Bài 27 : Quá trình dựng nước và giữ nước

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Những thành tựu chính trị

- Trải qua hàng chục năm, những người nguyên thủy trên đất Việt Nam dần dần quần tụ lại để tạo thành những quốc gia cổ đại đầu tiên: Văn Lang-Âu Lạc, Lâm Ấp - Cham-pa, Phù Nam.

- Từ thế kỷ X, sau một ngàn năm chiến đấu kiên cường chống Bắc thuộc, dân tộc Việt Nam bước vào một thời đại mới, thời đại phong kiến độc lập, kéo dài đến giữa thế kỷ XIX.

+ Về tổ chức, chính quyền trung ương do vua đứng đầu, cai quản mọi việc. Dưới vua có 6 bộ và những cơ quan giúp việc hoặc giám sát gồm nhiều đài, viện, tự, quán, các. Đất nước trải dài trên một lãnh thổ rộng lớn từ cửa Nam Quan đến mũi Cà Mau, chia thành những đơn vị hành chính thống nhất: tỉnh, phủ, huyện, châu có chính quyền cai quản. Xã, thôn là đơn vị tế bào của xã hội.

+ Quân đội được xây dựng hoàn chỉnh với các binh chủng: thủy, bộ.

+ Các triều đại đều có chính sách dân tộc riêng, nhằm củng cố khối đoàn kết và sự thống nhất lãnh thổ.

Lãnh thổ Việt Nam từ Văn Lang đến năm 1835

II. Những thành tựu kinh tế

 

- Việt Nam thời phong kiến là một nước nông nghiệp. Quá trình củng cố mở rộng lãnh thổ cũng là quá trình khai phá đất hoang, phát triển nông nghiệp. Đến giữa thế kỷ XIX, nhà nước phong kiến đã hoàn thành việc đo đạc ruộng đất trên toàn quốc, lập địa bạ các làng xã, phân rõ ruộng đất công và tư.

- Hình thành hệ thống đê sông, đặc biệt ở các tỉnh đồng bằng phía Bắc. Việc thường xuyên bồi đắp, củng cố đê điều đã góp phần quan trọng bảo vệ mùa màng, làng xóm và cuộc sống của nhân dân.

- Nhiều công trình thủy lợi như kênh máng, sông rạch được đào đắp, nạo vét. Ngoài việc trồng lúa, nhân dân ta còn trồng nhiều loại cây lương thực, cây công nghiệp. Vườn trồng rau, trồng cây ăn quả phong phú, đặc biệt trở thành một ngành kinh tế phát triển ở các tỉnh phía nam.

- Tiếp nối truyền thống của tổ tiên, nhân dân ta không ngừng mở rộng và phát triển các nghề thủ công như kéo tơ dệt lụa, làm đồ gốm sứ, đúc đồng, rèn sắt, làm hàng mỹ nghệ, trang sức, làm giấy, làm tranh sơn mài, tranh dân gian… Hàng loạt nghề đã hình thành ở các địa phương. Với sự nỗ lực của các quan xưởng, người thợ thủ công Việt Nam đã bước đầu tiếp nhận kỹ thuật cơ khí của nước ngoài (đóng tàu thủy, làm đồng hồ…), đúc súng các loại, tuy kỹ thuật còn lạc hậu.

- Thương nghiệp phát triển, chợ làng mọc lên khắp nơi và cùng với điều đó là sự hình thành một số thị tứ. Ngoại thương phát triển, đặc biệt ở các thế kỷ XVII-XVIII. Sự giao lưu buôn bán với nước ngoài ngày càng gia tăng. Nhiều thương cảng, đô thị mới ra đời như Hội An, Phố Hiến, Thanh Hà, Bến Nghé, Thị Nại…

Tranh mô tả cảnh đắp đê thời Trần

III. Những thành tựu văn hóa

 

- Tiếp nhận Nho giáo, Phật giáo từ nước ngoài, người Việt đã hòa lẫn nó với những tư tưởng, tình cảm, tín ngưỡng truyền thống của mình để tạo nên một lối sống và cách ứng xử riêng. Giáo dục Nho học từng bước phát triển, vừa góp phần nâng cao dân trí, vừa tạo nên các thế hệ trí thức có phẩm chất, có tinh thần dân tộc sâu sắc, góp phần quan trọng vào sự thịnh suy của đất nước.

- Trên cơ sở chữ Hán, chữ Phạn, người Việt Nam sáng tạo ra chữ viết riêng (Nôm, Chăm…) để ghi chép, sáng tác thơ văn.

- Văn học phát triển với hàng loạt thơ ca, phú, kịch, truyện ký… vừa mang đậm tinh thần dân tộc, yêu nước, tự hào, vừa ngày càng hoàn thiện, lưu truyền lâu dài. Đặc biệt hình thành cả một trào lưu văn học dân gian phong phú với đủ các thể loại ca dao, tục ngữ, truyện kí.

- Nghệ thuật dân tộc hình thành và phát triển ngày càng đa dạng, phong phú ở mọi lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc, tạc tượng, đúc chuông, chèo tuồng, ca hát, đàn sáo… với hàng loạt thành tựu tinh tế, độc đáo mang tính dân tộc.

- Hàng loạt các thành tựu khoa học được truyền lại như các bộ lịch sử dân tộc, các bộ địa lý lịch sử, bản đồ đất nước, những tác phẩm y dược dân tộc, triết học, văn hóa học… khẳng định sự tồn tại một nền văn hóa dân tộc rất đáng tự hào.

 

Trống đồng Đông Sơn

Tranh dân gian Đông Hồ

 

 

Nghệ thuật Chèo

 

IV. Cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc.

Tên cuộc đấu tranh

Vương triều

Lãnh đạo

Kết quả

Cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê (981)

Tiền Lê

- Lê Hoàn

- Thắng lợi nhanh chóng.

Kháng chiến chống Tống thời Lý

Thời Lý

- Lý Thường Kiệt

- Năm 1077 kết thúc thắng lợi.

Kháng chiến chống Nguyên – Mông (thế kỷ XIII)

Thời Trần

- Vua Trần (lần 1)

- Trần Quốc Tuấn (lần 2 và lần 3)

- Cả ba lần kháng chiến đều giành thắng lợi.

Phong trào đấu tranh chống quân xâm lược Minh và khởi nghĩa Lam Sơn 1407-1427

Thời Hồ

- Kháng chiến chống quân Minh do nhà Hồ lãnh đạo.

- Khởi nghĩa Lam Sơn chống ách đô hộ do Lê Lợi – Nguyễn Trãi lãnh đạo.

- Lật đổ ách thống trị của nhà Minh, giành lại độc lập.

Kháng chiến chống quân Xiêm năm 1785

Thời Tây Sơn

- Nguyễn Huệ.

- Đánh tan 5 vạn quân Xiêm.