Vào khoảng 5h30 chiều ngày 10/12/1914, một vụ nổ long trời lở đất đã xảy ra ở West Orange, New Jersey, Mỹ. 10 tòa nhà bên trong nhà máy của nhà phát minh huyền thoại Thomas Edison, chiếm hơn một nửa khu vực này, đã bị nhấn chìm trong biển lửa.
Có khoảng 6-8 đội cứu hỏa đến tiếp cận hiện trường vụ nổ, nhưng ngọn lửa từ hỏa ngục được tiếp sức bởi khối hóa chất khủng khiếp đã nhanh chóng nuốt trọn tất cả.
Theo một bài viết trên tờ Reader’s Digest năm 1961 mà tác giả chính là Charles – con trai của Edison kể lại: Vào thời điểm đó, khi Charles chết lặng nhìn ngọn lửa phá hủy công sức của cha mình, Edison đã bình thản bước về phía cậu. Bằng một giọng trẻ con, Edison đã nói với cậu con trai 24 tuổi của ông rằng, “Hãy đi gọi mẹ của con và tất cả bạn bè của bà ấy. Họ sẽ không bao giờ nhìn thấy ngọn lửa lớn cỡ này một lần nào nữa”. Khi Charles phản đối, Edison nói: “Không sao đâu. Chúng ta chỉ vừa trút bỏ lượng lớn rác mà thôi”.
Sau đó, tại hiện trường đám cháy, câu nói của Thomas Edison đã được tờ New York Times trích dẫn lại, “Dù tôi đã 67 tuổi rồi, nhưng tôi sẽ bắt đầu tất cả lại vào ngày mai”. Ông nói với các phóng viên rằng ông đã mệt lử sau khi sự hỗn loạn được kiểm soát, nhưng ông sẽ vẫn giữ lời và ngay lập tức bắt tay xây dựng lại ngay vào sáng hôm sau mà không sa thải bất cứ nhân viên nào của mình.
Edison có bất cứ phản ứng nào khác không? Trong cuốn sách mới“The Obstacle Is the Way: The Timeless Art of Turning Trials into Triumph” tác giả Ryan Holiday nói rằng không hề có. Chắc chắn Edison có quyền khóc lóc, gào thét trong tức giận, hay tự nhốt mình trong nhà với trạng thái trầm cảm. Thay vào đó, ông đặt nụ cười lên môi và nói với con trai rằng, hãy thưởng ngoạn cảnh tượng đó.
“Để làm nên những điều tuyệt vời, chúng ta cần phải có khả năng chịu đựng những bi kịch và thất bại”, Holiday viết. “Chúng ta phải yêu những gì mình đang làm và tất cả những gì nó đòi hỏi, cả tốt và xấu. Chúng ta phải học cách tìm thấy niềm vui dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa”.
Sau khi khảo sát thiệt hại, Edison xác định được số tài sản ông đã mất lên đến 919.788 USD (tương đương 23 triệu USD hiện nay), theo ghi chép của Matthew Josephson. Ngọn lửa đã thiêu rụi các ghi chép và tài liệu gốc vô giá hàng năm. Khoản tiền bảo hiểm mà nhà máy nhận được chỉ đền bù khoảng 1/3 tổng thiệt hại.
Nhưng chỉ 3 tuần sau đó, với một khoản vay lớn từ người bạn của mình Henry Ford, Edison đã xây dựng lại và vận hành một phần của nhà máy. Các công nhân của ông đã làm việc 2 ca và tập trung với năng suất cao hơn bao giờ hết. Edison và nhóm của mình đã tạo ra gần 10 triệu USD doanh thu vào năm sau đó.
Câu chuyện của Edison là một minh chứng hùng hồn của chủ nghĩa khắc kỷ. Holiday giải thích rằng người theo chủ nghĩa khắc kỷ không phải là kẻ vô cảm hay trốn tránh cảm xúc. Họ là những người thực hiện việc kiểm soát cảm xúc của mình bằng cách chấp nhận những thế lực nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
Holiday sử dụng định nghĩa của nhà triết học kiêm nhà văn Nassim Nicholas Taleb để mô tả một người khắc kỷ: Họ là những người “biến nỗi sợ hãi thành sự thận trọng, nỗi đau thành sự biến đổi, lỗi lầm thành sự khởi đầu, và ham muốn thành sự cam kết”.
Nếu bạn chọn cách buồn bã hay giận dữ khi đối mặt với mất mát và thất bại, tốt thôi, Holiday nói, nhưng chỉ khi nó là những chuyện vặt vãnh. Còn khi thảm họa tấn công, bạn phải chấp nhận rằng nó đã xảy ra và bạn không thể thay đổi được quá khứ. Tìm kiếm các cơ hội để vượt qua thách thức mới giúp bạn mạnh mẽ hơn.
Edison không chỉ làm chủ cảm xúc của mình mà còn thấm nhuần tư tưởng này đến các nhân viên. Sau khi ngọn lửa được khống chế, vị Phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty A.H. Wilson đã nói với tạp chí Times: “Chỉ có một việc duy nhất phải làm, đó là nhảy vào trong đó và xây dựng lại”.