Các học thuyết tiến hóa cổ điển

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

CÁC HỌC THUYẾT TIẾN HÓA CỔ ĐIỂN

I. Học thuyết tiến hoá của Lamac

1. Một số học thuyết trước Lamac

Mục đích luận: 

- Ví dụ: quan điểm của Thiên Chúa giáo (chúa tạo ra các sinh vật trong vòng 5 ngày, ngày thứ sáu tạo ra con người là Adam và Eva, ngày thứ 7 chúa nghỉ...), của người Trung Quốc (bà Nữ Oa đội đá vá trời, rồi lấy đất sét tạo thành muôn vật và loài người...).

- Quan niệm rằng tất cả các loài sinh vật đều được thượng đế sáng tạo ra trong cùng một lần, mang những đặc điểm thích nghi hợp lí ngay từ đầu và không bị biến đổi. Mọi cơ quan trên cơ thể được tạo ra đều là có MỤC ĐÍCH của Thượng đế.

- Ví dụ: Chim có cánh để bay, cá có vây để bơi, người có chân để đi...

Biến hình luận (Xanh Hile)

- Thừa nhận sự biến đổi của các loài dưới ảnh hưởng trực tiếp của ngoại cảnh.

- Cho rằng: các loài động vật có xương sống đều có cấu tạo giống nhau, nhưng tuỳ theo điều kiện ngoại cảnh ảnh hưởng đến bộ khung đó như thế nào  biến đổi bộ khung khác nhau về mặt chi tiết ở từng loài. Ví dụ:

  • Ếch, người và tinh tinh đều có cấu tạo bộ xương giống nhau gồm 3 phần là xương đầu, xương mình và xương chi (cánh, cẳng, cổ, bàn, ngón).
  • Do điều kiện ngoại cảnh và môi trường sống khác nhau  khác nhau về những chi tiết nhỏ hơn:
    • Ếch có màng bơi ở chân, xương chậu nhỏ.
    • Người không có màng bơi, xương chậu lớn...

- Biến đổi theo nguyên tắc cân bằng: một cơ quan phát triển mạnh lên thì một cơ quan khác tiêu giảm đi. Ví dụ:

  • Chim nhạn bay giỏi thì cánh dài, chân bé.
  • Đà điểu chạy nhanh thì chân to, khoẻ; cánh không phát triển, không bay được...

- Sự thống nhất về cấu tạo chung phản ánh sự thống nhất về nguồn gốc. Sự đa dạng về chi tiết là do ảnh hưởng của ngoại cảnh.

=> Quan điểm về tiến hoá: Tiến hoá là sự biến đổi của sinh vật dưới tác dụng của ngoại cảnh.

2. Thuyết tiến hoá của Lamac

Quan điểm về tiến hoá: Tiến hoá không đơn thuần là sự biến đổi mà là sự phát triển có kế thừa lịch sử. Nâng cao dần trình độ tổ chức của cơ thể từ đơn giản đến phức tạp là dấu hiệu chủ yếu của quá trình tiến hoá hữu cơ.

- Lamac nhấn mạnh:

  • Tiến hoá là sự phát triển có kế thừa lịch sử.
  • Nâng cao dần trình độ tổ chức của cơ thể là dấu hiệu chủ yếu.

Nguyên nhân tiến hoá (nguyên nhân gây ra các biến đổi trên cơ thể sinh vật): có 2 nguyên nhân chủ yếu.

- Do tác dụng trực tiếp của ngoại cảnh: điều kiện ngoại cảnh không đồng nhất và thường xuyên thay đổi làm các loài sinh vật bị biến đổi về mặt chi tiết. Tác dụng của ngoại cảnh diễn ra từ từ, tích luỹ trong thời gian dài sẽ tạo nên những biến đổi sâu sắc trên cơ thể sinh vật. Ví dụ: Cây mao lương nước

  • Lá phía trên mặt nước nhận được nhiều ánh sáng, quang hợp tốt, phát triển mạnh (hình tròn hoặc nhiều thuỳ).
  • Lá phía dưới mặt nước nhận được ít ánh sáng, quang hợp yếu, phát triển yếu (hình sợi mảnh).

