Tham khảo :
Có những đồ vật theo năm tháng đồng hành với những bạn học sinh trong tuổi học trò dần dần trở thành những mảnh ghép không thể thiếu trong khoảng thời gian tươi đẹp ấy. Là chiếc áo trắng rong ruổi những ngày đến trường, là bảng đen in hằn những tri thức vô tận và là chiếc bút bi viết nên từ những nét chữ đầu đời đến những dòng lưu bút tri âm. Một chiếc bút bi trông đơn giản nhưng lại chất chứa biết bao trí tuệ của nhân loại. Liệu có bao giờ bạn tự hỏi bút bi có cấu tạo như thế nào hay đồ vật này có lịch sử ra sao chưa? Hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu cấu tạo và lịch sử tạo nên chiếc bút bi.
Từ xa xưa, con người đã mong muốn lưu trữ tri thức nhân loại, đánh dấu kí hiệu hay chỉ đơn giản là học tập nên đã sử dụng những chiếc bút lông vũ để viết hay vẽ. Bút được tạo nên từ lông chim, lông gà nhưng đa phần sẽ sử dụng lông ngỗng. Tuy nhiên bút sử dụng rất bất tiện bởi phải mài mực, chấm mực một cách thường xuyên, viết xong phải rửa bút cẩn thận. Để khắc phục những khuyết điểm đó, bút máy ra đời. Bằng sáng chế cho chiếc bút bi đầu tiên trên thế giới được trao cho John J. Loud – Một người Mỹ đã tạo ra công cụ viết trên bề mặt thô, chẳng hạn như gỗ, giấy gói thô và các sản phẩm khác vào ngày 30 tháng 10 năm 1888.
Tuy nhiên phát minh này lại không được đưa vào sản xuất phổ biến. László Bíró – Một biên tập viên người Hungary thất vọng vì phải lãng phí thời gian vào việc đổ mực đầy bút máy và làm sạch các trang bị nhòe đã phát hiện rằng loại mực dùng để in báo có thể khắc phục những khuyết điểm đó. Loại mực ấy rất nhanh khô, nhờ đó giấy không bị mực làm bẩn và ông quyết định tạo ra loại bút sử dụng loại mực ấy. Một hôm ông ra công viên chơi và nhìn bọn trẻ chơi bi, một viên bi lăn vào vũng nước và để lại một vệt dài.
Chính điều này đã giúp ông nảy ra ý tưởng đặt viên bi trên đầu bút để nó truyền mực từ bút ra giấy. Với sự giúp đỡ của anh trai George là một nhà hóa học, ông bắt đầu thiết kế ra một loại bút mới và năm 1944 ông nhận bằng sáng chế với mẫu “Biro Pens of Argentina”.
Một chiếc bút bi sẽ có ba phần cơ bản: vỏ bút, ruột bút và bộ phận đi kèm khác. Vỏ bút thường được làm từ chất liệu nhựa dẻo có hình trụ thường dài từ 14 – 15 cm rất vừa tay người cầm, vỏ bút có công dụng bao bọc ruột bút và giúp người dùng dễ dàng cầm nắm, sử dụng. Vỏ bút có một lớp đệm cao su dày và dài tạo cảm giác dễ chịu cho người dùng. Ở phần chân bút đặc biệt có những đường viền nổi, những hoa văn tạo độ ma sát với tay người sử dụng, nhờ đó bút sẽ không bị trơn, tuột khỏi tay người.
Bộ phận thứ hai của cây bút chính là phần ruột bút – Đây là bộ phận quan trọng nhất của cây bút. Ruột bút là một ống mực rất nhỏ, trong làm từ nhựa dẻo bên trong chứa mực, khi viết mực sẽ bơm xuống thân bút giúp bút có thể viết ra mực. Một bộ phận quan trọng không kém khi sử dụng bút bi chính là đầu bút, đầu bút được làm bằng kim loại gắn với ống đựng mực.
Trên đỉnh ngòi bút là một viên bi tròn rất nhỏ (khoảng 0.5 – 1mm) người dùng khó quan sát. Viên bi nhỏ có thể di chuyển và có thể lăn ra mực, điều tiết được lượng mực bên trong ống một cách liều lượng không quá nhiều nhưng cũng không ít. Nếu viên bi nằm lệch so với phần đầu kim loại hay bị vỡ thì cây bút không còn sử dụng được bởi lượng mực chảy ra khó điều tiết, có thể bị tắc nghẽn mực hoặc hiện tượng mực chảy quá nhiều gây lấm lem.
