Cảm nhận của em về nhân vật ông lão trong truyện ''Ông lão đánh cá và con cá vàng '' :
- Ông là một người hiền lành , chăm chỉ làm lụng nhưng chẳng được bao nhiêu vậy mà còn vướng phải một bà vợ tham lam .
- Là một người chồng hiền quá lại thành nhu nhược , mụ vợ nói gì đều làm theo
Tham khảo
Mỗi câu chuyện cổ tích là những bài học sâu sắc dạy ta cách đối nhân xử thế trong cuộc đời. Truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng xoay quanh câu chuyện ông lão đánh cá đã cứu con cá vàng và được con cá ban cho những điều ước. Ông là người hiền lành, nhân hậu, ông đã cứu con cá và không đòi hỏi điều gì cho bản thân. Qua đó có thể thấy ông là người không màng lợi danh, có tấm lòng vị tha dù hoàn cảnh sống của ông vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Nhưng chính sự hiền lành của lão đã khiến mụ vợ nổi lòng tham lam, lúc đầu mụ yêu cầu chiếc máng mới thay cho chiếc máng lợn đã vỡ. Điều mong muốn ấy có thể hiểu và cũng thông cảm được vì nó thiết thực trong cuộc sống của vợ chồng lão.
Ông lão vì tôn trọng những ý muốn của vợ nên đã ra biển cầu xin cá vàng, lúc này cá vàng nổi lên đáp ứng nguyện vọng của mụ. Nhưng càng lúc, lòng tham của mụ càng trở nên quá quắt: một ngôi nhà mới, làm nhất phẩm phu nhân, làm nữ hoàng và làm Long Vương ngự trên mặt biển, để bắt cá vàng phải hầu hạ mụ. Ông lão trở nên đáng thương vô cùng, hết lần này tới lần khác, ông lầm lũi ra biển cầu xin cá vàng giúp đỡ dù ông không hề muốn cho mình. Có thể thấy ông lão thực hiện những mong muốn của vợ vì muốn tránh những bất hòa và giữ sự yên ấm trong gia đình. Nhưng điều đáng trách ở ông lão là đã quá nhu nhược, không có chính kiến nên mụ vợ ngày càng lấn tới với những đòi hỏi quá quắt. Ông lão phải thực hiện những yêu cầu của mụ dù biết là không đúng.
Để rồi cuối cùng, mọi hư danh đều biến mất, trả lại cho vợ chồng lão túp lều nát và cái cái máng lợn sứt mẻ. Ông được trở về với cuộc sống vốn như trước đây, tuy nghèo khổ về vật chất nhưng yên bình, thanh thản trong tâm hồn. Truyện đã ngợi ca những con người có tấm lòng nhân hậu như ông lão và cũng là bài học sâu sắc cho chúng ta trong cuộc sống.
Tham khảo :
Cùng với những tác phẩm nổi tiếng khác của mình, nhà văn Puskin còn để lại dấu ấn sâu đậm của mình qua tác phẩm “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Bằng sự tinh tế và khéo léo của mình Puskin đã xây dựng hình tượng ông lão đánh cá vừa chân thực lại vừa hư ảo.
Tác phẩm “Ông lão đánh cá và con cá vàng” được sáng tác năm 1833 thuộc thể loại truyện cổ tích. Xây dựng từ một câu truyện cổ tích Nga quen thuộc kết hợp với sự sáng tạo của Puskin. Câu chuyện xoay quanh ông lão đánh cá, được xây dựng là một hình ảnh hiền lành, chịu thương chịu khó trái ngược với mụ vợ tham lam. Hai hình ảnh trái ngược nhau càng làm nổi bật lên vẻ đẹp trong con người của ông lão đánh cá. Thông qua hình ảnh ông lão đánh cá, tác giả cũng ám chỉ đến những người dân Nga nhẫn nhục, không đấu tranh cho chính bản thân mình.
