Tham khảo:
Kính thưa Đoàn chủ tịch!
Kính thưa các qúy vị đại biểu!
Kính thưa các thầy giáo, cô giáo cùng toàn thể các bạn!
Lời đầu tiên tôi xin trân trọng kính chúc Đoàn chủ tịch, các qúy vị đại biểu, các thầy cô giáo mạnh khoẻ, hạnh phúc, chúc các bạn đoàn kết học tập tốt và hoàn thành xuất sắc các hoạt động do Đoàn trường tổ chức.
Hôm nay, trong buổi Đại hội Đoàn trường, tôi rất vinh dự thay mặt cho chi đoàn có vài ý kiến tham luận về vấn đề đạo đức trong học đường.
Kính thưa Đoàn chủ tịch!
Thưa toàn thể Đại hội!
Không chỉ ở hiện tại mà ở cả quá khứ, con người luôn chú trọng giữ gìn và bảo vệ truyền thống đạo đức tốt đẹp. Rất nhiều bài phát biểu của các bạn học sinh, chúng ta nghe thấy những lời hứa tu dưỡng và rèn luyện đạo đức. Vậy, đạo đức là gì? Theo tôi, đạo đức là những phép tắc thông thường do xã hội đặt ra, quy định cách cư xử giữa người này với người khác và từng người đối với xã hội. Thời gian trôi đi, xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống từng ngày đổi thay, những chuẩn mực về đạo đức thì chắc chắn sẽ tồn tại mãi, tồn tại vĩnh hằng cùng thời gian.
Hiện nay, trong thời kỳ hội nhập, sánh vai với thanh niên thế giới, nhìn chung, tầng lớp thanh niên Việt Nam đã có những cách cử xử thông minh và đúng mực, tôn trọng chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, là số đông nhưng đó không phải là tất cả. Trong bản tham luận của mình ngày hôm nay, tôi xin được nhắc đến một số biểu hiện chưa đẹp, một số cách cư xử chưa tốt của một số bộ phận học sinh trong lứa tuổi PTTH như chúng ta.
Kính thưa Đoàn chủ tịch!
Thưa toàn thể Đại hội!
Nói tới trường học là nói tới thầy giáo, cô giáo, nói tới học sinh. Mỗi quan hệ thầy trò giữa giáo viên và học sinh là mối quan hệ được xây dựng trên cơ sở lắng nghe, tôn trọng.
Học trò chúng ta luôn mong muốn một cách nhìn nhận thông cảm, một cách ứng xử tâm lý từ phía thầy cô. Đã có không ít học sinh than phiền về mức độ tôn trọng học sinh của thầy cô giáo, luôn miệng đòi hỏi …. Những người học sinh đó đã chắc chắn về sự tôn trọng của mình đối với thầy cô hay chưa, khi mà: Mặc kệ thầy cô giảng bài trên bảng, họ vẫn nói chuyện, làm việc riêng dưới lớp.
Tình thầy trò cũng có những phút giây sóng gió. Soi vào những vết rạn trong quan hệ thầy trò, có thể thấy, điều khiến thầy trò xa nhau xuất phát từ cái nhìn bồng bột thiếu suy nghĩ trong học trò. ở tập thể đều phải có nội quy để giữ gìn kỷ cương bền vững. Bạn phải chịu phạt nếu không làm đúng theo nội quy ấy. Nói chuyện trong lớp nhiều lần, đã được thầy cô nhắc nhở, cảnh báo nhiều vẫn tiếp tục thì đương nhiên bạn phải chấp hành kỷ luật của trường lớp đó là nội quy. Hãy nhớ, mối quan hệ tốt phải bắt nguồn từ hai phía. Là học trò bạn phải giữ đúng cương vị học trò, đừng bao giờ để những phút giây bồng bột khiến bạn phải hối hận, luyến tiếc.
Kính thưa Đoàn chủ tịch!
Thưa toàn thể Đại hội!
Làm gì để chứng tỏ bản thân mình và khả năng của mình là câu hỏi của không ít học trò Việt. Ai cũng cố gắng chọn cho mình những lĩnh vực, sở trường, học hành, nghiên cứu, phát minh, công tác xã hội hay kinh doanh. Nhưng cũng có một vài trường hợp cá biệt, một vài cá nhân đặc biệt đã chọn cho mình một cách khá kỳ quặc để khẳng định bản thân mình, thể hiện cá tính. Là học sinh đang học tập và rèn luyện đạo đức trong nhà trường nhưng bạn lại hành động như đại ca, như những kẻ vô học ngoài xã hội, những lời nói không phù hợp với lứa tuổi, những cách ăn mặc lập di khác bạn bè. Thật đáng tiếc đã được một vài người trong số chúng ta chấp nhận. Nếu như bạn nghĩ rằng: Cá tính phải là khác người, nhất nhất phải khác người mới là mốt, là hợp thời thì suy nghĩ của bạn là hoàn toàn sai. Các bạn còn nhớ không? Những ý nghĩa cao đẹp trong bộ quần áo đồng phục xoá đi khoảng cách giàu nghèo, sang hèn, tạo sự tự tin cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn, tạo sự hoà đồng cho tất cả mọi người. Có thể gia đình bạn giàu có còn gia đình tôi thì không, có thể bạn sống trong nhung lụa còn tôi thì không, cuộc sống của tôi và bạn có thể hoàn toàn cách biệt nhưng khi đã bước chân vào trường học thì tôi và bạn là như nhau, chúng ta hoàn toàn bình đẳng. Bạn làm được điều này thì tôi cũng có thể, bạn làm được điều kia thì tôi cũng được làm. Chẳng có một quy định nào cho phép bạn nghĩ rằng bạn của mình không đáng được tôn trọng chỉ vì cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn cuộc sống của người bạn kia. Chẳng có một quy định nào cho phép bạn đối xử bạo lực với bạn của mình để giải quyết những xích mích - việc bất đồng ý kiến là rất khó tránh khỏi. Nhưng các bạn hãy nhớ, không có chuyện gì không thể giải quyết bằng lời nói, không có chuyện gì đáng để chúng ta bất hoà, cũng chẳng khi nào bạo lực được phép tồn tại.
