Đề cương ôn tập văn 7 học kì II

TA

Dân gian có câu tục ngữ "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Hãy chứng minh nội dung câu tục ngữ đó.

MN
25 tháng 6 2020 lúc 23:56

Tham khảo:

Cuộc sống xung quanh ta là một bức tranh muôn màu vạn vẻ, và môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn đến với sự hoàn thiện và phát triển của mỗi con người. Vậy nên, từ xa xưa, ông cha ta đã có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Trước tiên chúng ta phải hiểu, “mực” ở đây xét về nghĩa đen và một đồ dùng có màu tối, thường để tô hay viết nên những trang giấy trắng, tuy nhiên nó cũng mang nghĩa để chỉ những thói hư tật xấu, những cạm bẫy trong xã hội. “Gần mực thì đen” tức là khi ta tiếp xúc hoặc sống trong một nơi đầy rẫy những điều, những kẻ xấu xa, ta cũng sẽ dễ dàng bị tha hoá, bị “vấy bẩn” nhân cách. Ngược lại, “đèn” là một vật dụng dùng để soi sáng, thắp lên ánh sáng ở những nơi tối tăm, hay sâu xa hơn, nó là hình ảnh để chỉ những điều hay lẽ phải, nơi có những con người tốt đẹp. Đồ vật nào ở gần đèn cũng được soi sáng, giống như con người khi được sống ở một nơi tràn đầy những điều đúng đắn, tốt đẹp, ta cũng sẽ tiếp thu được và trở thành một con người sống lương thiện, hoàn thiện về nhân cách.

Lời nhắn nhủ của thế hệ đi trước thật đúng đắn làm sao. Thật vậy, trước tiên cần phải hiểu rằng, con người từ khi sinh ra cũng giống như một tờ giấy trắng vậy, chưa thể có những định hình về nhân phẩm, về cái xấu, cái tốt trong xã hội. Chính môi trường sống xung quanh, chính những người ở bên cạnh ta sẽ tác động rất lớn trong việc hoàn thiện và định hướng tư duy, cách nghĩ của mỗi người. Dó đó, dù xung quanh chúng đều là những người xấu xa, đầy rẫy những thói hư tật xấu, hay đều là những người lương thiện, với những điều hay lẽ phải, chúng cũng sẽ dễ dàng bị tác động, hình thành nhận thức và hành động theo.

Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu. Chẳng hạn, nếu con người ta sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ thường xuyên cãi vã, anh chị không có đạo đức tốt thì làm sao có thể là tấm gương sáng để đứa trẻ noi theo? Thậm chí, không nhất thiết là từ bé, mà ngay cả khi con người đã trưởng thành, đến một môi trường sống mới, đến một môi trường làm việc hay học tập đầy rẫy những kẻ lười biếng, gian manh,... đầy rẫy những thói hư, tật xấu như ăn cắp, ăn trộm, lừa đảo,..có thể ban đầu ta sẽ bài xích nó nhưng rồi dần dần, qua thời gian, sự bài xích ấy sẽ nhạt dần đi, ta học cách chấp nhận và sống cùng những điều ấy,thậm chí đến một lúc nào ấy, ta sẽ làm, học đòi theo họ. Đó chẳng phải là lúc nhân cách của ta đã bị tha hoá hoàn toàn hay sao?

Ngược lại, ở với những người mà là tấm gương sáng về đạo đức, được tiếp thu những điều hay, lẽ phải, dù là khi còn là một đứa trẻ hay đến khi trưởng thành, ta vẫn sẽ trở thành những con người tốt đẹp. Một gia đình mà cha mẹ anh chị em đều yêu thương, đùm bọc bọc lẫn nhau, một nơi học tập và làm việc mà mọi người luôn giúp đỡ, cùng vươn lên, một hay những người bạn mà có những điểm tốt đẹp để ta học hỏi theo,.. chẳng phải con người ta cũng sẽ tiếp thu và không ngừng vươn lên trong cuộc sống hay sao?

Vậy nên, có thể thấy, môi trường sống có ảnh hưởng lớn thế nào đến cuộc sống của mỗi người, Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu, sẽ có những trường hợp, con người ta không thể tự quyết định được ta sẽ sống ở đâu, ta sẽ tiếp xúc với những ai. Dù vậy, “ta không thể chọn nơi mình sinh ra nhưng ta có thể chọn cách mình sẽ sống” , điều này hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mỗi người, liệu ta có thể giữ cho mình một tâm lý vững vàng trước những cái xấu xa, để bảo toàn trọn vẹn nhân phẩm hay không? Đó là lý do vì sao trong những trang sử vàng son của dân tộc, vẫn có biết bao người anh hùng “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” như Danh tướng Trần Bình Trọng trước những dụ dỗ của quân giặc đã tuyên bố với một câu nói vang danh muôn đời "Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc", hay cụ Nguyễn Khuyến vì “lánh đục về trong”, đã quyết từ quan về ở ẩn...và còn rất nhiều những tấm gương sáng nữa.

