Bài viết số 5 - Văn lớp 9

NT

Nghị luận về hiện tượng vứt rác bừa bãi

SK
30 tháng 1 2020 lúc 20:52

Đời sống của con người luôn gắn liền và tác động đến môi trường. Mọi hoạt động dù lớn, dù nhỏ của chúng ta đều ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Muốn có cuộc sống tốt phải có môi trường tốt. Vậy nên ý thức con người trong bảo vệ môi trường là hết sức to lớn. Nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường sống thì đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn.

Ngày nay, vấn đề giáo dục bảo vệ môi trường cũng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường diễn ra như thế nào là tùy thuộc vào ý thức của mỗi người, bởi ý thức quyết định việc làm. Hiển nhiên, một người thì không thể bảo vệ được hay có tác động gì lớn, chỉ khi tất cả mọi người cùng hành động thì kết quả để lại mới thực sự rõ ràng. Vậy nên nếu mọi người đều không có ý thức bảo vệ môi trường sống thì môi trường sẽ dần bị hủy hoại.

Mỗi hành động của con người đối với thiên nhiên đều mang ý nghĩa tiêu biểu cho lợi ích hay thiệt hại của hành động đó. Khi mỗi người đều vô ý thức, ai cũng sẽ trở thành những kẻ phá hoại. Không ai cố gắng bảo toàn thiên nhiên thì đương nhiên thiên nhiên sẽ chống lại con người. Và cho tới khi không còn bất cứ thứ gì thuộc về thiên nhiên có thể che chở, hỗ trợ con người, con người sẽ đứng trước bờ vực tự hủy hoại chính mình. Có thể mỗi cá thể tác động chỉ rất nhỏ đến môi trường nên mọi người chủ quan: "tui làm có bao nhiêu đâu, thế giới này vẫn rộng lớn vô cùng mà". Đúng vậy, một mình bạn thì chỉ như vậy nhưng nếu ai cũng như bạn thì thế giới này sẽ ra sao? Loài người là một lực lượng khổng lồ. Con người lại có thể phá hoại gấp trăm ngàn lần, thậm chí là tỉ lần những gì con người làm ra. Vì vậy, sức "công phá" của con người trở nên thật khủng khiếp với hành tinh này.

Nếu không ai chăm sóc, bảo vệ môi trường, quả địa cầu này sẽ không còn là một hành tinh xanh nữa. Trái đất này cũng giống như Hỏa Tinh, mãi mãi không còn sự sống. Sự sống có mặt ở mọi nơi trên trái đất, tuy nhiên khi tinh cầu này bị tàn phá nặng nề như con người tàn phá nó bằng những hóa chất độc hại, huy hoại bầu không khí mình đang hít thở. Những cuộc chiến tranh đã đưa ra những chất cực kì độc hại như điôxin rải trên trái đất, chúng ngấm vào lòng đất. Nhiều đời sau hậu quả khủng khiếp của nó vẫn còn. Nhìn những em bé dị tật được sinh ra khiến người ta đau nhói tim, tất cả cũng là do con người hủy hoại môi trường và tán sát chính loài người. Những mảnh đất như vậy liệu sự tồn tại kéo dài được bao lâu?

Vậy nên, thay vì mỗi người vứt một túi rác ra sông, ra biển để tạo ra những núi rác bốc mùi làm mất cảnh quan, làm ô nhiễm, mỗi người hãy nhặt rác lên và bỏ vào thùng. Việc làm này tuy nhỏ thế nhưng đã góp phần lớn trong việc giữ gìn môi trường sạch đẹp. Thay vì chặt cây, phá rừng, mỗi người hãy tự trồng cây xanh và tuyên truyền mọi người cùng bảo vệ môi trường. Những công việc đơn giản như thế mà đối với nhiều người sao khó khăn. Bằng chứng, khi ra biển, dù những bãi biển này nằm trong danh sách những bãi biển đẹp nhất thế giới người ta vẫn dễ thấy những sản phẩm của con người nằm rải rác trên bờ cát. Ra đường những cảnh như người ta ăn một cái bánh, uống một túi nước rồi đem vứt toẹt ra đường mà không hề bận tâm vẫn dễ bắt gặp mặc dù thùng rác ngay trước mặt đó. Tất cả các việc làm thiếu ý thức bảo vệ môi trường chung đó là biểu hiện của sự vô ý thức. Sự vô ý thức đó gây ra hậu quả khủng khiếp. Người ta chỉ chú trọng đến những cái tiện, cái lợi trước mắt mà quên đi hậu quả sau này sẽ để lại cho con cháu thế hệ sau. Những động vật quý hiếm đang bị tuyệt chủng, những cánh rừng bị tàn phá, diện tích đất rừng phủ xanh càng giảm, diện tích đồi trọc càng tăng...là bao nhiêu hậu quả khủng khiếp khi thiên nhiên phẫn nộ sẽ ập xuống đầu con người.

