Đề cương ôn tập văn 8 học kì II

AT

I. Bài thơ Quê hương (Tế Hanh).

- Phân tích tình yêu quê hương của tác giả (Cảnh đoàn thuyền ra khơi, cảnh đoàn thuyền trở về)

II. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó, Đi đường (Hồ Chí Minh).

- Cảm nhận về hình ảnh Bác Hồ (Tức cảnh Pác Bó); ý nghĩa triết lí của bài thơ và liên hệ bản thân (Đi đường).

III. Văn bản Chiếu dời đô (Lí Công Uẩn).

- Chứng minh thành Đại La có đầy đủ lí do để trở thành kinh đô của Đại Việt.

IV. Văn bản Nước Đại Việt ta (Nguyễn Trãi).

- Tư tưởng nhân nghĩa được nêu trong bài; các yếu tố khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc.

V. Văn bản Bàn luận về phép học (Nguyễn Thiếp).

- Chỉ ra các phép học mà Nguyễn Thiếp nêu ra trong bài.

Mấy bạn giúp mình với nha!

Sắp KT giữa kì ùi! Ahuhu

HT
5 tháng 3 2018 lúc 20:18

1

Hai câu thơ mở bài như một lời giới thiệu của tác giả về làng quê miền biển của mình. Nó là một làng quê nằm ăn sát ra biển, bốn bề quanh năm sóng vỗ. Qua hai câu mở bài này, tác giả còn muốn giới thiệu với mọi người về nghề nghiệp chính ở quê mình, đó là nghề ngư nghiệp.

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá

Hai câu thơ tiếp theo như những dòng nhật kí tâm tình của Tế Hanh, nói về công việc thường nhật xảy ra ở ngôi làng ven biển này. Tiết trời ở đây thật trong lành: bầu trời trong xanh, gió biển nhẹ, bình minh rực rỡ sắc hồng. Lúc đó, những người thanh niên, trai tráng trong làng cùng nhau căng buồm, tiến ra biển cả.

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang

Trong hai câu thơ này, tác giả Tế Hanh đã sử dụng những động từ, tính từ mạnh: “hăng, phăng, vượt” và sử dụng nghệ thuật so sánh “chiếc thuyền nhẹ” với “con tuấn mã”, làm gợi lên vẻ đẹp, sự dũng mãnh của con thuyền.

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió

Ở hai câu tiếp theo này, nghệ thuật so sánh lại được sử dụng. “Cánh buồm” được so sánh với “mảnh hồn làng”, thể hiện tình yêu quê hương luôn tiềm tàng trong con người Tế Hanh.

Được sử dụng một lần nữa, động từ, tính từ mạnh: “giương, rướn, bao la” đã cho ta thấy một vẻ đẹp kiêu hãnh, đầy tự hào của cánh buồm vi vu trong gió biển.

Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ,

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.

“Nhờ ơn trời, biển lặng, cá đầy ghe”

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,

Khắp thân mình nồng thở vị xa xăm.

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm,

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Tám câu thơ tiếp theo này thể hiện hình ảnh làng chài khi những chiếc thuyền cá trở về sau những ngày chìm trong gió biển. Người dân làng chài vui sướng biết bao khi những người thân của họ đã mang về những thành quả tương xứng. Dân chài lưới mang một màu da thật riêng, có một mùi hương riêng biệt. Cái mùi này chỉ những người yêu quê hương tha thiết, nồng nàn như tác giả Tế Hanh mới có thể cảm nhận được. Chiếc thuyền cũng mệt mỏi sau những ngày đi biển, tựa như con người vậy. Cái chất muối thấm trong thớ vỏ cũng được tác giả cảm nhận bằng cách “nghe”, thật độc đáo!

Nay xa cách, lòng tôi luôn tưởng nhớ:
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!

Khi viết bài thơ này, tác giả đang ở xa quê hương. Vậy mà, ông vẫn luôn nhớ về mảnh đất quê hương yêu dấu của mình. Nhớ màu nước biển xanh, nhớ những con cá bạc, nhớ cánh buồm trắng, nhớ con thuyền đang băng băng rẽ sóng ra khơi. Ông còn nhớ cả cái mùi muối mặn của biển quê nhà.

