Bài làm
Trời đã xế chiều nhưng nắng vẫn chói chang. Trên đường, người và xe tấp nập ngược xuôi, mặc cho hơi nóng bốc lên hầm hập. Một tuần trôi qua nhanh thật! Hôm nay đã là thứ bảy.
Chợt ngoài cửa có tiếng chú bưu tá gọi vọng vào: "Mời bác Quang ra kí nhận thư bảo đảm! ". Buông vội tờ báo, ba em bước ra ngoài. ít phút sau, ba trở vàotay cầm chiếc phong bì lớn. Ba cười thật tươi, vẻ mặt rạng rỡ lạ thường. Khôngnén nổi tò mò, em chạy đến bên ba và hỏi:
- Thư của ai hả ba?
Không trả lời, ba mở phong bì, lấy thư ra đọc rồi bất chợt nhấc bổng em lên,quay tít. Tiếng reo của ba vang khắp căn phòng nhỏ:
- Thành công rồi! Cha con ta thành công rồi! Bống nhà ta đã đoạt giải thưởng cuộc thi vẽ Mùa hè của em! Con gái của ba giỏi lắm! Chúc mừng con! Ba sẽ thưởng cho con hộp màu nước thật "xịn" của Nhật! Thích không?!
Niềm vui tràn ngập, toả sáng trên gương mặt mỗi người thân trong gia đình. Ông nội em chậm rãi vuốt chòm râu bạc, từ tốn nói:
- Ông đã bảo mà! Cái Bống nhà ta có khiếu, lại say mê học vẽ. Có chí thì nên cháu ạ!
Mẹ em từ dưới bếp chạy lên, ôm em vào lòng, xuýt xoa khen:
- Bống của mẹ "cừ" thật đấy! Vượt qua được bao nhiêu bạn cùng tham gia thi vẽ. Thế là từ nay nhà ta có "hoạ sĩ" rồi! Nhưng mẹ bảo này, "hoạ sĩ Bống" chớ có mừng quá mà phổng mũi lên nghe chưa!
Trước tin vui, em xúc động đến chảy nước mắt. Em không ngờ bức tranh của mình lại đoạt được giải thưởng. Trong tranh, em vẽ một thảm cỏ xanh, một bầu trời trong xanh với những đám mây trắng bồng bềnh, làm nền cho cô bé mặc bộ đồng phục học sinh, cổ quàng khăn đỏ, hai cánh tay giơ cao tung chú chim bồ câu trắng.
Trong thư mời ghi rõ 9 giờ sáng mai, Nhà văn hoá thiếu nhi thành phố sẽ tổ chức triển lãm tranh và lễ phát phần thưởng. Ba em bảo cả nhà cùng đi cho vui. Cu Tùng cứ tíu tít chạy tới chạy lui, năn nỉ: "Chị Bống cho Tùng đi theo với nhé! ". Mẹ em mở tủ, chọn cho em bộ váy áo đẹp nhất. Không khí trong nhà rộn ràng và vui như Tết.
Người vui nhất có lẽ là ba em vì suốt mấy năm nay, ba không quản nắng mưa, đưa em đi học vẽ. Ba động viên em rất nhiều, Ba dành dụm từ đồng lương ít ỏi của mình để mua cho em bút lông, màu nước và giấy vẽ. Thành công của em hôm nay có không ít mồ hôi và công sức của ba. Đến một ngày nào đó, em sẽ vẽ bức chân dung của ba với vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc. Em tự nhủ phải cố gắng thêm nhiều để mang lại niềm vui, niềm tự hào cho những người thân yêu.
Hai tiết Văn cuối cùng, lớp 6A chúng em được nghỉ vì cô giáo ốm. Lẽ ra nên về nhà ngay nhưng em lại nghe theo lời rủ rê của bạn Tùng, tạt vào một tụ điểm giải trí ven đường.
Đám con trai chúng em đứa nào cũng thích chơi điện tử bởi nó hấp dẫn vô cùng. Cũng vì thế mà thời gian trôi qua lúc nào em không để ý. Mãi cho đến lúc bụng đói cồn cào, em mới sực nhớ ra. Nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên tường, thấy đã hơn mười hai giờ, em và Tùng vội vã trả tiền rồi cắm đầu cắm cổ chạy về nhà.
Thấy em mồ hôi mồ kê nhễ nhại, bố ngạc nhiên hỏi:
- Con làm sao thế?
Em trả lời quấy quá cho qua chuyện:
- Không có gì đâu ạ! Con với bạn Tùng chạy thi xem ai chạy nhanh hơn ấy mà!
