Cây đa bến nước sân đình đã đi vào tâm khảm người Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị, như một trong những hình ảnh tốt đẹp nhất khi hướng về cội nguồn. Và không ít mối tình nơi thôn dã đã nên vóc nên hình nhờ… cái đình! Tuy nhiên quanh cái đình có nhiều chuyện lắm.
Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu
Chẳng biết từ bao giờ cái đình đã đi vào tâm thức dân gian Việt Nam như một hình ảnh gắn bó mật thiết với cuộc sống và tình yêu lứa đôi. Đình miếu là chốn tôn nghiêm, nơi hội tụ và lưu giữ hồn quê. Đình miếu còn là điểm tựa tinh thần, biểu trưng cho vẻ đẹp lãng mạn thanh khiết của những tâm hồn chân chất yêu nhau:
Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh
Một sự so sánh tưởng chừng phi lý nhưng rất hợp lý, cái hợp lý của thế giới tình yêu, và ngẫu nhiên tác tạo nên một bức tranh đầy thi vị: trúc-đình-người đẹp. Nghĩa là khi “bước vào” trong bức tranh ấy, người đẹp càng đẹp càng xinh hơn.
Mỗi làng đều có một ngôi đình để thờ đức thành hoàng, phúc thần, đồng thời đây cũng là nơi hội họp việc làng về hành chính, xã hội, tôn giáo. Nhà văn Sơn Nam trong công trình biên khảo Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam, rất chí lý khi cho rằng: “Xây dựng đình làng là nhu cầu tinh thần, có đình thì mới tạo được thế đứng, gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ, bằng không thì chỉ là lục bình trôi sông, viên gạch rời rạc, một dạng “lưu dân tập thể”, mặc dầu làng lắm gạo nhiều tiền”. Để dựng một ngôi đình, dân làng hết sức cẩn trọng trong việc xem phong thủy, nhất là hướng đình vì nó có ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của cả làng: đức tin, trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán, bệnh hoạn, học hành, thăng tiến… Ca dao miền Bắc có câu:
Toét mắt là tại hướng đình
Cả làng toét cả, một mình em ru?
Đình làng thường quay mặt về hướng Nam. Chỉ có những trường hợp đặc biệt vì lý do phong thủy, đình mới quay mặt theo hướng khác. Cũng do việc chọn hướng đình mà từng xảy ra mâu thuẫn giữa các làng với nhau. Nhà văn hóa Toan Ánh trong tác phẩm Tín ngưỡng Việt Nam có dẫn lại lời của nhà nghiên cứu người Pháp Chapuis kể rằng, tại huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị, dân làng Mai Xá Chánh nhận thấy hướng đình làng Mai Xá Thị chuẩn bị xây có một đao đình “khắc” với đình làng của họ nên đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Sự việc căng thẳng đến mức chính quyền phải đưa binh lính về can thiệp mới tạm yên ổn!
Nếu như ở đồng bằng sông Hồng, đất tự ngàn xưa của tổ tiên, việc xây dựng đình miếu trong mỗi làng là điều hiển nhiên, thì đối với vùng đất mới phương Nam, việc xây đình lập miếu không phải dễ dàng mà cần phải có “tư thế pháp nhân”. Trước hết phải được nhà nước phong kiến công nhận làng mới, sau đó mới xin phép xây đình miếu, nhận sắc thần vua ban. Từ luật lệ ấy đã nảy sinh những tiêu cực về thủ tục giấy tờ, phải qua nhiều cửa nhiều con dấu con triện, bọn quan lại cường hào có cơ hội hành dân. Khi nghiên cứu đến vấn đề này, nhà Nam bộ học Sơn Nam đã phải thốt lên: “Lập làng để đóng thuế cho nhà nước đã là tốn thời giờ, huống gì xin lập đình. Xin một sắc thần, đòi hỏi thủ tục, đút lót.Lúc hưng thịnh, vua quan nhà Nguyễn thận trọng: đợi ba năm mới ban sắc một loạt, lựa ngày lành, vận hội tốt. Ta nghe trường hợp dân làng nôn nóng, cử vài bô lão ra tận ngoài Huế để khiếu nại nhắc nhở, chẳng nệ tốn kém, nhưng vô hiệu quả. Thế là ngày tết, đầu năm, xong vụ mùa, tuy đủ ăn mà dân làng ấy thấy mình như mồ côi. Đem tiền bạc, phí thời giờ đến đình làng kế cận để vui chơi thì quả là buồn tủi.
Năm Tự Đức thứ 5 (1852), có lẽ đoán trước thời nguy khốn của đất nước, vua và các quan hấp tấp ban bố đồng loạt nhiều sắc thần cho các làng Nam bộ. Vài làng có sắc thần từ trước, nhưng đã mất hoặc muốn chắc ăn, cũng xin thêm một sắc nữa”. Mới biết cái đình quan trọng như thế nào trong xã hội người Việt xưa. Loại bỏ những yếu tố tiêu cực thì việc đình miếu luôn là một thiết chế văn hóa phong tục tốt đẹp mà đến nay vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống tâm linh của dân tộc.
Từ quê lên phố, phong tục ấy vẫn được người Việt lưu giữ và luôn dành cho đình miếu những tình cảm tốt đẹp. Theo dọc chiều đài đất nước, ở đâu chúng ta cũng có thể gặp những đình miếu được thờ phụng rất trang nghiêm, luôn có người coi sóc hay đến cúng tế, gắn bó mật thiết với người dân quanh vùng. Riêng tại TP HCM, hiện nay có đến 260 ngôi đình, trong đó có nhiều ngôi đình cổ nổi tiếng gắn liền với sự hình thành,phát triển của thành phố và cả vùng đất Nam bộ.
Nhiều ngôi đình đã đi vào lịch sử khi “tham dự” vào các sự kiện lớn, như đình Tân Trào, đình Hồng Thái, đình Đình Bảng, đình Phú Cường, đình Chí Hòa, đình Bình Hòa, đình Bình Đông, đình Bình Trị Đông, đình Tân Thông Hội, đình Mỹ Trà… Và gần như tất cả đình làng trên cả nước đã trở thành điểm xuất phát, hội họp của các lực lượng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đưa đất nước thoát khỏi bóng đêm nô lệ, giành lấy ánh sáng độc lập tự do!
Đình làng không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là một tài sản văn hóa, lịch sử thiêng liêng vô giá của người Việt.