Đây là phiên bản do Đức Minh
đóng góp và sửa đổi vào 23 tháng 7 2021 lúc 19:57. Xem phiên bản hiện hành
Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácVỀ LUÂN LÍ XÃ HỘI Ở NƯỚC TA
Phan Châu Trinh
I. Giới thiệu chung
1/ Tác giả
a) Cuộc đời:
- Phan Châu trinh (1872-1926), tự Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu hi Mã, quê ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kì (thôn Tây Hồ, xã tam lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam)
- Ông làm quan trong một thời gian ngắn rồi từ quan đi làm cách mạng.
- Chủ trương cứu nước bằng cách lợi dụng thực dân Pháp để cải cách, đổi mới mọi mặt, làm cho dân giàu, nước mạnh, trên cơ sở đó tạo nền độc lập quốc gia.
® Tuy có phần ảo tưởng nhưng Phan Châu Trinh đã nhìn ra rằng muốn giải phóng đất nước phải đổi mới mọi mặt, đặc biệt là về tư tưởng. Nhiệt huyết cứu nước của ông rất đáng khâm phục.
- 1908 ông bị bắt đi Côn Đảo
- Được tự do, ông xin sang Pháp tìm cách thúc đẩy cải cách chính trị ở Đông Dương nhưng không thành.
- 1925 ông về Sài Gòn, diễn thuyết được vài lần, sau đó ốm nặng rồi mất.
® đám tang Phan Châu Trinh trở thành một phong trào vận động ái quốc rộng khắp cả nước.
b) Sự nghiệp sáng tác văn học:
- Tác phẩm chính:
+ Đầu Pháp chính phủ thư (1906)
+ Tây Hồ thi tập (1904-1914)
+ Xăng-tê thi tập (1814-1915)
+ Giai nhân kỳ ngộ diễn ca (1915)
+ Đạo đức và luân lí Đông Tây (1925)
- Quan niệm văn chương: dùng văn chương làm cách mạng. Thơ văn ống thấm nhuần tư tưởng yêu nước và tinh thần dân chủ.
2/ Tác phẩm “Đạo đức và luân lí Đông tây”
- Tác phẩm gồm 5 phần, được Phan Châu Trinh diễn thuyết vào đêm 19/11/1925 tại nhà Hội thanh niên ở Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh)
3. Đoạn trích:
a/ Vị trí: trích phần III của bài “Đạo đức luân lí Đông Tây”
b/ Giải thích từ:
- luân lí: là những quy tắc về quan hệ đạo đức giữa người và người trong xã hội
- đạo đức
- luân lí xã hội
- công đức
- đoàn thể của quốc dân
- xã hội chủ nghĩa
c/ Bố cục: văn bản chia làm 3 phần
- Phần 1: khẳng định nước ta chưa có khái niệm về luân lí xã hội
- Phần 2: chỉ ra nguyên nhân làm cho nước ta chưa có luân lí xã hội
- Phần 3: đưa ra biện pháp giải quyết: muốn có luân lí phải làm gì?
d/ Chủ đề:
Cần phải truyền bá chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam để gây dựng đoàn thể vì sự tiến bộ, hướng tới mục đích giành độc lập, tự do.
II. Đọc hiểu văn bản
1. Nội dung
a. Phần 1: Khẳng định nước ta chưa có khái niệm về luân lí xã hội.
- Dùng cách nói phủ định để khẳng định: “xã hội luân lí nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến”
- Tránh tình trạng hiểu đơn giản, thậm chí xuyên tạc của một số ít người, tác giả gạt khỏi nội dung bài nói những chuyện vô bổ: “một tiếng bạn bè không thể thay cho luân lí xã hội được, cho nên không cần cắt nghĩa làm gì”
® Vào đề thẳng thắn gây ấn tượng mạnh mẽ cho người nghe. Cách vào đề cho thấy tư duy sắc sảo, nhạy bén của nhà cách mạng PCT.
