Bài 12 : Ôn tập lịch sử thế giới thời nguyên thủy, cổ đại và Trung đại

LL

Phân tích sự phát triển và vai trò của Nho giáo đối với nhà nước phong kiến Việt Nam trong thế kỷ X đến thế kỷ XV .Xã hội Việt Nam hiện nay có cần phát huy những yếu tố tích cực của nho giáo không? Tại sao?

QD
31 tháng 7 2019 lúc 19:58
Nho giáo vào Việt Nam từ thế kỷ I TCN; khi ở Trung Quốc nhà Tây Hán đã đánh bại tập đoàn phong kiến họ Triệu và giành lấy quyền thống trị đất Giao Châu. Nhưng, trong suốt một ngàn năm Bắc thuộc, ảnh hưởng của Nho giáo ở Việt Nam còn rất hạn chế. Đa phần sự ảnh hưởng đó chỉ có ở các đô thị, gắn liền với sinh hoạt của những viên quan cai trị và một bộ phận những người bản xứ giúp việc cho những quan cai trị đó. Có thể nói, ở Việt Nam lúc bấy giờ, Nho giáo là công cụ thống trị của chính quyền đô hộ và phục vụ cho chính quyền đô hộ. Mặt khác, sự truyền bá Nho giáo cùng với việc phổ biến chữ Hán đã đưa tới Việt Nam một kho tàng tri thức về xã hội và tự nhiên, đó là nền văn học, sử học, triết học, thiên văn học và y học của người Trung Hoa cổ đại. Lúc đó, ảnh hưởng của Nho giáo chưa vượt khỏi phạm vi của các thị trấn để đến với các vùng dân cư rộng lớn của đồng bằng và trung du Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Nhân dân ở các làng xã chưa thực sự tiếp thu những nguyên tắc của Nho giáo. Phải đến thế kỷ X, sau chiến thắng Bạch Đằng vĩ đại của Ngô Quyền, khi dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên độc lập, tự chủ và thực sự bắt tay vào xây dựng nền văn minh Đại Việt trong khuôn khổ của một nhà nước phong kiến quân chủ tập quyền, thì xã hội Việt Nam lúc này mới đặt ra những yêu cầu đối với sự tồn tại và phát triển của Nho giáo ở Việt Nam.
Bình luận (0)
TH
31 tháng 7 2019 lúc 23:38

Phân tích sự phát triển và vai trò của Nho giáo đối với nhà nước phong kiến Việt Nam trong thế kỷ X đến thế kỷ XV .Xã hội Việt Nam hiện nay có cần phát huy những yếu tố tích cực của nho giáo không? Tại sao?

Về sự phát triển của nho giáo tại Việt Nam

Sự du nhập Nho giáo vào Việt Nam từ rất sớm (thế kỷ I TCN), tuy nhiên do quá trình chống Hán hóa, nên Nho giáo thời kỳ Bắc thuộc không xâm nhập mãnh mẽ vào xã hội Việt Nam, nó chỉ được ghi bởi dấu ấn một số cá nhân như Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp.

Sau năm 938, nước ta hoàn toàn độc lập, từ đây Nho giáo có bước thăng tiến đáng kể. Thời kỳ Ngô, Đinh, Tiền Lê, nho giáo chưa thực sự mạnh mẽ, chỉ là một trong những hệ tư tưởng ở nước ta nhưng không có ảnh hưởng sâu rộng. Phật giáo và đạo giáo vẫn là những hệ tư tưởng, tôn giáo mạnh, trong triều đình luôn có 1 quốc sư phật giáo.

Sang thời Lý Trần, Nho giáo có bước tiến lớn, các vua nhà Lý và nhà Trần chú trọng quan tâm nho giáo (mở Văn miếu, lập Quốc tử giám)… đặc biệt các khoa thi đã được mở, tuyển chọn quan lại từ khoa bảng nho học. Tuy nhiên, thời kỳ này phật giáo và đạo giáo phát triển mạnh mẽ do được các vua Lý Trần chú trọng quân tâm, thời Lý là thời kỳ của 3 tôn giáo, hệ tư tưởng này cùng đồng hành, được gọi là Tam giáo đồng nguyên. Thời Trần, Nho giáo được phát triển mạnh hơn, các khoa thi được tổ chức quy củ hơn, định danh tước rõ ràng. Tuy nhiên tại các làng xã, nho giáo chưa có tác động sâu rộng.

Sang thời Lê sơ, Nho giáo được độc tôn và phát triển mạnh mẽ, nhà nước được xây dựng trên nền tảng nho giáo, quan lại được tuyển chọn qua con đường thi cử, các khoa thi có quy định, tổ chức rõ ràng, thời gian đều đặn. Đặc biệt, nho giáo đã bắt đầu ảnh hưởng đến các làng xã, có tác động nhất định đến đời sống làng xã Việt Nam.

Vai trò của nho giáo

- Thứ nhất, tạo ra một hệ tư tưởng góp phần ổn định xã hội.

- Thứ hai, hòa quyện vào văn hóa dân tộc, góp phần tạo nên văn hóa Việt Nam trong suốt thời kỳ phong kiến.

- Thứ ba, giúp dân tộc ta trong quá trình mở rộng lãnh thổ.

- Thứ tư, góp phần xây dựng bộ máy chính trị nước ta ngày càng hoàn thiện hơn.

Ngày nay, chúng ta cần phát huy những giá trị tốt của Nho giáo như: đề cao lễ nghĩa, sự hiếu thảo, tôn sư trọng đạo, đề cao lòng nhân từ trong cuộc sống, chữ tín trong làm ăn, đề cao trí tuệ, lòng dũng cảm…

Bình luận (0)
BT
1 tháng 8 2019 lúc 14:15

Tóm lại, Nho giáo đã tồn tại và phát triển ở Việt Nam suốt hai mươi thế kỷ. Sự có mặt tất yếu và vai trò lịch sử của Nho giáo ở Việt Nam không tách rời sự hình thành và tồn tại của chế độ phong kiến Việt Nam. Nho giáo đã đáp ứng được những yêu cầu phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam. Khi chế độ phong kiến Việt Nam suy tàn thì Nho giáo Việt Nam cũng trở nên lỗi thời, lạc hậu và có những ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của xã hội Việt Nam. Ngày nay, ở Việt Nam, Nho giáo không còn tồn tại với đầy đủ những cơ sở xã hội, cơ chế vận hành và cơ sở vật chất của nó nữa, nhưng những tàn dư của Nho giáo vẫn còn sống dai dẳng ở hành vi và nếp nghĩ của mọi người. Trong những tàn dư đó có chứa đựng những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, đồng thời cũng mang theo những “bệnh hoạn” của chế độ phong kiến. Vì thế, đối với những tàn dư đó của Nho giáo, chúng ta cần phải tiếp thu có chọn lọc, để có thể gạt bỏ những yếu tố tiêu cực và sử dụng những yếu tố tích cực của Nho giáo nhằm phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam hiện nay.

Bình luận (0)