Không một lực lượng cảnh sát, bảo vệ môi trường nào có thể đi theo tất cả mọi người để bắt phạt, không đội ngũ dọn vệ sinh đặc nhiệm nào có thể bảo vệ môi trường hoàn thiện được. Tất cả là ý thức của mỗi người. Mọi người phải tự ý thức việc làm của mình là bảo vệ môi trường sống của mình. Có như vậy Trái Đất này mới là một hành tinh vĩnh cửu của sự sống.

Bình luận (0)
 Khách vãng lai đã xóa
PM
30 tháng 1 2020 lúc 21:03

Ngày nay, trên thế giới, môi trường là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Ở các quốc gia tiên tiến, vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường được quan tâm thường xuyên nên việc xả rác và nước thải bừa bãi hầu như không còn nữa. Người dân được giáo dục rất kỹ về ý thức bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp. Đáng buồn thay nước ta có một hiện tượng phổ biến là vứt rác ra đường hoặc những nơi công cộng, không giữ gìn vệ sinh đường phố. Việc làm đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà cụ thể ở đây là gây ô nhiễm môi trường.

Hiện tượng không giữ gìn vệ sinh đường phố có rất nhiều biểu hiện nhưng phổ biến nhất là vứt rác ra đường hoặc nơi công cộng. Ăn xong một que kem hay một chiếc kẹo, người ta vứt que, vứt giấy xuống đất. Uống xong một lon nước ngọt hay một chai nước suối, vứt lon, vứt chai ngay tại chỗ vừa ngồi mặc dù thùng rác để cách đó rất gần. Tuy vậy, họ vẫn thản nhiên, vô tư không có gì áy náy. Thậm chí khi ăn xong một tép kẹo cao su, họ cũng không mang đến thùng rác mà vo tròn rồi trét lên ghế đá và cứ thế bỏ đi chỗ khác. Không chỉ với những nơi công cộng, ở một số khu phố, con đường có đặt bảng khu phố văn hóa nhưng cỏ mọc um tùm tràn lan, rác rưởi ngập đầy khắp lối đi, mùi hôi khó chịu bốc lên suốt ngày. Một biểu hiện phổ biến khác là một số tài xế chở gạch, đá phế thải ở các công trình xây dựng đem đổ khắp nơi và cả trên dưới phố.

Con người ta còn vô ý thức đến mức mang xác súc vật chết như chó, mèo, chuột, gia cầm như gà, vịt ném xuống hồ, ao, sông rạch và ra đường. Ở một số hàng, quán bán trên vỉa hè người ta đổ tất cả đồ ăn dư thừa, nước rửa chén, bát xuống cống khiến cho nước thải bị ứ đọng, cống bị tắt nghẽn. Đáng sợ hơn, ở một số dòng sông những người sống trong những con đò đậu ngay trên sông có những việc làm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Họ vô tư xả rác trên đò xuống sông, đi tiêu đi tiểu xuống sông rồi ngay lập tức lại lấy nước dưới sông lên tắm gội, giặt giũ thậm chí là nấu nướng. Thế nhưng hiện tượng xả rác đó còn lan sâu vào một tầng lớp trí thức trẻ ngày nay. Biểu hiện cụ thể ở một số sinh viên làm gia sư. Họ thường đứng ở các ngã ba, ngã tư đường để phát tờ rơi quảng cáo nhóm gia sư của mình một cách bừa bãi khiến khắp đường phố rải rác đầy những tờ rơi.

