da, bột da.

Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 5 ở ASEAN với giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN.

Hiệp đinh khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện ASEAN – Hàn Quốc (ký tháng 12/2005, Kualar Lumpur) đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN – Hàn Quốc. Đến nay, ngoài Hiệp định khung, hai bên đã kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Cơ chế Giải quyết Tranh chấp (12/2005, Kualar Lumpur) và Hiệp định Thương mại Hàng hóa (ký lần 1 tháng 12/2005 tại Kualar Lumpur, lần 2 05/2006 tại Manila và lần cuối tháng 08/2006 tại Kualar Lumpur), Hiệp định Thương mại Dịch vụ (12/2007) và Hiệp định Đầu tư (6/2009).

Về thương mại hàng hóa, các nước ASEAN – 6 và Hàn Quốc sẽ loại bỏ thuế quan của hầu hết các mặt hàng thuộc lộ trình NT xuống 0% vào năm 2010, với một số linh hoạt đến 2012 (Riêng Inđônêxia và Philippine được HQ thỏa thuận song phương dành một số ưu đãi hơn trong phương thức giảm thuế). Các nước ***** được cắt giảm thuế quan chậm hơn 8 năm, Việt Nam chậm hơn 6 năm so với ASEAN-6 và Hàn Quốc. Lộ trình ST được chia thành Danh mục Nhạy cảm thường (SL) và Danh mục Nhạy cảm cao (HSL). Mức trần cho ST của ASEAN – 6 và Hàn Quốc là 10% dòng thuế và 10% kim ngạch nhập khẩu; của Việt Nam là 10% và 25%; của ***** là 10% số dòng thuế và không hạn chế về kim ngạch nhập khẩu. Thời hạn cắt giảm thuế cho SL của ASEAN – 6 và Hàn Quốc là 2012 giảm thuế suất xuống 20% và 2016 giảm thuế suất xuống 0-5%, thời hạn này của Việt Nam là 2017 và 2021, của ***** là 2020 và 2024. Thời hạn cắt giảm thuế quan cho HSL của ASEAN 6 và Hàn Quốc là 2016, của Việt Nam là 2021, của ***** là 2024. Trong HSL, mỗi bên có duy trì nhóm E gồm 40 dòng thuế HS 6 số không thực hiện cắt giảm thuế quan (loại trừ).

Về thương mại dịch vụ, Hiệp định thương mại dịch vụ (TIS), khởi động đàm phán năm 2006 và ký tại HNCC ASEAN ngày 21/11/2007 ở Xinh-ga-po và có hiệu lực ngày 01/5/2009. Tương tự hiệp định với TQ, các bên chấp thuận nguyên tắc tự do hoá từng bước và chủ động theo mô hình của GATS/WTO. Vì vậy, các điều liên quan đến cam kết cụ thể (Điều 19 - Tiếp cận thị trường, 20 - Đối xử quốc gia), 21 - Các cam kết bổ sung) và 22 - Biểu cam kết cụ thể) được xây dựng hoàn toàn tương tự như WTO.

Về đầu tư, Hiệp định đầu tư được khởi động năm 2006, kết thúc đàm phán năm 2008 và ký tại HNCC kỷ niệm ngày 02/6/2009 tại Jeju, Hàn Quốc. Quá trình đàm phán Hàn Quốc muốn đề xuất dự thảo toàn diện với phạm vi gồm các vấn đề xúc tiến và thuận lợi hoá, bảo hộ và tự do hóa đầu tư, nhưng do một số nước ASEAN chưa sẵn sàng nên có thời gian tạm hoãn đàm phán. Với những điều khoản vào thời điểm ký thì hiệp định chỉ bao gồm các nghĩa vụ bảo hộ đầu tư, tương tự như các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà ta đã ký kết. Đồng thời, các bên thỏa thuận sẽ tiếp tục thảo luận, trong vòng 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực, những vấn đề còn tồn tại như bảo hộ đầu tư tiền thành lập; dành MFN tự động; cách thức xây dựng danh mục bảo lưu và cơ chế sửa đổi; cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư; điều khoản về nhân sự quản lý cao cấp và yêu cầu hoạt động.

2.4 Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA)

Về thương mại, Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của ASEAN.

- Thị phần xuất khẩu của ASEAN sang Ấn Độ chiếm 3% tổng giá trị xuất khẩu của ASEAN (2010).
- Thị phần nhập khẩu của ASEAN từ Ấn Độ chiếm 2% tổng giá trị nhập khẩu của ASEAN. (2010)
- Các mặt hàng xuất khẩu chính của ASEAN sang Ấn Độ: đầu máy xe lửa, chiết xuất tannin có nguồn gốc rau quả, tannis và muối tannis, ê-te, tóc người, cát-mi
- Các mặt hàng nhập khẩu chính của ASEAN từ Ấn Độ: Tóc người (chưa qua xử lý), đồng đặc, …

Theo Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Ấn Độ, hai bên sẽ xây dựng AIFTA vào 31/12/2011 với ASEAN-6 và Ấn Độ, vào 31/12/2016 với Philippines và CLMV (riêng với Philippines, Ấn Độ cam kết thực hiện FTA vào năm 2016). Ngày 13/8/2009, Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (AITIG) đã được ký tại Băng cốc, Thái Lan và có hiệu lực từ ngày 01/01/2010.

Theo HĐ AITIG, các nước ASEAN-5 và Ấn Độ sẽ loại bỏ thuế quan của hầu hết các mặt hàng thuộc lộ trình NT1 xuống 0% vào năm 2013, Phi-lip-pin và CLMV năm 2018; và NT2, Ấn Độ và ASEAN-5 cắt giảm còn 0% năm 2016; Phi-lip-pin năm 2019 và CLMV năm 2021. Lộ trình Nhạy cảm được chia thành Danh mục Nhạy cảm thường (SL) và Danh mục Nhạy cảm cao (HSL). Thời hạn cắt giảm thuế cho danh mục nhạy cảm được chia thành nhiều giai đoạn, kết thúc vào năm 2019 đối với ASEAN-5 và Ấn Độ, 2022 đối với Philippine và 2024 đối với CLMV. Các bên duy trì 489 dòng loại trừ với mức trần là 5% giá trị thương mại. Chỉ CLMV được hưởng ưu đãi thời hạn cắt giảm thuế quan của Ấn Độ như ASEAN-5. Philippine và Ấn Độ áp dụng trên cơ sở có đi có lại.

Cùng với Hiệp định AITIG, các bên đã thảo luận về quy tắc xuất xứ, ký Hiệp định Cơ chế giải quyết tranh chấp và Ấn Độ ký thỏa thuận công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Đàm phán các Hiệp định về thương mại dịch vụ và đầu tư ASEAN-Ấn Độ đã kết thúc và dự kiến các Hiệp định này sẽ được ký vào đầu năm 2014.

2.5 Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Úc và Niu-di-lân (AANZFTA)

Về thương mại: Úc và Niu Di-lân là bạn hàng lớn thứ 6 của ASEAN. Giá trị thương mại 2 chiều giữa ASEAN – Úc và Niu-di-lân chỉ đạt 10,3 triệu USD vào năm 1993 nhưng đã tăng lên đạt 62,3 triệu USD vào năm 2010. Cụ thể hơn, thị phần thương mại của Úc đối với ASEAN đã tăng từ 2% vào năm 1998 lên 4% vào năm 2010.

Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu của ASEAN với Úc – Niu Di Lân:

Các mặt hàng xuất khẩu chính của ASEAN sang khu vực Úc-Niu Di Lân là các hỗn hợp Bitum từ nhựa đường tự nhiên, bitum dầu khí và tự nhiên, nhựa đường khoáng chất (chiếm thị phần 85.5%).

Các mặt hàng nhập khẩu chính của ASEAN từ khu vực Úc-Niu Di Lân là thịt cừu hoặc thị dê – tươi hoặc đông lạnh (chiếm thi phần 98%), dê và cừu (96,2%), len chưa chế biến (88,9%).
Về đầu tư: Úc là nhà đầu tư lớn thứ 6 ở ASEAN và Niu Di Lân là nhà đầu tư lớn thứ 11 vào ASEAN.

Hiệp định về Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Úc – Niu Di Lân (AANZFTA) được các bộ trưởng thương mại các nước ASEAN, Australia và New Zealand ký kết ngày 27 tháng 2 năm 2009 tại Hua Hin, Thái Lan và có hiệu lực từ ngày 01/01/2010. Đây là một dấu hiệu đáng vui mừng đối với việc hợp tác giữa ASEAN-Úc-Niu Di Lân, báo hiệu cho sự gia tăng của dòng vốn FDI từ khu vực này chảy vào ASEAN trong tương lai.

2.6 Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – EU

Về thương mại, EU là bạn hàng lớn thứ 2 của ASEAN hiện nay. Theo số liệu năm 2010, giá trị thương mại ASEAN-EU đạt 207,809 triệu USD. Thị phần của EU trong thương mại với ASEAN là 10%. Thị phần xuất khẩu của ASEAN sang EU chiếm 11% trong tổng giá trị xuất khẩu của ASEAN. Nhập khẩu của ASEAN từ EU chiếm 10% trong tổng giá trị nhập khẩu của ASEAN

Các mặt hàng xuất khẩu chính của ASEAN vào EU là các tuyến và chiết xuất, chất bài tiết nhằm mục đích chữa chị bằng phủ tạng, heparin và các muối của chất này và các chất khác, lông và chất thải của lợn, polyme tự nhiên và đã qua chế biến, xe đạp và các phương tiện chưa cơ giới hóa khác, thịt và các phần thừa ăn được của thịt, đá lát sàn, đá lát đường, phiến đá lát đường, hóc-môn, các dẫn xuất, xteoit

Các mặt hàng ASEAN nhập khẩu từ EU uranium,bóng đèn, nấm cục, lông thú, than bùn, các loại đồ uống có rượu và chế phẩm có cồn, dầu ô-liu v..v…

Về đầu tư, EU là nhà đầu tư lớn nhất ở ASEAN hiện nay. Năm 2010, EU đã đóng góp khoảng 22.3 % dòng vốn FDI chảy vào ASEAN.

Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN – EU

Tại HN Bộ trưởng Kinh tế ASEAN không chính thức lần thứ 13 (01-04/05/06), ASEAN và EU đã ra Tuyên bố khởi động đàm phán Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-EU (AEFTA). Tuy nhiên, đàm phán chưa có hiệu quả do những khác biệt quan điểm về cách thức đàm phán và phạm vi hiệp định. Thêm vào đó, tiến trình đàm phán AEFTA có phần lâm vào bế tắc sau khi Quốc hội Châu Âu ra Nghị quyết ngày 08/5/2008, theo đó đàm phán AEFTA cần tiến hành toàn diện với phạm vi rộng, nội dung cam kết sâu và không chấp nhận sự có mặt của Myanmar. Cuối cùng, ngày 18/02/2009, Cao uỷ Thương mại EC, Catherine Aston đã có thư gửi Tổng thư ký ASEAN chính thức đề nghị khả năng đàm phán FTA song phương với một số nước ASEAN. Tháng 4/2009, hai bên tuyên bố tạm dừng đàm phán AEFTA vô thời hạn.

2.7 Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)

i. Sáng kiến xây dựng Khu vực Mậu dịch Tự do Đông Á (EAFTA) được đưa ra dưới hình thức kiến nghị của Nhóm Tầm nhìn Đông Á (EAVG) năm 2001 và Báo cáo của Nhóm nghiên cứu Đông Á (EASG) năm 2002 trong khuôn khổ ASEAN+3. Sau đó, tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN+3 tháng 8/2006, khi Trung Quốc đưa ra Báo cáo Nghiên cứu Giai đoạn I về Khu vực Mậu dịch Tự do Đông Á (EAFTA), Nhật Bản đã nêu Sáng kiến Nghiên cứu về Cơ chế Hợp tác Kinh tế Toàn diện Đông Á (CEPEA) nhằm mục tiêu nghiên cứu một FTA gồm 16 nước Đông Á. Mục đích của nhóm nghiên cứu là xem xét các khuôn khổ thích hợp cho liên kết kinh tế giữa các nước tham gia EAS, phân tích tác động về kinh tế của CEPEA đối với các nước Đông Á; xác định tầm nhìn và lộ trình của CEPEA.

ii. Nhằm thiết lập vai trò trung tâm trước những sáng kiến liên kết kinh tế khu vực, HNCC ASEAN 19 đã thông qua Khung khổ ASEAN về Đối tác Kinh tế Toàn diện (ARCEP), trong đó, quy định các nguyên tắc chung của ASEAN trong đàm phán thành lập các liên kết kinh tế mới tại khu vực. Khung khổ cũng chỉ rõ ASEAN sẽ tiến hành thành lập FTA/CEP khu vực với các đối tác đã có FTAs/CEP với ASEAN trước, sau đó mới mở rộng cho các đối tác bên ngoài.

iii. Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các nước đối tác FTAs, tại Tham vấn bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế lần thứ 44 (Siêm-Riệp, tháng 30/8/2012), đã thống nhất khuyến nghị trình các Nhà Lãnh đạo tuyên bố khởi động đàm phán ARCEP dịp HNCC ASEAN 21 (Phnôm-Pênh, tháng 11/2012). Dự kiến đàm phán sẽ bắt đầu năm 2013 và kết thúc vào cuối năm 2015.

Các Bộ trưởng đã thông qua Các Nguyên tắc và Mục tiêu Hướng dẫn Đàm phán ARCEP. Một số điểm quan trọng gồm: (i) đối tượng được hưởng ưu đãi đặc biệt và khác biệt; (ii) phương thức đàm phán; (iii) phạm vi đàm phán (các vấn đề mới ngoài thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư); (iv) mức độ tự do hóa; và (v) cơ cấu tổ chức đàm phán. Nhìn chung, ASEAN dành được thế chủ động trong việc xây dựng tài liệu này, đạt được các mục tiêu phục vụ lợi ích của Hiệp hội.

iv. 11/2012, Các Nhà Lãnh đạo ASEAN & các đối tác FTA hiện nay đã ra một tuyên bố khởi động đàm phán RCEP với Các Nguyên tắc và Mục tiêu Hướng dẫn Đàm phán ARCEP đã được thông qua tại AEM44.

v. Đến 2/1014, đã có 3 vòng đàm phán RCEP diễn ra vào tháng 5/2013, 9/2013 và 1/2014.

3. Hội đồng AIA

Một trong những biện pháp quan trọng nhằm nâng cao tính cạnh tranh của ASEAN trong việc thu hút đầu giữa các nước ASEAN và từ các nước ngoại khối là thông qua thực hiện tự do hoá và bảo hộ đầu tư. Hợp tác đầu tư ASEAN trước hết được thực hiện thông qua Hiệp định về Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA, ký năm 1998) và Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư ASEAN (ASEAN-IGA, ký năm 1987).

Hiệp định AIA điều chỉnh 5 lĩnh vực là chế tạo, nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp, khai khoáng và khai thác đá và các dịch vụ liên quan. Theo đó, đầu tư được mở cửa và đối xử quốc gia được dành cho tất cả các nhà đầu tư từ giai đoạn tiền thành lập cho đến các giai đoạn sau thành lập. Một số trường hợp ngoại lệ được đưa vào Danh mục Loại trừ Tạm thời (TEL) và Danh mục Nhạy cảm (SL), trong TEL được dần dần xoá bỏ theo lộ trình, còn SL được rà soát định kỳ.

Hiệp định IGA được ký năm 1987 giữa các nước ASEAN-6 quy định các biện pháp bảo hộ cho các khoản đầu tư được cấp phép của các bên tham gia hiệp định. Tuy nhiên, vì IGA không có các cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư mà chỉ quy định các bên cần giải quyết trên cơ sở hữu nghị, báo cáo kết quả lên các Bộ trưởng Kinh tế nên tính ràng buộc pháp lý của hiệp định này chưa cao.

Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA)

Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) được các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN ký kết ngày 26 tháng 02 năm 2009. ACIA là kết quả của sự tổng hợp và sửa đổi từ 2 Hiệp định Đầu tư ASEAN: Hiệp định ASEAN về Xúc tiến và Bảo hộ Đầu tư 1987 (được biết đến như Hiệp định Bảo hộ Đầu tư ASEAN IGA) và Hiệp định khung về Khu vực Đầu tư ASEAN 1998 (thường được gọi là “Hiệp định AIA”), cũng như các Nghị định thư liên quan.

Mục đích của việc kết hợp 2 Hiệp định này là để thích ứng với môi trường cạnh tranh toàn cầu, hướng tới nâng cao sự hấp dẫn của ASEAN với tư cách là một điểm đến của đầu tư nước ngoài, thiết lập một cơ chế đầu tư tự do và mở cửa và đáp ứng các mục tiêu hội nhập kinh tế. ACIA là một Hiệp định Đầu tư toàn diện điều chỉnh các lĩnh vực Sản xuất, Nông nghiệp, Ngư nghiệp, Lâm nghiệp, Khai khoáng, và các Dịch vụ liên quan tới 5 lĩnh vực trên.
Theo quy định của Hiệp định ACIA, tự do hóa đầu tư sẽ được tiến hành từng bước, hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường đầu tư tự do và mở cửa trong khu vực, phù hợp với các mục tiêu của Cộng đồng kinh tế ASEAN. ACIA cũng cho phép tự do hóa đối với các lĩnh vực khác trong tương lai.

Hiệp định ACIA bao gồm:
• Các quy định đầu tư toàn diện dựa trên 4 trụ cột là tự do hóa, bảo hộ, thuận lợi hóa và xúc tiến đầu tư;
• Các thời hạn rõ ràng đối với tự do hóa đầu tư;
• Lợi ích dành cho các nhà đầu tư nước ngoài đặt trụ sở tại ASEAN;
• Duy trì các ưu đãi của Hiệp định AIA;
• Khẳng định lại các quy định liên quan của Hiệp định AIA và ASEAN IGA, như đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc.
Những điều khoản mới của Hiệp định ACIA gồm:
• Các quy định về một môi trường đầu tư tự do, thuận lợi, minh bạch và cạnh tranh hơn dựa trên những kinh nghiệm quốc tế tốt nhất;
• Hoàn thiện các quy định hiện hành của Hiệp định AIA và IGA như Tranh chấp đầu tư giữa một Nhà đầu tư và một Quốc gia thành viên (ISDS), Chuyển giao và Đối xử Đầu tư ;
• Điều khoản mới về Ngăn cấm các Yêu cầu Hiệu suất (TRIMs) quy định về đánh giá xem xét các cam kết bổ sung;
• Các quy định về nhân sự quản lý cao cấp và ban giám đốc tạo thuận lợi cho việc di chuyển của các nhà quản lý cấp cao chủ chốt nước ngoài.

