Ca dao hài hước

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Đọc - hiểu văn bản

1. Bài 1

- Đây là tiếng cười tự trào của người bình dân trong ca dao. Người lao động tự cười mình trong cảnh nghèo. Điều ấy thể hiện lòng yêu đời và tinh thần lạc quan của họ. Bởi có yêu đời thì mới tự cười mình trong cảnh nghèo như vậy. Lại còn chọn đúng cảnh cười là lúc bộc lộ rõ nhất cái nghèo để cười, để vui, để yêu đời, ham sống. Khi người ta tự cười mình thì tiếng cười ấy bộc lộ rõ nhất bản lĩnh và quan niệm sống của họ.

- Người nông dân đã tự cười qua nội dung dẫn cưới của chàng trai và lời thách cưới của cô gái. 

- Việc chàng trai dẫn cưới:

+ Dự định: voi, trâu, bò là cách nói phóng đại thể hiện mong muốn về sự đủ đầy, sang trọng, giàu có.

+ Nỗi lo: quốc cấm, máu hàn, co gân là những nỗi lo hoàn toàn chính đáng, cho thấy cả phẩm chất của người nói vừa thông minh, nhạy bén vừa thấu đáo.

+ Thực tế: con chuột béo là phá cách, không theo tục lệ truyền thống tạo yếu tố bất ngờ, nhìn nhận chính xác về hoàn cảnh rất chân thành, giản dị, mộc mạc.

- Việc cô gái thách cưới:

+ Lời khen cho dự định của chàng trai thể hiện niềm vui rất nhẹ nhàng, tế nhị.

+ Thách cưới: nhà khoai lang  không xa hoa, cầu kì, không đòi hỏi trái lại rất bình dị, thiết thực thể hiện sự thấu hiểu, cảm thông cho hoàn cảnh của chàng trai, là tình yêu thương của cô gái, rất vô tư, rất từ tốn, không đao to búa lớn mà giản dị, coi trọng tình nghĩa, tình cảm là số một.

- Đám cưới làng quê nghèo đầy giản dị, mộc mạc, không chút hoa lệ; nghèo của cải nhưng giàu tinh thần, ai nấy đều phấn khởi, vui tươi, hạnh phúc. Rõ ràng ở đây tình cảm đã chiến thắng vật chất.

-  Tiếng cười bật lên là tiếng cười tự trào, cả hai đều dùng cách nói dí dỏm để biến những thiếu thốn vật chất thành sức mạnh tinh thần. Tiếng cười của những người nghèo với tinh thần tràn đầy, với niềm tin lạc quan và sức mạnh để vượt lên trở ngại. Hơn thế nữa, lời thách cưới còn chứa đựng một triết lí nhân sinh của người lao động trong cuộc sống thuở xưa: đặt tình nghĩa cao hơn của cải.

@1111989@

2. Bài 2 và bài 3

- Bài 2 và bài 3 chế giễu loại đàn ông yếu đuối, lười nhác trong xã hội. Hai bài ca dao là bức tranh vừa sinh động, cụ thể lại vừa mang tính khái quát cao, điểm hình cho hai loại đàn ông đáng phê phán:

- Loại đàn ông yếu đuối, không đáng sức trai, không đáng nên trai. Ca dao dựng lên một bức tranh hài hước đặc sắc, thú vị:

Làm trai cho đáng sức trai,

Khom lưng chống gối, gánh hai hạt vừng.

 Tiếng cười bật ra nhờ nghệ thuật phóng đại kết hợp với thủ pháp nghệ thuật đối lập. Trong cuộc đời có thể có những chàng trai yếu đuối, nhưng không ai yếu đuối đến mức chỉ gánh nổi hai hạt vừng. Nghệ thuật trào lộng của người bình dân thật thông minh, hóm hỉnh nhưng không nhằm đả kích mà chỉ dùng tiếng cười để nhắc nhở nhau trong nội bộ nhân dân.

- Loại đàn ông lười nhác, không có chí lớn. Bài ca mượn lời người vợ than thở về "đức ông chồng" của mình:

Chồng người đi ngược về xuôi

Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo.

Trong sự đối lập của hai câu thơ, hình ảnh người đàn ông hiện lên vừa hài hước vừa thảm hại. Tác giả dân gian đã tóm đúng thần thái nhân vật trong một chi tiết thật đắt, lại có giá trị khái quát cao cho một người đàn ông èo uột, lười nhác, ăn bám vợ, suốt ngày ru rú ở xó bếp chỉ để sờ đuôi con mèo. Chi tiết gây cười nhưng lại hàm chứ ý nghĩa sâu xa: anh ta có khác gì con mèo, cũng lười nhắc như con mèo, trời rét chỉ quanh quẩn ở xó bếp để sưởi. Đó là loại đàn ông vô tích sự, không còn phong độ của bậc nam nhi. 

@1111815@

3. Bài 4

- Bài 4 chế giễu phụ nữ đỏng đảnh, vô duyên. Những câu ca dao này đọc lên đã buồn cười vì nghệ thuật phóng đại tài tình với trí tưởng tượng phong phú của người bình dân. Bởi vì trên đời này không hề có người phụ nữ nào như vậy.

- Bài ca dao hài hước này trước hết là để mua vui, giải trí nhưng đằng sau những tiếng cười sảng khoái đó vẫn ngầm chứ một ý nghĩa châm biếm nhẹ nhàng đối với loại phụ nữ đỏng đảnh, vô duyên không phải không có trong xã hội. Có thể do trời "phú" cho họ điều đó, cũng có thể họ chưa tự điều chỉnh được mình trong cuộc sống chung. Vì vậy, tác giả dân gian đã nhìn họ bằng con mắt nhân hậu, thông cảm với thái độ nhắc nhở nhẹ nhàng qua một bức tranh hư cấu hài hước. Cấu trúc "chồng yêu chồng bảo.." trong từng cặp câu thơ bên cạnh ý nghĩa "đã yêu thì cái gì cũng đẹp, cũng tốt", đã nói lên rõ ràng ý đó.

II. Tổng kết

1. Nghệ thuật

- Hư cấu tài tình, khắc họa nhân vật bằng những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, có giá trị khái quát cao.

- Ngôn ngữ giản dị, đời thường mà hàm chứa ý nghĩa sâu sắc.

- Biện pháp tu từ: ngoa dụ, nói quá, đối lập, tương phản, trùng điệp, nói giảm nói tránh…

2. Nội dung

Chùm ca dao hài hước thể hiện tiếng cười với tinh thần lạc quan, yêu đời và triết lí nhân sinh lành mạnh của những người nhân dân lao động Việt Nam và qua đó, phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội.

@1112082@