Kết lại, với những vần thơ bình dị mà gợi cảm, bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh đã vẽ ra một bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển, trong đó nổi bật lên hình ảnh khoẻ khoắn, đầy sức sống của người dân làng chài và sinh hoạt lao động làng chài. Bài thơ còn cho thấy tình cảm quê hương trong sáng, tha thiết của nhà thơ.

Bình luận (0)
HT
5 tháng 3 2018 lúc 20:22

3

“Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn là sự tỏ bày ý định từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (tức Hà Nội ngày nay) khi ông mới được triều đình tôn lên làm hoàng đế . Sau đó , ông đổi tên kinh đô thành Thăng Long . Đấy là năm Thuận Thiên thứ nhất – năm khởi đầu sự nghiệp lẫy lừng của nhà Lý , một triều đại có ý nghĩa hết sức quan trọng đưa văn hiến của nước nhà đến đỉnh cao vòi vọi .

Xưa nay , thủ đô là trung tâm về văn hoá , chính trị của 1 đất nước . Nhìn vào thủ đô là nhìn vào sự thịnh suy của một dân tộc . Thủ đô có ý nghĩa rất lớn . Dường như lịch sử của các nước có nền văn minh lâu đời đều có những cuộc dời đô như thế . Mỗi lần dời là một thử thách của dân tộc . Đó phải là quyết định của những đầu óc ưu tú nhất thời đại . Nói cách khác , ko có ý chí quyết tâm lớn , ko có tầm nhìn thấu cả tương lai thì LÝ Công Uẩn ko thể nói đến chuyện dời đô .

Mở đầu bài chiếu , nhà vua giải thích tại sao lại dời đô . Và bằng một lý lẽ ngắn gọn nhưng sắc sảo , cùng với dẫn chức thiết thực , nhà vua đã khẳng định : việc dời đô ko phải là hành động , là ý chí của một người . Nó là biểu hiện cho xu thế tất yếu của lịch sử . Lý Công Uẩn tuyệt vời là đã hiểu được khát vọng của nhân dân , khát vọng của lịch sử . Dân tộc Việt không chỉ là một nước độc lập . Muốn bảo vệ được điều ấy thì non sông , nhân tâm con người phải thu về 1 mối . Tất cả thần dân phải có ý chí tự cường để xây dựng nước Đại Việt thành quốc gia thống nhất vững mạnh . Muốn vậy , việc đầu tiên là phải tìm một nơi “trung tâm của trời đất” , một nơi có thế “rồng cuộn hổ ngồi” . Nhà vua đã rất tâm đắc và hào hứng nói tới cái nơi “đúng ngôi nam bắc đông tây” lại “nhìn sông dực núi” . Nơi đây ko phải là miền Hoa Lư chật hẹp , núi non bao bọc lởm chởm mà là “ địa thế rộng mà bằng , đất đai cao mà thoáng” . Như vậy , đây là mảnh đất lí tưởng “ dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ và ngập lụt , muôn vật rất mực phong phú tốt tươi .”Thật cảm động , vị vua anh minh khai mở 1 triều đại chói lọi trong lịch sử Đại Việt đã rất quan tâm tới nhân dân . Tìm chốn lập đô cũng vì dân , mong cho dân được hạnh phúc . Trong niềm tin của vua , có 1 kinh đô như vậy , nước Đại Việt sẽ bền vững muôn đời .

Dời đô ra Thăng Long là 1 bước ngoặc rất lớn . Nó đánh dấu sự trường thành của dân tộc Đại Việt . Chúng ta ko cần phải sống phòng thủ , phải dựa vào thế hiểm trở như ở Hoa Lư để đối phó với quân thù . Chúng ta đã đủ lớn mạnh để lập đô ở nơi có thể đưa nước phát triển đi lên , đưa đất nước trở thành quốc gia độc lập sánh vai với phương Bắc . Kinh đô Thăng Long quả là cái nôi lập đế nghiệp cho muôn đời , là nơi để cho sơn hà xã tắc được bền vững muôn đời vậy !