Các quy định toàn diện của Hiệp định ACIA sẽ tăng cường bảo hộ đầu tư và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư khi đầu tư tại khu vực. ACIA cũng sẽ khuyến khích phát triển đầu tư nội khối ASEAN hơn nữa, đặc biệt là giữa các công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN thông qua hợp tác phát triển công nghiệp và chuyên môn hòa, góp phần tăng cường hội nhập kinh tế.
Luồng vốn đầu tư vào ASEAN có xu hướng tăng lên trong vài năm gần đây do phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn trong khu vực và toàn cầu trước khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngăn chặn tình trạng này vào năm 2008 và 2009. Nguồn đầu tư nước ngoài (FDI) chủ yếu vào ASEAN là Liên minh Châu Âu với tỉ trọng 18,3%, Nhật Bản 13,4% và Hoa Kỳ là 8,5%. FDI nội khối ASEAN chiếm tỉ trọng 11,2% (năm 2009), biến ASEAN trở thành nguồn đầu tư lớn thứ 3 trong khu vực. Theo đó, tỷ trọng của ASEAN trong tổng vốn đầu tư toàn cầu tăng từ 2,8% năm 2008 lên 3,6% năm 2009. Điều này cũng phản ánh khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của ASEAN sẽ cao hơn mặc dù trải qua suy thoái kinh tế .

Để thích ứng với sự cạnh tranh ngày càng tăng đối với các dòng FDI, ASEAN đang tiếp tục nỗ lực thiết lập một môi trường đầu tư thuận lợi hơn trong khu vực. Các Quốc gia Thành viên ASEAN đã cam kết hướng tới một môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch hơn, với mục tiêu tăng cường các dòng đầu tư và thu hút thêm các nhà đầu tư vào khu vực, góp phần hướng tới sự tăng trưởng kinh tế và phát triển của khu vực.

4. Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC)

MPAC được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 (Hà Nội, 2010). MPAC vừa là một văn kiện chiến lược nhằm đạt được toàn bộ Kết nối ASEAN, vừa là một kế hoạch hành động thực thi tức thời cho giai đoạn 2011-2015 để liên kết ASEAN thông qua tăng cường phát triển hạ tầng kỹ thuật (kết nối vật chất), thể chế, bộ máy, quy trình hiệu quả (kết nối thể chế) và trao quyền cho người dân (kết nối con người).

Về Kết nối Vật chất, các thách thức cần giải quyết trong khu vực bao gồm chất lượng đường bộ yếu kém và mạng lưới đường bộ chưa hoàn thành, các đoạn đường sắt còn thiếu, hạ tầng cảng và đường thủy không đầy đủ, bao gồm các thiết bị đường biển, đường thủy nội địa và cảng khô, khoảng cách điện tử gia tăng và nhu cầu năng lượng tăng lên. Để giải quyết các thách thức này đòi hỏi phải nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện có, xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết bị logistic mới, hài hòa khuôn khổ luật pháp và nuôi dưỡng văn hóa cải tiến. Có bảy chiến lược đã được xây dựng nhằm tạo lập một kết nối khu vực thông suốt và hội nhập thông qua hệ thống vận tải đa phương thức, tăng cường hạ tầng viễn thông và thông tin liên lạc và một khuôn khổ an ninh năng lượng khu vực.

Về Kết nối Thể chế, ASEAN cần giải quyết nhiều vấn đề then chốt bao gồm các cản trở đến sự di chuyển của xe cộ, hàng hóa, dịch vụ và lao động có tay nghề qua biên giới. Để giải quyết các vấn đề này, ASEAN phải tiếp tục giải quyết các rào cản phi thuế quan để tạo thuận lợi cho đầu tư và thương mại ASEAN, hài hòa các thủ tục đánh giá chuẩn và hợp chuẩn, và thực hiện các hiệp định thuận lợi hóa vận tải chủ chốt, bao gồm Hiệp định Khung ASEAN về Thuận lợi hóa Vận tải Hàng hóa (AFAFGIT), Hiệp định Khung ASEAN về Thuận lợi hóa Vận tải Liên Quốc gia (AFAFIST), và Hiệp định Khung ASEAN về Vận tải Đa phương thức (AFAMT) nhằm cắt giảm chi phí vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Thêm vào đó, các Quốc gia Thành viên ASEAN phải thực hiện đầy đủ các cơ chế Một cửa Quốc gia của nước mình nhằm đạt được cơ chế Một cửa ASEAN vào năm 2015 để hàng hóa có thể được di chuyển thông suốt trong và qua biên giới quốc gia. Cần theo đuổi một Thị trường Đường biển ASEAN Đơn nhất và một Thị trường Vận tải Biển ASEAN Đơn nhất nhằm góp phần đạt được một thị trường và cơ sở sản xuất đơn nhất. Về cơ bản, ASEAN cần mở cửa dần đầu tư trong và ngoài khu vực. Về vấn đề này, mười chiến lược đã được thông qua giúp hàng hóa, dịch vụ và đầu tư di chuyển dễ dàng hơn trong khu vực.

Về Kết nối người với người, hai chiến lược đã được xây dựng nhằm thúc đẩy giao lưu và nhận thức về văn hóa xã hội trong ASEAN sâu sắc hơn thông qua những nỗ lực xây dựng cộng đồng, sự di chuyển thuận tiện hơn cho người dân ASEAN thông qua cơ chế nới lỏng visa và xây dựng những thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRAs) nhằm tạo ra động lực cần thiết cho các nỗ lực phối hợp nhằm thúc đẩy xây dựng các chương trình nhận thức, hợp tác, trao đổi, đào tạo luật nhằm hỗ trợ các nỗ lực hiện nay tăng cường giao lưu giữa người dân ASEAN.

5. Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI)

Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) được các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua năm 2000 với mục tiêu thúc đẩy liên kết kinh tế ASEAN thông qua việc các nước ASEAN-6 hỗ trợ các nước CLMV hội nhập khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển. Đến nay, giai đoạn một của Sáng kiến IAI (2002-2008) đã hoàn tất với 134 dự án/chương trình được thực hiện, thu hút 191 triệu đôla Mỹ từ ASEAN-6 và 20 triệu đôla Mỹ từ các nước đối thoại, tổ chức phát triển và các đối tác khác. Các dự án/chương trình tập trung vào 04 lĩnh vực ưu tiên là phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ hội nhập khu vực, công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng.

ASEAN cũng đã cơ bản hoàn tất việc xây dựng Khuôn khổ Chiến lược (KKCL) và Kế hoạch Công tác (KHCT) IAI giai đoạn II (2009-2015). Các văn kiện này sẽ là cơ sở để triển khai các hoạt động hỗ trợ các nước CLMV thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN trong giai đoạn 2009 - 2015 thông qua các dự án cụ thể, gắn kết với tiến trình thực hiện các kế hoạch tổng thể (Blueprints) về xây dựng Cộng đồng ASEAN.

- Trong KKCL, các nước xác định nguyên tắc xây dựng các hoạt động trong khuôn khổ IAI giai đoạn II là phục vụ mục tiêu xây dựng các cộng đồng, đáp ứng yêu cầu cấp bách của các nước CLMV và chú trọng thêm các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng bên cạnh các hoạt động tăng cường năng lực và phát triển nguồn nhân lực. Nguồn tài trợ cho các hoạt động có thể huy động từ các nước ASEAN, các nước Đối thoại của ASEAN, các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực, khu vực tư nhân, các Quỹ và các tổ chức phi chính phủ.

- Trong KHCT, các nước thống nhất xác định nghiên cứu hoạt động liên quan đến xây dựng Cộng đồng Kinh tế - AEC (93/179 hoạt động) và Cộng đồng Văn hóa Xã hội - ASCC (78/179 hoạt động). Các hoạt động xây dựng Cộng đồng Chính trị An ninh - APSC chỉ được yêu cầu hỗ trợ ở mức độ khiêm tốn (8/179 hoạt động). Mục đích chính của IAI nói chung và các hoạt động đề ra trong dự thảo KHCT nói riêng là giúp tăng cường năng lực cho các nước CLMV; chủ yếu dưới dạng nghiên cứu tư vấn, khóa đào tạo và hội thảo, hầu như không có hoạt động cung cấp trang thiết bị.

6. Hợp tác chuyên ngành

6.1. Hợp tác về năng lượng


Hợp tác Năng lượng ASEAN
Hiệp định Khung về Hợp tác Năng lượng ASEAN (ký tháng 6/1986) đã tạo khuôn khổ cho hợp tác năng lượng giữa các nước trong khối, thông qua việc lập kế hoạch, phát triển, bảo tồn, đào tạo, an ninh năng lượng và trao đổi thông tin. Hiệp định này đã được sửa đổi hai lần vào các năm 1995 và 1997 nhằm mở rộng sự tham gia của các Quốc gia Thành viên và quy định cụ thể hơn về cơ chế thực thi Hiệp định. Các lĩnh vực hợp tác tập trung vào các lĩnh vực: năng lượng mới và năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, khai thác than, quy hoạch và chính sách năng lượng khu vực và an toàn năng lượng hạt nhân.

- Về dự án mạng lưới điện khu vực: Cho đến nay đã có 7 nước ASEAN phê chuẩn Biên bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực điện năng và ASEAN hiện đang thực hiện kế hoạch hành động xây dựng mạng lưới điện khu vực giai đoạn 2008-2015.
- Về lĩnh vực dầu khí, ASEAN đã có Hiệp định An ninh Dầu khí ASEAN (ký tháng 6/1986) giữa 5 nước ASEAN, trọng tâm cơ bản là Chương trình Chia sẻ Dầu trong tình trạng khẩn cấp (thiếu hụt dầu hoặc cung quá lớn). Hiệp định An ninh Dầu khí và Cơ chế Ứng phó khẩn cấp (APSA) đã được ký kết tại dịp Hội nghị Cấp cao 14 (Thái Lan, ngày 1/5/2009).
- Về lĩnh vực năng lượng hạt nhân, Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 12 (Cebu, Philippines 2007), các nhà Lãnh đạo ASEAN đã nhất trí “ASEAN cần phải đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng bằng việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế như nhiên liệu sinh học và năng lượng hạt nhân dân sự”, từ đó giao cho các quan chức năng lượng “nghiên cứu, xem xét việc thành lập một cơ chế an toàn hạt nhân khu vực”. Thực hiện quyết định đó, Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 25 (Singapore, 8/2007) đã nhất trí về nguyên tắc việc thành lập Mạng lưới An toàn Năng lượng Hạt nhân ASEAN (NES-SSN) để bàn các vấn đề an toàn hạt nhân, giao cho các quan chức cao cấp soạn thảo Nội dung Tham chiếu (TOR) và các thành phần của Mạng lưới này.
- Hợp tác năng lượng trong khuôn khổ ASEAN+3 chủ yếu được thực hiện dưới hình thức trao đổi ý kiến, thông tin liên quan đến tình hình năng lượng, giá dầu trên thế giới, vấn đề năng lượng và môi trường, khả năng hợp tác của EAS trong các lĩnh vực như sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, liên kết thị trường năng lượng và sử dụng nhiên liệu sinh học trong giao thông vận tải.