Ông lão đánh cá có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, gia cảnh thì nghèo nàn. Hai vợ chồng ông lão sống trong một túp lều rách nát, máng lợn chỉ có một cái mà cũng bị sứt mẻ. Ông làm nghề đánh bắt cá, một công việc lao động chân chính, không mấy dễ dàng với một bản tính lương thiện. Bản tính ấy được bộc lộ rõ từ khi ông lão gặp cá vàng. Đó là vào một ngày, ông lão vẫn đi kéo lưới như bình thường. Lần thứ nhất, lão kéo lưới lên chỉ có bùn; lần thứ hai thì chỉ có toàn là rong biển; đến lần thứ ba thi kéo được cá vàng.
Đối với một người đánh cá bình thường như ông thì bắt được cá đã là tốt lắm rồi thế mà ông còn bắt được một con cá vàng. Con cá vàng này có thể được coi là sẽ giúp ông lão đổi đời vì chắc chắn sẽ bán được rất nhiều tiền. Ấy vậy mà trược sự kêu van tha thiết của cá vàng, ông lão đã thả nó xuống biển mà không hề có bất cứ đòi hỏi nào. Thế mới thấy, bản tính lương thiện trong con người ông lão không bao giờ bị mai một hay mất đi trước những cám dỗ cuộc đời. Ông thả cá lại xuống biển một cách vô tư, hào hiệp không hề tính toán thiệt hơn và cũng không mong sự đền ơn báo đáp của cá vàng. Đây chính là nổi bật cho sự lương thiện, cho bản tính hiền hậu của người dân lao động.
Tuy nhiên, khi mụ vợ biết chuyện đã mắng ông lão một trận và bắt ông ra biển đòi cá vàng đáp ứng yêu cầu của mụ. Đối với ông lão, ông vẫn bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình, không mưu cầu hay đòi hỏi bất cứ cái gì, tự kiếm sống bằng bàn tay lao động của mình. Năm lần ông ra biển tìm cá vàng chỉ để đáp ứng những yêu cầu vô lý của mụ vợ, ông chẳng đòi hỏi gì cho riêng mình. Dù có bị mụ vợ quát mắng, đối xử tệ bạc bao nhiêu lần ông vẫn không hề tức giận, vẫn nhờ cá vàng đáp ứng yêu cầu của mụ. Đáng lý ra ông lão có thể xin cá vàng đáp ứng yêu cầu của mình nhưng ông lão vẫn không đòi hỏi gì. Trong suy nghĩ hay trong con người ông lão, chưa một lần lòng tham xuất hiện. ông lão chính là đại diện cho một tâm hồn trong sáng, một bản tính lương thiện đáng trân trọng.
Dưới con mắt và ngòi bút nghệ thuật của Puskin, ông lão còn là đại diện cho người dân Nga cam chịu và nhẫn nhục. Ta chưa một lần thấy ông lão cái lại hay làm trái ý mụ vợ, hình ảnh ông lão lóc cóc rồi lại lủi thủi đi ra biển vừa đáng thương vừa đáng giận. Những thứ mụ vợ có được đáng lý ra là của ông lão, chỉ có ông mới xứng đáng nhận được thế mà ông vẫn cam chịu nhường lại cho kẻ không có công lao gì. Thậm chí còn bị đối xử tệ bạc mà ông vẫn không hề oán giận. Thế mới thấy, hình tượng ông lão chính là thay cho lời cảnh báo kín đáo và thấm thía của Puskin với người dân Nga cam chịu, nhẫn nhục.
Ông lão đánh cá chính là đại diện cho những người dân Nga với bản tính hiền lành, chịu thương chịu khó nhưng luôn cam chịu nhẫn nhục. Qua hình tượng ông lão, tác giả cũng ngầm cảnh báo đến người dân Nga nếu cứ nhu nhược thì sẽ bị áp bức cực khổ.