Có thể nói , với trí tuệt anh minh tuyệt vời , với lòng nhân hậu tuyệt vời , Lý Công Uẩn đã bày tỏ ý định với các quan trong triều ý định dời đô giàu sức thuyết phục . Phần đầu nhà vua đưa ra những lý lẽ thuyết phục là nhờ những bằng chứng sử sách . Nhưng phần sau nhà vua đã đưa ra những suy nghĩ của riêng mình về miền đất mà vua định lập đô , ko chỉ là cho ta thoả mãn về lí trí mà quan trọng hơn là bị thuyết phục bằng tình cảm . Ta bắt gặp ở đây 1 giọng nói đầy nhân từ , tấm lòng lo cho dân cho nước rất mực . Những điều vua nói cách đây cả ngàn năm nhưng hôm nay nhìn lại vẫn giữ nguyên tính chân lí của nó . Trải qua bao thăng trầm , con rồng bay lên bầu trời Hà Nội vẫn làm cho cả nước bái phục nhân cách , tài năng của Lý Công Uẩn , 1 vị vua anh minh vĩ đại .

“Chiếu dời đô” là áng văn xuôi cổ độc đáo , đặc sắc của tổ tiên để lại . Ngôn ngữ trang trọng , đúng là khẩu khí của bậc đế vương . Đó là kết tinh vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ Việt Nam . Nó khơi dậy trong lòng nhân dân ta lòng tự hào và ý chí tự cường mạnh mẽ .

Bình luận (0)
HT
9 tháng 3 2018 lúc 20:41

5

Nguyễn Thiếp (1723-1804) tự là Khải Xuyên, hiệu là Lạp Phong Cư Sĩ, người đương thời kính trọng gọi là La Sơn Phu Tử, quê ở làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, huyện La Sơn (nay thuộc huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh.

Nguyễn Thiếp là người “thiên tư sáng suốt, học rộng hiểu sâu”, từng đỗ đạt, làm quan dưới triều Lê nhưng sau đó từ quan về dạy học. chính vì gắn bó với công việc dạy học cho nên Nguyễn Thiếp hiểu ra mục đích thật sự của việc học. Có thể nói bài bàn luận về phép học của Nguyễn Thiếp không chỉ để lại cho những người thời địa ấy những bài học quý giá mà còn để lại cho chúng ta những người thế hệ ngày nay và mai sau.

Bàn luận về phép học là một phần trong bản tấu của Nguyễn Thiếp gửi cho vua Quang Trung. Trong bài này tác giả của chúng ta đã nêu rõ quan điểm của mình về mục đích thật sự của việc học đó là đạo đức, là tri thức, để góp phần hưng thịnh cho đất nước.

Trước hết chúng ta hãy cùng nhau đi tìm hiểu về thể loại tấu trong văn học Việt Nam. Tấu là một loại văn bản của quan lại hoặc của thần dân trình lên vua chúa để trình bày một ý kiến, đề nghị nào đó có liên quan đến chính sách cai trị hoặc các vấn đề quan trọng của triều đình, quốc gia. Cùng dạng với loại văn bản này còn có nghị, biểu, khải, sớ… Tấu có thể được viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, theo hình thức văn xuôi hay văn biền ngẫu.

Mở đầu đoạn trích tác giả nêu lên câu châm ngôn để cho thấy được mục đích chân chính của việc học là gì “Ngọc không mài, không thành đồ vật; người không học”. Theo đó chúng ta sẽ đi tìm hiểu hai luận điểm chính là bàn luận về mục đích của việc học và tác dụng của việc học.

Với mục đích của việc học tác giả đưa ra câu nói trên. Đó là cách so sánh vô cùng hay và hấp dẫn. việc học giống như là mài ngọc thành đồ vật vậy, con người không học thì cũng không thể thành người được. Đó là cả một quá trình dài đầy gian khổ và thách thức nhưng mục đích chính mà việc học đặt ra là để hoàn thiện con người. Sự hoàn thiện đó bao gồm trước hết là đạo đức và sau đó là tri thức. Việc học vốn mang một ý nghĩa cao quý : “Biết rõ đạo”. Tức là học để biết cách làm người, học để sống tốt, cư xử đúng chuẩn mực. “Ngọc không mài, không thành đồ vật“, con người không học hành, tu dưỡng thì chẳng thành được con người có khả năng làm việc tốt, giúp ích cho đời. Dưới thể chế phong kiến theo Nho giáo xưa, học hành, thi cử còn là con đường trực tiếp dẫn đến chốn quan trường, là cơ hội để một đấng nam nhi góp sức mình cho đất nước. như vậy co thể thấy việc học rất quan trọng đặc biệt là trong xã hội phong kiến xưa. Học tập là một quy luật tất yếu trong cuộc sống. Kẻ đi học là học luân thường đạo lí để làm người. Đạo học ngày trước lấy rèn luyện đạo đức làm chính, đó là những cách cư sử trong tam cương ngũ thường ngày xưa.

