Đề cương ôn tập văn 7 học kì II

NH

chứng minh rằng tai nạn giao thông làm ảnh hưởng tới đời sống của con người nhất là giao thông đường bộ.

CN
6 tháng 5 2018 lúc 10:21

Tôi còn nhớ cách đây khá lâu, trong một phóng sự thực tế, những du khách nước ngoài thường nói với nhau một câu thế này: "Nếu du lịch mạo hiểm là chưa đủ với bạn, hãy tham gia giao thông ở Việt Nam". Bấy giờ, tôi chỉ cảm thấy đó là một câu nói hài hước, đùa vui. Lúc ấy tôi đã chưa thể nhận ra, dù đó là câu đùa đấy, nhưng không phải tự nhiên mà đùa như vậy! Thêm nữa, đó mới chỉ là trải nghiệm của những du khách đi bộ qua đường phố Hà Nội...

Tới khi toàn cảnh bức tranh giao thông Việt Nam được phô bày trước mắt, thì câu nói hài hước của du khách nước ngoài không đủ để hình dung nữa, mà thay vào đó, là câu hỏi chua xót và đầy ám ảnh của nhà báo Quản Hồng Đức: "Mỗi ngày Việt Nam có hơn 30 người đột ngột và vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống trong khi đi lại trên đường. Và tử thần sẽ gọi tên ai trong số chúng ta?".

Không còn là sự phóng đại nữa rồi, khi mà cái thực tế diễn ra ngay trong cuộc sống của chính chúng ta, theo như thống kê của cục cảnh sát giao thông, thì trong tuần đầu tháng 6 năm 2013 có 339 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên toàn quốc làm 151 người chết, 232 người bị thương! Con số này có đủ để kích động bạn không, khi chúng góp phần đưa bạn, và tôi, chúng ta trở thành những người-tham-gia-giao-thông-may-mắn-còn-sống, trong hiện tại?

Nếu ai đó chi li nhẩm tính sẽ thấy, số nhân mạng 151 trong 7 ngày kia đã giảm gần 1/3 so với trên 30 người tử vong trung bình mỗi ngày được thống kê ở trên kia. Nhưng hỡi ơi, nhường ấy chưa đủ khủng khiếp, đau thương, mất mát, chấn động, và bàng hoàng hay sao mà coi đó là cải thiện!? Chúng ta cặm cụi thu thập về từng con số để báo cáo lại với nhau, chúng ta có thể thống kê lại các số liệu và đo đếm, đánh giá chúng. Số liệu tuy không dối trá, nhưng chúng là những con số vô hồn nếu chỉ được xem qua loa, cùng lắm đem lại mấy cái rùng mình chứ chẳng đem lại tác dụng gì. Có bao nhiêu vụ tai nạn, thiệt hại vật chất và tính mạng bao nhiêu, ta đếm được, nhưng chẳng có thước nào, máy nào đo nỗi những gì là vết thương vĩnh hằng mà những vụ tai nạn kia đã khoét sâu vào nhân tâm những gia đình, người thân nạn nhân của nó. Đã là không đếm được, thì một mạng người mất đi cũng là thất bại của xã hội, của ngành giao thông. Chúng ta còn muốn chôn chân trong thất bại tới bao giờ nữa, hay lại phải trực diện nhìn vào những vụ tai nạn tăng lên từng giờ!?

Đó là tai nạn xe đâm vách núi khi đổ dốc hôm 7/6 tại đèo Hòn Giao - Khánh Lê (huyện khánh Vĩnh, Khánh Hòa) làm 7 người thiệt mạng và 21 người khác bị thương. Điểm đặc biệt đáng lưu ý đây là xe chở đoàn giáo viên một trường tiểu học, không những cha mất con, chồng mất vợ, con mất mẹ, mà rồi đây những ánh mắt trẻ thơ ngơ ngác sẽ phải ngấn lệ khi không bao giờ còn được bàn tay "người mẹ ở trường" kia uốn nắn nữa... Quả thực tai nạn giao thông là thứ rủi ro vô tình tàn nhẫn không chừa ai và hậu quả của nó bao giờ cũng quá bi thương và đau khổ!