b. Phần 2:
+ So sánh “bên Âu Châu”, “bên Pháp” với “bên mình” về ý thức nghĩa vụ giữa người với người”
Bên Âu Châu, bên Pháp | Bên mình |
- Đề cao dân chủ, coi trọng sự bình đẳng của con người, không chỉ quan tâm đến từng gia đình, quốc gia mà còn đế cả thế giới. - Dẫn chứng: “mỗi khi có người quyền thế... mới nghe” - Nguyên nhân: có đoàn thể, có công đức, biết giữ lợi chung. | - Không biết nghĩa vụ mỗi người trong nước đối với nhau, không quan tâm đến người khác. - Dẫn chứng: “Người nước ta không hiểu... gì cả”, “người mình thì phải ai tai nấy... không can thiệp gì đến mình” - Nguyên nhân: thiếu ý thức đoàn thể |
+ Nguyên nhân của việc dân không biết đoàn thể, không trọng công ích:
- Hồi cổ sơ ông cha ta đã có ý thức đoàn thể, cũng biết đến công đức.
- Lũ vua quan phản động, thối nát, “ham quyền tước, ham bả vinh hoa”, “muốn giữ túi tham của mình được đầy mãi” nên đã tìm cách “phá tan tành đoàn thể của quốc dân”.
- Tác giả hướng mũi nhọn đả kích vào bản chất phản động, thối nát của bọc vua quan:
+ Không quan tâm đến cuộc sống của dân.
+ Muốn dân tối tăm, khốn khổ để chúng dễ dàng thống trị, vơ vét
+ “rút tỉa của dân” để trở nên giàu sang, phú quí.
+ Dân không có đoàn thể nên chúng mặc sức lộng hành mà không có ai lên tiếng, tố cáo, đánh đổ.
+ Quan lại chỉ toàn là bọn người xấu chạy chức, chạy quyền.
- Tác giả dùng những từ ngữ, hình ảnh gợi tả, lối so sánh ví von sắc bén thể hiện thái độ căm ghét cao độ đối với chế độ vua quan chuyên chế.
+ “bọn học trò”, “bọn thượng lưu”, “kẻ mang đai đội mũ”, “kẻ áo rộng khăn đen”, “bọn quan lại”
“ngất ngưởng ngồi tin”, “lúc nhúc lạy dưới”..
® Thể hiện tấm lòng của một người có tình yêu đất nước thiết tha, xót xa trước tình cảnh khốn khổ của người dân, luôn quan tâm đến vận mệnh của dân tộc, căm ghét bọn quan lại xấu xa thối nát. Dưới mắt tác giả, chế độ vua quan chuyên chế thật vô cùng tồi tệ, cần phải xoá bỏ triệt để.
c. Phần 3: Tác giả đưa ra giải pháp: cần gây dựng tinh thần đoàn thể vì sự tiến bộ, truyền bá chủ nghĩa xã hội là con đường đúng đắn, tất yếu để đất nước Việt Nam có được tự do, độc lập
2. Nghệ thuật: yếu tố nghị luận kết hợp với yếu tố miêu tả
- Yếu tố nghị luận: cách lập luận chặt chẽ, logic; nêu chứng cứ cụ thể, xác thực; giọng văn mạnh mẽ, hùng hồn; dùng từ, đặt câu chính xác biệu hiện lý trí tỉnh táo, tư duy sắc sảo, đạt hiệu quả cao về nhận thức tư tưởng.
- Yếu tố biếu cảm: sử dụng câu cảm thán, câu mở rộng thành phần để nhấn mạnh ý, những cụm từ chan chứa tình cảm đồng bào, tình dân tộc sâu nặng, thắm thiết, lời văn nhẹ nhàng, từ tốn.
® Tác giả phát biểu chính kiến của mình không chỉ bằng lí trí tỉnh táo mà còn bằng trái tim dạt dào cảm xúc, thấm thía nỗi đau xót trước thực trạng của đất nước.
3. Ý nghĩa văn bản:
Tinh thần yêu nước, tư tưởng tiến bộ và ý chí quật cường của Phan Châu Trinh: dũng cảm vạch trần thực trạng đen tối của xã hội đương thời, đề cao tư tưởng đoàn thể vì sự tiến bộ, hướng về một ngày mai tươi sáng của đất nước.
III. Tổng kết: Ghi nhớ / sgk