Bộ phận cuối cùng của chiếc bút bi là những bộ phận đi kèm bao gồm lò xo, đầu nhấn bút,... Lò xo làm cho cây bút có độ đàn hồi, khi người sử dụng nhấn đầu bút thì cây bút có thể bật lên xuống để phục vụ nhu cầu sử dụng và bảo vệ ngòi bút. Các loại bút thường được đính kèm thêm đai bút để người dùng cắm vào sách, vở hay túi áo, túi quần, rất tiện lợi cho việc di chuyển.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại bút bi được phân loại dựa trên thiết kế, màu mực, loại mực, quốc gia sản xuất,.. Tùy vào nhu cầu của người sử dụng, bút bi phân loại dựa trên thiết kế có thể gồm nắp bấm, nắp đậy rất dễ dàng sử dụng. Khi sử dụng chỉ cần bấm ngòi bút sẽ theo lò xo tự động bật ra hay khi mở nắp ngòi bút sẽ hiện ra, khi không sử dụng tiếp tục chỉ cần bấm ngòi hoặc đậy nắp trở lại, bảo vệ ngòi bút được bảo vệ an toàn. Bút bi còn có đa dạng màu sắc như xanh, đỏ, đen, tím,.. tiện lợi để ghi chép, chú thích hay ghi nhan đề bài giảng.
Xét về nguồn gốc thì có rất nhiều bút bi trên thị trường từ nội nhập đến ngoại nhập. So về giá cả, bút bi nội nhập có giá thành rẻ hơn khi chỉ giao động từ 1000 đến 5000 một cây trong khi bút ngoại nhập có giá trị từ 10.000 – 15.000, có những loại bút giá trị lên đến hàng chục nghìn.
Bút bi được bảo quản rất đơn giản, đối với bút bi đậy nắp khi sử dụng xong chỉ cần đậy nắp bảo vệ ngòi. Tương tự như thế với bút ngòi bấm, khi sử dụng xong người sử dụng chỉ cần bấm ngòi bút để bảo quản. Trong quá trình sử dụng, tránh để bút rơi, rớt làm tắc nghẽn mực, gây khó khăn trong sử dụng. Hạn chế để ngòi bút va chạm với những vật có bề mặt cứng gây hư hỏng ngòi bút. Khi dùng xong phải bấm hoặc đậy nút lại ngay để tránh cọ quẹt vào người gây vây mực hay gây xây xát nếu bất cẩn.
Bút bi là người bạn thân thiết đối với các bạn học sinh bởi đó là công cụ để ghi chép bài vở, tài liệu, tích lũy tri thức, đưa các bạn học sinh đến gần hơn với bến bờ tri thức. Bút bi còn được sử dụng để rèn luyện nét chữ, sử dụng cho các cuộc thi viết bởi ông cha ta từng nói “nét chữ nết người”. Ngoài công dụng để viết, bút bi còn là một chất liệu quen thuộc đối với ai đam mê vẽ, chỉ từ một chiếc bút bi đơn giản, đã có rất nhiều tác phẩm xuất sắc được ra đời. Những chiếc bút bi với nhiều màu sắc, kiểu dáng khác nhau cũng là một vật trang trí nhỏ nhắn nằm gọn trong bóp viết hay được trưng bày cho góc học tập thêm phần xinh xắn.
Người bạn thân thiết của tuổi học trò này sở hữu rất nhiều ưu điểm. Giá thành một chiếc bút bi rất rẻ, phù hợp với túi tiền của học sinh. Sở hữu kích cỡ nhỏ gọn, bút bi có thể mang đi khắp mọi nơi, dễ dàng cắm bút bi vào sách, vở để không bị thất lạc. Ngoài ra, bút bi có thể nằm gọn trong túi áo, túi quần học sinh nên không cần nhọc công vận chuyển. Tuy nhiên, bút bi cũng có những khuyết điểm riêng, chỉ cần bị rơi bút bi dễ bị tắc nghẽn mực, rất khó sửa chữa. Khi viên bi ở đầu bút bị va chạm, bút sẽ ra mực không đều khi bị tắc mực, khi bị vấy mực ra giấy gây bất tiện cho người sử dụng.
Bút bi là người bạn rất quan trọng đối với học sinh, là người bạn song hành với bao thế hệ qua những tháng ngày áo trắng. Bút bi không chỉ là bạn của học trò mà còn được sử dụng rộng khắp trong đời sống xã hội, có mặt trong khắp mọi ngành nghề ở khắp mọi nơi. Bút bi từ lâu đã khẳng định được vị trí quan trọng vốn có của nó thế nên ta cần sử dụng, bảo quản người bạn ấy một cách cẩn thận.
Tham khảo:
Trong cuộc đời học sinh, có lẽ bút bi đã trở thành một đồ dùng học tập vô cùng quen thuộc đối với mọi người . Cây bút bi đã gắn bó đồng hành với mỗi chúng ta trên những trang giấy hay những bài kiểm tra. Có lẽ vì vậy mà không sai khi nói rằng, bút bi chính là một người bạn đồng hành với mỗi người trong cuộc sống đặc biệt là đối với những bạn học sinh.
