Trao đổi khí là quá trình sinh vật lấy O2 hoặc CO2 từ môi trường vào cơ thể, đồng thời thải ra môi trường khí CO2 hoặc O2.
Trao đổi khí giữa cơ thể sinh vật với môi trường diễn ra theo cơ chế khuếch tán. Ở cơ thể động vật, trao đổi khí được thể hiện ở cả quá trình hô hấp, còn ở thực vật, trao đổi khí được thể hiện ở cả quá trình quang hợp và hô hấp.
II- Trao đổi khí ở thực vật
1. Cấu tạo của khí khổng
Thực vật trao đổi khí với môi trường chủ yếu qua khí khổng (ở lá cây). Mỗi khí khổng gồm 2 tế bào hình hạt đậu nằm sát nhau, thành ngoài mỏng, thành trong dày.
2. Chức năng của khí khổng
Trong quá trình quang hợp, khí khổng mở cho CO2 từ môi trường khuếch tán vào lá và O2 từ lá khuếch tán ra môi trường.
Trong hô hấp, quá trình này được diễn ra ngược lại: khí O2 khuếch tán vào lá và CO2 ra môi trường qua khí khổng.
Ngoài chức năng trao đổi khí, khí khổng còn thực hiện quá trình thoát hơi nước cho cây. Ở hầu hết thực vật, khí khổng mở khi cây được chiếu sáng và được cung cấp đủ nước. Độ mở của khí khổng tăng từ sáng đến trưa rồi giảm dần và nhỏ nhất vào chiều tối.
III- Trao đổi khí ở động vật
1. Cơ quan trao đổi khí ở động vật
Động vật trao đổi khí với môi trường qua cơ quan trao đổi khí.
Tuỳ từng loại động vật mà cơ quan trao đổi khí là da, hệ thống ống khí, mang hay phổi
2. Quá trình trao đổi khí ở động vật (ví dụ ở người)
Ở người, khi hít vào, không khí đi qua khoang mũi tới hầu, khí quản, phế quản (đường dẫn khí) để vào phổi. Tại phổi, khi hít vào, O2 khuếch tán từ phế nang vào máu đến cung cấp cho các tế bào trong cơ thể. Tại các tế bào, CO2 được chuyển vào máu đến phổi, sau đó sẽ khuếch tán vào phế nang và được đưa ra ngoài môi trường qua động tác thở ra.
❗Em có biết
Vào ban đêm, đa số các loài cây chỉ hấp thụ khí O2 và thải khí CO2 qua quá trình hô hấp. Tuy nhiên, một số loài cây có khả năng sinh ra khí O2 và hấp thụ khí CO2 vào ban đêm như cây lưỡi hổ, cây nha đam, cây phú quý, cây oải hương,... Trong đó, cây lưỡi hổ, ngoài khả năng hấp thụ CO2 và tạo khí O2 vào ban đếm còn có thể hấp thụ nhiều loại khí độc như formandehyde, nitrogen, khói thuốc lá,... Do đó, có thể trồng cây lưỡi hổ trong nhà, vừa có tác dụng trang trí, vừa giúp không khí trong sạch hơn.
Cây lưỡi hổ
Cây nha đam
Cây phú quý
Cây oải hương
Trong thực tế, một số gia đình có thói quen sưởi ấm bằng than vào mùa đông hoặc ủ bếp than tổ ong trong nhà phục vụ cho việc đun nấu. Việc đó dẫn đến nguy cơ ngạt khí cho con người do khí than chứa nhiều CO2 và CO, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, không nên sưởi ấm bằng cách đốt than, củi trong phòng kín; luôn giữ môi trường sống thông thoáng; trồng nhiều cây xanh để có không khí trong lành, giúp chúng ta có hệ hô hấp khoẻ mạnh.
1. Trao đổi khí là quá trình sinh vật lấy O2 hoặc CO2 từ môi trường vào cơ thể, đồng thời thải ra môi trường khí CO2 hoặc O2.
2. Thực vật trao đổi khí với môi trường chủ yếu thông qua khí khổng ở lá, được thực hiện trong quang hợp và hô hấp. Các chất khí khuếch tán vào và ra khỏi lá khi khí khổng mở.
3. Ở người, khi hít vào, không khí đi đi qua đường dẫn khí vào đến phổi sẽ cung cấp O2 cho các tế bào; khí CO2 từ tế bào được máu chuyển tới phổi để thải ra ngoài môi trường qua động tác thở.