Đây là phiên bản do Nguyễn Trần Thành Đạt
đóng góp và sửa đổi vào 14 tháng 8 2021 lúc 18:43. Xem phiên bản hiện hành
Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácĐẠI CÁO BÌNH NGÔ – Nguyễn Trãi
Câu 1. Trình bày những nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp của tác giả Nguyễn Trãi?
Gợi ý:
Dựa vào phần tác giả Nguyễn Trãi (SGK), nêu được những điểm nổi bật về:
- Quê hương, gia đình;
- Những sự kiện nổi bật trong cuộc đời (từ thời thơ ấu -> thi cử, ra làm quan với triều Hồ -> vào Lam Sơn theo Lê Lợi khởi nghĩa -> Làm quan với triều hậu Lê -> vụ án Lệ Chi Viên-> được minh oan);
- Những nét lớn về sự nghiệp (tác phẩm chính, những điểm nổi bật qua sáng tác của ông);
- Đánh giá, rút ra vị trí, tầm vóc của Nguyễn Trãi trong lịch sử dân tộc nói chung và văn học nói riêng.
Câu 2. Từ những hiểu biết về thơ Nguyễn Trãi, hãy chứng minh: Nguyễn Trãi vừa là một người anh hùng dân tộc, vừa là một con người rất mực trần thế.
Gợi ý:
a. Tác phẩm thơ của Nguyễn Trãi: Ức trai thi tập và Quốc âm thi tập;
b. Qua thơ, người đọc cảm nhận về chân dung con người Nguyễn Trãi:
*Một người anh hùng vĩ đại:
- Xuyên suốt trong sự nghiệp của NTr, nội dung nổi bật là yêu nước, thương dân. Ông luôn đặt lòng yêu nước, thương dân, trọng dân lên trên hết.
+ Trong văn chính luận, ngay trong mở đầu BNĐC ông đã khẳng định: Việc nhân nghĩa...”
+ Trong thơ, lý tưởng cao cả đó của người anh hùng luôn tha thiết mãnh liệt:
++“Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược/ Có nhân, có trí, có anh hùng” (BKCG, bài 5)
++“Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”. (Thuật hứng - bài 2)
+ Ông luôn ước mong nhân dân được “giàu, đủ”:
“Dẽ có ngu cầm....”
+ Ông cũng khẳng định và luôn nhìn thấy sức mạnh vô địch ở chính nhân dân: “Lật thuyền mới biết dân như nước” (Đóng cửa biển)
- Qua thơ, ta cảm nhận rõ về những phẩm chất ý chí của quân tử luôn sáng ngời trong chiến đấu chống ngoại xâm cũng như chiến đấu chống cường quyền bạo ngược:
Vườn quỳnh dù có chim hót
Cõi trần có trúc đứng ngăn (Tự thán - bài 40)
Ông làm thơ vịnh cây trúc, cây tùng...dáng ngay thẳng cứng cỏi của trúc hay vẻ thanh cao, trong trắng của mai đều tượng trưng cho người quân tử. Chỉ có điều, những phẩm chất tốt đẹp ấy không phải để làm đẹp cho riêng ông mà là để giúp dân, giúp nước:
Dành còn để trợ dân này. (Tùng)
*Một con người rất mực trần thế: Ông đau nỗi đau của con người và yêu tình yêu của con người.
- Ông đau đớn khi chứng kiến nghịch éo le của XH cũ
Phượng những tiếc cao, diều hãy liệng
Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi ( Tự thuật - bài 9)
(Bầu trời cao rộng lẽ ra là chim phượng hoàng bay liệng, chỉ thấy loài ác điểu săn mồi/ Mặt đất lẽ ra phải đầy hoa thì chỉ thấy loài cỏ sinh sôi)
- Nỗi đau trước thói đời đen bạc:
“Dễ hay ruột bể sâu cạn/ Không biết lòng người vắn dài”;
“Ngoài chưng mọi chốn đều ko hết/ Bui một lòng người cực hiểm thay”...