Chính vì thế tác giả nhấn mạnh vào việc học là rất cần thiết. Con người mà không học thì giống như ngọc không mai không thành đồ vật và không thể thành người hoàn thiện được. những truyền thống quý báu như Tiên học lễ hậu học văn được kế thừa từ những bàn luận của Nguyễn Thiếp.
Đặc biệt tác giả đã lấy việc học để chứng minh trong thực tế, từ đó nêu lên những sai trái tiêu cực trong đường lối giáo dục đương thời sẽ gây ra những hậu to lớn cho toàn dân tộc. tác giả nêu lên nền học chính của chúng ta đã bị mất từ lâu thay vào đó là lối học mau hòng danh hợi. Như vậy thì chúa tầm thường mà thần thì nịnh hót, nước mất nhà tan là lẽ đương nhiên. Học mà chỉ chú ý đến bổng lộc không chú ý đến nội dung của cái mình đang học thì làm sao có thể tiếp thu được những kiến thức trong nội dung ấy. Học chỉ biết để hưởng vinh hoa phú quý ra làm quan chứ không quan tâm đến nội dung thì đó là sai lệch. Nhưng đó lạ chính là thực trạng của nền giáo dục đương thời. Những kẻ học hành như vậy, nếu có ra làm quan thì cũng chỉ là những viên quan dốt nát, hỏi làm sao có thể lo đời giúp nước? Tác hại của lối học lệch lạc, sai trái đó gây tác hại nghiêm trọng và lâu dài vì những kẻ bất tài thường hay xu nịnh, luồn lọt để được thăng quan tiến chức, dần dần trở thành lũ sâu mọt, chỉ biết vinh thân phì gia mà quên đi lợi ích chung của đất nước, dân tộc. Và lối học ấy ngày nay ta gọi là học vẹt, học chỉ để đi thi, thi xong là quên hết chẳng có tác dụng gì.

Không chỉ đưa mục đích chân chính cũng như tác dụng thực sự của việc học đối với hưng thịnh đất nước mà Nguyễn Thiếp còn khuyên vua Quang Trung mở hình thức học phổ biến hơn. Làm thế nào để tất cả mọi người đều ý thức được việc học và có thể học ở bất kì đâu : “Thầy trò của phủ, huyện, các trường tư, con cháu các nhà văn võ, thuộc lại ở các trấn cựu triều, đều tùy đâu tiện đấy mà đi học”.

Về trình tự học cũng như ta học chứ vậy, phải đi từ thấp tới cao từ nhỏ tới lớn. phải biết được những chữ cái có tỏng bảng thì mới mong học được thành những chữ ghép vào với nhau “Lúc đầu học tiểu học để bồi lấy gốc. Tuần tự tiến lên học đến tứ thư, ngũ kinh, chư sử. Học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học mà làm”. Có thể hiểu rằng muốn học rộng thì trước tiên phải học được những cái cơ sở cái nền tảng thì mới có thể mong làm cho kiến thức của mình sâu rộng và giúp ích cho đất nước được. không những thế tác giả chỉ ra việc học và việc hanh phải đi đôi gắn kết với nhau, học trước rồi hành sau không thể bỏ được nếu muốn học thành tài.

Cuối cùng tác giả khẳng định tác dụng to lớn và lâu dài của việc học đối với mỗi cá nhân và cho toan đất nước. Họa may kẻ nhân tài mới lập được công, nhà nước nhờ thế mà vững yên. Đó mới thực là cái đạo ngày nay có quan hệ tới lòng người. Xin chớ bỏ qua. Đạo học thành thì người tốt nhiều; người tốt nhiều thì triều đình ngay ngắn mà thiên hạ thịnh trị. Phương pháp học tập tốt sẽ là tiền đề để tạo ra những người có đức có tài giúp cho đất nước hưng thịnh. Người học giỏi mà có đạo đức thì cũng góp phần làm cho đất nước hưng thịnh.