Qua câu tục ngữ trên, ông cha ta đã nêu ra một chân lý thật sâu sắc và hoàn toàn đúng đắn, từ đó khuyên nhủ con cháu muôn đời phải biết tỉnh táo, cảnh giác trước những điều xấu xa, những cạm bẫy trong xã hội cũng như luôn hướng mình theo những lẽ lẽ sống tốt đẹp, biết lựa chọn đúng đắn trong mọi hoàn cảnh, luôn giữ cho mình một nhân cách tinh khiết. Với mỗi gia đình hay cơ quan, thế hệ đi trước cần là tấm gương sáng để thế hệ sau noi theo. Một xã hội với những con người lương thiện sẽ kéo theo cả một xã hội lương thiện, ngược lại một xã hội mà toàn những cạm bẫy xấu xa thì xã hội ấy cũng sẽ chẳng thể tồn tại được lâu dài, vĩnh cửu.

Bức tranh cuộc sống sẽ thay đổi màu sắc theo thời gian, sẽ có những người tô lên đó những màu sắc rực rỡ, nhưng cũng sẽ có những người tô lên đó gam màu tối sẫm. Còn bạn? Bạn sẽ tô lên bức tranh ấy màu sắc gì?

Bình luận (0)
HL
4 tháng 7 2020 lúc 9:27

Từ xưa, ông cha ta đã luôn đúc kết những lời khuyên răn từ những điều giản đơn trong cuộc sống, đó là kho tàng ca dao tục ngữ với ngụ ý khuyên dạy con cháu nên người trong đó có câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Đây là một câu dạy bảo của ông cha với hàm ý cho chúng ta biết tầm quan trọng của môi trường sống cũng như những người xung quanh đến nhân cách cũng như đạo đức của một con người.

Tục ngữ là một kho tàng vốn sống, kinh nghiệm sống vô cùng quý báu của thế hệ trước dành cho những lớp thế hệ sau. Từ những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống thường ngày, ông cha đã đúc kết ra những bài học sâu xa qua từng câu chữ. Với câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng", cha ông đã mượn những vật dụng vô cùng thân thuộc với mỗi người để dạy ta một đạo lý, một bài học. "Mực" vốn là loại mực Tàu dùng để viết của những ông đồ ngày xưa, có màu đen tuyền, dùng để mài cùng nước lấy mực viết. "Đèn" là một vật dụng dùng để thắp sáng cho con người, soi tỏ mọi vật. "Gần mực thì đen" tức là nếu khi tiếp xúc, sử dụng mực mà không khéo, ta có thể bị vấy bẩn bởi mực, dễ bị lem nhem, xấu xí. "Gần đèn thì rạng" tức là nếu gần nơi có ánh sáng thì ta sẽ được soi tỏ bởi lớp ánh sáng ấy, dễ tỏa ra hào quang rực rỡ hơn người khác.

Mượn những hình ảnh dễ thấy, dễ hiểu, người xưa muốn khuyên răn con cháu một bài học về tầm quan trọng của môi trường sống khi nó ảnh hưởng tới nhân cách của một con người. Con người ta khi sống trong một môi trường lành mạnh, được giáo dục và dạy bảo những điều hay điều tốt thì nhất định cũng sẽ trở thành một người có nhân cách, có đạo đức tốt.Giống như đèn hay cách so sánh "Gần đèn thì rạng", nếu ta được sống trong một môi trường với những người có đạo đức tốt, giỏi giang, biết cách cư xử, lễ phép thì đó chính là ngọn "đèn" soi tỏ, giúp người đó hình thành nhân cách cũng như phẩm chất đạo đức tốt. "Đèn" là tượng trưng cho những điều tốt đẹp, điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Còn "Mực" tức là những điều xấu, điều không tốt, không lành mạnh, "gần mực" tức là gần những cái xấu, dễ bị ảnh hưởng, bị vấy bẩn nếu "gần mực" mà không khéo léo, chắc chắn sẽ bị dính bẩn.