Để từ đó, ông khao khát sự hoàn thiện của con người và mơ ước về một xã hội thái bình thịnh trị: “Dân Nghiêu Thuấn, vua Nghiêu Thuấn”
- Trong con người ông, có một phần không nhỏ ông dành riêng cho thiên nhiên, con người và cuộc sống.
+ Nguyễn Trãi yêu thiên nhiên. Ông phát hiện ra ở thiên nhiên rất nhiều vẻ đẹp:
++ Đó là thiên nhiên hoành tráng, kĩ vĩ nơi của biển BĐ: Kình ngạc băm vằm non mấy khúc/ Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng”,...
++ Là thiên nhiên mĩ lệ, phảng phất phong vị Đường thi: “Nước biếc non xanh thuyền gối bãi/ Đêm thanh, nguyệt bạc, khách lên lầu”, “Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc/ Thuyền chở yên hà nặng vạy then”,...
++ Là thiên nhiên thơ mộng: “Bóng tháp hình trâm ngọc/Gương sông ánh tóc huyền”
++ Thiên nhiên bình dị, dân dã: “Ao cạn vớt bèo cấy muống/ Đìa thanh phát cỏ ương sen”,...
++ Thiên nhiên tràn đầy sức sống: “Hòe lục đùn đùn.....”
++ Coi thiên nhiên là bầu bạn của mình. Dường như hiếm có một nhà thơ nào lại yêu quý, nâng niu cảnh vật như ông: “Láng giềng một áng mây nổi/ Khách khứa hai ngàn núi xanh”,...
“Rùa nằm hạc lẩn nên bầy bạn /U ấp cùng ta làm cái con” (Ngôn chí - bài 20)
++ Giao cảm với thiên nhiên vừa mãnh liệt, nồng nàn vừa tinh tế, nhạy cảm, trang trọng trước vẻ đẹp của thiên nhiên: “Hé cửa đêm chờ hương quế lọt/ Quét hiên ngày lệ bóng hoa tan”.
+ Thơ ông giàu tình cảm. Đâu phải chỉ cái tình với thiên nhiên, mà cái tình của con người.
++ Tình cảm vua tôi, cha con thân thương, cảm động:
“Quân thân chưa báo lòng canh cánh/ Tình phụ cơm trời áo cha”
++ Trân trọng, ngợi ca tình bạn, lòng bạn: “Lòng bạn trăng vằng vặc cao”
++ Xuân qua hè đến, ông bâng khuâng nghĩ đến bàn tay người đẹp với một tấm lòng đồng cảm sâu xa:
Vì ai cho cái đỗ quyên kêu
Tay ngọc dùng dằng chỉ biếng thêu.
Lại có hòe hoa chen bóng lục,
Thức xuân một điểm não lòng nhau (Thức xuân)
....
Câu 3. Hãy sưu tầm ít nhất 05 nhận định về Nguyễn Trãi và Đại cáo bình Ngô.
Gợi ý:
- Theo Nguyễn Năng Tĩnh (Vị quan thời Nguyễn, người đã góp công vào việc sưu tập các tập thơ của NTr còn thất lạc): Nước Việt ta, từ Đinh, Lê, Lý, Trần, đời nào sáng lập cơ nghiệp đế vương, tất cũng đều phải có các tướng tá giúp sức, nhưng tìm được người toàn tài toàn đức như Ức Trai tiên sinh, thật là ít lắm.
- Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá: Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, văn võ song toàn; văn là chính trị: chính trị cứu nước, cứu dân, nội trị ngoại giao "mở nền thái bình muôn thủa, rửa nỗi thẹn nghìn thu"; võ là quân sự: chiến lược và chiến thuật, "yếu đánh mạnh ít địch nhiều... thắng hung tàn bằng đại nghĩa"; văn và võ đều là võ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm đao... Thật là một con người vĩ đại về nhiều mặt trong lịch sử nước ta;
- Tố Hữu: “Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu
Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng"
- “Bình ngô đại cáo là khúc ca hùng tráng bất hủ của dân tộc ta.” (Phạm Văn Đồng)
- Trong diễn văn tại lễ kỉ niệm 600 năm năm sinh Nguyễn Trãi, ông Võ Nguyên Giáp đã nhận định: "Bình Ngô đại cáo" có giá trị như bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ hai của nước Đại Việt... “Bình Ngô đại cáo”còn là một bản Tuyên ngôn Nhân đạo và Hòa bình của Nhà nước Đại Việt.