Như vậy có thể thấy Nguyễn Thiếp đã đem đến cho chúng ta một tầm hiểu biết mới về phép học. Mặc dù là bản tấu nhưng chúng ta cũng thấy được tác giả luôn giữ thái độ chân thành cung kính với vua Quang Trung chứ không phải lên mặt. qua đây chúng ta thấy Nguyễn Thiếp là một vị quân thần không những giỏi có tài mà còn có đức, biết đi trước thời đại bỏ qua những trào lưu học lấy bổng lộc để thấy rõ được những tác dụng chân chính của việc học. Đặc biệt sau bài này chung ta có thể áp dụng vào sự nghiệp học hành ngày nay.

Bình luận (0)
HT
9 tháng 3 2018 lúc 20:43

4

Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu

Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng

(Tố Hữu)

Tuy ra đời gần sáu trăm năm, nhưng cho đến nay và muôn đời sau nữa, Bình Ngô đại cáo và những tác phẩm khác của Nguyễn Trãi mãi mãi đi sâu vào lòng người. Tư tưởng “nhân nghĩa” trong thơ văn Nguyễn Trãi thấm sâu, ngay khi mở đầu Bình Ngô đại cáo ông viết:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”

Vậy nhân nghĩa là gì? Nho giáo cho rằng: Nhân nghĩa là quan hệ tốt đẹp giữa người với người trong cộng đồng. Khái niệm này mang nội hàm rất đẹp, rất tiến bộ và cao cả. Nguyễn Trãi đã khẳng định: Điều chủ yếu của nhân nghĩa là phải giữ “yên dân’’. Vì thương yêu dân, muốn cho dân được yên ổn làm ăn nên phải “trừ bạo” là từ những kẻ sách nhiễu dân.

Từ quan hệ ứng xử mang tính cách cá nhân, Nguyễn Trãi đã nâng lên thành tư tưởng xã hội. một nhiệm vụ cụ thể, nói như Đinh Gia Khánh thì “tư tưởng nhân nghĩa này không mơ hồ, nó gắn chặt với chủ nghĩa yêu nước”. Chính vì “nhân nghĩa”, vì thương dân nên Nguyễn Trãi xem những hành động man rợ của quân Minh hành hạ dân như đốt lửa thiêu sống, đào hố để chôn sống những người dân vô tội là những việc phi nhân nghĩa, là bạo ngược, do đó chúng phải bị trừng phạt. Như vậy có nghĩa là “Việc nhân nghĩa”, hành động nhân nghĩa không phải một cái gì trừu tượng, chung chung, mà nó biểu hiện bằng “Việc” cụ thể, là chống quân xâm lược để giữ yên bờ cõi, tiêu diệt các cuộc phản nghịch chông triều đình để xây dựng xã hội “vua sáng, tòi hiền”. Việc ấy phải được giao phó cho quân đội. Nguyễn Trãi không mơ hồ về sự nghiệp giải phóng dân tộc có thể dùng đường lối thỏa hiệp cải lương để châm dứt can qua, hòa bình muôn thuở, mà phải có sức mạnh của lực lượng quân sự và sức mạnh của “đại nghĩa”.

“Đem đại nghĩa thắng hung tàn

Lấy chí nhân thay cường bạo”

Không chỉ lấy nghĩa để thắng hung, không lấy nhân thay bạo, mà ở đây sự đối đầu lịch sử của cuộc kháng Minh này, kẻ thù là “hung tàn” là “cường bạo”. Nướng dân đen trèn ngọn lửa hung tàn Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ

Tội ác “trời không dung, đất không tha” ấy của giặc Minh:

Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội

Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch mùi

Tội ác ấy phải bị trừng phạt “Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Quân ở đây là nhân dân: Tập hợp thành đội quân “đại nghĩa - chí nhân” để chống lại quân cường bạo giặc Minh. Vậy là triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi xét đến cùng là lòng yêu nước thương nhân dân. Đó chính là chủ nghĩa yêu nước. Nó làm nền cho bản hùng ca bất hủ Cáo Binh Ngô, nó là ánh sáng kì diệu để Nguyễn Trãi nêu một quan điểm về quyền dân tộc và do đó ông đã định nghĩa về đất nước khá rõ ràng, hoàn chỉnh, khoa học. Trong những lời mở đầu bài cáo trang trọng, thật đĩnh đạc và tự hào.