Chưa dừng lại ở đó, khi cộng đồng còn đang kêu gọi hiến máu tiếp tế cho người giáo viên còn nằm viện, thì sau đó 2 ngày, ngày 9/6, trên QL 1A đoạn qua xã Điện An, huyện Điện Bàn, Quảng Nam xảy ra vụ lật xe khách đường dài hãng Mai Linh khiến 3 người thiệt mạng và 30 người bị thương. Chiều cùng ngày, tại huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu xảy ra vụ va chạm giữa xe tải đông lạnh với 3 xe máy. Hậu quả cả 6 người trên xe máy tử vong tại chỗ... Những vụ tai nạn thảm khốc cứ dồn dập xảy đến trong cơn hoang mang cực độ của cộng đồng, và chưa hề có dấu hiệu ngưng lại.

Thông tin trong những ngày đầu tháng 6 vừa qua không phải là hồi chuông cảnh tỉnh gióng lên đột ngột như sét giữa trời quang, mà nó là những nhát cứa lên vết thương chưa lành miệng vẫn còn đang rỉ máu và nhiễm trùng đã năm qua tháng lại. Mười năm qua Việt Nam ước tính có 120 000 người tử vong vì tai nạn giao thông, tức là 12 000 người mỗi năm, còn cao hơn cả thương vong trong thảm họa kép động đất - sóng thần ở Nhật Bản, tương đương 40 vụ rơi máy bay thảm khốc mỗi năm... và chắc chắn không có nhiều kẻ điên rồ muốn tham gia "chuyến bay" như đánh cược mạng sống ấy nữa. Nhưng chúng ta đâu có lựa chọn!? Vẫn phải tham gia giao thông, vẫn phải sống chung với hoang mang lo sợ án tử luôn treo lơ lửng mỗi khi ra đường. Và nếu may mắn không có tên trong những con số thông kê lạnh lùng kia, ta lặng người hay rùng mình một cái, rồi lại lao ra đường hòa vào dòng chảy giao thông như thường... Thực tế của giao thông Việt Nam đang là cái vòng tròn loanh quanh luẩn quẩn, bế tắc và thảm hại như vậy.

Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta sợ tai nạn giao thông, là bởi họ đó là thứ tai họa từ trên trời rơi xuống, không ai biết trước, không rõ lí do, và chỉ nhận ra nó khi quá muộn... Ấy là chưa kể trường hợp đã nhận thấy nguy cơ, chủ động né tránh mà vẫn trở thành nạn nhân xấu số như chị Trần Thị Vở (quê Phú Thọ) cùng người em tên Kiên của mình, đã dừng xe táp hẳn vào lề đường nhưng vẫn bị chiếc xe điên lao thẳng tới mà chết thảm. Cách nghĩ ấy đúng, với người đang mạnh khỏe trong khoảnh khắc đã bị cướp đi sinh mạng bởi những "hung thần xa lộ". Trong chưa tới một giây lóe lên những suy nghĩ cuối cùng, có thể họ sẽ nghĩ tới số mệnh. Nhưng chúng ta, những "kẻ sống sót” theo nghĩa mảnh mai nhất, chúng ta vẫn còn thở, chúng ta chứng kiến, chúng ta biết tới những vụ tai nạn và thương vong lớn dần, chúng ta đọc được những lí giải của các nhà chuyên môn, chúng ta nghe báo chí hô hào, địa phương vận động về an toàn giao thông... và chúng ta biết, nguyên nhân của phần lớn tai nạn hiện nay chẳng dính dáng gì tới hai chữ tâm linh trong ngoặc kép cả.

Tạo hóa ban cho con người chỉ đôi chân để di chuyển, nhưng cũng ban cho bộ óc để phát minh ra cả ngàn thứ phương tiện đi lại và chuyên chở. Hệ thống giao thông hiện đại ngày nay tất thảy là do bàn tay nhân tạo mà nên, lợi ích hay tác hại của nó gây ra, không những tác động trực tiếp mà còn có nguyên do khởi phát từ chính con người. Khối óc con người đã phát minh ra hệ thống giao thông, thì một đòi hỏi thiết yếu đặt ra là khối óc ấy cũng phải có ý thức để sử dụng hiệu quả và an toàn hệ thống này. Đi lại trên con đường văn minh hiện đại mà lại điều khiển phương tiện bằng bản năng một cách thiếu văn hóa và tư tưởng ích kỉ trục lợi cá nhân thì chỉ có hại mình hại người mà thôi. Đúng như Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đã nói, có tới 80% vi phạm là do ý thức của người tham gia giao thông.

