Đây là phiên bản do Đào Ngọc Hà
đóng góp và sửa đổi vào 30 tháng 6 2021 lúc 8:04. Xem phiên bản hiện hành
Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khác- Nam Cao (1917 - 1951), tên khai sinh là Trần Hữu Tri.
- Quê ở làng Đại Hoàng, phủ Lí Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lí Nhân), tỉnh Hà Nam.
- Ông là một nhà văn hiện thực xuất sắc với những truyện ngắn, truyện dài chân thực viết về người nông dân nghèo bị vùi dập và người tri thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ.
- Nam Cao được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
- Tác phẩm chính: các truyện ngắn Chí Phèo (1941), Giăng sáng (1942), Đời thừa (1943), Lão Hạc (1943), Một đám cưới (1944),... tiểu thuyết Sống mòn (1944), truyện ngắn Đôi mắt (1948), tập Nhật kí Ở rừng (1948), kí sự Chuyện niên giới (1951),...
a. Tóm tắt truyện
- Tình cảnh lão Hạc: nhà nghèo, vợ đã chết, chỉ còn đứa con trai. Anh con trai lại phẫn chí không có tiền cưới vợ, bỏ đi làm phu đồn điền cao su biền biệt, một năm rồi chẳng có tin tức gì.
- Tìm cảm của lão Hạc với con chó vàng (mà lão thường âu yếm gọi là "cậu Vàng"): con chó như người bạn để làm khuây, như kỉ vật của người con trai.
- Sự túng quẫn ngày càng đe dọa dọa lão Hạc lúc này: Sau trận ốm kéo dài, lão yếu người đi ghê lắm, đồng tiền bấy lâu nay dành dụm cạn kiệt. Lão Hạc không có việc. Rồi bão phá hoại sạch sành sanh hoa màu trong vườn. Giá gạo thì cứ cao mãi lên. Vì thế lấy tiền đâu mà nuôi cậu vàng (vì lão không muốn phạm vào đồng tiền, mảnh vườn để dành cho anh con trai), mà cho "cậu Vàng" ăn ít đi thì "cậu ấy gầy đi, bán hụt tiền".
b. Bố cục
- Phần 1: (Từ đầu đến "cũng xong"): Lão Hạc kể chuyện bán chó và nhờ ông giáo hai việc, ông giáo an ủi lão Hạc.
- Phần 2: (Tiếp đến "đáng buồn"): Cuộc sống của lão Hạc sau đó, thái độ của ông giáo và Binh Tư.
- Phần 3: (Còn lại): Cái chết của lão Hạc.
a. Tâm trạng của lão Hạc
- Qua nhiều lần nói đi nói lại về việc bán "cậu Vàng" với ông giáo, có thể thấy lão đã suy tính, đắn đo nhiều lắm. Lão coi việc này rất hệ trọng bởi "cậu Vàng" là người bạn tri kỉ, là kỉ vật của người con trai mà lão rất thương yêu.
- Sau khi bán "cậu Vàng", lão Hạc cứ day dứt ăn năn vì "già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó". Cả đời, ông già nhân hậu này nào đã nỡ lừa ai !. Khi kể lại với ông giáo chuyện bán "cậu Vàng", lão cố làm ra vui vẻ, cười như mếu, đôi mắt lão ầng ậc nước; mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra.... Lão hu hu khóc...
-> Qua chi tiết này, cùng với những từ tượng thanh thể hiện một cõi lòng đang vô cùng đau đớn, đang xót xa ân hận.
b. Tình thương con của lão Hạc
- Xung quanh việc lão Hạc bán "cậu Vàng", chúng ta nhận ra đây là một người sống rất tình nghĩa, thủy chung, rất trung thực. Đặc biệt, từ đây, ta thấm thía lòng thương con sâu sắc của người cha nghèo khổ. Từ ngày anh con trai phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su vì không có tiền cưới vợ, có lẽ laoc Hạc vừa mong mỏi đợi chờ vừa luôn mang tâm trạng ăn năn, cảm giác "mắc tội" bởi không lo được cho con. Người cha tội nghiệp này còn mang tâm trạng day dứt vì không cho con bán vườn lấ vợ. Lão cố tích góp, dành dụm để khỏa lấp cái cảm giác ấy. Vì thế, dù rất thương "cậu Vàng", đến tình cảnh này lão cũng quyết định bán bởi nếu không sẽ tiêu phạm vào đồng tiền, amnhr vườn đang cố giữ trọn vẹn cho anh con trai. Việc đành bán "cậu Vàng" càng chứng tỏ tình thương con sâu sắc của lão Hạc.
- Tình cảnh đói khổ, túng quẫn đã đẩy lão Hạc đến cái chết như một hành động tự giải thoát. Qua đây chúng ta thấy được số phận đáng thương, cơ cực của những người nông dân nghèo ở những năm đen tối trước Cách mạng tháng Tám.