Những việc làm trên tuy nhỏ nhưng lại gây tác hại vô cùng to lớn. Phải chăng dọn dẹp sạch sẽ nhà mình từ phòng khách đến nhà ăn, từ trong nhà ra ngoài vườn là tốt? Còn việc vứt rác bừa bãi, bạ đâu quăng đó cả những nơi công cộng là không cần thiết, không quan tâm không ảnh hưởng gì đến mình, đến gia đình mình. Điều này, mỗi chúng ta cần suy nghĩ lại. Bạn nghĩ sao khi một thành phố văn minh, giàu đẹp lại ngập tràn trong biển rác? Nó thể hiện hành vi của người vô văn hóa, vô ý thức, gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Người ta vô tư vứt rác xuống sông nhưng họ có nghĩ rằng bao nhiêu người sử dụng nguồn nước này để ăn uống, tắm giặt? Nước không sạch, con người sử dụng, ăn uống, sức khỏe sẽ ra sao? Không có sức khỏe tốt thì lực lượng con người sẽ cống hiến như thế nào cho đất nước khi bước vào thiên niên kỉ mới với nền kinh tế công nghiệp, hiện đại. Không ở đâu xa, ngay trong thành phố của chúng ta - nơi con sông Đồng Nai chảy qua phải chịu bao rác rưởi dơ bẩn. Công viên ven bờ sông là nơi sinh hoạt thể dục thể thao của các cụ ông, cụ bà và cả các thanh thiếu niên trong khu vực. Mọi người đến để thư giãn, hóng mát nhưng nhìn xuống dòng nước ven bờ, nước bẩn theo cống vẫn từng ngày từng giờ ung dung đổ xuống, bao ni lông bị ném xuống trôi bồng bềnh gây phản cảm, mất mĩ quan cả dòng sông. Còn đối với những ghế đá vô tội vạ bị những người vô ý thức trét bã kẹo cao su, khi có một người nào đó vô tình ngồi lên thì việc gì sẽ xảy ra? Bã kẹo sẽ dính chặt vào quần áo của người đó không những làm bẩn quần áo mà còn gây sự khó chịu. Và sẽ ra sao khi người ngồi trên ghế đá kia có một cuộc hẹn quan trọng ? Bạn thấy đó, chỉ cần có một hành động vô ý thức đó mà gây ảnh hưởng đến công việc của người khác. Ngày nay, đi đến đâu cũng có nhiều người tự hào khoe khu phố mình đang sống là một khu phố văn hóa. Thế nhưng, được đặt bảng khu phố văn hóa mà rác rưởi vương vãi khắp nơi gây phản cảm cho người đi đường. Như vậy họ chẳng khác gì tự mình mỉa mai mình, tự đánh mất thể diện mình và cả khu phố. Cỏ mọc um tùm là điều kiện thuận lợi cho sinh sôi nảy nở của loài muỗi. Từ đó phát sinh dịch bệnh sốt xuất huyết - căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng của con người. Và việc một số tài xế đổ gạch đá phế thải ra ngoài đường thì sao ? Một con đường đang sạch đẹp bỗng dưng phải hứng chịu vô số đất đá. Chúng vương vãi khắp nơi gây ùn tắc giao thông. Và cũng trên những con đường ấy đã xảy ra bao vụ tai nạn giao thông gây đau thương cho nhiều gia đình. Không chỉ có gạch đá bị thải ra đường mà còn có cả xác súc vật nữa. Như đã kể ở trên, xác súc vật bị quăng bừa bãi khắp nơi. Thịt của chúng dần phân hủy kèm theo là một mùi hôi vô cùng khó chịu đối với những người vô tình đi ngang qua. Tệ hại hơn, đứng trước nguy cơ bùng nổ dịch cúm gia cầm H5N1, một số người dân khi thấy gà vịt chết hàng loạt đã không báo cho cơ quan thú y xử lý mà họ đã tự ý ném xác chúng xuống hồ, ao. Đó là một việc làm vô cùng nguy hiểm vì nếu lỡ con gà hay vịt ấy mang trong mình mầm bệnh thì dịch bệnh sẽ phát tán trên cả khu vực rộng lớn do nước từ các ao, hồ này sẽ chảy ra sông - nguồn nước sinh hoạt của rất nhiều gia đình. Các quán ăn trên vỉa hè cũng có những hành vi xả rác nghiêm trọng. Những đồ ăn dư thừa hằng ngày vẫn đổ vào các cống thoát nước. Chúng khiến cho cống không thoát được nước. Vào những ngày mưa lớn, do hệ thống cống thoát nước không hoạt động hiệu quả, nước tràn khắp đường phố, cản trở giao thông. Nhiều lúc nước bẩn tràn ngược vào nhà. Nhìn cảnh tượng ấy, em thật bức xúc, xót xa cho một vẻ mĩ quan bị đánh mất.

