Bài 36: Thực hành quan sát triệu chứng, bệnh tích của gà mắc bệnh Niu cát xơn và cá trắm cỏ bị bệnh xuất huyết do vi rút

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

Bài 36: Thực hành quan sát triệu chứng, bệnh tích của gà mắc bệnh Niu cát xơn và cá trắm cỏ bị bệnh xuất huyết do vi rút 

Tóm tắt lý thuyết

I. Quan sát triệu chứng, bệnh tích của gà bị bệnh Niu-cát xơn

1. Khái niệm bệnh Niu -cát xơn

  • Bệnh Niu-cát-xơn (có nơi gọi dịch tả gà, thường gọi bệnh gà rù) là bệnh nguy hiểm có tỷ lệ gà chết cao, số gà sống sót bị thần kinh, lớn chậm, đẻ ít.

  • Bệnh lây lan nhanh, phát triển thành dịch lớn cả vùng, gà mọi lứa tuổi đều mắc bệnh, gây xáo trộn và bệnh tích trên đường hô hấp, tiêu hóa và thần kinh.

→ Bệnh là mối nguy hiểm cho ngành chăn nuôi gia cầm

2. Nguyên nhân bệnh

  • Bệnh gây ra bởi virus Paramyxovirus serotype L thuộc họ Paramyxovididae.

3. Phương thức lây truyền

  • Mọi lứa tuổi gà đều mắc bệnh, gà con là cảm thụ mạnh nhất.

  • Virus có thể lây lan qua trứng do virus cảm nhiễm trong ống dẫn trứng, vỏ trứng bị nhiễm khi ấp hay khi đẻ

  • Lây trực tiếp giữa gà khỏe tiếp xúc với gà bệnh, hoặc lây gián tiếp qua môi trường cũ có mầm bệnh do chưa sát trùng kỹ 

  • Virus xâm nhập vào cơ thể gà qua đường hô hấp, tiêu hóa hoặc niêm mạc, da do tiếp xúc với thức ăn, nước uống hoặc môi trường đã nhiễm bệnh  

4. Triệu chứng

Bệnh diễn biến qua 3 thể: 

a. Thể quá cấp tính:

Bệnh tiến triển nhanh với những biểu hiện triệu chứng chung (không rõ rệt) như: bỏ ăn, suy sụp, xù lông, gục đầu, sốt, khó thở…chết trong vài giờ

b. Thể cấp tính:

  • Gà ủ rũ, ăn ít sau bỏ ăn, thích uống nước, lông xù, xã cánh đứng rù hoặc nằm một chỗ, tím tái, xuất huyết, có nhiều dịch nhờn chảy ra từ mũi và mỏ, thở khò khè, gà bệnh hay bị sưng diều, tiêu chảy phân lẫn máu màu phân trắng xám mùi tanh…

  • Đối với gà đẻ trứng thì giảm đẻ, trứng nhỏ màu trắng nhợt, xuất huyết túi lòng đỏ. Tỷ lệ chết lên đến 100%.

c. Thể mãn tính:

  • Thường xảy ra sau đợt dịch: gà ngoẹo đầu, liệt chân, đầu mỏ gục xuống, mất thăng bằng, có khi quay vòng tròn...Gà chết do xáo trộn hô hấp, thần kinh, kiệt sức rồi chết.

5. Bệnh tích

Đối tượng quan sát                

Triệu chứng , bệnh tích

Tư thế trạng thái

Đứng hoặc nằm ủ rủ. Có con biểu hiện triệu chứng thần kinh như liệt chân, cánh, ngoẹo đầu, cổ

Mào 

Màu mào tím tái

Miệng

Nhớt dãi chảy thành nhiều sợi

Khí quản

Phù nề, sưng huyết

Ruột non

Xuất huyết và loét niêm mạc ruột non

Lách

Lách sưng to. Có những chấm trắng do thoái hóa hay hoại tử

Buồng trứng

Có xuất huyết, tụ huyết trong buồn trứng

Dạ dày

Dạ dày huyết dạ dày tuyến vùng gần tiếp giáp với thực quản

Thực quản 

Xuất huyết

 

Xuất huyết ở lỗ đổ ra ở dạ dày tuyến. Buồng trứng dị dạng hình múi na (Mãng cầu)…

6. Phòng bệnh

  • Phòng bệnh chủ yếu là dùng vaccin, chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu.

    • Trên gà con: chủng vaccin LASOTA lúc 1 ngày tuổi,lặp lại lúc 12 và 28 ngày tuổi.

    • Trên gà giống: Giai đoạn hậu bị chủng vaccin lúc 8-10 tuần tuổi, giai đoạn 2 tuần trước khi đẻ trứng chủng vaccin IMOPEST.

  • Kết hợp sử dụng một trong các các loại premix để tăng sức đề kháng, giúp gia cầm khỏe mạnh, chống stress…

  • Vệ sinh thức ăn, nước uống, dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ: Định kỳ sát trùng chuồng trại bằng một trong các sản phẩm: NOVACIDE, NOVADINE, NOVASEPT

7. Điều trị

  • Bệnh không có thuốc trị đặc hiệu, các biện pháp sau đây giúp giảm bớt tỷ lệ chết và sự lây lan khi bệnh phát ra:

    • Dùng 1 trong 3 loại thuốc sát trùng sau: NOVACIDE, NOVADINE, NOVASEPT sát trùng chuồng trại 3 ngày phun thuốc một lần.

