Nước lừ trên cao phóng xuống định nuốt chửng con thuyền. Nhưng ở phía dưới dượng Hương Thư nhanh như cắt vừa thả sào, vừa rút sào nhịp nhàng, đều đặn. Con thuyền được giữ thăng bằng vẫn xé ngang dòng nước lao nhanh. Nó chồm lên. sấn tới, hùng dũng hơn cả dòng thác dữ. Nhưng dượng Hương Thư cũng không chịu thua. Các bắp thịt cuộn lên, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh.ra, cặp mắt nảy lửa, dượng ghì mạnh trên ngọn sào để giữ cho con thuyền được an toàn. Lúc ấy, nhìn dượng giống như một pho tượng đồng đúc vững chãi và mạnh mẽ. Quả thật, hình ảnh dượng trụ sào giữ thuyền giữa dòng thác dữ còn khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ.
Tuổi thơ chúng ta, ai đã được một lần nhìn thấy thác, ai đã một lần được vượt thác? Đọc trang văn "Vượt thác", ta cảm thấy mình đang cùng Cù Lao và Cục,... vượt thác trên sông Thu Bồn hơn nửa thế kỉ trước. Đó là cái tài và cái tâm của Võ Quảng - nhà văn, nhà thơ thân thiết của tuổi thơ chúng ta. "Vượt thác" là trang hồi kí trữ tình đầy chất thơ. Chất thơ của vẻ đẹp hùng vĩ và hữu tình sông núi xứ Quảng mà trước đây cụ Phan Bội Châu từng ca ngợi là "địa linh nhân kiệt". Chất thơ trong tâm hồn và chí khí con người: dũng cảm, phóng khoáng, hồn nhiên, yêu đời, yêu thiên nhiên,... Chất thơ thấm sâu vào từng câu văn, giọng văn: trong sáng, tươi đẹp, lúc thì mạnh mẽ hào hùng, lúc thì hồn nhiên thơ mộng. Cổ nhân có nói: “Thi phú dục lệ” (Thơ phú phải đẹp). "Vượt thác" là một trang văn đẹp trong giai phẩm "Quê nội". Ta cảm thấy yêu thêm sông Thu Bồn, yêu thêm cuộc sống, yêu thêm chú Cục và Cù Lao, yêu thêm đất Quảng...
Tình yêu ấy làm ta lớn lên cùng trang văn "Quê nội" của Võ Quảng.