Thật đáng nguy hiểm khi trẻ em ngày nay lại sa vào hiện tượng vứt rác bừa bãi rất nhiều. Cứ sau giờ chơi là mỗi lớp học lại đầy những vỏ kẹo, vỏ bánh. Điều đó làm phiền lòng rất nhiều thầy cô. Làm sao các thầy, các cô có thể toàn tâm dạy học trong một phòng học toàn rác bẩn như vậy. Và thế là việc học tạm gián đoạn để thu gom rác, dọn vệ sinh lớp. Nếu việc này vẫn xảy ra thường xuyên thì cả lớp sẽ mất bao nhiêu thời gian học tập và thậm chí có thể bị trừ điểm thi đua của lớp. Thật tai hại làm sao !

Ngày hôm nay, vị trí nước ta đã khác đi rất nhiều. Nước ta đã là một thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO. Và sau khi tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh APEC, con người và đất nước Việt Nam ta ngày càng được nhiều người biết đến. Lượng khách nước ngoài đến thăm nước ta ngày càng đông. Mọi người được giới thiệu về nước Việt Nam như là một nước thanh bình, thân thiện. Nhưng khi nhìn thấy những sự việc trên thì liệu họ còn cái nhìn thân thiện về nước ta chăng ? Hay đó là một cách nhìn khác, cái nhìn pha diện về cách sống của người Việt Nam. Có lần em đi trên đường và nhìn thấy một đoàn khách du lịch nước ngoài. Khi đi ngang qua một ngôi trường, nhìn thấy những tờ quảng cáo của các nhóm gia sư bị ném vương vãi đầy rẫy trước cổng trường, họ lắc đầu và đi về phía khác. Vừa đi, những người khách vừa trò chuyện. Và từ xa, em thoáng nghe được một câu nói bằng tiếng Anh của một trong số họ: “Người Việt Nam là thế sao ?”. Chỉ là một lời nói nhưng đối với em sao thật nặng nề, thật xấu hổ. Lúc đó em đã nghĩ rằng phải chi những tờ rơi kia không được phát một cách bừa bãi, cổng trường không còn rác thì chắc những vị khách trên đã không nói như vậy.

Chưa bao giờ, ô nhiễm môi trường đang thực sự là vấn đề lớn của cả nhân loại như ngày nay. Những biến đổi khí hậu và hậu quả khủng khiếp của nó không còn là dự báo nữa mà thành hiện thực ở khắp nơi. Hiện tượng toàn cầu hóa El Nino và trái đất nóng dần lên do hiệu ứng nhà kính vẫn diễn ra từng ngày, từng giờ. Điều đáng suy nghĩ là ở chỗ phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả những hiện tượng trên đều có nguyên nhân từ con người, từ những hành động bừa bãi mà trong đó có cả việc xả rác và khí thải bừa bãi. Nói cách khác, những tác hại của việc xả rác mà em đã nêu ra như mất vệ sinh, thể hiện hành vi vô văn hóa, gây mất mĩ quan lan truyền dịch bệnh, tốn kém tiền của trong việc thu gom và xử lý, khiến cho người nước ngoài có ấn tượng không tốt … đều có nguyên nhân bắt nguồn từ con người. Đầu tiên là do những thói quen xấu lười biếng và lối sống lạc hậu ích kỷ chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân của một số người. Họ sống theo kiểu “Của mình thì giữ bo bo. Của người thì thả cho bò nó ăn”. Họ nghĩ đơn giản rằng chỉ cần nhà mình sạch thì được còn bẩn thì ai bẩn mặc ai. Những nơi công cộng không phải là của mình, vậy thì việc gì mà phải mất công gìn giữ. Cứ ném rác vội ra là xong, đã có đội vệ sinh lo dọn dẹp. Cách nghĩ như thế thật là thiểu cận và nguy hại làm sao.

