Cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Đề bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)

Đọc các đề bài sau và trả lời câu hỏi.

Đề 1: Suy nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương ở Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.

Đề 2: Phân tích diễn biến cốt truyện trong truyện ngắn Làng của Kim Lân.

Đề 3: Suy nghĩ về thân phận của Thúy Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều của Nguyễn Du.

Đề 4: Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua truyện ngắn Chiếc lược Ngà của Nguyễn Quang Sáng.

Câu hỏi

a) Các đề bài trên đã nêu những vấn đề nghị luận nào về tác phẩm truyện?

b) Các từ suy nghĩ, phân tích trong đề bài đòi hỏi bài làm phải khác nhau như thế nào?

Trả lời:

a) Các đề bài nêu những vấn đề về tính cách, số phận của nhân vật trong tác phẩm.

b) - Đề “phân tích” yêu cầu phân tích tác phẩm rồi sau đó đưa ra nhận xét, thiên về tính khách quan.

- Đề “suy nghĩ” yêu cầu nêu ra nhận xét về tác phẩm trên cơ sở một tư tưởng, góc nhìn nào đó, thiên về chủ quan.

II. Các bước làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)

Cho đề bài: Suy nghĩ về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn "Làng" của Kim Lân.

1. Tìm hiểu vấn

- Đề yêu cầu nêu suy nghĩ về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân: Cần nêu được tình yêu làng quyện với lòng yêu nước ở nhân vật này, một nét rất mới trong đời sống tinh thần của người nông dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

- Khi tìm ý cho bài văn, nên suy nghĩ theo các câu hỏi: Cái gì là nét nổi bật nhất ở nhân vật ông Hai? Tình yêu làng, yêu nước của nhân vật ông Hai được bộc lộ trong tình huống nào? Tình cảm ấy có đặc điểm gì ở hoàn cảnh cụ thể lúc bấy giờ? Những chi tiết nghệ thuật nào chứng tỏ một cách sinh động, thú vị tình yêu làng và lòng yêu nước ấy (về tâm trạng, hành động, lời nói,...)?

2. Lập dàn bài

a) Mở bài: Giới thiệu truyện ngắn Làng và nhân vật ông Hai - nhân vật chính của tác phẩm, một trong những nhân vật thành công bậc nhất của văn học thời kì kháng chiến chống Pháp.

b) Thân bài: Triển khai các nhận định về tình yêu làng, yêu nước của nhân vật ông Hai và nghệ thuật đặc sắc của nhà văn.

- Tình yêu làng, yêu nước của nhân vật ông hai là tình cảm nổi bật xuyên suốt toàn truyện:

+ Chi tiết đi tản cư nhớ làng.

+ Theo dõi tin tức kháng chiến.

+ Tâm trạng khi nghe tin đồn làng Chợ Dầu theo Tây.

+ Niềm vui khi tin đồn được cải chính.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật :

+ Chọn tình huống tin đồn thất thiệt để thể hiện nhân vật.

+ Các chi tiết miêu tả nhân vật.

+ Các hình thức trần thuật (độc thoại, đối thoại,...).

c) Kết bài: Sức hấp dẫn của hình tượng nhân vật. Thành công của nhà văn khi xây dựng nhân vật ông Hai.

3. Viết bài

a) Mở bài

Nên giới thiệu ngắn gọn truyện ngắn Làng và nhân vật ông Hai, đặc biệt cần nêu lên được vấn đề mình sẽ phân tích: tình yêu làng và lòng yêu nước - vẻ đẹp nổi bật của nhân vật ông Hai được nhà văn thể hiện sinh động trong truyện ngắn này. Có thể mở bài theo nhiều cách khác nhau: Chẳng hạn:

- Đi từ khái quát đến cụ thể ( từ nhà văn đến tác phẩm và nhân vật):

Trong nền văn hoa Việt Nam hiện đại, Kim Lân là một gương mặt độc đáo. Do hoàn cảnh sống của mình, ông am hiểu sâu sắc sinh hoạt, tâm lí của người nông dân. Kim Lân được xem là nhà văn của nông thôn, của người dân quê Việt Nam với những vẻ đẹp mộc mạc đậm đà. "Làng" là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Kim Lân. Tác phẩm này được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện một cách sinh động vẻ đẹp tình yêu làng, lòng yêu nước ở người nông dân. Ai đến với "Làng", chắc khó quên được ông Hai - một nhân vật nông dân mang những nét đẹp thật đáng yêu qua ngòi bút khắc họa tài tình của Kim Lân.

- Nêu trực tiếp những suy nghĩ của người viết:

Tình yêu làng, sự gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn vốn là một tình cảm sâu nặng nhất ở con người Việt Nam nói chung, đặc biệt ở người nông dân nói riêng: Lịch sử văn học dân tộc từng xây dựng thành công nhân vật mang tình cảm đáng quý ấy. Nhân vật ông Hai trong truyện ngắn "Làng" của Kim Lân là một trong những trường hợp tiêu biểu như thế.

b) Thân bài

Lần lượt trình bày các luận điểm về nhân vật ông Hai theo dàn bài. Trong quá trình viết phần này, cần chú ý:

- Nêu rõ các nhận xét, ý kiến của mình về tình yêu làng, lòng yêu nước của nhân vật ông Hai, về cách thể hiện đặc sắc của Kim Lân.

- Ở từng luận điểm, cần có sự phân tích, chứng minh cụ thể, chính xác bằng những dẫn chứng trong tác phẩm (về tâm trạng, suy nghĩ; về lời nói, cử chỉ, hành động; về thái độ của ông Hai đối với các nhân vật khác,...).

- Giữa các luận điểm, đoạn văn cần có sự liên kết, chuyển tiếp.

c) Kết bài

Ông Hai trong "Làng" là một nhân vật ấn tượng sâu sắc đối với người đọc. Qua truyện ngắn này, bằng những tình huống, chi tiết chân thực, thú vị, bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí sinh động, Kim Lân đã đem đến cho chúng ta một hình tượng hấp dẫn về người nông dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tình yêu thiết tha, sự gắn bó sâu nặng với làng quê, đất nước của nhân vật ông Hai luôn luôn có ý nghĩa giáo dục thấm thía đối với các thế hệ bạn đọc.

4. Đọc lại bài viết và sửa chữa

Đọc lại các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài xem có phù hợp với vấn đề nghị luận, với dàn bài không, giữa các phần có sự liên kết hợp lí chưa. Sử chữa cho bài viết hoàn chỉnh.

@192689@@192747@

III. Ghi nhớ

1. Bài nghị luận về tác phẩm truyện ( hoặc đoạn trích) có thể bàn về chủ đề, nhân vật, cốt truyện, nghệ thuật của truyện.

2. Bài làm cần đảm bảo đầy đủ các phần của một bài nghị luận:

- Mở bài: Giới thiệu tác phẩm (tùy theo yêu cầu cụ thể của đề bài) và nêu ý kiến đánh giá sơ bộ của mình.

- Thân bài: Nêu các luận điểm chính về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm; có phân tích, chứng minh bằng các luận cứ tiêu biểu và xác thực.

- Kết bài: Nêu nhận định, đánh giá chung của mình về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích).

3. Trong quá trình triển khai các luận điểm, luận cứ cần thể hiện sự cảm thụ và ý kiến riêng của người viết và tác phẩm.

4. Giữa các phần, các đoạn của bài văn cần có sự liên kết hợp lí, tự nhiên.

@192613@@192804@