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”

Trải qua bao biến động lịch sử, Nguyễn Trãi nói lại cái chữ đế đầy tinh thần độc lập tự chủ ấy. Nước Đại Việt có cương vực, có lịch sử. có phong tục và có văn hiến, nghĩa là có nhân nghĩa. Nó không cần và không thể phụ thuộc để tồn tại. Mọi mưu toan muốn biến nó thành quận huyện, thành chư hầu sẽ phải chịu thảm họa. Lịch sử đâu đã quên:

“Lưu Cung tham công nên thất bại

Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong

Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã”

Thế mà nay bọn giặc Minh:

“Mượn tiếng điếu dân phạt tội, kì thực làm việc tàn bạo, lấn cướp đất nước ta, bóc lột nhân dân ta, thuế nặng hình phiền, vơ vét của quý, dân mọn xóm làng không được yên ổn. Nhân nghĩa mà lại thế ư? (Bài 8 Quân Trung từ mệnh tập). Cái thế đứng của một dân tộc có và trọng nhân nghĩa ấy sẽ bằng mọi giá cho quân thù nếm cay đắng mà cha ông chúng ta phải trả giá cho sự tàn bạo “lỗi đạo”, ngạo mạn, xấc xược...

Sức mạnh nhân nghĩa của nhân dân ta “lấy yếu chống manh, lấy ít địch nhiều” đã làm nên chiến thắng.

Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế

Ngày hai mươi, trận Mã An, Liễu Thăng cụt đầu.

Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh bại trận tử vong

Những trang nhật kí chiến sự thể hiện một cuộc tấn công đại quy mô, mạnh mẽ, hào hùng. Chiến thắng càng gần, thế trận càng trở nên biến hóa, kẻ thù chưa kịp trở tay đối phó thì đã lại:

Đánh hồi trống thứ nhất, sạch không kình ngạc

Đánh hồi trống thứ hai, tan tác chim muông...

Miêu tả cuộc tổng tấn công đại phá quân thù, có lẽ trong lịch sử văn học Việt Nam chưa bao giờ có những trang hào hùng sáng chói như thế. Đội quân làm nên chiến thắng ấy, chính là đội quân đã xác định “vì nhân nghĩa mà chiến đấu, vì an dân mà trừ bạo”.

Nhân nghĩa là sức mạnh để chiến thắng. “Chí nhân, đại nghĩa” là nền tảng của chủ nghĩa nhân đạo dân tộc ta bao đời đeo đuổi để tạo dựng nền văn hiến mang bản chất truyền thống của con người Việt Nam. Ở đây Nguyễn Trãi đã nêu cao chủ nghĩa nhân đạo ấy, gắn bó với nhân nghĩa mà chủ nghĩa yêu nước.

Coi trọng con người, quý trọng nhân dân, coi trọng tình hòa hiếu giữa các dân tộc. Chúng ta không vì sự man rợ của giặc mà trả thù bằng những hành động man rợ. Có gì quý hơn sinh mạng con người? “Người ta là hoa của đất” do đó nhân nghĩa sau chiến tranh là tấm lòng, là trí tuệ để giải quyết những hậu quả, cho “Bốn phương biển cả thanh bình,”... Đối với quân giặc đã bị “cầm tù như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng”. Chúng ta đã “chẳng giết hại” mà cho chúng “đường hiếu sinh”. Chúng ta có cái thế để xử tội ác chiến tranh, có đủ sức để trừng phạt, nhưng nhân nghĩa không cho phép chúng ta làm điều dó khi bọn giặc đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng”. Chúng ta tha tội cho chúng để chấm dứt can qua trong tương lai, để được “an dân” không phải chỉ ngày một ngày hai mà mãi mãi nhân dân được “nghĩ sức” trong thanh bình:

“Xã tắc từ đây vững bền

Giang sơn từ đây đổi mới”

Nghĩa là triết lí nhân nghĩa, hành động nhân nghĩa của chúng ta đã toàn thắng. Ta đã đạt mục đích, không cần phải xử sự như những kẻ cuồng sát không nhân nghĩa.

Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi thể hiện ngay cả khi cổ vũ quân dân ta tiêu diệt giặc, nhưng lại rất cảm thông với nhân dân và binh sĩ Trung Quốc bị tàn hại bởi chiến tranh. Nguyễn Trãi từng vạch tội tướng giặc với nhân dân Trung Quốc: Chúng lại muôn cùng binh độc vũ, khiến nhân dân vô tội liền năm phải thiệt mạng ở chốn gươm đao, những kẻ lưu li phải nát gan ở nơi đồng cỏ” (Bài 28 - Quân Trung từ mệnh tập).

Bình Ngô đại cáo xét về mặt tư tưởng thì đây là tác phẩm nổi bật về chù nghĩa nhân đạo, minh chứng hùng hồn cho cuộc chiến thắng của nhân dân ta chống giặc Minh. Triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi tiềm ẩn như mỏ quặng quý mà ta phải khai thác, đào sâu, nhưng nổi lên bề mặt lộ thiên của nó chính là chủ nghĩa yêu nước, là tình cảm thương dân. Vì yêu nước thương dân mà Nguyễn Trãi có những quan niệm tiến bộ về bản chất và mục đích của đội quân nhân nghĩa, về Tổ quôc và “Bốn phương biển cả thanh bình”. Vì yêu thương dân mà trong Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi tố cáo tội ác quân Minh đanh thép trong cuộc chiến tranh vệ quốc trở thành một tác phẩm còn lại mãi với thời gian.

Đã sáu trăm năm trôi qua, Nguyễn Trãi - người anh hùng dân tộc và là nhà thơ, nhà văn, tư tưởng chính trị, thực sự sống mãi trong lòng dân tộc khi các thế hệ con cháu mang tư tưởng nhân nghĩa của Người đã làm nên bao sự tích kì diệu, bao chiến công lẫy lừng, như trong chiến tranh chống Mĩ Chú tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu tư tưởng nhân nghĩa ấy mà đối xử nhân đạo với những tên giặc lái. Bọn chúng đã đem bom đạn đến giết hại nhân dân ta tàn phá đất nước ta, gây bao tang tóc đau thương cho nhân dân trên mọi miền đất nước, vậy mà khi bắt sống chúng, ta vẫn đối xử nhân đạo cho và “khách sạn Hintơn”, và sau ngày toàn thắng 30/04/1975 trao trả lại cho phía Mĩ. Phải chăng đó là được bắt nguồn từ tư tưởng Nguyễn Trãi.

Đem đại nghĩa thẳng hung tàn

Lấy chí nhân thay cường bạo”

Bình luận (0)
HT
9 tháng 3 2018 lúc 20:50

2

Tuy Bác Hồ không bao giờ tự nhận là một nhà thơ, nhưng Bác đã để lại một sự nghiệp văn chương phong phú và đặc sắc. Khi đọc thơ Bác, ta luôn cảm nhận được tinh thần lạc quan, phong thái ung dung, dù con đường cách mạng mà Người dấn thân là con đường đầy gian lao. Các bài thơ được Bác sáng tác trước cách mạng đã thể hiện rõ điều đó.

Trong bài Tức cảnh Pác Bó Người viết: "Sáng ra bờ suối tối vào hang". Nếu nhìn qua, câu thơ như diễn tả cảnh sinh hoạt thường ngày của Bác, một nhịp sống đều đặn, nhẹ nhàng, không ai nghĩ rằng đây là một cuộc sống gian khổ của một người cách mạng. Nhưng khi hiểu rõ sống trong hang rừng lạnh buốt là thế nào, thì ta mới cảm nhận được sự lạc quan ở chính giọng thơ nhẹ nhàng và sự bắt đầu bài thơ bằng cụm từ "sáng ra bờ suối" ẩn chứa một nét tươi sáng.