Có rất nhiều ý kiến khác nhau về lịch sử ra đời của cây bút bi tuy nhiên có một câu chuyện rất phổ biến và khá đáng tin cậy về xuất xứ của cây bút bi như sau: Một người Mỹ tên John Loud đã xin cấp bằng sáng chế bút bi vào năm 1888. Cho đến năm 1938, một nhà báo người Hungary mới giới thiệu loại bút bi hiện đại. Vào những năm 1930, László Bíró làm cộng tác viên biên tập cho một tờ báo nhỏ. Điều làm ông thất vọng là việc những cây bút máy luôn làm bẩn giấy tờ và thường xuyên bị hỏng. Một hôm, Bíró ra công viên, thấy một bọn trẻ chơi bi. Một viên bi vô tình chạy qua vũng nước, để lại sau một vệt dài. Viên bi đó khiến ông nảy ra một ý tưởng đặt viên bi ở đầu bút để nó truyền mực trong ống ra giấy. Rồi ông lại được mời đi thăm một xưởng in báo. Bíró để ý rằng, loại mực dùng để in báo rất nhanh khô, nhờ đó giấy không bị mực làm bẩn và ông quyết định tạo ra một loại bút sử dụng loại mực giống như vậy. Từ khi đó, được sự giúp đỡ của anh trai tên George, là một kĩ sư hóa học, Bíró bắt đầu công việc thiết kế ra một loại bút mới. Bíró lắp vào đầu bút một viên bi nhỏ, có thể xoay tự do trong một cái hốc. Khi di chuyển đầu bút trên giấy, viên bi đó xoay tròn, và kéo mực xuống in trên giấy. Bíró nhận bằng sáng chế Anh Quốc vào năm 1938. Và sau đó nhiều chiếc bút bi hiện đại khác cũng được sáng chế và ra đời.
Cấu tạo của bút bi gồm có hai phần chính đó là ruột bút và vỏ bút. Vỏ bút bi hầu hết đều được làm bằng nhựa có màu sắc khác nhau tùy theo từng loại bút hoặc cũng có một số loại bút có vỏ được làm bằng kim loại nhẹ để bảo vệ lớp ruột ở bên trong . Vỏ bút không dài lắm, chỉ từ 12-15cm, rất phù hợp để chúng ta cầm tay viết một cách dễ dàng. Bên trên vỏ có thể in các hình ảnh hoạt hình hoặc các chữ để trang trí cho chiếc bút thêm xinh xắn. Và hầu hết ở phía dưới của vỏ sẽ có ghi tên hãng bút,tên nhà sản xuất và kích cỡ của đầu bút bi. Bên trong chiếc vỏ xinh xắn đó chính là phần ruột của bút. Bộ phận này khá đơn giản chỉ gồm một chiếc ruột bút rỗng bên trong chứa mực để viết và một chiếc lò xo cố định phía đầu bút để thuận tiện cho việc viết lách. Điều đặc biệt là ở đầu ruột bút sẽ có một viên bi nhỏ, kích cỡ chỉ tầm khoảng 5-12mm. Đây chính là bộ phận giúp cho bút có thể viết được và mực có thể ra đều đều. Còn mực bút cũng có rất nhiều loại mực phong phú như đen, xanh, đỏ… rất tiện lợi cho chúng ta lựa chọn thỏa thích. Ngoài ra chiếc bút bi còn có các bộ phận khác như phần nắp bút, nắp bấm… góp phần tạo nên được một chiếc bút bi hoàn hảo.
Chiếc bút bi có vai trò vô cùng quan trọng đối với mọi người trong cuộc sống. Nhờ có nó mà mọi người có thể lưu giữ thông tin trên giấy, sử dụng để ghi chép những tài liệu quan trọng. Đây cũng là phương tiện để chúng ta bày tỏ cảm xúc trên trang giấy thay vì nói ra bằng lời. Đặc biệt đối với học sinh, chiếc bút bi là một đồ dùng không thể thiếu và luôn đồng hành với họ trong mọi lúc mọi nơi. Một chiếc bút bi tốt sẽ giúp học sinh viết nên được một bài văn hay, giải được bài toán khó. Một chiếc bút bi tốt có thể giúp người học sinh viết nên ước mơ tươi đẹp của mình. Một chiếc bút bi tốt sẽ giúp gắn kết những người học sinh lại với nhau qua những dòng lưu bút chia tay… Có thể nói bút bi đã trở thành một người bạn đồng hành của mỗi người học sinh trên con đường bước tới tương lai. Chính vì vậy mà chúng ta càng cần phải biết trân trọng và gìn giữ chiếc bút bi của mình, không để nó bị xây xước hay hỏng hóc.
Mặc dù ngày nay đã có rất nhiều các loại thiết bị điện tử có thể thay thế cho bút bi như máy tính, điện thoại…. nhưng có lẽ chiếc bút bi sẽ mãi là đồ dùng tiện ích nhất đối với tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh. Cây bút bi đã, đang và sẽ mãi là đồ dùng đóng vai trò vô cùng quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của mọi người.