Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khác- Thơ là một thể loại văn học có phạm vi phổ biến rộng và sâu.
- Thơ tác động đến người đọc bằng sự nhận thức cuộc sống, những liên tưởng, tưởng tượng phong phú, nhưng cái cốt lõi của thơ là trữ tình.
- Thơ chú trọng đến cái đẹp, phần thi bị của tâm hồn con người và cuộc sống khách quan. Vẻ đẹp và tính chất gợi cảm, truyền cảm của thơ có được còn do ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh và nhạc điệu.
- Phân loại theo nội dung biểu hiện thì gồm:
+ Thơ trữ tình: đi sâu vào những tâm tư, tình cảm, những chiêm nghiệm của con người về cuộc đời như bài Tự tình của Hồ Xuân Hương.
+ Thơ tự sự: cảm nghĩ vận động theo mạch kể chuyện, như bài Hầu Trời của Tản Đà.
+ Thơ trào phúng: phủ nhận những điều xấu bằng lối viết đùa cợt, mỉa mai, khôi hài, như bài Vịnh khoa thi Hương của Tú Xương.
- Theo cách tổ chức bài thơ gồm có:
+ Thơ cách luật (viết theo luật được định trước, như thơ Đường luật, lục bát, song thất lục bát,...
+ Thơ tự do: không theo luật.
+ Thơ văn xuôi: Thơ gần như câu văn xuôi nhưng vẫn có nhịp điệu.
- Thơ là thể loại ra đời sớm rất sớm. Trước Công nguyên, ở Trung Quốc, từ thơ ca dân gian, Khổng Tử đã san định Kin Thi. Trong văn học Việt Nam, trung đại, cận đại cho đến hiện đại, thơ là thể loại có nhiều thành tựu nhất. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Nguyễn Đình Chiểu, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu,... đã để lại nhiều áng thơ hay.
- Cần biết rõ tên bài thơ, tập thơ, tên tác giả, năm xuất bản, tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác bài thơ. Có thể xem sách giáo khoa hoặc sách tham khảo để có những hiểu biết ban đầu.
- Đọc kĩ bài thơ, cảm nhận ý thơ qua câu chữ, hình ảnh, nhịp điệu. Ý thơ ở đây là cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng, những sự việc, cảnh vật,...
- Đồng cảm với nhà thơ, dùng liên tưởng, tưởng tượng, phân tích khả năng biểu hiện của từng từ ngữ, chi tiết, vần điệu,... mới cảm nhận được ý thơ, thấu hiểu hình tượng thơ, cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình.
- Từ những câu thơ đẹp, lời thơ lạ, ý thơ hay, từ hình tượng thơ, cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình, hãy lùi xa và nhìn lại để lí giải, đánh giá toàn bài thơ về cả hai phương diện nghệ thuật và nội dung.
- Truyện phản ánh đời sống trong tính khách quan của nó, qua con người, hành vi, sự kiện được miêu tả và kể lại bởi một người kể chuyện (trần thuật) nào đó.
- Cốt truyện với một chuỗi các tình tiết, sự kiện, biến cố xảy ra liên tiếp tạo nên sự vận động của hiện thực được phản ánh, góp phần khắc hoạ rõ nét tính cách các nhân vật, số phận từng cá nhân.
- Nhân vật được miêu tả sinh động, chi tiết trong mối quan hệ chặt chẽ với hoàn cảnh, với môi trường xung quanh.
- Truyện không bị gò bó về không gian, thời gian, có thể đi sâu vào tâm trạng con người, những cảnh đời cụ thể như: Hai đứa trẻ (Thạch Lam), Chí Phèo (Nam Cao), hay tái hiện những bức tranh đời sống toàn cảnh rộng lớn như Tấn trò chơi của Ban-dắc.
- Truyện sử dụng nhiều hình thức ngôn ngữ khác nhau. Ngoài ngôn ngữ người kể chuyện, còn có ngôn ngữ nhân vật. Bên cạnh lời đối đáp lại có lời độc thoại nội tâm. Lời kể khi thì ở bên ngoài, khi lại nhập vào lời nhân vật. Ngôn ngữ truyện gần với ngôn ngữ đời sống.
- Phân loại truyện:
+ Trong văn học dân gian, truyện có nhiều kiểu loại: truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn.
+ Văn học trung đại có truyện viết bằng chữ Hán (Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ) và truyện thơ Nôm (Truyện Kiều của Nguyễn Du, truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu) .
+ Trong văn học hiện đại, theo quy mô văn bản và dung lượng hiện thực người ta phân ra truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài. Truyện ngắn thường ít nhân vật, sự kiện, nó hướng tới một vài mảnh nhỏ của cuộc sống, có thể kể về cả cuộc đời hay một đoạn đời, một "chốc lát" của nhân vật, nhưng trong phạm vi hạn hẹp vẫn có thể đặt ra những vấn đề lớn lao, thể hiện những tư tưởng nhân sinh sâu sắc (Vi hành của Nguyễn Ái Quốc, Chữ người tử từ của Nguyễn Tuân). Truyện vừa và truyện dài (tiểu thuyết). Ta-rát Bun-ba của Gô-gôn, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng dung lượng là truyện vừa nhưng mang đầy đủ những đặc điểm của tiểu thuyết.
- Tìm hiểu bối cảnh xã hội, hoàn cảnh sáng tác để có cơ sở cảm nhận các tầng lớp nội dung và ý nghĩa của truyện.
- Phân tích diễn biến của cốt truyện qua các phần mở đầu, vận động, kết thúc, với các tình tiết, sự kiện, biến cố cụ thể. Làm rõ giá trị của các yếu tố đó trong việc phản ánh hiện thực cuộc sống và khắc hoạ bản chất, tính cách các nhân vật.
- Cần chú ý tới nghệ thuật tự sự: người kể chuyện ở ngôi thứ nhất (người kể chuyện xưng tôi) hay ở ngôi thứ ba (người kể hàm ẩn); điểm nhìn trần thuật; cách sắp xếp các tình tiết, sự kiện; thủ pháp kể chuyện, miêu tả; giọng điệu lời văn,...
- Phân tích các nhân vật trong dòng lưu chuyển của cốt truyện. Tập hợp thành hệ thống và làm rõ ý nghĩa của các chi tiết miêu tả nhân vật về ngoại hình, hành động, nội tâm, ngôn ngữ. Tìm hiểu mối quan hệ giữa nhân vật này với nhân vật khác, giữa nhân vật với hoàn cảnh xung quanh.
- Chú ý tới nghệ thuật xây dựng nhân vật: sử dụng chi tiết; tạo tình huống để khám phá bản chất của nhân vật; các thức miêu tả ngoại hình, hành động, biểu hiện nội tâm,...
- Có thể xác định giá trị của truyện ở các phương diện: nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ. Cần thấy được truyện không chỉ "tái hiện lịch sử đời sống" mà còn là "hành trình đi tìm con người trong con người". (M.Ba-khtin).
Đỗ Thanh Hải đã đóng góp một phiên bản khác cho bài học này (13 tháng 8 2021 lúc 15:16) | 0 lượt thích |