Nguyên nhân tiếp theo là do thói quen đã có từ lâu, khó sửa đổi, phải có sự nhắc nhở thì người ta mới không xả rác bừa bãi. Ở các lớp học, hằng ngày, các thầy cô và ban cán sự lớp phải thường xuyên nhắc nhở thì mới giữ cho lớp học sạch đẹp. Nhưng xã hội là một phạm vị rộng lớn hơn lớp học rất nhiều. Mọi người đều bận rộn với công việc của mình và không một ai có đủ thời gian để đi nhắc nhở từng người một. Không được nhắc nhở, con người ta lại quay về với thói quen trước kia. Nguyên nhân cuối cùng là do ý thức về vệ sinh của một số người chưa được tốt. Họ không nhận thức được rằng hành vi của mình là vô ý thức, phản văn hóa, văn minh, phá hoại môi trường sống. Bên cạnh đó cũng cần phải nói đến việc giáo dục ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống chưa được quan tâm đúng mức, chưa được tổ chức thường xuyên. Mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn có những chương trình kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường của con người nhưng chúng quá ít ỏi, không đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu và học hòi của người dân.

Do đó mà trình độ hiểu biết của người dân còn thấp dẫn đến thái độ tuân thủ nội quy nơi công cộng chưa đi vào nề nếp. Mặt khác, nếu so với các nước trên thế giới thì việc xử phạt những người vô ý thức cũng chưa thật nghiêm túc. Ví dụ như ở nước Singapo, chỉ cần ném một mẩu giấy ra đường là đã bị phạt tiền rất nặng. Tùy vào mức độ sai phạm mà người vi phạm có thể bị đánh giữa đường. Còn ở Việt Nam thì sao? Những người vô ý thức vẫn ung dung như không có gì xảy ra vì hình thức xử phạt ở nước ta quá dễ dãi, nhẹ nhàng chưa đủ sức răn đe.

Đất nước ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, đời sống người dân ngày càng được nâng cao cách nghĩ. Lối sống của mỗi người ngày càng văn minh, tiến độ ứng xử có văn hóa. Đặc biệt là trong yêu cầu của cuộc sống ngày nay, đường phố xanh - sạch - đẹp là một tiêu chuẩn không thể thiếu đối với một thành phố văn minh, sạch đẹp. Điều đó khiến mỗi người cần có ý thức giữ gìn vệ sinh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình và người khác. Nhận thức của người dân đa phần đã tích cực hơn. Mỗi nhà đều phải gom rác sinh hoạt để đúng chỗ để các cô chú công nhân vệ sinh đem vận chuyển đến nơi quy định để xử lý. Những việc làm đó thật đáng biểu dương vì không những giữ vệ sinh giữ sức khỏe cho cá nhân một người một gia đình mà còn cho cả cộng đồng. Các bạn thấy đó tuy có nhiều người vô ý thức xả rác bừa bãi nhưng tồn tại song song với những con người này là số lớn những con người có ý thức vệ sinh rất tốt. Một nhóm bạn trẻ ở thành phố biển nhân ngày nghỉ hè rảnh rỗi đã cùng nhau nhặt rác ở khắp bãi biển, một bà lão lớn tuổi vẫn ngày ngày nhặt những mảnh chai trên cát, làm giảm đi sự nguy hiểm cho những người vui chơi trên biển. Đó là những việc làm tốt đẹp đáng cho ta noi theo. Còn những người vô ý thức kia đã đến lúc suy nghĩ lại. Hãy làm việc gì đó trước khi quá muộn. Nạn vứt rác bừa bãi có thể được khắc phục dựa trên sự cố gắng của mỗi người và toàn xã hội. Ngay từ bây giờ, ta cần kêu gọi ý thức giữ gìn vệ sinh của mỗi người. Bằng nhiều hình thức như áp phích,
panô, các chương trình tuyên truyền trên đài phát thanh truyền hình, những thông điệp cơ bản về ý thức bảo vệ môi trường sẽ được truyền đến tận tai, tận mắt của mỗi người góp phần nâng cao ý thức của người dân. Hơn nữa, đối với những người ương bướng, cố tình vi phạm cần phải bị xử phạt thích đáng. Không thể nhẹ tay với những con người vô ý thức, tàn phá môi trường nghiêm trọng vì nếu quá dễ dãi với họ thì sẽ mãi không bao giờ chấm dứt được tình trạng trên.