    • Dùng Vaccin LASOTA chủng toàn bộ số gà trong đàn.

    • Dùng một trong 3 loại thuốc sau như NOVA-TRIMEDOX, NOVA FLOX 20%, NOVA-TRIMOXIN trong 5 ngày liên tục qua nước uống để hạn chế sự phụ nhiễm của vi trùng.

    • Cung cấp đầy đủ chất điện giải và vitamin qua nước uống bằng cách chọn 1 trong các sản phẩm sau: NOVA-C COMPLEX, NOVA-ELECTROVIT, NOVA-AMINOLYTES, NOVA VITA PLUS… 

II. Quan sát triệu chứng, bệnh tích của cá trắm cỏ bị bệnh xuất huyết do virus

1. Tác nhân gây bệnh

  • Bệnh do virus Reovius gây ra, bệnh xuất hiện ở cá trắm cỏ, cỡ cá chủ yếu < 1 tuổi.

2. Dấu hiệu bệnh lý

  • Da cá có màu tối xẫm, cá nổi lờ đờ trên tầng mặt.

  • Cá bệnh nặng có một số dấu hiệu: mắt lồi và xuất huyết, mang nhợt nhạt, nắp mang, vây xuất huyết.

  • Xoang miệng, nắp mang, xung quanh mắt, gốc vây và phần bụng đều biểu hiện xuất huyết, nhãn cầu lồi ra, tơ mang màu đỏ tím hoặc trắng nhợt do mất máu.

  • Bệnh thường kết hợp với bệnh viêm ruột do vi khuẩn làm cho ruột hoại tử và sinh hơi, đồng thời thấy triệu chứng hậu môn viêm đỏ

Bệnh xuất huyết do vi rút ở cá trắm cỏ

3. Phương thức lan truyền bệnh

  • Mầm bệnh virus lây nhiễm vào cá khoẻ chủ yếu từ cá bệnh và cá mang virus. Cá bệnh sau khi chết, virus phát tán ở trong nước, các chất thải và dịch nhớt của cá bệnh đều mang virus.

  • Bệnh xuất huyết của cá trắm cỏ là bệnh của vùng nước ấm. Thông thường phát bệnh khi nhiệt độ nước từ 25-320C.

4. Triệu chứng:

  • Bệnh có thể xảy ra ở 2 dạng:

    • Dạng cấp tính: bệnh phát triển rất nhanh và trầm trọng, cá bị bệnh sau 3-5 ngày có thể chết, tỷ lệ chết 60-80%; ở nhiều ao, lồng cá chết 100%. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở cá giống cỡ 4-25cm, đặc biệt cá giống cỡ 15-25cm .

    • Dạng mãn tính: Bệnh phát triển tương đối chậm, cá chết rải rác trong suốt mùa phát bệnh.

  • Bệnh mãn tính thường xuất hiện ở ao cá giống, nuôi ở diện tích lớn và mật độ thưa.

5. Bệnh tích.

  • Tróc vẩy và lớp da có hiện tượng xuất huyết trên cơ thân làm cơ dưới da có màu đỏ tím, đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh.

  • Trong các cơ quan nội tạng quan sát thấy: ruột xuất huyết cục bộ hoặc toàn bộ xuất huyết màu đỏ thẫm, thành ruột còn chắc chắn, không hoại tử; trong ruột không có thức ăn; gan xuất huyết có đốm màu trắng. Xoang bụng cũng có hiện tượng xuất huyết.

Virus ở gan, thận cá trắm cỏ bị bệnh xuất huyết

  • Triệu chứng, bệnh tích của cá trắm cỏ bị mắc bệnh xuất huyết

Đối tượng quan sát Mô tả triệu chứng, bệnh tích
Da, vảy, mắt Da, vảy đổi màu xám, khô ráp, mắt lồi
Gốc vây, nắp mang Gốc vây, nắp nang xuất huyết
Cơ dưới da Xuất huyết gần như hoàn toàn
Cơ quan nội tạng Mang, ruột, gan,… xuất huyết

6. Phòng và trị bệnh

  • Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp: vệ sinh lồng, ao nuôi kỹ lưỡng trước khi nuôi,.

  • Dùng vôi hoà vào nước và té đều xuống ao với nồng độ 2kg/100m2 (2 lần/tháng) để tiêu diệt mầm bệnh.

  • Vào mùa bệnh, nên dùng vitamin C bổ sung vào thức ăn cho cá, với liều lượng 30 mg/kg cá/ngày và cho ăn liên tục trong mùa phát bệnh.

  • Mùa xuất hiện bệnh nên cho cá ăn thuốc KN-04-12, mỗi đợt cho ăn 3 ngày liên tục; liều lượng: cá giống 4g/kg cá/ngày, cá thịt 2g/kg cá/ngày.

Lời kết

Như tên tiêu đề của bài Thực hành quan sát triệu chứng, bệnh tích của gà mắc bệnh Niu cát xơn và cá trắm cỏ bị bệnh xuất huyết do vi rút, sau khi học xong bài này các em cần nắm vững các nội dung trọng tâm sau:

  • Quan sát và mô tả được triệu chứng, bệnh tích của gà mắc bệnh Niu cát xơn

  • Quan sát và mô tả được triệu chứng, bệnh tích của cá trắm cỏ mắc bệnh xuất huyết do vi rút gây ra.