- Do động vật thay đổi tập quán hoạt động: cơ quan nào hoạt động nhiều thì càng phát triển, cơ quan nào ít hoạt động thì ngày càng tiêu giảm. Những biến đổi của cơ thể do ảnh hưởng của tập quán hoạt động cũng được di truyền cho thế hệ sau. Ví dụ:

  • Hươu cao cổ: 
    • Ngày xưa, hươu ăn lá cây ở dưới đất, cổ ngắn.
    • Cỏ hết => hươu phải vươn cổ hái lá cây trên cao để ăn => dần dần, cổ hươu dài ra thành hươu cao cổ.
  • Đà điểu:
    • Thường xuyên dùng chân để chạy => chân to, khoẻ.
    • Ít sử dụng cánh => cánh nhỏ, ngắn.

Cơ chế tiến hoá:

- Ngoại cảnh và tập quán hoạt động tác động đến sinh vật => sinh vật biến đổi.

- Tất cả các biến đổi đó đều được di truyền cho thế hệ sau bằng con đường sinh sản: P: biến đổi nhỏ => F1: biến đổi lớn hơn … => Fn: biến đổi lớn, sâu sắc

- Biến đổi có kế thừa lịch sử.

=> Cơ chế tiến hoá: do sự di truyền các đặc tính thu được trong đời cá thể dưới tác động của ngoại cảnh hay tập quán hoạt động, từ đó, các biến đổi nhỏ sẽ được tích luỹ qua thời gian lịch sử thành những biến đổi lớn, sâu sắc.

Giải thích sự hình thành đặc điểm thích nghi: 

- Ngoại cảnh thay đổi chậm, sinh vật cũng từ từ biến đổi theo => có thể thích nghi kịp thời với sự biến đổi của ngoại cảnh => trong lịch sử không có loài nào bị diệt vong.

- Mọi cá thể trong loài đều nhất loạt phản ứng theo một cách giống nhau trước điều kiện ngoại cảnh mới để hình thành đặc điểm thích nghi chung cho cả loài.

=> Không phù hợp với các nghiên cứu cổ sinh vật học về số lượng các loài đã bị diệt vong trong lịch sử lớn hơn rất nhiều các loài còn sót lại đến ngày nay.

Giải thích sự hình thành loài mới: 

- Loài mới được hình thành từ từ qua nhiều dạng trung gian tương ứng với sự thay đổi của ngoại cảnh (hiện giờ các loài vẫn trên con đường biến đổi và không có loài nào bị diệt vong).

- Có sự tồn tại song song giữa các nhóm sinh vật bậc thấp và bậc cao là do các sinh vật đơn giản vẫn không ngừng được sinh ra từ các chất vô cơ và chúng vẫn đang trên con đường biến đổi.

- Khái niệm "loài" không có thực trong tự nhiên.

Đóng góp

- Chứng minh sinh giới, kể cả con người là sản phẩm của quá trình phát triển liên tục, từ đơn giản đến phức tạp theo quy luật tự nhiên.

- Nêu được vai trò của ngoại cảnh và bước đầu tìm hiểu được tác dụng của ngoại cảnh lên cơ thể sinh vật.

Tồn tại

- Chưa nêu được cơ chế tác dụng của ngoại cảnh lên cơ thể sinh vật.

- Chưa phân biệt được các biến dị di truyền và biến dị không di truyền cũng như cơ chế di truyền của các biến dị đó.

- Chưa giải thích được quá trình hình thành loài. Cho rằng không có loài nào bị diệt vong là sai lầm.

II. Học thuyết tiến hoá của Đacuyn

1. Luận điểm về biến dị

- Biến dị: là sự khác nhau giữa các cá thể - giữa con cái với bố mẹ, ông bà.