Chủ đề An ninh năng lượng trong ASEAN:

ASEAN là khu vực có nguồn năng lượng đa dạng và sản xuất dầu khí lớn tại Châu Á-TBD. ASEAN kiểm soát 40% nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt trong khu vực Châu Á-TBD và thu nhập 48 tỷ USD mỗi năm từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt (7 thành viên ASEAN có nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt; Brunei và In-đô-nê-xi-a được xếp vào hàng 5 nước đầu thế giới sản xuất khí ga lỏng). Tuy nhiên, ASEAN không đứng ngoài sự tác động của giá dầu tăng cao, một số nước thành viên dễ bị tổn thương trước những biến động trong cung ứng năng lượng do phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ, như Xinh-ga-po, Thái Lan và Phi-lip-pin, do nhu cầu về nguồn năng lượng tăng đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Sự mất ổn định về giá dầu hiện nay không chỉ làm nổi lên vấn đề an ninh năng lượng mà còn gây tác động tiêu cực lên ổn định xã hội ở một số nước trong khu vực.

Hợp tác ASEAN: Thực hiện Chương trình nghị sự về phát triển năng lượng bền vững và Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác Năng lượng (APAEC) giai đoạn 2004-2009 và giai đoạn 2009-2014 tại các lĩnh vực như quy hoạch và phát triển năng lượng khu vực về điện năng, than, dầu mỏ, khí đốt, phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, sử dụng an toàn năng lượng hạt nhân. Với mục tiêu đó, ASEAN đang đẩy mạnh các hoạt động hợp tác về Phát triển và thăm dò các nguồn cung ứng năng lượng mới; Đa dạng hóa các thành phần năng lượng và thúc đẩy các nguồn năng lượng thay thế; Nâng cao hiệu suất và bảo tồn năng lượng; Thúc đẩy năng lượng tái tạo; và Tăng cường sự phối hợp và sẵn sàng ứng phó trước tình trạng khẩn cấp trong trường hợp nguồn cung ứng năng lượng bị phá vỡ. Nhằm đưa ra cơ chế phối hợp hành động và các biện pháp hỗ trợ khắc phục trong giai đoạn khan hiếm dầu mỏ và tình trạng khẩn cấp khi nguồn cung ứng bị phá vỡ hay cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, Hiệp định về an ninh dầu khí (APSA) và Cơ chế ứng phó khẩn cấp đã được ký kết tại Thái Lan, ngày 1/5/2009.

Hợp tác ASEAN + 3: Tập trung vào các lĩnh vực cụ thể dưới hình thức tổ chức các diễn đàn khác nhau trao đổi ý kiến, thông tin liên quan đến an ninh năng lượng, tình hình thị trường dầu mỏ, việc lập các kho dự trữ dầu, năng lượng mới và tái tạo, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, vấn đề khí thiên nhiên. Đáng chú ý có việc các nước trao đổi kinh nghiệm lập các kho dự trữ dầu và tìm cách hạn chế tác động của sự gia tăng giá năng lượng; chú trọng việc thực hiện các nỗ lực nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng các nguồn năng lượng thay thế và tái tạo và đưa vào dây chuyền cung ứng năng lượng trong khu vực; tiến hành các nghiên cứu khả khi nhằm đẩy mạnh các kho dự trữ năng lượng; hợp tác chặt chẽ hơn để duy trì sự ổn định trên thị trường năng lượng khu vực và chuẩn bị đề phòng với những khả năng phá vỡ các nguồn cung ứng. ASEAN và Nhật Bản đang hợp tác thực hiện dự án Kế hoạch hoá cung ứng an ninh năng lượng (ESSPA) và Xúc tiến bảo tồn và sử dụng hiệu quả năng lượng (PROMEEC) đối với các ngành công nghiệp, toà nhà và quản lý năng lượng. Hàn Quốc cũng đề nghị mở rộng phạm vi hợp tác gồm lĩnh vực năng lượng hạt nhân (đưa ra dự án đào tạo nguồn nhân lực và sẽ tài trợ); tuy nhiên, Nhật Bản tỏ ý phản đối, do vậy sẽ nghiên cứu thêm.

Hợp tác Đông Á (EAS): Dưới hình thức trao đổi ý kiến, thông tin liên quan đến tình hình năng lượng, giá dầu trên thế giới, vấn đề năng lượng và môi trường, khả năng hợp tác của EAS trong các lĩnh vực như sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, liên kết thị trường năng lượng, sử nhiên liệu sinh học trong giao thông vận tải.

6.2. Hợp tác về lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp

Hợp tác Nông nghiệp ASEAN:

Hội nghị các Bộ trưởng Nông lâm ASEAN (AMAF) được họp hàng năm. AMAF-35 tổ chức tại Malaysia 11/2013.
AMAF-31 được tổ chức tại Brunei Darussalam vào tháng 10/2009, Bộ trưởng Nông lâm các nước ASEAN đã ký Bản Ghi nhớ Hợp tác về Xúc tiến Thương mại nông lâm sản ASEAN giai đoạn 2009-2014. Biên bản bao gồm các nội dung chính sau: i) các nước thành viên thực thi các nỗ lực chung nhằm xúc tiến thương mại nông lâm sản trên thị trường quốc tế; ii) cam kết tham vấn và hợp tác lẫn nhau nhằm tạo ra một vị thế ASEAN chung trên các diễn đàn quốc tế về các vấn đề liên quan đến nông lâm sản; iii) đẩy mạnh tham vấn và hợp tác nhằm tăng cường thương mại nội khối ASEAN; iv) nâng cao tính cạnh tranh của nông lâm sản, v.v.. Bản ghi nhớ có hiệu lực bắt đầu từ ngày ký và có hiệu lực trong vòng 05 năm.

Chủ đề An ninh lương thực trong ASEAN:

Tại AEM Retreat (2-4/5/2008), các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã ra một Tuyên bố chung về An ninh lương thực, bày tỏ quan ngại về tình hình giá gạo tăng cao cũng như sự khan hiếm gạo sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước thành viên và khẳng định cần có những biện pháp để bình ổn giá gạo và đảm bảo thực hành thương mại công bằng. Ngày 06/5/2008, Tổng thống In-đô-nê-xi-a đề nghị tổ chức HNCC ASEAN đặc biệt về an ninh lương thực để thảo luận biện pháp ứng phó và thúc đẩy hợp tác nhằm đảm bảo cung cấp lương thực cho ASEAN (tuy nhiên do tính cấp bách đã giảm nên không đề cập nữa). HNCC ASEAN lần thứ 14 và 15 và ASEAN+3 lần thứ 12 họp tại Thái Lan đã đưa ra các tuyên bố về: i) Chương trình Khung về An ninh lương thực tổng hợp ASEAN (AIFS); ii) Kế hoạch hành động Chiến lược về An ninh lương thực ASEAN (SPA-FS); iii) Tuyên bố Bangkok về An ninh lương thực Khu vực ASEAN. Đồng thời, ASEAN cũng thực hiện Quỹ gạo khẩn cấp ASEAN+3 nhằm cứu trợ khẩn cấp khi thiên tai. Ngoài ra, ASEAN cũng đang triển khai hệ thống an ninh lương thực ASEAN (AFSIS), cùng một số diễn đàn như: Diễn đàn thông tin cảnh báo sớm về an ninh lương thực, Hội nghị ASEAN+3 về diễn đàn khí sinh học, Hội nghị bàn tròn về chiến lược Hợp tác an ninh lương thực ASEAN+3.

Hiệp định thành lập Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 được ký tháng 10/2011.

6.3. Hợp tác về tài chính

Tiến trình hợp tác tài chính trong ASEAN tập trung vào các hoạt động: Thực hiện Lộ trình hội nhập tài chính - tiền tệ ASEAN vào năm 2020; Thực hiện Cơ chế giám sát kinh tế ASEAN; Xây dựng Kế hoạch tổng thể hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào 2015; và các chương trình hợp tác tài chính ASEAN khác.

Lộ trình hội nhập tài chính - tiền tệ ASEAN: Lộ trình hội nhập tài chính - tiền tệ ASEAN đã được các Nhà Lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua vào tháng 10/2003. Mục tiêu là hướng tới sự hội nhập thị trường tài chính- tiền tệ ASEAN sâu rộng vào năm 2020. Lộ trình tập trung vào 4 lĩnh vực: Phát triển thị trường vốn; Tự do hoá tài khoản vốn; Tự do hoá lĩnh vực dịch vụ tài chính ASEAN và Hợp tác tiền tệ ASEAN.