Câu 4. Trình bày hoàn cảnh sáng tác và những nội dung chính của bài Đại cáo bình Ngô?
Gợi ý:
4.1. Hoàn cảnh ra đời:
- Mùa đông năm 1427, sau khi diệt viện binh, chém Liễu Thăng, đuổi Mộc Thạnh, tổng binh Vương Thông xin hàng, cuộc kháng chiến chông giặc Minh hoàn toàn thắng lợi.
- Đầu 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết Đại cáo bình Ngô bố cáo cho toàn dân được biết về chiến thắng vĩ đại đánh đuổi giặc Minh của quân dân ta trong 10 năm, tuyên bố về nền độc lập, thái bình của dân tộc.
4.2. Nội dung chính:
- Đoạn 1. Nêu luận đề chính nghĩa;
- Đoạn 2. Vạch rõ tội ác của giặc Minh đối với nhân dân ta;
- Đoạn 3. Kể lại 10 năm chiến đấu và chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn;
- Đoạn 4. Tuyên bố thắng lợi, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa và rút ra bài học lịch sử.
Câu 5. Lập dàn ý cho đề bài: Phân tích đoạn 1 của bài cáo (Liên hệ với Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt? để thấy được sự toàn diện và sâu sắc trong ý thức về độc lập dân tộc của tác giả)
Gợi ý:
HS biết cách xây dựng dàn ý theo bố cục 3 phần và chỉ ra cụ thể nhiệm vụ của từng phần;
a. MB: giới thiệu ngắn gọn tác giả, tác phẩm ĐCBN và dẫn dắt vào nội dung phân tích đoạn 1;
b. TB: Phân tích nội dung đoạn 1 Đại cáo bình Ngô
* Luận điểm 1: Tư tưởng nhân nghĩa.
- “Nhân nghĩa” là phạm trù tư tưởng của Nho giáo chỉ mối quan hệ giữa người với người dựa trên cơ sở tình thương và đạo lí.
+ Nhân: người, tình người (theo Khổng Tử)
+ Nghĩa: việc làm chính đáng vì lẽ phải (theo Mạnh Tử)
- “Nhân nghĩa” trong quan niệm của Nguyễn Trãi:
+ Kế thừa tư tưởng Nho giáo: “yên dân” - làm cho cuộc sống nhân dân yên ổn, hạnh phúc
+ Cụ thể hóa với nội dung mới đó là "trừ bạo" - vì nhân dân diệt trừ bạo tàn, giặc xâm lược.
-> Đó cũng là cách để tác giả bóc trần luận điệu xảo trá của giặc Minh đồng thời phân biệt rõ ràng ta chính nghĩa, địch phi nghĩa.
=> Tư tưởng của Nguyễn Trãi là sự kết hợp giữa nhân nghĩa và thực tiễn dân tộc, tạo cơ sở vững chắc cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn - là cuộc khởi nghĩa nhân nghĩa, vì cuộc sống của nhân dân mà diệt trừ bạo tàn.
* Luận điểm 2: Lời tuyên ngôn độc lập.
- Nguyễn Trãi đã xác định tư cách độc lập của nước Đại Việt bằng một loạt các dẫn chứng thuyết phục:
+ Nền văn hiến lâu đời
+ Cương vực lãnh thổ riêng biệt
+ Phong tục phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc
+ Lịch sử, các triều đại, anh hùng hào kiệt
- Các từ ngữ “từ trước, đã lâu, vốn xưng, đã chia” đã khẳng định sự tồn tại hiển nhiên, vốn có, lâu đời của Đại Việt.