Nguyên nhân phát sinh biến dị: gồm 2 nguyên nhân

- Ngoại cảnh: có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên cơ thể sinh vật, làm sinh vật có sự biến đổi sai khác nhau.

- Quá trình sinh sản: tạo ra các cơ thể con có thể khác nhau và khác với bố mẹ của chúng.

Các loại biến dị: Có 2 loại biến dị: biến dị xác định (biến đổi cá thể) và biến dị không xác định (biến dị cá thể).

- Biến dị xác định (biến đổi cá thể): là những biến đổi trên cơ thể sinh vật dưới ảnh hưởng trực tiếp của ngoại cảnh, tồn tại trong đời cá thể (không di truyền cho thế hệ sau). Ví dụ: Cây rau dừa nước:

  • Môi trường khô hạn: rễ dài, đốt thân ngắn.
  • Môi trường ẩm: rễ ngắn, đốt thân dài ra.
  • Môi trường nước: mỗi đốt thân đều có phao bơi.

- ​Biến dị không xác định (biến dị cá thể): là hiện tượng con cái sinh ra trong cùng một lứa có thể khác nhau và khác bố mẹ ở một vài đặc điểm, chi tiết. Biến dị cá thể phát sinh trong quá trình sinh sản của sinh vật. Ví dụ: Những con gà con sinh ra trong cùng một lứa có màu sắc lông, hình dạng mỏ, mào khác nhau...

Vai trò của các loại biến dị:

- Biến dị xác định: ít có ý nghĩa trong tiến hoá và chọn giống.

- Biến dị không xác định - biến dị cá thể: là nguyên liệu chủ yếu của tiến hoá và chọn giống.

(?) Hai loại biến dị theo quan niệm của Đacuyn tương ứng với những loại biến dị nào theo quan niệm của di truyền học hiện đại?

  • Biến dị xác định (~ thường biến)
  • Biến dị không xác định - biến dị cá thể (~ biến dị tổ hợp)

2. Luận điểm về chọn lọc nhân tạo

- Chọn lọc nhân tạo là sự chọn lọc do con người tiến hành, tích luỹ những biến dị có lợi và đào thải những biến dị có hại đối với nhu cầu của con người.

- Ví dụ:

  • Gà Lơgo được chọn lọc theo hướng cho thịt => mất khả năng ấp trứng.
  • Bò cày được chọn lọc theo hướng cày kéo => cho sữa ít.
  • Bò sữa được chọn lọc theo hướng cho sữa => cho sữa nhiều, khả năng cày kéo kém.

Tính chất của chọn lọc nhân tạo

- Do con người tiến hành.

- Vì lợi ích của con người.

Cơ sở của chọn lọc nhân tạo: dựa trên tính biến dị và di truyền của sinh vật.

Nội dung của chọn lọc nhân tạo: tích luỹ các biến dị có lợi, đào thải các biến dị có hại cho bản thân con người.

Động lực của chọn lọc nhân tạo: nhu cầu phức tạp, thị hiếu thay đổi của con người.

Kết quả của chọn lọc nhân tạo: vật nuôi, cây trồng phát triển theo hướng có lợi cho con người.

Vai trò của chọn lọc nhân tạo:

- Là nhân tố chính qui định chiều hướng và tốc độ biến đổi của các giống vật nuôi, cây trồng.

- Giải thích vì sao vật nuôi, cây trồng luôn thích nghi cao độ với nhu cầu, thị hiếu của con người.

Phân li tính trạng trong chọn lọc nhân tạo: từ một giống ban đầu tạo thành nhiều giống vật nuôi, cây trồng khác nhau, phù hợp với các nhu cầu khác nhau của con người.

3. Luận điểm về chọn lọc tự nhiên

Luận điểm về chọn lọc tự nhiên của Đacuyn: dựa trên các căn cứ Luận điểm về chọn lọc nhân tạo.