Cơ chế giám sát ASEAN: Cơ chế giám sát kinh tế ASEAN (ASR) được thiết lập từ năm 1997 với nội dung (i) Kiểm điểm kinh tế định kỳ 2 lần/năm để đánh giá tình hình kinh tế và tài chính khu vực, đưa ra các khuyến nghị chính sách; (ii) cung cấp hệ thống cảnh báo sớm về các cuộc khủng hoảng tương lai nhằm có các biện pháp ứng phó kịp thời; (iii) trao đổi thông tin về diễn biến và triển vọng kinh tế thế giới. Đây là chương trình hoạt động mang đặc thù riêng của kênh hợp tác tài chính.

Các hợp tác tài chính ASEAN khác: Hiện nay, các nội dung hợp tác tài chính khác trong ASEAN bao gồm hợp tác về thuế, hợp tác hải quan (cơ chế một cửa, xây dựng danh mục AHTN, hải quan quan điện tử), chương trình xúc tiến đầu tư của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN, hợp tác chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, cải cách hệ thống tài chính quốc tế v.v...
Hợp tác tài chính ASEAN + 3 tập trung các hoạt động: (i) Triển khai Sáng kiến phát triển thị trường trái phiếu ASEAN+3 (ABMI); (ii) Triển khai Sáng kiến Chiềng Mai (CMI) và (iii) Thực hiện nghiên cứu trong khuôn khổ Nhóm nghiên cứu ASEAN + 3.

ABMI được khởi xướng vào năm 2003 với mục tiêu: (i) phát triển có hiệu quả và sâu rộng các thị trường trái phiếu trong khu vực; và (ii) tăng cường hợp tác qua biên giới giữa các thị trường. Trong năm 2007-2008, các nước nhất trí: (i) nghiên cứu các công cụ tài chính mới để huy động vốn cho dự án cơ sở hạ tầng nhằm góp phần giải quyết những khó khăn trong việc huy động vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng hiện nay trong khu vực; (ii) Tiếp tục nghiên cứu những hoạt động hợp tác khu vực về cơ chế bảo lãnh, đầu tư và các định mức tín nhiệm; và (iii) Tăng cường trao đổi và công bố thông tin về tình hình thị trường trái phiếu của các nước thành viên trên trang web chung về các thị trường trái phiếu ASEAN + 3.

CMI được các Bộ trưởng Tài chính ASEAN + 3 thông qua tháng 05/2000 nhằm tăng cường hợp tác và hỗ trợ trong khu vực để ngăn chặn hoặc/và đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Với mục tiêu: (i) hỗ trợ những khó khăn tạm thời về cán cân thanh toán của các nước trong khu vực; và (ii) bổ sung cho các thoả thuận hỗ trợ tài chính hiện hành của các tổ chức tài chính quốc tế, nội dung chính của Sáng kiến gồm:

(i) Mở rộng quy mô vốn và thành viên tham gia của mạng lưới thoả thuận hoán đổi ASEAN để hỗ trợ tài chính lẫn nhau khi có khó khăn tạm thời về cán cân thanh toán.
(ii) Thiết lập một mạng lưới thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương giữa các nước ASEAN + 3 nhằm tạo ra cơ chế hỗ trợ tài chính ngắn hạn trong khu vực khi có nước thành viên có khó khăn tạm thời về cán cân thanh toán.
(iii) Tăng cường cơ chế giám sát trong khu vực ASEAN + 3 ở cấp Bộ truởng và Thứ trưởng Tài chính để tăng cường cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình kinh tế-tài chính của khu vực, từng nước thành viên và những vấn đề thời sự quan tâm của khu vực để cùng đưa ra những biện pháp/khuyến nghị ở cấp khu vực nhằm ngăn chặn những rủi ro tiềm tàng có thể gây nên khủng hoảng tài chính khu vực.

Tuy nhiên, mạng lưới hoán đổi song phương hiện nay của ASEAN + 3 có những hạn chế nhất định như: cơ chế điều phối ở cấp khu vực rất phức tạp khi ràng buộc pháp lý giữa các nước lại tồn tại dưới dạng các thoả thuận song phương, mức độ cam kết cho vay vốn thấp và chưa thể hiện một tiếng nói chung của cả khu vực. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện mạng lưới hoán đổi song phương, ASEAN + 3 đã thực hiện Thỏa thuận Đa phương CMI (CMIM).
Về hợp tác hải quan: ASEAN hiện đang xây dựng Cơ chế Hải quan một cửa (ASW) nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và di chuyển hàng hóa thông qua việc thành lập một khuôn khổ trao đổi thống nhất giữa các cơ quan chính phủ và người sử dụng, bao gồm các doanh nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và dịch vụ logistics.

Các nước thành viên ASEAN đã có những nỗ lực lớn trong tiến trình xây dựng ASW thông qua việc tạo nền móng đảm bảo việc phối hợp hoạt động và kết nối giữa các hệ thống xử lý thông tin tự động khác nhau.

Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po và Thái Lan đã hoàn thành Cơ chế một cửa Quốc gia (NSW) của mình và hiện đang trong các giai đoạn vận hành khác nhau. Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam đã bắt đầu xây dựng nền tảng để phát triển Cơ chế một cửa Quốc gia (NSW) của mình. Ở cấp độ quốc gia, các cơ quan Chính phủ đã thiết lập những mối liên kết chức năng giữa các NSW với mục đích thúc đẩy tiến độ giải phóng hàng tại Hải Quan.

ASEAN đã bắt tay vào là thí điểm Dự án ASW nhằm mục đích xây dựng mô hình thử nghiệm kỹ thuật của ASW từ 2010. Biên bản ghi nhớ để thực hiện dự án thí điểm ASW đã được hoàn tất, cung cấp cơ sở pháp lý cho các hoạt động được tiến hành theo các dự án thí điểm này.
Các lĩnh vực trọng điểm được các nước quan tâm trong quá trình xây dựng ASW là: quy trình xử lý, hài hoà hóa dữ liệu, quy tắc trao đổi thông tin, an ninh và khung pháp lý.

Quan hệ đối tác với cộng đồng doanh nghiệp cần phải được thúc đẩy vì cộng đồng này đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa ASW, như được nêu rõ trong Hiệp định thành lập và thực hiện ASW và Nghị định thư thiết lập và thực hiện ASW.

ASEAN đã thành lập Quỹ Cơ sở Hạ tầng ASEAN (AIF); Văn phòng Giám sát Tài chính và Kinh tế Vĩ mô (MFSO) tại Ban thư ký ASEAN; thống nhất thành lập Cơ chế Bảo lãnh tín dụng và Đầu tư ASEAN+3 (CGIF) với quy mô vốn ban đầu là 700 triệu đôla Mỹ; Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 tại Singapore nhằm tăng cường cơ chế giám sát kinh tế vĩ mô khu vực để hỗ trợ vận hành CMIM.

6.4. Hợp tác về khoáng sản

ASEAN là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, bao gồm nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng. Ss cũng sở hữu phần lớn dự trữ thế giới đối với một số loại khoáng sản đặc biệt. Tuy chỉ chiếm một phấn nhỏ trong GDP của khu vực nhưng ngành khoáng sản đang trở nên ngày càng quan trọng trong ASEAN. Ngành công nghiệp khai khoáng đang được kỳ vọng sẽ bùng nổ trong vòng 20 năm tới để đáp ứng nhu vầu ngàng càng tăng từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, sản xuất hàng hóa,..v.v. Hiện thực này đã và đang tạo cơ hội cho các nước ASEAN tận dụng nguồn dự trữ khoáng sản của mình cho mục đích thương mại.
Nắm bắt được thực tế này, Hội nghị Bộ trưởng Khoáng sản ASEAN được thành lập vào năm 2005 và được thống nhất họp 3 năm một lần.

6.5. Hợp tác về giao thông-vận tải

Hợp tác GTVT ASEAN:
Tính đến nay ASEAN đã xây dựng và triển khai một số chương trình hành động trong các giai đoạn 1996-1998, 1999-2004, 2005-2010, 2011-2015. HN BT Giao thông ASEAN (ATM) lần thứ 16 tổ chức tại Brunei tháng 12/2010 đã thông qua Kế hoạch Chiến lược GTVT ASEAN (ASTP) 2011-2015, có tên gọi Kế hoạch Hành động Brunei (BAP) 2011-2015. Hội nghị ATM-19 tổ chức tại Pắc-xế, Lào tháng 12/2013 là hội nghị gần đây nhất.

a) Vận tải hàng không
Hiệp định đa biên ASEAN về Vận tải Hàng không và Hiệp định đa biên ASEAN về tự do hóa hoàn tonà Dịch vụ Vận tải Hàng hóa Hàng không đã được ký tháng 5/2009, có hiệu lực vào tháng 10/2009. Hiệp định đa biên ASEAN về tự do hóa hoàn toàn vận chuyển hành khách hàng không (MAFLPAS) cũng đã được ký tại HN ATM 16 (tháng 12/2010). Các hiệp định này đã tạo cơ sở cho việc thực hiện SAM vào năm 2015 và cũng là nền tảng để ASEAN thông qua các sáng kiến tăng cường các thỏa thuận bầu trời mở/tiếp cận hàng không với các nước đối thoại như TQ, Ấn Độ, EU.
12/2013, các nước ASEAN đã ký Nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ 8 Dịch vụ Vận tải Hàng không trong HĐ khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS).

b) Vận tải mặt đất
Tâm điểm hợp tác của Nhóm công tác Vận tải mặt đất (LTWG) là việc thành lập một mạng lưới cơ sở hạ tầng vận tải mặt đất hài hòa và kết hợp, cải thiện tình trạng kết nối các mạng lưới vận tải, kết hợp và hài hòa các luật lệ và quy định về vận tải mặt đất tương ứng.
Hai dự án trọng điểm là Dự án Đường sắt Singapore-Côn Minh (SKRL) và Dự án Mạng đường bộ ASEAN (AHN).