<=> Bằng cách liệt kê tác giả đưa ra các chứng cứ hùng hồn, thuyết phục khẳng định dân tộc Đại Việt là quốc gia độc lập, đó là chân lí không thể chối cãi.
- Liên hệ: So với Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt?), đoạn văn trên đã thể hiện rõ sự toàn diện và sâu sắc về ý thức độc lập dân tộc của Nguyễn Trãi:
+ Toàn diện: Lý Thường Kiệt mới chỉ xác định tộc ở hai phương diện: lành thổ và chủ quyền; N.Trãi đã bổ sung: lãnh thổ, nền văn hiến, phong tục tập quán, lịch sử, triều đại và anh hùng hào kiệt;
+ Sâu sắc: Lý Thường Kiệt căn cứ vào “Thiên thư” (sách trời), còn Nguyễn Trãi thì dựa vào những yếu tố thực tiễn cơ bản, hạt nhân nhất và đã được ghi trong sử sách.
* Luận điểm 3: Lời răn đe quân xâm lược.
- Nguyễn Trãi đã sử dụng phép liệt kê, dẫn ra những kết cục của kẻ chống lại chân lí:
+ Lưu Cung - vua Nam Hán thất bại với chủ ý thu phục Đại Việt.
+ Triệu Tiết - tướng nhà Tống thua nặng khi cầm quân đô hộ nước ta.
+ Toa Đô, Ô Mã,... là các tướng nhà Nguyên cũng phải bỏ mạng khi cầm quân xâm lược.
=> Lời cảnh cáo, răn đe đanh thép những kẻ bất nhân bất nghĩa dám xâm phạm lãnh thổ, chủ quyền dân tộc ta đều phải trá giá đắt, đồng thời cũng thể hiện niềm tự hào bởi những chiến công của nhân dân Đại Việt.
* Đặc sắc nghệ thuật
- Ngôn ngữ đanh thép
- Giọng điệu hào hùng, mạnh mẽ
- Sử dụng các biện pháp so sánh, liệt kê,...
- Sử dụng những câu văn song hành,…
c. KB: - Khái quát lại nội dung đoạn 1 bài Bình Ngô đại cáo.
- Cảm nhận riêng về đoạn văn;
Câu 6. Lập dàn ý cho đề bài: Phân tích bài cáo để làm rõ nhận định: “Tư tưởng nhân nghĩa là sợi chỉ hồng xuyên suốt Đại cáo bình Ngô”.
Gợi ý:HS biết xác định các thao tác chính đối với kiểu bài; Biết lập dàn ý theo bố cục 3 phần: MB, TB, KB.
- Đảm bảo các ý:
* Giải thích: “tư tưởng nhân nghĩa”: Nhân là yêu thương, trọng người; nghĩa là theo lẽ phải. Tư tưởng nhân nghĩa là đạo lý của con người, đề cao việc yêu thương con người, tạo dựng cho người, không áp đạt người.
- Tư tưởng này bắt nguồn từ đạo Nho. Nguyễn Trãi đã kế thừa và nâng tư tưởng ấy lên một bước: Nhân nghĩa mang nội dung yêu nước, thương dân, đem lại cuộc sống yên ổn cho người dân. Yêu nước là an dân, muốn ân dân phải trừ bạo, đem lại cuộc sống thái bình cho dân.
*Phân tích, chứng minh tư tưởng nhân nghĩa trong Đại cáo bình Ngô.
- Đối với ND:
+ Nhân nghĩa trước hết là đem lại cuộc sống yên ổn cho người dân, đồng thời nhân nghĩa là bảo vệ độc lập chủ quyền, hạnh phúc của dân, do vậy phải chiến đấu đánh đuổi kẻ thù của dân: Việc nhân nghĩa....trừ bạo.