Học thuyết của Thomas Malthus về quần thể người: Malthus cho rằng phần lớn những đau khổ của con người như bệnh tật, nạn đói, vô gia cư, chiến tranh là những kết quả không thể tránh khỏi do tiềm năng sinh sản quá nhanh của quần thể người so với nguồn thức ăn và các nguồn lực khác có thể cung cấp.

Các quan sát và nhận xét của Đacuyn về mối quan hệ giữa các sinh vật trong tự nhiên:

- Nhận xét 1: Tất cả các loài đều có một tiềm năng sinh sản lớn đến mức mà kích thước quần thể có thể tăng theo cấp số nhân nếu tất cả các cá thể của quần thể đều sinh sản thành công.

- Nhận xét 2: Quần thể có xu hướng giữ một kích thước ổn định, trừ những dao động do sự cố bất thường.

- Nhận xét 3: nguồn lực của môi trường là có giới hạn.

=> Kết luận 1: Sự sản sinh nhiều cá thể hơn là nguồn lực của môi trường có thể cung cấp dẫn tới các cá thể trong quần thể phải đấu tranh với nhau để sinh tồn (đấu tranh sinh tồn), và do đó ở mỗi thế hệ, chỉ một phần con cháu của chúng sống sót.

- Nhận xét 4: Các cá thể trong một quần thể thường khác nhau ở rất nhiều các đặc điểm, không có 2 cá thể nào là hoàn toàn giống nhau.

- Nhận xét 5: Rất nhiều trong số những biến dị này được di truyền cho đời sau.

=> Kết luận 2: Sự sống sót trong cuộc đấu tranh sinh tồn là không ngẫu nhiên, mà nó phụ thuộc một phần vào các đặc tính di truyền. Các cá thể nào có các đặc điểm di truyền cho phép chúng sống sót và sinh sản tốt hơn trong môi trường của chúng sẽ để lại nhiều con cháu hơn các cá thể khác kém phù hợp hơn.

=> Kết luận 3: Sự bất bình đẳng trong khả năng sống sót và sinh sản sẽ dẫn tới sự thay đổi dần dần trong quần thể, với các đặc điểm có lợi được tích luỹ qua các thế hệ.

Luận điểm về CLTN, có nội dung:

Khái niệm: CLTN là quá trình tích lũy các biến dị có lợi, đào thải các biến dị có hại cho bản thân sinh vật, dẫn đến kết quả là sự sống sót của các cá thể thích nghi nhất.

Tính chất: diễn ra trong tự nhiên, vì lợi ích của sinh vật.

Cơ sở của CLTN: tính biến dị và di truyền của sinh vật.

Nội dung: Gồm 2 Cácmặt song song: Tích lũy các biến dị có lợi, đào thải các biến dị có hại cho bản thân sinh vật.

Động lực của CLTN: Quá trình đấu tranh sinh tồn. Sinh vật sống trong tự nhiên luôn phải cạnh tranh với:

  • Sinh vật cùng loài (đấu tranh cùng loài): dành thức ăn, nơi ở, sinh sản...
  • Sinh vật khác loài (đấu tranh khác loài): chủ yếu cạnh tranh về dinh dưỡng (vật ăn thịt, con mồi, cạnh tranh với những loài có chung nguồn sống...)
  • Môi trường: chống chịu với các điều kiện bất lợi của môi trường...
  • Trong các quan hệ đó, đấu tranh cùng loài là khắc nghiệt nhất vì những cá thể cùng loài thường có nhu cầu giống nhau, đặc biệt về nhu cầu sinh sản.
  • Thông qua các cuộc đấu tranh sinh tồn đó, những cá thể thích nghi nhất mới có thể sống sót và phát triển.

Ví dụ: Trên quần đảo có gió thổi mạnh, những sinh vật sống sót là những con có cánh khỏe hoặc không có cánh, bò trên mặt đất. Những con cánh yếu bị gió thổi bay ra biển và bị đào thải hết.

Kết quả: Sinh vật thích nghi với môi trường sống của nó.

Vai trò:

  • Là nhân tố chính qui định chiều hướng và tốc độ biến đổi của các loài sinh vật trong tự nhiên.
  • Giải thích vì sao các loài sinh vật luôn thích nghi cao độ với môi trường sống của chúng.
  • Phân ly tính trạng trong CLTN: Từ một loài ban đầu, do sống trong các điều kiện khác nhau, bị CLTN tác động theo các hướng khác nhau dẫn đến hình thành nhiều loài mới khác nhau phù hợp với từng môi trường sống đó.

Kiểm chứng thuyết chọn lọc tự nhiên của Đacuyn bằng thực nghiệm

Ví dụ 1: Nghiên cứu về các loài cá màu: sự đa dạng của các quần thể cá màu nước ngọt.

  • Cá nước ngọt có màu sắc sặc sỡ sống ở các hồ tự nhiên ở hệ thống sông Aripo ở Trinidad.
  • Hai nhà khoa học John Endler and David Reznick đã nghiên cứu về những con cá nhỏ này suốt trên một thập kỉ.
  • Hiện tượng: Các nhà nghiên cứu quan sát thấy sự khác nhau rõ rệt giữa các quần thể cá sống trong các hồ khác nhau trên cùng hệ thống sông này. Các quần thể khác nhau về tuổi và kích thước của cơ thể khi thành thục sinh dục.

(?) Tại sao các quần thể cá trong các hồ khác nhau lại khác nhau về tuổi và kích thước của cơ thể khi thành thục sinh dục?

  • Nghiên cứu: Những biến đổi này có liên quan đến một loại vật ăn thịt có ở mỗi hồ.
  • Ở một số hồ, kẻ thù chính là những con cá nhỏ ăn ấu trùng muỗi, ăn các cá con chưa trưởng thành (vật ăn thịt loại 1).
  • Ở một số hồ khác, kẻ thù chính lại là loài cá chó lớn, thường ăn các con trưởng thành (vật ăn thịt loại 2).

(?) Hãy dự đoán độ tuổi và kích thước cơ thể khi thành thục sinh dục của quần thể cá màu ứng với các hồ có các loại vật ăn thịt khác nhau đó? tại sao?

  • Kết quả: Cá trong quần thể là nạn nhân của cá chó lớn thì thường có tuổi sinh sản sớm hơn và cũng có kích thước nhỏ hơn cá trong các hồ có kẻ thù là cá ăn ấu trùng nhỏ.
  • Giải thích: Vì cá chó lớn thường bắt các con trưởng thành trong độ tuổi sinh sản nên cơ hội để một con cá màu nào đó sẽ sống sót và sinh sản một vài lần là thấp.
  • Các cá màu thành công nhất về mặt sinh sản trong mối quan hệ với cá chó ăn thịt là những cá thể thành thục sinh dục ở độ tuổi nhỏ hơn và kích thước nhỏ hơn, cho phép chúng sinh sản ít nhất là một lứa trước khi lớn đến kích thước sẽ làm mồi cho cá chó.
  • Trong mối quan hệ với cá ăn ấu trùng, thì các con cá màu càng sống lâu thì càng đẻ được nhiều lứa hơn các con trẻ tuổi.
  • Kết luận ban đầu: những sai khác về độ tuổi sinh sản và kích thước cơ thể khi thành thục sinh dục của các quần thể cá màu là do CLTN dưới tác nhân chọn lọc là các loại vật ăn thịt.

(?) Làm thế nào để xác định được kết luận đó có chính xác hay không?

  • Thí nghiệm kiểm chứng: Để kiểm tra xem liệu những sai khác này có phải là kết quả của chọn lọc tự nhiên không, Reznick and Endler đã đưa các con cá màu nước ngọt ở các hồ có kẻ thù là các chó lớn vào các hồ mới có cá ăn ấu trùng mà không có cá màu.
  • Kết quả: Sau 11 năm, kích thước trung bình của cá thể ở tuổi sinh sản ở các quần thể cá bị chuyển đi nặng hơn các cá thể của các quần thể không bị chuyển đi 14%. Tuổi sinh sản trung bình cũng tăng lên.
  • Kết quả này ủng hộ quan điểm là chọn lọc tự nhiên đã gây ra sự thay đổi trong các quần thể cá bị chuyển đi.

Ví dụ 2: Sự kháng thuốc của virus HIV

- Ví dụ thứ 2 về tác động của chọn lọc tự nhiên là sự xuất hiện của các quần thể virus HIV kháng thuốc. Các nhà nhiên cứu đã sản xuất được nhiều loại thuốc chống HIV, nhưng việc sử dụng các dược phẩm này lại chọn lọc các virus có khả năng kháng thuốc. Một vài virus có khả năng háng thuốc có thể xuất hiện ngẫu nhiên ngay từ lúc mới bắt đầu điều trị.

- Các virus kháng thuốc sống sót tốt hơn trong quá trình điều trị và truyền lại các gen kháng thuốc cho thế hệ sau => Tần số các cá thể virus kháng thuốc tăng lên nhanh chóng trong quần thể.

Ví dụ: Các nhà khoa học đã chế tạo ra thuốc 3TC, tác động vào enzym sao mã ngược – sao ngược từ ARN của virus thành ADN để gắn vào NST của vật chủ. 

  • Vì 3TC có hình dạng giống với X của ADN nên enzym sao mã ngược của HIV sẽ liên kết với 3TC thay vì với X để tạo thành ADN. Sự sai sót này sẽ làm dừng quá trình tổng hợp ADN và do đó sẽ ngăn cản sự nhân lên của virus.
  • Các chủng virus kháng 3TC có một dạng enzym sao mã ngược có thể phân biệt giữa 3TC và X. Các virus này không có lợi trong môi trường không có 3TC. Trên thực tế, chúng còn sinh sản chậm hơn các virus có enzym bình thường vì chúng mất thời gian kiểm tra xem có đúng là X không thì mới tiếp tục sao mã ngược.
  • Khi 3TC được thêm vào môi trường, nó trở thành tác nhân chọn lọc => Các virut không có gen kháng 3TC bị tiêu diệt hết, chỉ còn lại các virut có gen kháng 3TC => Các virut này sinh sản và truyền gen cho đời sau => Thuốc 3TC không còn tác dụng.

Kết luận: Các ví dụ về cá màu và virus HIV nêu bật 2 điểm quan trọng về chọn lọc tự nhiên:

  • Chọn lọc tự nhiên là một cơ chế loại trừ chứ không phải là một cơ chế sáng tạo. Nó chỉ có thể hoạt động trên vốn biến dị di truyền có sẵn của quần thể. Nó không thể tạo ra các đặc điểm thích nghi.
  • Chọn lọc tự nhiên chỉ tích luỹ những đặc điểm phù hợp với một môi trường nhất định. Một đặc điểm có thể là có lợi trong môi trường này những chưa chắc đã thích nghi trong những môi trường khác.

Ví dụ: Các con cá màu thành thục sinh dục ở độ tuổi sớm hơn với kích thước nhỏ hơn chỉ thích nghi trong các hồ có kẻ thù là các chó lớn, nhưng trong các hồ có kẻ thù là cá ăn ấu trùng nhỏ thì chúng lại là không thích nghi. Trong môi trường không có 3TC, các virus HIV có enzym sao mã ngược bị biến đổi sinh sản chậm hơn các virus HIV bình thường.

(?) So sánh CLNT và CLTN:

Chỉ tiêu

Chọn lọc nhân tạo

Chọn lọc tự nhiên

Khái niệm

Chọn lọc do con người tiến hành, tích luỹ những biến dị có lợi và đào thải những biến dị có hại đối với nhu cầu của con người.

Chọn lọc do tự nhiên tiến hành, tích luỹ những biến dị có lợi và đào thải những biến dị có hại đối với bản thân sinh vật.

Tính chất

Do con người tiến hành.