Dự án SKRL:

Tuyến đường SKRL sẽ chạy từ Singapore, qua Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, trước khi kết thúc tại Côn Minh (TQ).
HN ATM 15 ghi nhận rằng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát tiến độ cũng như tổng hợp các thông tin của dự án SKRL, một Biểu thông tin tình hình xây dựng SKRL đã được Malaysia lập ra và ghị nhận việc Nhóm công tác SKRL thống nhất về nguyên tắc sẽ hoàn thành dự án SKRL vào năm 2015 phù hợp với việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Trong tâm của dự án SKRL hiện nay là tập trung xây dựng các đoạn chưa có đường (missing links). Các đoạn chưa có đường của VN là Lộc Ninh –HCMC và Mụ Giạ - Tân Ấp-Vũng Áng cần hoàn thành trước năm 2020.

Dự án AHN

Mục tiêu chung của dự án là phát triển mạng lưới giao thông xuyên ASEAN thành các trục đường chính hoặc các hành lang chủ yếu để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế và từng bước tham gia vào việc lưu chuyển hàng hóa và hành khách trong ASEAN; hình thành kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ ASEAN theo tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất giữa các nước ASEAN, đồng thời đưa ra các dự án ưu tiên mang ý nghĩa khu vực nhằm huy động vốn đầu tư, thông qua đó thúc đẩy việc hợp tác quốc tế và khu vực, tạo thành mối liên kết đường bộ trong nội bộ ASEAN.

Mạng đường bộ ASEAN có chiều dài hơn 38.400 km, bao gồm 23 tuyến đường khác nhau của 10 nước ASEAN. Việc khôi phục và nâng cấp các tuyến đường bộ tham gia mạng đường bộ ASEAN dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Trên cơ sở mạng đường bộ ASEAN được hình thành, các nước thành viên ASEAN sẽ chỉ định một số tuyến đường là tuyến vận tải quá cảnh giữa các nước ASEAN. HN ATM 12 (tháng 2/2007) đã ký NĐT 1 (Chỉ định các Tuyến Vận tải Quá cảnh và các Phương tiện Kỹ thuật có liên quan) của HĐ khung ASEAN về Tạo thuận lợi cho Hàng hóa Quá cảnh.
VN cần nâng cấp các đoạn dưới cấp 2 và cấp 3 có lưu lượng phương tiện lớn lên cấp 1 vào năm 2020; nâng cấp đoạn mở rộng AHN tới TQ và ÂĐ, đặc biệt là đoạn từ Hà Nội qua phía bắc Lào, qua Myanmar tới biên giới Ấn Độ vào năm 2015.

An toàn đường bộ:

ASEAN đang hợp tác với Tổ chức An toàn Đường bộ Toàn cầu (GRSP) của WB để thực hiện Chiến lược và Kế hoạch Hành động An toàn Đường bộ Khu vực ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề an toàn đường bộ mà phần lớn các nước ASEAN đang gặp phải và ủng hộ việc thành lập Nhóm công tác đặc biệt về an toàn đường bộ liên ngành ASEAN, theo đó củng cố hơn nữa năng lực thể chế của các nước thành viên ASEAN giải quyết vấn đề an toàn đường bộ hiệu quả hơn thông qua việc triển khai các hoạt động, hệ thống, các cơ chế phối hợp phù hợp, bao gồm đào tạo kỹ năng chuyên nganh chính trong khu vực.

c) Vận tải đường biển:

Lộ trình tiến tới Vận tải biển cạnh tranh và thống nhất giữa các nướ\c ASEAN (thông qua tại ATM 13, Singapore tháng 11/2007) đưa ra khuôn khổ phát triển một khu vực cảng và vận tải biển ASEAN hội nhập và cạnh tranh trên toàn cầu bằng việc phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường pháp lý, hài hòa hóa tiêu chuẩn và xây dựng năng lực của các tổ chức và nguồn nhân lực.

Tự do hoá dịch vụ vận tải biển được thực hiên thông qua các cam kết trong phân ngành dịch vụ vận tải biển quốc tế (hàng hoá và hành khách, không bao gồm vận tải nội địa), dịch vụ bốc xếp hàng hoá tại cảng biển, dịch vụ đại lý vận tải biển...vv. Tuy vậy, trong thực tế việc đàm phán dịch vụ vận tải biển tiến triển không được tốt như mong muốn ban đầu của ASEAN, nhiều nước không đưa ra được bản chào tích cực, thậm chí còn rút lại bản chào ban đầu với lý do các cơ quan trong nước chưa thống nhất.

d) Tạo thuận lợi cho vận tải

Đến nay, ba Hiệp định về tạo thuận lợi đã được ký kết, bao gồm: Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho Hàng hoá Quá cảnh (AFAFGIT); Hiệp định khung ASEAN về Vận tải Đa phương thức; và Hiệp định Tạo thuận lợi Vận tải liên quốc gia (AFAFIST).
Hợp tác GTVT ASEAN và các nước đối thoại.

(i) Hợp tác ASEAN – Trung Quốc
Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN – Trung Quốc họp mỗi năm một lần, hội nghị các quan chức GTVT ASEAN-Trung Quốc họp mỗi năm hai lần. Lúc đầu hợp tác giữa ASEAN-Trung Quốc tập trung vào các ngành hàng hải và đường sông, sau này mở rộng thêm về đường bộ và hàng không, chủ yếu thông qua các hoạt động hội thảo, hội nghị, diễn đàn. 2/9/2013, Trung Quốc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng GTVT đặc biệt lần thứ nhất về kết nối ASEAN-Trung Quốc đặc biệt chú trọng đến kết nối hạ tầng cảng biển trong khu vực.

Các văn bản thỏa thuận hợp tác đã ký/thông qua:
(i) “Bản ghi nhớ về hợp tác GTVT” (Viêng Chăn, 11/2004) Bản thỏa thuận này nhằm tăng cường việc trao đổi chính sách và thông tin giữa hai bên, cũng như thực hiện các dự án và hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng KCHT GTVT; tạo thuận lợi cho GTVT; An toàn và an ninh hàng hải; Vận tải hàng không; Phát triển nguồn nhân lực.
(ii) “HĐ vận tải biển” (Singapore, 11/2007).
(iii) “Khung hợp tác hàng không dân dụng” (Singapore, 11/2007), trong đó đưa ra các nguyên tắc mang tính hướng dẫn cho việc hợp tác và tạo thuận lợi vận tải hàng không, bao gồm tự do hóa dịch vụ hàng không, an toàn và an ninh hàng không, cơ sở hạ tầng sân bay và phát triển nguồn nhân lực, và ưu tiên đàm phán HĐ Vận chuyển hàng không giữa ASEAN và TQ để sớm ký kết HĐ nhằm hỗ trợ việc thành lập ACFTA.
iv) Điều khoản tham chiếu Cuộc họp quan chức ASEAN-TQ về hợp tác cảng biển được các BT GTVT nhất trí về nguyên tắc ngày 7/11/2008.
v) KH Chiến lược GTVT ASEAN-TQ được các BTrưởng thông qua về nguyên tắc ngày 7/11/2008.
vi) Chương trình công tác thực hiện KHCL GTVT ASEAN-TQ được các BT thông qua tại ATM+TQ lần thứ 8 (12/2009).
vii) HĐ vận tải Hàng không ASEAN-TQ đã được ký tại HN ATM+TQ 10 (12/2010, Brunei). Hiện các nước đang tiến hành thủ tục nội bộ để phê duyệt.
viii) Bản ghi nhớ về Cơ chế tham vấn hàng hải (Brunei, 12/2010), nhằm mục đích tăng cường mqh hợp tác giữa ASEAN-TQ trong lĩnh vực hàng hải liên quan đến hợp tác về kiểm tra nhà nước tại cảng biển, bảo vệ môi trường biển chống ô nhiễm, an ninh hàng hải, huấn luyện và cấp chứng chỉ thuyền viên, điều tra tai nạn và sự cố hàng hải thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng năng lực.

(2) Hợp tác ASEAN – Nhật Bản
Hội nghị Bộ trưởng và Hội nghị các quan chức GTVT ASEAN – Nhật Bản cũng có cơ chế họp như với Trung Quốc. Về nội dung, khác với Trung Quốc, hợp tác ASEAN - Nhật Bản được tiến hành một cách thực chất, Nhật Bản tài trợ trực tiếp cho các dự án. Hiện nay giữa ASEAN và Nhật Bản có nhiều dự án hợp tác về GTVT, tập trung vào các lĩnh vực: Tạo thuận lợi cho vận tải hàng hoá và logistics; đường bộ; hàng hải; hàng không; đào tạo và trao đổi thông tin. Trên cơ sở các dự án hợp tác ASEAN-Nhật Bản, Nhật Bản thường tổ chức gặp gỡ ở cấp STOM để đề ra kế hoạch công tác cho từng năm thực hiện dự án và đề nghị bổ sung các dự án mới.