- Nhưng xét ra, nếu lão Hạc là người ham sống, lão còn có thể sống được, thậm chí sống lâu là đằng khác. Lão còn ba mươi đồng bạc, còn ba sào vườn có thể bán dần. Nhưng nếu làm như thế nghĩa là ăn vào đồng tiền, vào vốn liếng cuối cùng để cho đứa con. Lão Hạc đã chọn lấy cái chết để bảo toàn căn nhà, mảnh vườn ấy. Lão lại còn lo cái chết của mình gây phiền hà cho hàng xóm. Như thế, cái chết tự nguyện này xuất phát từ lòng thương con âm thầm mà lớn lao, từ lòng tự trọng đáng kính.
- Qua những điều lão Hạc thu xếp, nhờ cậy ông giáo, chúng ta thấy lão là người hay suy nghĩ và tỉnh táo nhận ra tình cảnh của mình lúc này. Lão lo không giữ được mảnh vườn cho anh con trai đang xa làng biền biệt. Lão nhịn ăn chứ không muốn gây phiền hà cjo hàng xóm, láng giềng. Có thể thấy, thực ra lão Hạc đã âm thầm chuẩn bị chu đáo cho cái chết của mình sau khi bán "cậu Vàng".
a. Thái độ, tình cảm của nhân vật ông giáo đối với lão Hạc.
- "Tôi muốn ôm choàng lấy lão mà khóc" khi nghe lão Hạc kể chuyện.
- Giữ hộ lão Hạc mảnh vườn và ba mươi đồng bạc.
- Đồng cảm và xót thương cho hoàn cảnh lão Hạc, luôn tìm cách giúp đỡ, tỏ lòng quý trọng nhân cách lão Hạc.
b. Cách hiểu về ý nghĩ của ông giáo trước việc lão Hạc xin bả chó
- Khi nghe Binh Tư cho biết lão Hạc xin bả chó, ông giáo ngỡ ngàng: "Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để kiếm ăn ư? Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn"... Nhưng khi chứng kiến cái chết đau đớn vì ăn bả chó của lão Hạc, ông giáo lại cảm nhận: "Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác".
- Trong truyện ngắn này, chi tiết lão Hạc xin bả chó của Binh Tư có một vị trí nghệ thuật quan trọng. Nó chứng tỏ ông lão giàu tình thương, giàu lòng tự trọng ấy đã đi đến quyết định cuối cùng. Nó có ý nghĩa "đánh lừa" - chuyển ý nghĩ tốt đẹp của ông giáo và người đọc về lão ạc sang một hướng trái ngược. "Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn" nghĩa là nó đẩy con người đáng kính như lão Hạc đến con đường cùng, nghĩa là con người lâu nay nhân hậu, giàu lòng tự trọng đến thế mà cũng bị tha hóa. Đến đây, với câu nói đầy vẻ nghi ngờ, mỉa mai của Binh Tư, tình huống truyện được đẩy lên đỉnh cao.
- Cái chết đau lòng của lão Hạc lại khiến ông giáo giật mình mà ngẫm nghĩ về cuộc đời. Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn bởi may mà ý nghĩ trước đó của mình đã không đúng, bởi có những người cao quý như lão Hạc. Nhưng cuộc đời lại đáng buồn theo nghĩa: Con người có nhân cách cao đẹp như lão Hạc mà không được sống. Sao ông lão đáng thương, đáng kính như vậy mà phải chịu cái chết vật vã, dữ dội thế này!
c. Ý nghĩ sau của ông giáo
- "Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố mà tìm hiểu họ, thì ta chỉ thất họ gàn dở, ngu ngốc, bàn tiện, xấu xa, bỉ ổi,...toàn những cớ cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương...".
- Đây là triết lí lẫn cảm xúc trữ tình xót xa của Nam Cao.
- Với triết lí này, Nam Cao khẳng định một thái độ sống, một cách ứng xử mang tính nhân đạo : cần phải quan sát, suy nghĩ đầy đủ về những con người hằng ngày sống quanh mình, cần phải nhìn họ bằng lòng đồng cảm, bằng đôi mắt của tình thương. Vấn đề "đôi mắt" này đã trở thành một chủ đề sâu sắc, nhất quán ở sáng tác của Nam Cao.
1. Nghệ thuật
- Diễn biến của câu chuyện được kể bằng nhân vật "tôi". Nhờ cách kể này câu chuyện trở nên gần gũi, chân thực.
- Cốt truyện lin hoạt. Có thể kết hợp tự nhiên kể với tả, với hồi tưởng bộc lộ trữ tình.
- Tác phẩm có nhiều giọng điệu. Tác phẩm có thể vừa tự sự vừa trữ tình, đặc biệt, có khi hòa lẫn những triết lí sâu sắc.
2. Nội dung
Tác phẩm phản ánh hiện thực số phận của người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám. Sự cảm thông, trân trọng, ca ngợi vẻ đẹp tiềm ẩn của người nông dân trong cảnh khốn cùng vẫn giàu lòng tự trọng.