Đây là phiên bản do Trịnh Long
đóng góp và sửa đổi vào 19 tháng 8 2021 lúc 16:50. Xem phiên bản hiện hành
Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácCâu 1: Những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian Việt Nam:
1. Tính truyền miệng:
- Chất liệu: ngôn ngữ lời ăn tiếng nói hàng ngày, mang tính khẩu ngữ.
- Phương thức lưu truyền: truyền miệng, qua các thế hệ.
=> Khi ngôn ngữ được cất lên, thường kết hợp với điệu bộ, nét mặt, động tác của người nói. Bởi vậy mà văn học dân gian rất sống động và phong phú.
2. Tính tập thể:
- Quá trình sáng tác văn học dân gian là quá trình sáng tác của tập thể:
+ Một người khởi xướng, sáng tạo ra.
+ Những người tiếp theo tiếp nhận, lưu truyền, chỉnh sửa.
- Trải qua quá trình ấy, tác phẩm văn học dân gian không còn thuộc sở hữu của một cá nhân đơn lẻ nào mà trở thành tài sản chung của cả cộng đồng.
3. Ngoài ra, văn học dân gian còn có một số đặc trưng sau:
- Nhờ tính truyện miệng mà văn học dân gian còn có tính dị bản. Qua trí nhớ của mỗi người, mỗi bản kể khác nhau theo đó mà ra đời.
- Tính tập thể của văn học dân gian còn tạo nên tính diễn xướng, tính thực hành. Nghĩa là những tác phẩm văn học dân gian không ngủ yên trên trang giấy mà luôn sống trong lòng cộng đồng. Văn học dân gian khi ấy tham gia và thực hiện chức năng sinh hoạt cộng đồng. (Hội Gióng bắt nguồn từ truyền thuyết Thánh Gióng; Lễ hội đền Hùng bắt nguồn từ Sự tích Bánh chưng bánh dày hay Trăm trứng nở trăm con;...)
Câu 2: Văn học dân gian có 12 thể loại với những đặc điểm sau:
1. Thần thoại (tự sự dân gian) kể về các vị thần nhằm giải thích, tự nhiên, thể hiện khát vọng chinh phục tự nhiên và phản ánh quá trình sáng tạo văn hóa của con người thời cổ đại.
Ví dụ: Thần Trụ trời, Lạc Long Quân - Âu Cơ,...
2. Sử thi: (tự sự dân gian, có quy mô lớn, sử dụng ngôn ngữ vần, nhịp, xây dựng những hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hùng) kể về một hoặc nhiều biến cố lớn diễn ra trong đời sống cộng đồng của cư dân thời cổ đại.
Ví dụ: Đăm săn, Đẻ đất đẻ nước,...
3. Truyền thuyết (tự sự dân gian) kể về nhân vật và sự kiện lịch sử theo xu hướng lý tưởng hóa, thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn vinh những người có công với đất nước, dân tộc, cộng đồng.
Ví dụ: Thánh Gióng, An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy,...
4. Truyện cổ tích (tự sự dân gian, có cốt truyện và hình tượng hư cấu cố định), kể về số phận con người bình thường trong xã hội, thể hiện tinh thần nhân đạo và lạc quan của nhân dân lao động.
Ví dụ: Sọ Dừa, Tấm Cám, sự tích trầu cau,...
5. Truyện ngụ ngôn (tự sự dân gian, ngắn, kết cấu chặt chẽ) kể về sự việc có liên quan đến con người, gửi gắm những triết lí nhân sinh và bài học về cuộc sống.
Ví dụ: Ếch ngồi đáy giếng, Thầy bói xem voi,...
6. Truyện cười (tự sự dân gian, ngắn, kết thúc bất ngờ) kể về sự việc xấu, trái tự nhiên nhằm gây cười, giải trí hoặc phê phán.
Ví dụ: Đẽo cày giữa đường, Lợn cưới áo mới,...
7. Tục ngữ (câu nói ngắn gọn, hàm súc, có hình ảnh, vần, nhịp) đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, thường được dùng trong ngôn ngữ giao tiếp thường ngày.
Ví dụ: Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng
Ngày tháng mười chưa cười đã tối.
8. Câu đố (câu nói hoặc bài văn vần ngắn) mô tả vật đố bằng phương thức ẩn dụ để người nghe tìm lời giải, nhằm giải trí, rèn luyện tư duy, cung cấp những tri thức về cuộc sống.
Ví dụ: Thân em xưa ở bụi tre.
Mùa đông xếp lại mùa hè mở ra.
(Là cái gì?)
(Cái quạt giấy)
9. Ca dao (trữ tình dân gian, thường kết hợp với nhạc và diễn xướng) nhằm diễn tả thế giới nội tâm con người.
Ví dụ: "Chiều chiều ra đứng ngõ sau / Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều", ...
10. Vè (tự sự dân gian bằng văn vần) nói về các sự kiện mang tính thời sự của làng, nước.
Ví dụ: Vè giữ trâu, Vè đi ở, Vè chàng Lía,...
11. Truyện thơ (tự sự dân gian bằng thơ) phản ánh số phận và khát vọng của con người về hạnh phúc lứa đôi, công bằng xã hội.
Ví dụ: Truyện Kiều, Tiễn dặn người yêu, Phạm Công - Cúc Hoa, Tống Trân - Cúc Hoa, Sơ kính tân trang,...
12. Chèo (kịch dân gian, kết hợp với yếu tố trữ tình và trào lộng) ca ngợi tấm gương đạo đức, phê phán, đả kích cái xấu trong xã hội.
Ví dụ: Thị Mầu lên chùa, Kim Nham, Lưu Bình - Dương Lễ, Nghêu sò ốc hến,...
Câu 3: Các giá trị của văn học dân gian (VHDG):
1. VHDG là kho tàng tri thức phong phú về đời sống các dân tộc.
- Là kho tàng của 54 dân tộc, đúc kết kinh nghiệm lâu đời, mọi lĩnh vực của đời sống.
- VHDG được trình bày bằng ngôn ngữ nghệ thuật nên dễ nhớ, dễ tiếp thu, phổ biến. Vì vậy có sức sống lâu bền với thời gian.
- VHDG thể hiện trình độ và nhận thức của nhân dân.
2. Văn học dân gian có giá trị giáo dục sâu sắc về đạo lí làm người.
- VHDG giáo dục con người tinh thần nhân đạo và lạc quan.
- VHDG góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người: lòng yêu nước, lối sống tình nghĩa, vị tha,...
3. Văn học dân gian có giá trị thẩm mĩ to lớn, tạo nên bản sắc riêng của văn học dân tộc.
- VHDG chắt lọc và mài giũa, tạo nên những giá trị nghệ thuật độc đáo.
- VHDG là nguồn nuôi dưỡng văn học viết, tạo nên nền văn học phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc.