Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác
0
3 coin

Câu 1: Bài ca dao 1, 2

a. Bài ca dao là lời than của những cô gái đang ở độ xuân thì. Họ là những cô gái còn trẻ, có phẩm chất tốt đẹp nhưng không được nâng niu trân trọng. Họ không được tự quyết định tương lai và hạnh phúc của mình. Nhưng ở họ vẫn thường trực một nỗi khát khao, mong muốn được sống hạnh phúc.

b. Sắc thái riêng trong mỗi bài ca dao:

- Bài 1: Người phụ nữ ý thức được tuổi xuân và vẻ đẹp của mình (tấm lụa đào) nhưng lại không tự quyết định tương lai của mình. (phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?)

- Bài 2: Khẳng định phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ và cũng là niềm mong muốn được khẳng định, trân trọng những vẻ đẹp ấy. Giọng điệu có chút xót xa, ngậm ngùi thương cho thân phận của người con gái trong xã hội xưa.

Câu 2: Bài ca dao 3

a. Bài ca dao mở đầu bằng đại từ phiếm chỉ "ai". "Ai" ở đây là những người ngăn cấm tình yêu, gả ép cô gái lấy người mà cô không yêu. Có thể đó là cha mẹ, là những hủ tục về cưới xin hay cũng có thể chính là người tình phụ bạc...

b. Mặc dù tình duyên dang dở những cô gái vẫn khẳng định tình nghĩa thủy chung qua những hình ảnh so sánh, ẩn dụ. Tác giả dân gian đã lấy cái bất biến, vĩnh hằng của vũ trụ, thiên nhiên để khẳng định tình thủy chung son sắt của lòng người.

c. Sao Vượt (còn gọi là sao Hôm), thường mọc vào buổi chiều, khi sao này mọc thì trăng mới lên. Vì thế câu "Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời" là lời khẳng định tình nghĩa thủy chung son sắt và ý chí quyết tâm vượt qua những rào cản của tình yêu. Câu thơ là lời nhắn nhủ bạn tình cũng bộc lộ khát khao có được tình yêu, hạnh phúc.

Câu 3: Bài 4

Tình cảm thương nhớ của đôi lứa yêu nhau được bộc lộ tinh tế qua những sự vật được nhân hóa, hoán dụ, nâng lên thành biểu tượng như "khăn", "đèn", "mắt". Những sự vật này chính là tình cảm thương nhớ của cô gái dành cho người yêu.

Từ "khăn" được lặp lại 6 lần kết hợp với điệp khúc "Khăn thương nhớ ai" cùng những hành động, trạng thái "rơi xuống đất", "vắt lên vai", "chùi nước mắt" đã bộc lộ tâm trạng ngổn ngang, bứt rứt, trăm mối tơ vò, nỗi nhớ cồn cào thương nhớ người yêu của cô gái. 

Tâm trạng này cũng có lần được ca dao khắc họa, nhưng thông qua điểm nhìn của chàng trai: 

        "Nhớ ai nhớ mãi thế này
Nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn
         Nhớ ai em những khóc thầm,
Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa
         Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,
Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai?
         Nhớ ai bổi hổi bồi hồi,
Như đứng đống lửa như ngồi đống than?"

=> Nỗi nhớ người yêu đều bộc lộ da diết, bứt rứt, tinh tế.

Câu 4: Bài 5: 

      "Ước gì sông rộng một gang,

Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi"

Hình ảnh chiếc cầu - dải yếm là hình tượng nghệ thuật chỉ có trong cao dao, nói lên ước muốn mãnh liệt của người bình dân về tình yêu. Cái hay cái độc đáo của bài ca dao thể hiện ở chỗ:

Nếu như ca dao thường bộc lộ tình cảm của người con trai: "Cô kia cắt cỏ bên sông / Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang" thì trong câu ca dao trên lại bộc lộ tình cảm, sự chủ động và tình cảm trực tiếp của người con gái. Tình cảm này được bộc lộ rất táo bạo, mạnh mẽ.

Ước muốn "sông rộng một gang" và "bắc cầu dải yếm" đều là những ước muốn phi thực tế nhưng nó lại hợp logic với quy luật tình cảm của con người. Cô gái ước mong khoảng cách giữa chàng trai và cô gái được thu hẹp, để tình cảm giữa hai người được nảy nở và thắm thiết hơn. 

Câu 5: Bài 6

- Khi nói đến tình nghĩa của con người, ca dao lại sử dụng hình ảnh muối - gừng vì:

Muối mặn, gừng cay là chỉ những sự vật bất biến, ẩn dụ cho những khó khăn, sóng gió, trắc trở trong cuộc đời. 

Muối ba năm muối hãy còn mặn / Gừng ba năm gừng hãy còn cay: ý nói những sự vật dù trải qua thử thách của thời gian nhưng vẫn giữ nguyên được bản chất, nguyên dạng của nó. 

+ Sự vật còn trường tồn bất biến như vậy, tất yếu tình cảm con người càng trải qua nhiều sóng gió, càng thêm gắn bó và thấu hiểu nhau hơn. Bài ca dao khẳng định tình người trong cuộc sống, tình nghĩa thủy chung sắt son của con người.

- Một vài câu ca dao khác có sử dụng hình ảnh muối - gừng:

        "Tay nâng chén muối đĩa gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau"

Hay:

      "Muối ba năm muối đang còn mặn

     Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

  Đạo nghĩa cang thường chớ đổi từng ngày

Dẫu làm lên danh vọng hay rủi có ăn mày, ta cũng theo nhau".

Câu 6:

- Biện pháp nghệ thuật thường được dùng trong ca dao là so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ.

- Những biện pháp đó có nét riêng ở chỗ: lấy những sự vật gần gũi cụ thể với đời sống của người lao động để so sánh, gọi tên sự vật nhằm bộc lộ tình cảm của nhân vật trữ tình. Còn cũng vẫn những biện pháp ấy nhưng văn học viết lại mang tính bác học hơn.

Khách