Vì lợi ích của con người.

Diễn ra trong tự nhiên

Vì lợi ích của sinh vật

Cơ sở

Dựa trên tính BD và DT của sinh vật

Dựa trên tính BD và DT của sinh vật

Nội dung

Tích luỹ các biến dị có lợi, đào thải các biến dị có hại cho bản thân con người.

Tích luỹ các biến dị có lợi, đào thải các biến dị có hại cho bản thân sinh vật.

Động lực

Nhu cầu phức tạp, thị hiếu thay đổi của con người

Đấu tranh sinh tồn của sinh vật trong mối quan hệ giữa sinh vật với sinh vật, sinh vật với môi trường.

Kết quả

Vật nuôi, cây trồng phát triển theo hướng có lợi cho con người.

Các loài sinh vật thích nghi với môi trường sống.

Vai trò

Là nhân tố chính qui định chiều hướng và tốc độ biến đổi của các giống vật nuôi, cây trồng.

Giải thích vì sao vật nuôi, cây trồng luôn thích nghi cao độ với nhu cầu, thị hiếu của con người.

Là nhân tố chính qui định chiều hướng và tốc độ biến đổi của các loài sinh vật trong tự nhiên.

Giải thích vì sao các loài sinh vật luôn thích nghi cao độ với môi trường sống của chúng.

 (?) So sánh 2 học thuyết tiến hóa cổ điển

Vấn đề

Theo Lamac

Theo Đacuyn

Nguyên nhân tiến hóa

+ Do ngoại cảnh hay tập quán hoạt động thay đổi qua không gian và thời gian.

+ Do chọn lọc tự nhiên tác động thông qua đặc tính biến dị và di truyền của sinh vật.

Cơ chế tiến hóa

+ Là sự di truyền các đặc tính thu được trong đời cá thể dưới tác dụng của ngoại cảnh hay tập quán hoạt động.

+ Là sự tích lũy các biến dị có lợi, đào thải các biến dị có hại dưới tác dụng của chọn lọc tự nhiên.

Hình thành đặc điểm thích nghi

+ Do ngoại cảnh thay đổi chậm, sinh vật có khả năng phản ứng kịp thời và phù hợp nên không bị đào thải.

+ Do biến dị phát sinh vô hướng. Sự thích nghi hợp lý đạt được thông qua sự đào thải dạng kém thích nghi.

Hình thành loài mới

+ Loài mới được hình thành từ từ qua nhiều dạng trung gian, tương ứng với sự thay đổi của ngoại cảnh.

+ Loài mới được hình thành từ từ qua nhiều dạng trung gian dước tác dụng của chọn lọc tự nhiên, theo con đường phân li tính trạng từ 1 gốc chung.

Ưu điểm

+ Đã chứng minh sinh giới, kể cả loài người là 1 sản phẩm của quá trình phát triển liên tục, từ đơn giản đến phức tạp.
+ Bước đầu giải thích được cơ chế tác động của ngoại cảnh thông qua việc sử dụng hay không sử dụng các cơ quan và sư di truyền cho đời sau các tập tính thu được.

+ Phát hiện ra vai trò của chọn lọc tự nhiên để lí giải các vấn đề thích nghi, hình thành loài mới và nguồn gốc các loài.
+ Là người đầu tiên dùng khái niệm biến dị cá thể (gọi tắt là biến dị) => nguyên liệu chủ yếu của chọn giống và tiến hóa.
+ Thành công trong việc xây dựng luận điểm về nguồn gốc thống nhất của các loài.
+ Chứng minh sinh giới ngày nay là kết quả của quá trình tiến hóa từ 1 nguồn gốc chung.

Tồn tại chung

- Chưa phân biệt biến dị di truyền với biến dị không di truyền được.

- Chưa hiểu nguyên nhân phát sinh biến dị và cơ chế di truyền biến dị. Chưa hiểu rõ cơ chế tác dụng của ngoại cảnh và của CLTN.