Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácĐề bài : Cảm nghĩ của em về câu tục ngữ “Tố gỗ hơn tốt nước sơn”
Bài làm
Khi muốn đánh giá một sự vật hiện tượng hoặc một con người thì bạn sẽ đánh giá ở khía cạnh nào. Về hình thức hay về nội dung? Câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” của cha ông ta đã phần nào giải đáp cũng như răn dạy chúng ta cần có cách nhìn khái quát, đừng nên nhìn phiến diện khi đánh giá một con người hoặc sự vật nào đó.
Cha ông ta đã mượn hai hình ảnh “gỗ” và “sơn” để nói đến hình thức và nội dung của sự vật. Gỗ vốn dùng để sáng tạo ra những sản phẩm thiết yếu trong đời sống như bàn ghế, giường, tủ…Còn sơn chính là lớp màu phủ bên ngoài gỗ để có thể mang lại vẻ đẹp cho sản phẩm. Như vậy sơn và gỗ vốn dĩ đi liền với nhau, không tách rời, sơn chỉ phát huy được tác dụng khi được phủ lên lớp gỗ và ngược lại gỗ chỉ đẹp thêm nữa khi có lớp sơn bao phủ lên.
Hình ảnh “sơn” và “gỗ” còn ẩn dụ cho tính cách, nhân phẩm của một con người với hình thức, ngoại hình của con người đó. Hình thức và nhân phẩm của con người luôn tồn tại song song, đi liền với nhau để làm nổi bật nhau. Tuy nhiên khi muốn đánh giá một con người thì chúng ta thường đánh giá như thế nào?
Theo câu tục ngữ thì cha ông ta nghiêng về “gỗ” hơn, tức là nghiêng về chuẩn mực nhân phẩm đạo đức hơn là hình thức. Điều này hoàn toàn đúng đắn. Vì vẻ đẹp bên trong của mỗi người mới thực sự là vẻ đẹp đáng trân trọng và phát huy hơn nữa. Nhân phẩm tốt đẹp, có nhiều đức tính mà người khác ngưỡng mộ chính là một con người đáng kính. Hơn hết câu tục ngữ còn khuyên chúng ta nên sống chân thật với bản chất của mình. Điều này có nghĩa là chúng ta không nên sống giả tạo, cố tỏ ra tử tế, quan tâm đến người khác, làm vừa lòng người khác bằng mọi cách. Bởi rằng cái kim trong bọc rồi cũng sẽ lòi ra, khi bạn bị phô lớp xấu xí ra thì thật đáng buồn cười. Sống thật với bản thân mình chính là lối sống đẹp và đáng được tôn trọng.
Tuy nhiên chúng ta cũng không nên xem trọng nội dung, hay là nhân phẩm mà bỏ bê, quên mất hình thức bên ngoài cũng quan trọng không kém. Con người được tạo nên từ cả nội dung và hình thức. Dù bên trong con người bạn có tốt đẹp đến bao nhiêu nhưng hình thức lại nhếch nhác, lôi thôi, quần áo xộc xệch thì sẽ không tạo được thiện cảm cho người đối diện. Bởi vậy cha ông ta còn muốn khuyên răn chúng ta rằng bên cạnh việc chăm chút đến tâm hồn thì cũng nên chăm chút hình thức để hai cái có thể hòa lẫn vào nhau, làm hoàn thiện một con người hơn.
Như vậy, để có thể đánh giá được một người thì chúng ta không nên đánh giá phiến diện một khía cạnh mà phải có cái nhìn tổng quan nhất. Như vậy chúng ta mới có thể đánh giá được đúng con người họ cả mặt hình thức lẫn mặt nội dung.
Đây cũng chính là bản thân đang rèn luyện cách nhìn đa chiều về những sự việc, hiện tượng trong cuộc sống. Tất cả mọi thứ đều có nhiều chuyện, không phải chỉ tồn tại một chiều, do vậy cần phải có cái nhìn khách quan hơn.
Câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” của cha ông ta răn dạy chúng ta cần phải có cái nhìn đúng đắn, tổng quan hơn về một người hoặc một sự việc nào đó trong cuộc sống.