Qua những hình ảnh trên, hẳn mỗi người trong chúng ta cũng nhận ra lời khuyên mà ông cha ta muốn dành cho chúng ta qua câu tục ngữ trên. Rằng mỗi người phải biết tu dưỡng đạo đức, phải biết chọn những người bạn hiền để cùng tu tập đạo đức, nhân cách cũng như trí tuệ. Ngoài ra, ta cũng nên tạo ra những môi trường lành mạnh để mọi người có thể cùng nhau phát triển, soi sáng lẫn nhau, mỗi người đều là ngọn "đèn" để người khác được soi tỏ. Đừng sa đà vào những điều xấu xa sẽ bị "lấm bẩn" trở thành một vệt mực xấu xí, bao người xa lánh. Mỗi chúng ta cũng cần tôi rèn ý chí kiên cường trước mọi hoàn cảnh khó khăn, để dù trong hoàn cảnh khó khăn, ta vẫn biết vươn lên, biết tránh những điều xấu, bảo vệ được nhân cách đạo đức của mình.

Không phải ngày nay, mà từ xưa, câu nói của cha ông đã được bao đời kiểm nghiệm và thực hiện, Chúng ta biết đến một Trang Tử đạo cao, đức trọng, hiểu biết thâm sâu, nhưng lại không hề biết sau ông có một người mẹ hiền đã nuôi dạy ông nên người. Xưa kia, nhà Trang Tử vốn ở gần trường học, nhưng trường học đó lại có những đứa trẻ hay gây gổ, bắt nạt bạn bè, không chịu khó học hành. Lo sợ Trang Tử sẽ bị ảnh hưởng bởi những điều xấu xa, những vết "mực" từ bạn bè, bà đã chuyển nhà tới gần một trường học khác. Nhưng trường học này cũng không có những người bạn hiền, giỏi giang để Trang Tử có thể học hỏi, chính vì thế bà lại chuyển nhà. Đến lần thứ ba, bà đã tìm được một ngôi trường ưng ý để Trang Tử có thể học hành, tu dưỡng tại đó, và sau này là người được lưu danh muôn thuở, là kẻ học sâu hiểu rộng. Vậy ta mới thấy môi trường và bạn bè ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách cũng như đạo đức của một đứa trẻ đến mức nào!

Cũng như một Nguyễn Bỉnh Khiêm tài giỏi một đời không chịu đựng nổi chốn quan trường quỷ kế đã một mình cáo quan về ở ẩn tại rừng trúc

"Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người tới chốn lao xao"

Ông lo sợ chốn quan trường ấy sẽ biến mình trở thành một kẻ đầy mưu mô, tham lam. Vậy nên môi trường không chỉ hình thành nhân cách mà còn ảnh hưởng vô cùng tới nhân cách một người. Phải luôn biết chọn cho mình con đường trong sáng, lành mạnh để giữ được nhân cách làm người.

Không chỉ với người xưa, mà lời khuyên cha ông ta "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" còn nguyên giá trị tới tận ngày nay. Trong một gia đình, nếu cha mẹ hòa thuận, yêu thương nhau, luôn giáo dục con cái phải biết lễ phép, học hỏi những điều tốt thì chắc chắn những đứa trẻ đó lớn lên sẽ là những người có phẩm cách tốt. Bởi vì cha mẹ chính là tấm gương, là ngọn "đèn" soi tỏ con đường con cái mình đi. Chính môi trường mà cha mẹ tạo dựng cũng như tính cách, sự giao tiếp, đối xử lẫn nhau của cha mẹ là kim chỉ cho mỗi đứa con của mình. Gia đình là một phần nhỏ của xã hội, gia đình tốt thì xã hội tốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng là những người bạn tốt, những người thầy tốt mà ta đáng học hỏi, vậy nên phải biết chọn lấy người để chơi, để học tập cùng. "Học thầy không tày học bạn", hãy biết chọn những người có tư cách đạo đức tốt, ngay thẳng để cùng nhau học hỏi. Chỉnh bản thân ta cũng phải biết tu dưỡng học hỏi tốt để có thể trở thành một ngọn "đèn" soi tỏ cho người khác.

Trong xã hội, vẫn còn đâu đó những thành phần cá biệt, là "mực", là những điều xấu. Vậy nên mỗi con người cần chú ý tu tập, rèn luyện để có thể hướng những người khác trở thành một con người tốt, một ngọn "đèn" rạng chứ không phải một viên "mực" đen.

Từ câu tục ngữ trên, ta đã rút ra được bài học cho chính mình, phải biết học hỏi bạn bè, cũng như biết cách chọn lấy những người bạn tốt, những môi trường tốt để rèn luyện, tránh xa những cái xấu, cái không lành mạnh và phải luôn rèn luyện cho xứng đáng với lời dạy của cha ông ta.

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
KL
Xem chi tiết
PM
Xem chi tiết
TP
Xem chi tiết
MN
Xem chi tiết
MN
Xem chi tiết
NN
Xem chi tiết
DN
Xem chi tiết
MC
Xem chi tiết
NH
Xem chi tiết