+ Nhân nghĩa còn trở thành phương châm, thành “vũ khí” đánh giặc: Đem đại nghĩa.... cường bạo. (chí nhân: lòng nhân nghĩa thể hiện ở mức cao nhất)
- Đối với kẻ thù:
+ Nhân nghĩa thể hiện quan điểm đánh giặc bằng mưu kế:
Chẳng đánh mà người chịu khuất/ ta đây mưu...;
+ Nhân là một khái niệm đạo đức của Khổng Tử, chỉ lòng yêu thương quý trọng con người. Ta luôn thể hiện lòng nhân ở mức cao nhất: không giết hại bọn giặc bại trận đầu hàng, mà: cấp thuyền ... cho chúng về nước.
-> dùng đại nghĩa và chí nhân với kẻ thù, không gây thù chuốc oán để hậu họa về sau, cũng chính là bảo vệ cuộc sống yên ổn cho nhân dân.
<=> phát động chiến tranh vì nhân dân và kết thúc chiến tranh cũng vì nhân dân.
- Khát vọng xây dựng nền độc lập, thái bình vững chắc cũng là một biểu hiện của tư tưởng nhân nghĩa.
* Bình luận:
- Tư tưởng nhân nghĩa mang tính nhân đạo sâu sắc, là đỉnh cao của văn chương VN thế kỉ XV.
- Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt trong các tác phẩm của NTr và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Câu 7. Lập dàn ý cho đề bài: Hãy chứng minh rằng: Đại cáo bình Ngô là một áng thiên cổ hùng văn.
Gợi ý:
Tương tự các bước tiến hành như câu 6;
- Đảm bảo các ý:
* Giải thích: BNĐC là áng thiên cổ hùng văn.
- BNĐC: bài cáo lớn, có ý nghĩa trọng đại thông báo cho toàn thể nhân dân được biết về công cuộc chống giặc Minh đã kết thúc thắng lợi.
- Thiên cổ hùng văn: áng văn hùng tráng của muôn đời.
-> Nhận định trên đã khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lớn lao của tác phẩm.
* Bình luận, Phân tích, CM: Nhận định hoàn toàn đúng, BNĐC thực sự là một áng văn hùng tráng của muôn đời, bởi:
- Về nội dung: bài cáo đã thể hiện một tinh thần yêu nước mãnh liệt, thông qua:
+ Niềm tự hào về nền độc lập, có chủ quyền của nước Đại Việt.
+ Lòng căm thù giặc sôi sục trong việc vạch trần tội ác của giặc và tâm trạng, nỗi đau của người trong cuộc.
+ Bài cáo đã ghi lại một thời kì đau thương mà oanh liệt của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến quân Minh với những chiến thuật, chiến lược đúng đắn, sáng tạo, những trận đánh long trời lở đất, với tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, quyết liệt, khí thế hào hùng khiến kẻ thù phải khiếp sợ.
+ Bài cáo cũng rút ra bài học lịch sử còn có ý nghĩa lâu dài đến tận ngày nay.
- Về nghệ thuật:
+ Thể văn biền ngẫu (có đối, nhịp, không vần) với câu ngắn dài đan xen -> diễn tả khí thế hào hùng.
+ Phép đối lập giữa ta - địch trong từng ý -> làm nổi bật sức mạnh chính nghĩa của ta và sự phi nghĩa của kẻ thù.
+ Sử dụng từ ngữ gợi hình, gợi cảm.
+ Sự lựa chọn các sự kiện tiêu biểu, cách miêu tả khái quát, ngắn gọn những vẫn giàu sức gợi tả.
Câu 8. Yêu cầu lập sơ đồ kết cấu của bài cáo và phân tích tác dụng của nghệ thuật kết cấu đó. (Câu hỏi phần Luyện tập)
HS dựa vào nội dung bài học và phần làm bài tập luyện tập để lập sơ đồ kết cấu của bài cáo. Biết chỉ ra sự liên kết chặt chẽ giữa các nội dung trong bài cáo.
======================================================