Nếu như thực hiện được những việc làm trên thì cuộc sống sẽ tươi đẹp biết bao. Và có lẽ ở nước ta cũng không xảy ra chuyện vớt trên sáu tấn rác mỗi ngày ở một con kênh hay những cái lắc đầu chê trách của du khách nước ngoài. Mỗi người trong cộng đồng ai cũng muốn có sức khỏe dồi dào, người thân không ốm đau, láng giềng yên ổn nhưng do nếp sống nếp nghĩ quen thuộc của một số ít người mà còn hiện tượng vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng. Thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước không cho phép người dân cứ tiếp tục lối sống, nếp nghĩ như thế. Hãy khắc phục nó bằng mọi cách có thể. Mỗi người chúng ta hãy sống thật tốt đẹp, giữ gìn vệ sinh ở bất kì nơi đâu, trong nhà hay ngoài ngõ, trên cạn hay dưới sông để tạo môi trường sống trong lành cho cả mình và mọi người, để có điều kiện cống hiến nhiều nhất cho đất nước. Đứng trước xu thế hội nhập ngày nay, làm thế nào để vươn ra biển lớn, để hòa nhập cùng với bạn bè ở bốn phương. Thiết nghĩ, cần nhất là một gương mặt một diện mạo mới của đất nước. Một con đường sạch đẹp ở thành phố luôn tạo cho mọi người, nhất là các khách du lịch quốc tế một cảm giác thoải mái. Hãy làm cho mình đẹp hơn dưới con mắt của mọi người, đừng vì những thói quen xấu của cá nhân như vứt rác bừa bãi gây ảnh hưởng đến mọi người. Hãy chấm dứt những hành vi kém văn hóa ấy để làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn. Và hãy sống theo tinh thần cao đẹp: “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

Đối với em thì những hành vi như xả rác bừa bãi nơi công cộng, đổ nước thải sinh hoạt xuống cống, rãnh là những hành động xấu, đáng chê trách. Chúng gây những hậu quả nghiêm trọng cho mọi người. Vì vậy mỗi người dân chúng ta và toàn xã hội cần phải nhanh chóng khắc phục hiện tượng đó. Riêng với chúng em - những học sinh - người chủ nhân tương lai của đất nước thì giờ đây cần phải xem lại bản thân mình, điều chỉnh những hành vi của mình thật đúng đắn.