Trong các dự án hợp tác GTVT ASEAN - Nhật Bản có nhiều dự án được triển khai tốt, trong đó có kế hoạch cải thiện logistics và nội dung hợp tác về kế hoạch hành động an ninh hàng hải và hàng không ASEAN - Nhật Bản.
(i) Tại ATM ASEAN+Nhật Bản lần thứ 4 (Băng cốc, Thái Lan, 2/2007), Tuyên bố chung về an ninh GTVT ASEAN-Nhật Bản đã được thông qua, trong đó nêu rõ hai bên sẽ tìm mọi biện pháp để ngăn ngừa các hành động khủng bố chống lại các phương thức vận tải, chú trọng việc giúp đỡ xây dựng năng lực, tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, hàng không và đường bộ dựa trên các công ước quốc tế.
(ii) Tại ATM ASEAN+Nhật Bản lần thứ 5 (Singapore, 11/2007), thông qua Lộ trình an ninh hàng không khu vực ASEAN-Nhật Bản (RRMAS) nhằm tạo ra một khung hợp tác để tăng cường hơn nữa an ninh hàng không thông qua kế hoạch cải thiện và các hoạt động hỗ trợ thực hiện, nhằm thực hiện Tuyên bố chung về an ninh GTVT ASEAN-Nhật Bản.
(iii) Tại ATM ASEAN+Nhật Bản lần thứ 6 (Philippines, 11/2008), thông qua:
“Hướng dẫn Sân bay sinh thái ASEAN-Nhật Bản” nhằm tăng cường các biện pháp và chính sách quan trọng cho việc cải thiện điều kiện môi trường của sân bay trong khu vực ASEAN-Nhật Bản. Hướng dẫn này không có tính ràng buộc và được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.
“Chương trình đào tạo quốc tế cho các thuyền viên” nhằm mục đích tăng cường năng lực cho các thuyền viên ASEAN. Sẽ có 3 dự án chính được tiến hành với sự tham gia của các cơ quan chính phủ liên quan, khu vực tư nhân và cơ sở đào tạo.
(iv) ATM+NHật Bản 7 (Hà Nội, 12/2009), thông qua:
Sáng kiến HN về “KH hành động ASEAN-Nhật Bản về Cải thiện môi trường trong lĩnh vực GTVT” giai đoạn 2010-2014, nhằm đưa ra một khuôn khổ cơ bản để các nước thành viên thực hiện các biện pháp môi trường trong GTVT một cách có hệ thống và chiến lược để hiện thực hóa các hệ thống giao thông hàm lượng cacbon và ô nhiễm thấp nhằm đạt được sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững.
(v) Hội nghị ATM-Nhật Bản lần thứ 8 (12/2010, Brunei), thông qua đề xuất của NHậT BảN về “Chương trình Hợp tác ASEAN-Nhật Bản về Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và Thiết lập hệ thống phê duyệt kiểu dáng phương tiện” tập trung vào phát triển nguồn nhân lực thông qua đối thoại chính sách, diễn đàn công tư, các khóa đào tạo và phái cử chuyên gia.

Vừa qua, Nhật Bản đã quyết định thông qua Quỹ Hội nhập NHật Bản-ASEAN (JAIF) viện trợ 20 triệu USD cho các nước CLMV, trong khuôn khổ hợp tác Mê Kông- Nhật Bản, để phát triển hạ tầng phần mềm hành lang kinh tế Đông-Tây hiện nay và hành lang kinh tế Đông-Tây thứ 2 từ HCMC-Phnôm Pênh-Băng Cốc. Nhật Bản đã xem xét hỗ trợ 2,3 triệu USD để hình thành một trung tâm đào tạo dịch vụ logistic của Tiểu vùng Mê Công ở VN, nhằm nâng cao năng lực dịch vụ vận tải, tiếp vận của tiểu vùng Mê Công.

(3) Hợp tác ASEAN-Hàn Quốc
Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN-Hàn Quốc lần thứ nhất (Hà Nội, 11/2009) thông qua Khung hợp tác GTVT, theo đó, hai bên sẽ hợp tác trong lĩnh vực vận tải mặt đất, hàng không, hàng hải và tạo thuận lợi GTVT thông qua việc thực hiện các dự án và hoạt động chung.
Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 2 (Brunei, 11/2010), thông qua Lộ trình Hợp tác GTVT, bao gồm 27 dự án trong các lĩnh vực logistics, hàng không, đường bộ, đường sắt, vận tải biển/cảng biển, và vận tải đường thủy nội địa để thực hiện giai đoạn 2010-2015.
Hiện nay, ASEAN và Hàn Quốc đang đàm phán Hiệp định Vận tải Hàng không.

6.6. Hợp tác Tiểu vùng Mê công

GMS được hình thành năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). GMS là chương trình hợp tác hoàn chỉnh nhất trong hợp tác Tiểu vùng Mê Công, bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. GMS ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, viễn thông, du lịch, thương mại- đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và môi trường. Hạ tầng giao thông là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu, tập trung vào các hàng lang kinh tế, trong đó có Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) chạy ngang Tiểu vùng từ cảng Đà Nẵng, Việt Nam dọc quốc lộ 9 qua Lào và Thái Lan tới Mianma. GMS có cơ chế họp Hội nghị cấp cao và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao.

II. Các khuôn khổ và lĩnh vực hợp tác trong AEC

1.Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM)


Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) là Hội nghị thường niên và quan trọng nhất của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN trong năm nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị cấp cao ASEAN. Hội nghị là dịp để các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN kiểm điểm lại tình hình và kết quả triển khai các biện pháp thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN, hướng tới mục tiêu thiết lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng sẽ tiến hành các cuộc họp tham vấn với Bộ trưởng Kinh tế các nước đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Hoa Kỳ để rà soát và tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, và đầu tư.
AEM được tổ chức mỗi năm 1 lần từ năm 1975 nay. AEM lần thứ 42 diễn ra tại Đà Nẵng vào cuối tháng 8/2010 khi Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN. Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 43 (08/2011, Ma-na-đô, In-đô-nê-xi-a), lần thứ 44 (8/2012, Xiêm Riệp, Căm-pu-chia) và lân thứ 45 (8/2013, Bru-nây Đa-ru-xa-lam) là các Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN gần đây nhất.

AEM có nhiệm vụ giám sát và chỉ đạo hoạt đ...
Bình luận (0)
CD
31 tháng 1 2018 lúc 11:31
Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN; nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài. Cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội. Quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng như mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN (nhất là IAI) được lồng ghép vào nội dung của từng trụ cột Cộng đồng ASEAN. Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) nhằm mục tiêu là tạo dựng một môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực ĐNA thông qua việc nâng hợp tác chính trị - an ninh ASEAN lên tầm cao mới, với sự tham gia và đóng góp xây dựng của các đối tác bên ngoài; không nhằm tạo ra một khối phòng thủ chung. Kế hoạch hành động xây dựng APSC (được thông qua tại Cấp cao ASEAN-10, tháng 11/2004) đã khẳng định lại các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội và đề ra 6 lĩnh vực (thành tố) hợp tác chính gồm: (i) Hợp tác chính trị; (ii) Xây dựng và chia sẻ chuẩn mực ứng xử; (iii) Ngăn ngừa xung đột; (iv) Giải quyết xung đột; (v) Kiến tạo hòa bình sau xung đột; và (vi) Cơ chế thực hiện. Kèm theo đó là danh mục 75 hoạt động cụ thể để xây dựng APSC. Tuy nhiên, Kế hoạch Hành động về APSC cũng như VAP không quy định mục tiêu cụ thể và lộ trình thực hiện đối với các hoạt động thuộc 6 thành tố nói trên. Kế hoạch tổng thể về APSC mà ASEAN đang soạn thảo sẽ tập trung vào khía cạnh này, cụ thể hóa các hoạt động hợp tác về chính trị - an ninh. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) nhằm mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn với đầu tư – kinh doanh từ bên ngoài. Trên cơ sở kết quả thực hiện VAP (phần về AEC), nhất là việc đã cơ bản hoàn thành Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), ASEAN đã nhất trí thông qua Kế hoạch tổng thể về AEC với những đặc điểm và nội dung sau :  Đến năm 2015, ASEAN sẽ trở thành : (i) một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề ; (ii) Một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao; (iii) Một khu vực phát triển kinh tế đồng đều, nhất là thực hiện có hiệu quả Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI); (iv) Một khu vực ASEAN hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời, ASEAN nhất trí đề ra Cơ chế thực hiện và Lộ trình chiến lược thực hiện Kế hoạch tổng thể. ASEAN cũng nhất trí xác định 12 lĩnh vực ưu tiên đẩy nhanh liên kết với lộ trình hoàn thành đến năm 2010, đó là: Hàng nông sản; Ô tô; Điện tử; Nghề cá; Các sản phẩm từ cao su; Dệt may; Các sản phẩm từ gỗ; Vận tải hàng không; Thương mại điện tử ASEAN; Chăm sóc sức khoẻ; Du lịch; và Logistics. Để đẩy mạnh các nỗ lực hình thành Cộng đồng Kinh tế (AEC), ASEAN đã thông qua Kế hoạch tổng thể xây dựng trụ cột này, là một bộ phận trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN được thông qua tại HNCC ASEAN-14 (tháng 2/2009), với các quy định chi tiết về định nghĩa, quy mô, cơ chế và lộ trình thực hiện AEC. Cộng đồng Văn hóa-Xã hội (ASCC) với mục tiêu là phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN, sẽ tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến bình đẳng và công bằng xã hội, bản sắc văn hóa, môi trường, tác động của toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ. Chương trình hành động Viên chăn (VAP) và KHHĐ về ASCC đã xác định 4 lĩnh vực hợp tác (thành tố) chính là : (i) Tạo dựng cộng đồng các xã hội đùm bọc; (ii) Giải quyết những tác động xã hội của hội nhập kinh tế; (iii) Phát triển môi trường bền vững; (iv) Nâng cao nhận thức và bản sắc ASEAN. Hàng loạt biện pháp/hoạt động cụ thể đã được đề ra trong từng lĩnh vực hợp tác này. Theo đó, hợp tác ASEAN đã và đang được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực khác nhau như : văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học – công nghệ, môi trường, y tế, phòng chống ma tuý, buôn bán phụ nữ và trẻ em, HIV/AIDS, bệnh dịch, … Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện KHHĐ về ASCC là thiếu nguồn lực. Đây là vấn đề ASEAN đang phải tập trung xử lý trong thời gian tới. Quá trình xây dựng Kế hoạch tổng thể về ASCC cũng phải tính đến việc huy động nguồn lực. Tương tự như các trụ cột Cộng đồng Chính trị-An ninh và Kinh tế, Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa-xã hội (ASCC), một bộ phận của Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đang được ASEAN đẩy mạnh triển khai, tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như: phát triển nguồn nhân lực, phúc lợi và bảo trợ xã hội, quyền và công bằng xã hội, đảm bảo môi trường bền vững, xây dựng bản sắc ASEAN
Bình luận (0)
H24
1 tháng 4 2019 lúc 18:43

Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN; nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài. Cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành dựa trên ba trụ cột là Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC). Quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng như mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, nhất là Sáng kiến hội nhập kinh tế ASEAN (IAI), và Chương trình tổng thể kết nối ASEAN (MPAC), được lồng ghép vào nội dung của từng trụ cột Cộng đồng ASEAN.