Đối với những con người nói chung và đối với những học sinh nói riêng mối quan hệ bạn bè là phần tất yếu của cuộc sống, vui vì bạn, sống tích cực nhờ bạn nhưng đôi khi buồn cũng vì bạn. Đã bao giờ bạn nghe thấy cụm từ “tẩy chay" chưa? Khởi nguồn từ một cách nghĩ nông cạn, thiếu rộng lượng, không muốn chấp nhận những bạn bè không giống mình, nạn tẩy chay rất đáng xấu hổ đang diễn ra với bạn bè ta trong chốn học đường. Lợi dụng, lôi kéo, doạ dẫm những thành viên ngại va chạm để bao vây, cấm vận, cô lập mọi người. Tẩy chay bạn mình là một cách hành xử hoàn toàn thiếu văn minh và không công bằng là một hình thức của tệ nạn bắt nạt trong học đường, nó ít nhiều có tính chất khủng bố tinh thần người khác.
Đối với tôi, cuộc sống là tập hợp của những mối quan hệ, mối quan hệ với gia đình, với nhà trường và với toàn xã hội. Con người với con người để có thể đến bên nhau, cùng hội nhập thì hành trang không thể thiếu chính là lòng yêu thương và sự tha thứ. Cần gạt bỏ đi những sự ích kỷ cá nhân và chúng ta cũng cần phải học nhiều lắm, học cách sống có người khác, sống cho người khác và sống tôn trọng người khác, học cách cho yêu thương để nhận yêu thương và cách quan tâm đến mọi người.
Tuổi của chúng ta đã muộn để gọi là nhóc con và không còn sớm để nói chuyện trưởng thành. Đã từ lâu lắm rồi chúng ta giã từ ngôi nhà ấm cúng nhất, rời xa những âu yếm trong lòng mẹ và mái ấm gia đình đã nối chúng ta với học đường và với cả xã hội. Khi chúng ta lớn lên thì những mối quan của chúng ta cũng lớn lên. Đã đến lúc chúng ta phải đối mặt với những điều chưa tốt đẹp, chưa lương thiện trong chính cuộc sống đa dạng xung quanh chúng ta. Chúng ta cần biết rằng nói dối là ăn cắp niềm tin của bạn bè, quay cóp là ăn cắp trí tuệ, bắt nạt bạn là ăn cắp sự bình đẳng, thoả hiệp với cái xấu là ăn cắp sự minh bạch tự trọng.
Đạo đức trong đời sống học đường với tôi đây không phải là một vấn đề dễ dàng đưa ra ý kiến. Quan niệm rằng: Đạo đức là cách xử sự giữa người với người, người với xã hội, tôi cho rằng chẳng có phép màu nào ngoài ý chí và tình thương yêu đồng loại của con người có thể giữ gìn và phát huy chuẩn mực đạo đức từ muôn đời.
Đừng đợi phải nhìn thấy một nụ cười rồi mới mỉm cười lại.
Đừng đợi khi được yêu thương mới yêu thương
Đừng đợi khi cô đơn rồi mới nhận ra giá trị của những người bạn
Đừng đợi một việc thật vừa ý rồi mới bắt đầu vào làm việc
Đừng đợi khi có thật nhiều rồi mới chia sẽ đôi chút
Đừng đợi tới khi vấp ngã rồi mới nhớ những lời khuyên
Đừng đợi khi có thật nhiều thời gian rồi mới khởi đầu một công việc
Đừng đợi đến khi làm người khác buồn lòng rồi mới có xin lỗi
Đừng đợi vì bạn không thể biết bạn sẽ đợi bao lâu
Trên đây là một vài ý kiến tham luận của tôi về vấn đề đạo đức trong học đường. Các ý kiến còn có nhiều thiếu sót, vì vậy tôi rất mong nhận được những lời góp ý của các bạn về vấn đề này.
Cuối cùng, một lần nữa tôi xin kính chúc Đoàn chủ tịch, các qúy vị đại biểu, các thầy cô giáo mạnh khoẻ, hạnh phúc, chúc các bạn đoàn kết học tập tốt.
Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Chúc bạn học tốt!