Đứng trước hiện tượng vứt rác bừa bãi trên, chúng em sẽ tích cực nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tuyên truyền cho bạn bè cùng làm theo. Hi vọng rằng với việc làm nhỏ đó chúng em đã góp phần làm cho môi trường sống xung quanh trở nên xanh - sạch - đẹp và trái đất sẽ luôn là ngôi nhà chung đáng yêu của tất cả nhân loại.

~~~Learn Well Nguyễn Thị Kiều Trang~~~

Bình luận (0)
 Khách vãng lai đã xóa
TV
31 tháng 1 2020 lúc 20:10

Đời sống con người ngày càng được nâng lên nhưng ý thức bảo vệ môi trường phát triển tỉ lệ thuận với sự nâng cao về chất lượng cuộc sống. Trong đó không thể không kể đến vấn đề rác thải sinh hoạt. Lượng rác ngày càng nhiều, ùn lên thậm chí ngồi bên hồ đẹp hay trên xe ô tô người ta cũng tiện tay vứt rác xuống hồ hoặc xuống lòng đường. Đó là vấn đề gây bức xúc khiến nhiều người quan tâm, lo ngại.

Bên cạnh rác thải công nghiệp, rác thải bệnh viện,…Thì rác thải sinh hoạt cũng là một thực trạng nhức nhối. Người ta thải rác một cách bừa bãi ở các nơi công cộng đông người. Rác thải mỗi ngày thu gom một lượng khủng khiếp. Nhiều trường học vấn đề vệ sinh chưa tốt rác thải bay tứ tung, cống rãnh nước đen sì, bốc mùi hôi thối. Ở các khu chợ rác chất như núi, ruồi nhặng ình ình nhiều khu nước đen tràn lênh láng. Các quán ăn, hội chợ, công viên,…Lượng người tập trung đông, rác thải không được thu gom kịp thời cũng gây mất vệ sinh nặng nề. Các khu lễ hội đầu xuân cũng tràn ngập rác. Nhiều con sông thơ mộng xưa kia trở thành sông trở rác. Rác nổi lênh đềnh, nước ngả màu nâu đen, cá chết nổi lềnh bềnh, dòng sông " chết " im lìm.

Nguyên nhân là do đâu? Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của con người, không tự giác bảo vệ môi trường, chỉ nghĩ đến cái tiện trước mắt mà không nghĩ đến hiệu quả lâu dài, chỉ nghĩ đến lợi ích riêng mà không nghĩ đến cộng đồng, tương lai con em " Của mình thì giữ bo bo, của người thì giữ cho bò nó xơi".

Ngoài ra còn phải kể đến những nguyên nhân khách quan, người lớn nêu gương xấu cho trẻ em hành vi vứt rác bừa bãi, nhà nước chưa có chế tài xử phạt nghiêm minh có sức dăn đe lớn. Nhà nước cũng chưa có các nhà máy, xí nghiệp xử lý rác thải khiến ra thu gom về các điểm tập kết chồng chất rất đáng sợ. Các cơ quan chức năng chưa có các chiến dịch bảo vệ môi trường, tuyên truyền, tác động lớn đến nhận thức người dân.

Ô nhiễm môi trường sẽ gây ra hậu quả khôn lường, chính bản thân chúng ta sẽ phải gánh chịu như dịch bệnh tràn lan ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Rác bay bừa bãi nhất là ở các khu công cộng như trường học, công viên,… Làm mất mĩ quan, cảnh quan, người nước ngoài sẽ đánh giá thấp, ý thức bảo vệ môi trường của người dân từ đó việc lôi cuốn, hấp dẫn khách du lịch sẽ thấp.

Rác thải nhất là bao bì nilông lẫn vào đất cản trở quá trình sinh trưởng của thực vật gây sói mòn đất cùng với khi độc thải lên bầu trời khi đốt rác thải gây hiệu ứng nhà kính kéo theo nhiều thiên tai như bằng tan, lũ lụt, mưa axit – Thảm họa cao có thể kể xiết?

Từ tác hại chúng ta kể trên, cần có những giải pháp bảo vệ hữu hiệu. Nâng cao trình độ dân chí cho mọi người. Có những biện pháp xử lý, răn đe đủ lớn. Cho xây dựng nhiều nhà máy xí nghiệp xử lí rác thải hợp tiêu chuẩn. Quan trọng nhất là con người cần tự nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường vì một môi trường Xanh – Sạch – Đẹp. Các nhà trường làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục với thế hệ trẻ.

Tóm lại, môi trường đang kêu cứu, chúng ta cần chung tay vì một môi trường Xanh – Sạch – Đẹp. Là học sinh chúng ta thực hiện tốt nếp sống văn minh, giữ gìn môi trường ở làng quê, ngõ xóm, sân trường, lớp học… Hình thành thói quen tốt không xử rác bừa bãi ngay từ tuổi cắp sách đến trường để tương lai trở thành những công dân có lối sống văn minh, tiên tiến nhất hiện nay.

Bình luận (0)
 Khách vãng lai đã xóa

Các câu hỏi tương tự
NT
Xem chi tiết
AN
Xem chi tiết
NT
Xem chi tiết
MM
Xem chi tiết
PT
Xem chi tiết
DP
Xem chi tiết
LQ
Xem chi tiết
PM
Xem chi tiết
H24
Xem chi tiết