Đây là phiên bản do Trịnh Long
đóng góp và sửa đổi vào 19 tháng 8 2021 lúc 16:58. Xem phiên bản hiện hành
Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácCâu 1:
- Cách dùng số từ "một...", "một...", "một..." kết hợp với các danh từ "mai, cuốc, cần câu" trong câu thơ thứ nhất cho thấy tư thế chủ động, cuộc sống nhàn tản, ẩn dật của nhà thơ. Đây không phải hành động trong lúc cao hứng mà là sự chủ động. Câu thơ ngắt nhịp 2/2/3 cho thấy trạng thái thảnh thơi nhàn nhã của tác giả khi vui thú với điền, viên, sơn, thủy.
- Câu thơ thứ hai cũng có cách ngắt nhịp 2/2/3. Từ "thơ thẩn" có nghĩ là đi dạo không có chủ đích, tùy hứng.
=> Hai câu thơ đầu thơ thấy cuộc sống thanh nhàn, thi vị và tâm trạng thư thái, nhẹ nhõm của nhà thơ khi được hòa mình trong cuộc sống ấy.
Câu 2:
- "Chốn lao xao" là nơi đô hội đầy những sự nhân vi, toan tính, bon chen mà tác giả từng chán ghét, chối bỏ.
- "Nơi vắng vẻ" là nơi có lối sống thanh nhàn, tránh xa những bon chen, xô bồ của chốn thành thị.
- Quan điểm của tác giả về "dại" và "khôn" rất mới mẻ, được biểu hiện thông qua cách nói hóm hỉnh: "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ / Người khôn người đến chốn lao xao". Qua câu chữ dường như đó có vẻ là cách nói ngược nhưng ở bề sâu tư tưởng thì việc nhún nhường sống ở "nơi vắng vẻ" mới là "khôn". Bởi tác giả đã có sự trải đời, tận thấu sự đua chen, thói xô bồ, sự trói buộc trong vòng danh lợi ở "chốn lao xao".
=> Nghệ thuật đối tạo ra sự so sánh giữa hai cách sống, hai lối sống và khẳng định triết lí sống của tác giả: sống thanh nhàn, không màng danh lợi mới là khôn.
Câu 3:
- Hai câu 5, 6 kể việc "ăn" và "tắm" cũng là biểu hiện cho cuộc sống thực chất, hòa hợp với thiên nhiên, thuận theo tự nhiên. Mùa nào thức ấy, bốn mùa có vẻ đạm bạc, giản dị nhưng lành mạnh và đem đến sự thanh thản cho tâm hồn. Thơ xưa thường tìm về với thiên nhiên thuần khiết để thể hiện lí tưởng đạo đức của nhà nho, người không màng danh lợi.
- Hai câu thơ đã vẽ nên cảnh sinh hoạt bốn mùa của tác giả, mùa nào cũng thong dong, thảnh thơi. Đây là lối sống đạm bạc mà thanh cao, hòa hợp với tự nhiên.
- Giá trị nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ:
So với câu thơ trong Truyện Kiều (Sen tàn cúc lại nở hoa) thì câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm có phần dung dị và mộc mạc hơn. Câu thơ có sao kể vậy, gợi ra cuộc sống chân thực, đầm ấm. Ăn và tắm là những hoạt động sinh hoạt thường nhật, nhưng không phải lối sống hiện đại mà là lối sống dung dị, hòa vào thiên nhiên, thuận theo tự nhiên, mùa nào thức ấy. Nghệ thuật đối rất chỉnh, bốn mùa gợi ra vòng tuần hoàn: thu, đông, xuân, hạ, lối sống thanh nhàn hoàn toàn lánh xa sự đời: ăn măng trúc, ăn giá, tắm hồ sen, tắm ao. Lối sống này mới thực chất là sự khôn, là lựa chọn đúng đắn của người quân tử.
Câu 4:
- Hai câu thơ cuối bài gợi ra điển tích về Thuần Vu Phần uống rượu say nằm ngủ dưới gốc cây hòe. Rồi mơ thấy mình ở nước Hòe An, được công danh phú quý rất mực vinh hiển. Sau bừng mắt tỉnh dậy thì hóa ra đó là giấc mộng, thấy mình đương nằm dưới cành hòe, chỉ có một tổ kiến mà thôi. Từ đó câu chuyện về Thuần Vu Phần, còn gọi mà điển tích Giấc mộng Nam Kha, gợi ra ý nghĩa: Phú quý chỉ như giấc mộng mà thôi.
Phú quý như giấc chiêm bao trở thành điển tích trong văn học gợi ra bài học răn dạy, cảnh tỉnh những kẻ tham công danh, phú quý mà chà đạp lên luân thường đạo lí. Thực chất, chỉ có nhân cách, đạo nghĩa mới là cái có giá trị vĩnh hằng.
- Câu thơ còn cho thấy tâm thế, trạng thái nhàn tản của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua việc uống rượu. Bởi người quân tử xưa kia uống rượu khi có bạn, nghĩa là phải "đối ẩm", có người để tri âm. Ở đây, "bạn" của Nguyễn Bỉnh Khiêm là ai? Phải chăng đó là thiên nhiên, người bạn vô ngôn nhưng không khác nào tri kỉ. Cả hai đều vắt vẻo trên mỏm đá mà nhắp chén, nhìn xuống mọi thứ trần gian thế tục, coi giàu sang danh lợi là cái đích cuối cùng. Nguyễn Bỉnh Khiêm khi ấy thực sự là một người tiên nơi cõi tục!
Câu 5:
Quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là trốn tránh sự vất vả để tận hưởng sự nhàn rỗi, cũng không phải là thái độ lánh đời, không quan tâm đến xã hội. Mà chữ "nhàn" là thái độ không đua chen để giữ cốt cách thanh cao, để hòa hợp và gắn bó với thiên nhiên. Đặt trong hoàn cảnh xã hội phong kiến đang trên đà trượt dài, khủng hoảng và có những biểu hiện suy vi, người hiền không có đất dụng thì quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm là một quan điểm sống tích cực.