Đây là phiên bản do Đức Minh
đóng góp và sửa đổi vào 29 tháng 7 2021 lúc 8:20. Xem phiên bản hiện hành
Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácTình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
(Trích Chinh phụ ngâm – Bản dịch Đoàn Thị Điểm)
I. Tìm hiểu chung
Tác giả, dịch giả và tác phẩm, vị trí đoạn trích (SGK).
1. Tác giả Đặng Trần Côn (? - ?)
- Sống vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVIII
- Ngoài “Chinh phụ ngâm”, ông còn làm thơ chữ Hán và viết một số bài phú chữ Hán.
2. Tác phẩm “Chinh phụ ngâm”:
a) Hoàn cảnh ra đời:
(SGK)
b) Thể thơ
- Nguyên tác: thể trường đoản cú. (câu thơ dài ngắn không đều nhau)
- Bản dịch: thể thơ song thất lục bát.
c) Nội dung:
- Sự oán ghét chiến tranh phong kiến phi nghĩa.
- Khao khát tình yêu hạnh phúc lứa đôi.
d) Về dịch giả:
Vấn đề dịch giả của bản dịch hiện vẫn chưa rõ.
+ Có ý kiến cho rằng là của Đoàn Thị Điểm.
+ Lại có ý kiến cho rằng là của Phan Huy Ích.
3. Đoạn trích:
Chủ đề: Tình cảnh, tâm trạng cô đơn, buồn khổ của người chinh phụ trong thời gian chồng đi đánh trận không có tin tức.
II. Đọc - hiểu văn bản
1/Tám câu đầu : Nỗi cô đơn, lẻ bóng của người chinh phụ
- Nỗi cô đơn thể hiện qua hành động một mình dạo hiên vắng, buông, cuốn rèm nhiều lần, mong tin vui mà "Ngoài rèm thước chẳng mách tin".
- Nỗi cô đơn thể hiện qua sự đối bóng giữa người chinh phụ và ngọn đèn khuya ; vẫn chỉ là "Một mình mình biết, một mình mình hay".
Hai khổ thơ đầu vẽ lên hình ảnh người chinh phụ lẻ loi ở mọi nơi, mọi lúc: lẻ loi trong căn phòng vắng, lẻ loi cả khi bước ra ngoài, lẻ loi ban ngày và lẻ loi, cô độc hơn trong cảnh đêm khuya... Người chinh phụ hết đứng lại ngồi, dạo quanh "hiên vắng", “gieo” từng bước nặng nề, tấm rèm thưa hết buông xuống (rủ) lại cuốn lên (thác) nhiều lần, đặc biệt hình ảnh đối bóng với ngọn đèn trong căn phòng vắng đã cực tả cảnh lẻ loi, đơn chiếc. Hai khổ thơ kết thúc bằng một câu cảm thán với hai hình ảnh: "hoa đèn" và "bóng người":
“Hoa đèn kia với bóng người khá thương !”
2/ Tám câu tiếp : Nỗi sầu muộn triền miên.
- Nỗi sầu muộn được thể hiện qua cảm nhận về thời gian tâm lí. Người chinh phụ như đếm từng bước thời gian nặng nề trôi mà cảm nhận một khắc giờ "đằng đẵng như niên".
Điều đó càng được tô đậm hơn bằng hai hình ảnh so sánh. "Khắc chờ đằng đẵng như niên" và "mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa". Một so sánh với chiều dài thời gian và một so sánh với chiều rộng không gian. Hai từ láy "đằng đẵng", "dằng dặc" càng như kéo dài, mở rộng nỗi cô đơn sầu muộn đến muôn trùng.
- Tiếng gà gáy : tăng thêm ấn tượng vắng vẻ, tịch mịch.
- Bóng cây hòe: cô đơn, hoang vắng.
=> tả ngoại cảnh.
- Để giải toả nỗi sầu, nàng cố tìm đến những thú vui như : soi gương, đốt hương, gảy đàn nhưng việc gì cũng chỉ là "gượng". Sầu chẳng những không được giải toả mà còn nặng nề hơn.
Khổ thơ thứ tư diễn tả những gắng gượng của người chinh phụ mong thoát khỏi vòng vây cô đơn nhưng không thoát nổi (gượng đốt hương, gượng soi gương, gượng gảy khúc "sắt cầm"), nước mắt cứ đầm đìa. Những chữ "gượng" thật nặng nề, nghe thật xót xa, tội nghiệp.
3/ Tám câu cuối : Nỗi nhớ thương đau đáu.
- Nỗi nhớ được thể hiện qua một khao khát cháy bỏng - gửi lòng mình đến non Yên- mong được chồng thấu hiểu, sẻ chia. Mức độ của nỗi nhớ được gợi lên qua những từ láy thăm thẳm, đau đáu,...
- Hình ảnh thiên nhiên:
+ non Yên, đường lên trời: vô tận, xa xôi, bát ngát
=> nỗi nhớ khôn nguôi.
+ Sương gió, mưa, tiếng côn trùng: lạnh lẽo, buồn nhớ, cô đơn.
+Từ láy: “thăm thẳm, đau đáu”
- Điệp ngữ bắc cầu: non Yên, trời thăm thẳm buồn nhớ triền miên, kéo dài.
- Khao khát của nàng không được đền đáp vì sự xa cách về không gian quá lớn (đường lên bằng trời).
=> Đề cao quyền sống, trân trọng khát vọng hạnh phúc lứa đôi của con người. (giá trị nhân đạo)
=> gián tiếp lên án chiến tranh phong kiến phi nghĩa.
III. Tổng kết
1) Nghệ thuật
- Bút pháp tả cảnh ngụ tình, miêu tả tinh tế nội tâm nhân vật.
- Ngôn từ chọn lọc, nhiều biện pháp tu từ,...
2) Ý nghĩa văn bản
Ghi lại nỗi cô đơn buồn khổ của người chinh phụ trong tình cảnh chia lìa ; đề cao hạnh phúc lứa đôi và tiếng nói tố cáo chiến tranh phong kiến.