Tinh thần lạc quan còn nổi bật hơn ở câu thứ hai: "Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng" diễn tả cuộc sống khắc khổ và cơ cực với "cháo bẹ", "rau măng". Nhưng giọng thơ thì lại có vẻ hóm hỉnh: "vẫn sẵn sàng" như "khoe" với mọi người: cháo gô và măng lúc nào ta cũng dư thừa. Ngoài ra, có lẽ Bác nói "vẫn sẵn sàng" còn có ý là ta luôn vui vẻ đón nhận cuộc sống kham khổ đó, có sao đâu. Trong gian khó, Bác làm việc mới ung dung làm sao:

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang

Vẫn là một bàn đá trong núi sâu, "chông chênh" như vận mệnh đất nước, nhưng trái ngược với hoàn cảnh đó là tinh thần của Bác vững như bàn thạch. Cách mạng Việt Nam lúc cao trào, lúc thoái trào nhưng xu hướng là đi lên và phát triển. Bác vẫn tin cách mạng Việt Nam sẽ thành công. Cho nên gánh trên vai trọng trách nặng nề mà Bác vẫn ung dung khẳng định: "Cuộc đời cách mạng thật là sang". Một chữ "sang" tỏa sáng cả bài thơ, tỏa sáng cả những năm tháng sống trong rừng sâu, hang tối của nhà cách mạng! Một chữ "sang" đủ phủ nhận tất cả gian khổ, hiểm nguy, khẳng định tính cao quý của đời cách mạng bởi vì người cách mạng luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp đó.

hiếm có một ai bị đưa đi gần khắp ba mươi nhà tù mà vẫn cất cao những lời thơ tràn ngập ý chí cách mạng, như trong bài Đi đường:

Đi đường mới biết gian lao

Việc đi đường được Bác nhắc tới nhiều trong Nhật kí trong tù. Tới nhiều sự bất bình pha chút than thân. Nhưng ở đây là một câu triết lí sâu sắc: đường đi của người cách mạng là luôn gian lao, mà gian lao đến mức một người từng trải như nhà cách mạng lão thành cũng khó ngờ tới. Điều này được cụ thể hóa bằng hình ảnh:

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng

Điệp lại hình ảnh "núi cao", rồi còn thêm hai chữ "trập trùng" nhà thơ đã hình tượng hóa những gian lao, nguy hiểm ở con đường cách nạng của mình. Từ khi rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, Bác đã bao lần bị bắt bớ tù đày, suýt bị kết án tử hình nếu không có sự giúp đỡ hết mình của luật sư Rô-giơ-bai. Chẳng phải Bác đã vượt bao nhiêu đèo cao, vực thẳm đó sao. Nhưng Người vẫn vững một niềm tin:

Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

"Lên đến tận cùng" là lời thách thức với "núi cao", dù con đường cách mạng gian khổ như núi chồng chất lên núi, người cách mạng cũng quyết vượt hết để lên đến tận đỉnh cao của chiến thắng. Cuối cùng, hình tượng con người đạp lên mọi khó khăn, khiến chúng bị đè bẹp dưới chân, và hiện lên hình ảnh người cách mạng mới vĩ đại làm sao: Đứng trên đỉnh núi cao nhất ngoảnh nhìn toàn cảnh non sông đất nước.

Đây chỉ là ba bài trong rất nhiều bài thơ Bác Hồ sáng tác để diễn tả niềm tin vững chắc của Người vào thắng lợi của cách mạng. Niềm tin đó luôn đem lại những hình tượng thơ, giọng thơ ung dung; phong thái cốt cách của con người hiền triết mà vẫn thấm đượm nét vui tươi, giản dị và hóm hỉnh. Nó khẳng định phong cách và tâm hồn thơ Bác, là bài học vô giá cho thơ ca cách mạng.

Bình luận (0)
AT
9 tháng 3 2018 lúc 14:10

đây nè huyền thoại đêm trăng ơi

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
TP
Xem chi tiết
DH
Xem chi tiết
PV
Xem chi tiết
PL
Xem chi tiết
LM
Xem chi tiết
LL
Xem chi tiết
H24
Xem chi tiết
NM
Xem chi tiết
H24
Xem chi tiết