Bố em thắc mắc:
- Giữa trưa nắng chang chang thế này mà hai đứa lại chạy thi thì mệt đứt hơi còn gì! Sao dại thế con?
Em không đáp, cúi đầu bước vào phòng trong để thay quần áo. Tâm trí cứ lo nghĩ vẩn vơ: "Bố mẹ biết mình nói dối thì chết! ".
- Thành ơi! Ra ăn cơm đi con!
Tiếng mẹ gọi vọng vào, thúc giục. Suốt bữa, em cúi gằm mặt chẳng dám nhìn ai. Cơm canh ngon lành là thế mà em chẳng hứng thú gì. Cái Mai, em gái em thì thầm với mẹ: "Mẹ ơi! Anh Thành hôm nay làm sao ý mẹ ạ! Mọi khi anh ấy hay kể chuyện vui lắm mà! ". Em cố làm ra vẻ bình thường nhưng trong lòng vẫn thấp thỏm không yên.
- Thành ơi! Ra tớ bảo cái này!
Nhận ra giọng của Dung, bạn cùng tổ cùng lớp, lại là hàng xóm, em giật bắn cả người. Thôi chết! Dung sang đây làm gì thế này? Em chạy bổ ra định ngăn Dung lại nhưng bạn ấy cử "vô tư" cười nói như mọi lần:
- Cháu chào hai bác! Hai bác ăn cơm ạ! Cháu sang rủ Thành chiều nay đi thăm cô Lan dạy Ván. Không hiểu cô đau ốm thế nào mà hôm nay phải nghỉ dạy tiết bốn tiết năm ở lớp cháu.
Em than thầm trong bụng: "Dung ơi! Bạn hại tôi rồi! Tôi biết nói với bố mẹ sao đây! Trời ơi! ". Dù không ngẩng mặt lên, em vẫn cảm thấy ánh mắt của bố đang nhìn chằm chằm vào em. Không khí bỗng trở nên ngột ngạt, khó thở. Em căng thẳng chờ đợi một cơn thịnh nộ.
Bố em nghiêm khắc hỏi:
- Mấy tiếng đồng hồ vừa qua, con đi đâu hả Thành? Nói thật cho bố mẹ nghe nào! Bố biết con không quen nói dối.
Bối rối và hổ thẹn, em không thể cất lời. May mà có Dung đỡ hộ:
- Cháu xin hai bác bớt giận! Thành à! Bạn hãy nhận lỗi với bố mẹ đi!
Em đã kể lại mọi chuyện và xin bố mẹ tha thứ. Bố không hề nổi giận mà còn ân cần khuyên nhủ:
- Con biết nhận lỗi như vậy là tốt. Bố mong con bớt ham chơi và chăm học hơn nữa. Con là con trai lớn trong nhà, Bố mẹ đặt niềm tin vào con rất nhiều. Con có hiểu được điều đó không?
Từng lời, từng lời của bố nhẹ nhàng mà vô cùng thấm thìa. Cách xử sự nghiêm khắc mà khoan dung của bố khiến em hết sợ. Em đã hứa với bố mẹ là từ nay trở đi, em sẽ không bao giờ tái phạm.
Tôi chưa hẳn là đứa con ngoan của mẹ. Bởi cái tính ngang ngạnh của mình mà nhiều lúc tôi khiến mẹ không vừa lòng. Có một lần tôi nhớ mãi, đã hơn một năm trôi qua, mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn hình dung thật rõ hình ảnh mẹ lúc ấy.
Đó là những ngày cuối năm học lớp 5. Do sự rủ rê của bạn bè mà tôi thường trốn học đi chơi. Nhiều lần như thế lặp đi lặp lại, kết quả học tập của tôi sút đi trông thấy. Hình như cô giáo đã trao đổi với mẹ.
Trưa hôm ấy, khi tôi đi học về đã thấy mẹ đợi sẵn ở nhà từ bao giờ. Mọi hôm, mẹ thường về muộn hơn tôi. Biết có chuyện, tôi định lỉnh ra sau nhà, nhưng mẹ đã gọi lại. Mẹ hỏi chuyện học của tôi ở lớp. Lẽ dĩ nhiên là tôi trả lời trơn tru. Khi mẹ yêu cầu tôi đưa bài vở của mình cho mẹ xem, bí quá, tôi gắt lên: “Mẹ không có quyền đòi xem sách vở của con!”. Đang cầm chiếc cặp của tôi trên tay, mẹ sững lại.
Trong đôi mắt mẹ thoáng qua một chút ngạc nhiên. Một chút bối rối. Một chút đau đớn và bực bội. Cái cặp rơi xuống đất sổ tung ra. Những bài kiểm tra điểm 3, điểm 4, những trang vở ghi nghệch ngoạc... như phơi ra. Tôi thuỗn mặt, không còn chối cãi vào đâu được nữa. Mẹ im lặng đi vào buồng khiến tôi đứng như trời trồng giữa nhà.
Buổi trưa hôm ấy trôi qua thật nặng nề. Bố tôi đi công tác chỉ còn tôi và mẹ trong căn nhà rộng thênh. Mẹ lặng lẽ soạn sửa cho bữa cơm trưa. Chỉ một mình, không cần tôi trợ giúp như mọi hôm. Len lén đứng ở cửa bếp nhìn vào, tôi thấy rõ nỗi buồn trên gương mặt mẹ. Đôi tay mẹ cứ làm nhưng ánh mắt của mẹ dường như vô định. Thái độ của mẹ làm tôi thấy sợ. Thường ngày mẹ vui tính, lại hay nói hài hước khiến cả nhà cùng cười. Thế mà hôm nay... Chưa bao giờ tôi có dịp nhìn kĩ mẹ đến vậy. Nước da đã xạm lại. Gương mặt nghiêm nghị đầy những vết nhăn và vết chân chim. Mấy sợi gân xanh nổi lên trên vầng trán rộng. Khuôn miệng không còn tươi thắm như trước.
Tôi chợt muốn oà khóc. Suốt bữa cơm, mẹ im lặng. Thỉnh thoảng mẹ vẫn gắp thức ăn bỏ vào bát cho tôi, nhưng tôi làm sao có thể ăn nổi. Tôi chỉ muốn thốt lên một câu: “Con xin lỗi...”. Nhưng cái tính ngang ngạch của tôi hay nỗi sợ hãi đã làm tôi không thốt thành lời.
Chỉ ăn hết lưng cơm rồi mẹ đặt bát xuống. Hình như mẹ đang nén tiếng thở dài. Chưa kịp nghỉ ngơi, mẹ đã vội đi làm ca chiều, để tôi một mình ở nhà với tâm trạng lo âu, buồn rẫu. Những điểm 3, điểm 4 trong trang giấy kiểm tra bị sổ tung ra nền nhà hồi trưa. Ánh mắt thẫn thờ của mẹ. Chưa bao giờ tôi thấy mình tệ như vậy. Và tôi biết mẹ buồn vì sự sa sút trong học tập của tôi thì ít, còn mẹ đau đớn vì thái độ của tôi thì nhiều. Vắng tiếng cười vui và những câu nói đùa của mẹ, tự nhiên tôi thấy mình đơn độc. Nước mắt cứ thế trào ra.
Tối hôm ấy, mẹ đi nằm sớm, mặt quay vào vách tường, lặng lẽ. Ngập ngừng mãi nơi cửa buồng, tôi mới dám len lén bước vào, ghé xuống nằm bên cạnh mẹ, không nhúc nhích. Nhắm mắt vờ ngủ. Tôi biết mẹ đang rất buồn. “Con xin lỗi mẹ, mẹ ơi!”. Tôi thầm kêu lên trong lòng như vậy. Nước mắt đầm đìa tràn trên má, rơi xuống gối. Tôi thèm được mẹ vuốt ve mái tóc. Tôi thèm được mẹ ôm vào lòng... Bỗng tôi cảm thấy hơi ấm của mẹ thật gần.
Rồi bàn tay khô ráp của mẹ áp vào má tôi, lau những giọt nước mắt cho tôi. Mẹ ôm tôi vào lòng thì thầm: “Ôi, con gái yêu của mẹ! Con ngủ mê rồi đây này!”. Chao ôi! Buồn lòng như vậy mà mẹ vẫn thương tôi vô cùng. Mẹ không hề giận tôi nữa ư? Mẹ đã tha thứ cho tôi rồi ư? Tôi nằm im không nhúc nhích, cứ sợ rằng đó chỉ là giấc mơ...
Thời gian cứ trôi đi. Tôi dần khôn lớn. Nhưng tôi biết rằng hình ảnh mẹ trong cái lần tôi phạm lỗi ấy sẽ đi theo tôi suốt đời, sẽ nhắc nhở tôi sống tốt hơn, sống đẹp hơn. Nhất định như vậy, mẹ ạ!\
k nhé.
ok biết , bn hãy quan sát mà tả nhé . (mk hok học lớp 6 nên chịu )