Bài 23 : Phong trào Tây Sơn và sự nghiệp thống nhất đất nước bảo vệ tổ quốc cuối thế kỷ XVIII

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác
0
3 gp

Bài 23

PHONG TRÀO TÂY SƠN VÀ SỰ NGHIỆP THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC, BẢO VỆ TỔ QUỐC CUỐI THẾ KỶ XVIII

I. PHONG TRÀO TÂY SƠN VÀ SỰ NGHIỆP THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC CUỐI THẾ KỈ XVIII

- Vào giữa thế kỉ XVIII, chế độ phong kiến Đàng Ngoài khủng hoảng sâu sắc. Phong trào nông dân bùng lên rầm rộ, kéo dài trong hơn 10 năm, nhưng cuối cùng bị đàn áp.

- Nửa sau thế kỉ XVIII, chế độ phong kiến Đàng Trong cũng bước vào khủng hoảng. Năm 1771, cuộc khởi nghĩa nông dân bùng nổ ở ấp Tây Sơn (Bình Định) do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo. Từ Tây Sơn, cuộc khởi nghĩa đã phát triển, lật đổ chính quyền của họ Nguyễn ở Đàng Trong, làm chủ vùng đất từ Quảng Nam trở vào.

- Từ năm 1786 đến năm 1788, phong trào Tây Sơn tiếp tục tiến ra Đàng Ngoài, lật đổ chính quyền vua Lê chúa Trịnh, làm chủ đất nước. Sự nghiệp thống nhất đất nước về cơ bản được hoàn thành.

II. CÁC CUỘC KHÁNG CHIẾN Ở CUỐI THẾ KỈ XVIII

  1. Kháng chiến chống Xiêm (1785)

+ Đầu những năm 80 của thế kỉ XVIII, sau khi chính quyền chúa Nguyễn bị lật đổ, một người cháu của chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh chạy sang Xiêm (nay là Thái Lan) cầu cứu. Vua Xiêm sai tướng đem 5 vạn quân thuỷ, bộ sang xâm lược nước ta.

+ Đầu năm 1785, quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ đã tổ chức trận Rạch Gầm - Xoài Mút đánh tan quân xâm lược Xiêm, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.

2. Kháng chiến chống Thanh (1789)

+ Sau khi chính quyền vua Lê, chúa Trịnh bị lật đổ, Lê Chiêu Thống cùng một số cận thần bỏ chạy lên phía Bắc và sang Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh. Vua Thanh sai tướng đem 29 vạn quân sang xâm lược nước ta.

+ Được tin đó, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ quyết định lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, chỉ huy quân tiến ra Bắc. Chỉ trong 5 ngày (từ đêm 30 tháng Chạp năm Mậu Thân đến mồng 5 Tết Kỉ Dậu) với cuộc hành quân thần tốc, nghĩa quân Tây Sơn đã đánh bại hoàn toàn quân xâm lược và tiến vào Thăng Long. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa còn vang mãi về sau.

      - Nhận xét về vai trò và nghệ thuật quân sự tài giỏi của Nguyễn Huệ cũng như nghĩa quân Tây Sơn trong hai lần kháng chiến chống ngoại xâm.

III. VƯƠNG TRIỀU TÂY SƠN

- Sau khi đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh, Nguyễn Huệ chính thức xây dựng một chính quyền mới theo chế độ quân chủ chuyên chế, thống trị từ Thuận Hoá trở ra Bắc. Quang Trung rất có ý thức mời những người tài giỏi ra giúp nước (3 lần viết thư mời Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng Viện Sùng chính).

- Quang Trung cũng ban chiếu kêu gọi dân phiêu tán về quê sản xuất. Lập lại sổ hộ tịch, địa bạ, không để ruộng đất bỏ hoang.

- Mở rộng và phát triển kinh tế công thương nghiệp.

- Tổ chức lại giáo dục thi cử, đưa chữ Nôm làm văn tự chính thức của quốc gia.

- Quân đội được tổ chức quy củ và trang bị vũ khí đầy đủ.

- Đặt quan hệ tốt đẹp với nhà Thanh cũng như các nước Lào và Chân Lạp.

- Năm 1792, Quang Trung đột ngột qua đời.