1. Cộng đồng APSC nhằm tạo dựng một môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực Ðông - Nam Á thông qua việc nâng hợp tác chính trị - an ninh ASEAN lên tầm cao mới, với sự tham gia và đóng góp xây dựng của các đối tác bên ngoài; không nhằm tạo ra một khối phòng thủ chung. Kế hoạch hành động xây dựng APSC (được thông qua tại Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 10, tháng 11-2004) đã khẳng định lại các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội và đề ra sáu lĩnh vực (thành tố) hợp tác chính, gồm: Hợp tác chính trị; xây dựng và chia sẻ chuẩn mực ứng xử; Ngăn ngừa xung đột; giải quyết xung đột; kiến tạo hòa bình sau xung đột; và cơ chế thực hiện. Kèm theo đó là danh mục 75 hoạt động cụ thể để xây dựng APSC.

2. Cộng đồng AEC nhằm tạo một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn với đầu tư - kinh doanh từ bên ngoài. Trên cơ sở kết quả thực hiện Chương trình Hành động Viêng Chăn (VAP, phần về AEC), nhất là việc đã cơ bản hoàn thành Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), ASEAN đã nhất trí thông qua Kế hoạch tổng thể về AEC với những đặc điểm và nội dung sau: Ðến năm 2015, ASEAN sẽ trở thành một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao, một khu vực phát triển kinh tế đồng đều, nhất là thực hiện có hiệu quả IAI, một khu vực ASEAN hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu. Ðồng thời, ASEAN nhất trí đề ra cơ chế thực hiện và lộ trình chiến lược thực hiện Kế hoạch tổng thể.

3. Cộng đồng ASCC với mục tiêu là phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN, sẽ tập trung xử lý các vấn đề liên quan bình đẳng và công bằng xã hội, bản sắc văn hóa, môi trường, tác động của toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ. VAP và Kế hoạch hành động về ASCC đã xác định bốn lĩnh vực hợp tác chính là: Tạo dựng cộng đồng các xã hội đùm bọc; giải quyết những tác động xã hội của hội nhập kinh tế; phát triển môi trường bền vững; nâng cao nhận thức và bản sắc ASEAN. Hàng loạt biện pháp, hoạt động cụ thể đã được đề ra trong từng lĩnh vực hợp tác này.

Năm 2015 đánh dấu 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng hơn vào ASEAN và đã có những đóng góp tích cực vào công việc chung của ASEAN, cùng ASEAN hướng tới xây dựng Cộng đồng. Cụ thể là: Việt Nam cùng các nước ASEAN hoạch định những chính sách, định hướng và tiêu chí lớn cho mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, trong đó có Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, Hiến chương ASEAN... Việt Nam cũng rất tích cực đóng góp vào việc tăng cường đoàn kết ASEAN, giúp ASEAN đạt được các mục tiêu chung; đồng thời tích cực đóng góp vào môi trường hòa bình, ổn định và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN khi ASEAN hợp tác sâu rộng hơn với các nước đối tác, cũng như xây dựng các chuẩn mực ứng xử khu vực và cấu trúc khu vực ổn định.

Bình luận (0)
LA
Xem chi tiết
NY
Xem chi tiết
TP
5 tháng 2 2018 lúc 21:31

Bốn đặc điểm đồng thời là yếu tố cấu thành của AEC:
- Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua: Tự do lưu chuyển hàng hoá; Tự do lưu chuyển dịch vụ; Tự do lưu chuyển đầu tư; Tự do lưu chuyển vốn và Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề.
- Một Khu vực kinh tế cạnh tranh, được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử.
- Phát triển kinh tế cân bằng, được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.
- Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu (WTO).

Bình luận (0)
ML
Xem chi tiết
QL
7 tháng 11 2023 lúc 16:00

- Cơ hội:

+ Nền kinh tế Việt Nam được hội nhập với nền kinh tế trong khu vực;

+ Tạo điều kiện để nền kinh tế nước ta thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực;

+ Tiếp thu những thành tựu về khoa học kĩ thuật tiên tiến nhất của thế giới để phát triển kinh tế;

+ Có điều kiện để thu hút nguồn vốn đầu tư; tiếp thu, học hỏi trình độ quản lí của các nước trong khu vực;

+ Giao lưu về văn hóa, giáo dục, khoa học - kĩ thuật, y tế, thể thao với các nước trong khu vực.

- Thách thức:

+ Nếu không tận dụng cơ hội để phát triển thì nền kinh tế nước ta có nguy cơ tụt hậu với các nước trong khu vực.

+ Sự cạnh tranh quyết liệt giữa Việt Nam với các nước trong khu vực;

+ Hội nhập dễ bị “hòa tan”, đánh mất bản sắc và truyền thống của dân tộc.

Bình luận (0)
HB
Xem chi tiết
NH
14 tháng 2 2017 lúc 12:00

Gợi ý: Xem lại kiến thức về các lĩnh vực hoạt động của Việt Nam với ASEAN.

Giải thích: Về kinh tế, Việt Nam xuất khẩu gạo sang In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin và Ma-lai-xi-a, tham gia nhiều dự án phát triển kinh tế khu vực, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu của nước ta từ khu vực là phân bón, thuốc trừ sâu, hàng tiêu dùng,…

Chọn: A.

Bình luận (0)
NH
Xem chi tiết
PH
7 tháng 8 2017 lúc 14:25

Đáp án D

Cộng đồng kinh tế ASEAN là một trong ba trụ cột của cộng đồng ASEAN được thành lập năm 2015. Việc tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ đặt Việt Nam đứng trước nhiều thách thức như:

- Vấn đề bảo đảm việc làm cho lao động trong nước: tham gia AEC tức là Việt Nam sẽ phải mở cửa để lao động các nước ASEAN có thể tự do vào làm việC. Điều này sẽ dẫn tới việc giảm số lượng việc làm cho người Việt, gây ra áp lực việc làm cho xã hội

- Nền sản xuất trong nước bị cạnh tranh: tham gia AEC Việt Nam sẽ phải xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với các mặt hàng của các nước ASEAN, nền bảo hộ sản xuất trong nước bị gỡ sẽ tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa hàng hóa Việt Nam với hàng hóa nước ngoài có chất lượng tốt, giá cả hợp lý

=> Nếu không tận dụng tốt các điều kiện thuận lợi thì Việt Nam sẽ bị tiếp tục bị tụt hậu rất xa so với nhiều nước trong khu vực

Bình luận (0)
ML
Xem chi tiết
ND
8 tháng 8 2023 lúc 19:33

Tham khảo:

- Hợp tác trên lĩnh vực kinh tế: Các nước ASEAN đã đẩy mạnh hợp tác toàn diện kinh tế thông qua các hiệp định, xây dựng các khu vực thương mại, đầu tư,... Một số biểu hiện cụ thể là:

+ Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA)

+ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)

+ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)

+ Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA)

+ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP)

- Hợp tác trên lĩnh vực văn hóa: ASEAN ngày càng có nhiều hoạt động mở rộng hợp tác trong lĩnh vực văn hoá như: giáo dục, y tế, thể thao, thanh thiếu niên, lao động.... Một số biểu hiện cụ thể là:

+ Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR)

+ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games)

+ Chương trình Tàu Thanh Niên Đông Nam Á và Nhật Bản (SSESYP)

+ Các hội nghị bộ trưởng như: Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN (ASED), Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN (AMMW)…

Bình luận (0)
HB
Xem chi tiết
NH
4 tháng 1 2017 lúc 7:43

Đáp án B

Bình luận (0)
3N
Xem chi tiết
N2
5 tháng 3 2022 lúc 7:05

tham khảo :

*  Những điều kiện thuận lợi để các nước Đông Nam Á hợp tác phát triển kinh tế:

- Vị trí gần nhau, hầu hết các nước Đông Nam đều tiếp giáp với biển, rất thuận lợi cho giao lưu, liên kết với nhau bằng giao thông đường biển.

-  Phát triển đi lên từ nông nghiệp với nền văn minh lúa nước, truyền thống văn hóa, sản xuất có nhiều nét tương đồng ⟹ giao lưu hợp tác về văn hóa.

- Lịch sử đấu tranh, xây dựng đất nước có những điểm giống nhau.

*  Biểu hiện sự hợp tác của các nước ASEAN :

- Tam giác tăng trưởng kinh tế XI-GIÔ-RI;

- Nước phát triển hơn giúp các nước chậm phát triển đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, đưa công nghệ mới vào sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong khu vực và để xuất khẩu;

- Tăng cường trao đổi hảng hóa giữa các nước;

- Xây dựng tuyến đường sắt, đường bộ qua các nước;

- Phối hợp khai thác, bảo vệ lưu vực sông Mê Công.

Bình luận (0)