         - Năm 1802, trước sự tấn công của Nguyễn Ánh, Vương triều Tây Sơn sụp đổ.

BÀI TẬP TỰ LUẬN

Câu 1: Đánh giá công lao của phong trào Tây Sơn trong việc thống nhất đất nước.

Câu 2: Hãy trình bày đặc điểm và nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Thanh.

Câu 3: Em biết gì về Nguyễn Huệ - Quang Trung và đánh giá vai trò của ông trong hai cuộc kháng chiến chống Xiêm và chống Thanh ?

BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM

Câu 1. Năm 1771, anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa ở đâu? Ai là người lãnh đạo phong trào Tây Sơn?

A. Tây Sơn hạ đạo. Lãnh đạo là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh.

B. Tây Sơn trung đạo. Lãnh đạo là Nguyễn Lữ, Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ

C. Tây Sơn thượng đạo. Lãnh đạo là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.

D. Tây Sơn hạ đạo. Lãnh đạo là Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh.

Câu 2. Từ năm 1776 đến năm 1783, quân Tây Sơn đã giành những chiến thắng vang dội nào?

A. Giải phóng hầu hết Đàng Trong, tiêu diệt thế lực cát cứ của chúa Nguyễn.

B. Liên tục mở các cuộc tấn công vào Đàng Trong, đánh chiếm Phú Yên.

C. Liên tục mở các cuộc tấn công ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài.

D. Làm chủ vùng đất Quy Nhơn (Bình Định), đánh bại quân Xiêm xâm lược.

Câu 3. Ai là người đã cầu cứu vua Xiêm, dẫn đến việc quân Xiêm sang xâm lược nước ta vào năm 1784 - 1785?

A. Trần Ích Tắc.                                              B. Nguyễn Ánh.

C. Lê Chiêu Thống.                                       D. Trần Lộng.

Câu 4. Chiến thắng nào của nghĩa quân Tây Sơn đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của quân Xiêm năm 1785?

A. Chiến thắng Bạch Đằng lần thứ ba.

B. Chiến thắng Chi Lăng.

C. Chiến thắng Xương Giang

D. Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút.

Câu 5. Đầu tháng 1-1785, Nguyễn Huệ đem quân từ Quy Nhơn vượt biển vào Gia Định để chống lại quân Xiêm, ông cho đóng đại bản doanh ở đâu?

A. Trà Tân (phía bắc bờ sông Tiền).

B. Trên khúc sông Tiền đoạn từ Rạch Gầm đến Rạch Xoài Mút.

C. Mĩ Tho.

D. Ven sông Trà Luật.

Câu 6. Khi Nguyễn Huệ đem quân tấn công ra Bắc, ông đã nêu khẩu hiệu gì?

A. “Phù Lê diệt Mạc”.                                   B. “Phù Lê diệt Trịnh”.

C. “Phù Lê diệt Nguyễn”.                              D. “Phù Lê, diệt Trịnh, Nguyễn”.

Câu 7. Ai là người đã cầu cứu vua Thanh (Càn Long), dẫn đến việc quân Thanh sang xâm lược nước ta vào năm 1788 - 1789?

A. Lê Long Đĩnh.                                           B. Nguyễn Ánh.

C. Lê Chiêu Thống.                                       D. Trần Kiện.

Câu 8. Phòng tuyến do quân Tây Sơn thiết lập để ngăn cản quân Thanh sau khi rút lui là

A. Tam Điệp – Biện Sơn.                              B. Hà Hồi - Ngọc Hồi.

C. Bờ Nam sông Gianh.                                D. Bờ Nam sông Như Nguyệt.

Câu 9. Lực lượng nào đặt cơ sở bước đầu cho việc thống nhất đất nước vào cuối thế kỉ XVIII?

A. Nghĩa quân Tây Sơn.                                 B. Lực lượng chúa Trịnh.

C. Lực lượng chúa Nguyễn.              D. Lực lượng vua Lê.

Câu 10. Nguyễn Huệ khi lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là gì?

A. Quang Trung.                                             B. Nguyễn Vương.

C. Gia Long.                                                   D. Bắc Bình Vương.

--- Hết---

 

 

 

Khách