Đề cập tới ý thức thì vấn đề của giáo dục là trước nhất. Có quá nhiều áp lực không đáng có đang đè nặng tâm lí của người đi dạy và người đi học, đó là thành tích, là điểm số; chúng khiến cho từ việc nhỏ nhất là đọc chép nội quy nhà trường - có thể coi là căn chuẩn cơ bản về hành vi ứng xử - cũng được thực hiện một cách hình thức. Việc giáo dục công dân, xây dựng tính hướng thiện tận sâu trong nhận thức, làm theo điều hay lẽ phải ở trường học từ lâu đã là thứ để học sinh học vẹt thay vì cảm thụ. Chừng nào việc dạy để học sinh nên người còn chưa hiệu quả bằng việc dạy để học sinh thi đỗ thì việc dành ra một buổi tụ họp nhau lại mà tuyên truyền về an toàn giao thông chưa thế tác động gì nhiều tới hệ tư duy cũng như phẩm chất đạo đức nơi "những chủ nhân tương lai của đất nước"!

Không có nền tảng đạo đức vững chãi, sống ở một xã hội mà phần đông không tốt hơn mình, càng lúc sự ích kỉ sâu trong tâm thức càng có xu hướng trở thành người bạn đời chung thủy, ta làm mọi thứ vì bản thân, trục lợi bất kể ảnh hưởng người khác. Và đó là lí do ý thức đạo đức đóng vai trò không nhỏ trong sự an toàn của ngành giao thông vận tải, một ngành quyết định mưu sinh của rất nhiều thành phần trong xã hội hiện nay.

Lấy một doanh nghiệp xe chở khách làm điển hình, doanh nghiệp muốn lợi nhuận lớn mà phải ổn định, anh khoán cho mỗi tài xế một khoản cố định, không đủ phải tự bù vào. Vậy nên tiêu chí về an toàn giao thông có lẽ chẳng thể đứng ngang hàng với việc anh chở được nhiều khách nhất trong khoảng thời gian tối thiểu nhất, hay nói cách khác là kiếm được nhiều nhất bằng mọi cách. Chưa kể doanh nghiệp chỉ tuyển lái chính không cần lái phụ, như vậy có gì đảm bảo cho điều luật lái xe đường dài chỉ được lái xe 10 tiếng mỗi ngày và không lái quá 4 giờ liên tiếp? Đó là con chưa kể các tệ nạn xã hội như lo lót công an giao thông, thuê bảo kê giành khách được thực hiện bởi bàn tay doanh nghiệp... bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy ý thức chấp hành luật quả là thứ gì đó quá xa xỉ. Để rồi cùng với xe tải và container, xe chở khách trở thành hung thần xa lộ đúng nghĩa, với số vụ và mức độ nghiêm trọng của tai nạn vào bậc nhất hiện nay.

Vì muốn trục lợi, vì quy mọi giá trị trên đời qua tiền bạc cùng lợi ích cá nhân, và một phần không nhỏ vì pháp luật rườm rà phức tạp mà lại chưa chặt chẽ, thậm chí bất cập, nên mới dẫn tới sinh con quỷ đột lốt người ngồi sau vô lăng, xem nhẹ tính mạng con người. Vì luật quy định gây tai nạn để lại thương tật tốn nhiều khoản bồi thường hơn gây tử vong, mà người đi đường phải chứng kiến thảm cảnh lái xe cố tình cán nạn nhân tới chết khi trót gây tai nạn! Đơn cử phạm vi nội thành thành phố Hồ Chí Minh đã có không dưới 3 vụ như vậy, trong đó nạn nhận có cả những thiếu niên tuổi đời chưa quá ngưỡng 20....

Những biểu hiện ý thức kém thường thấy nhất thì có thể gặp ở mọi nẻo đường, cơ hồ cứ chỗ nào có xe là chỗ ấy có vi phạm! Không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, vượt đèn đỏ, đi tắt bục, dàn hàng ngang trên đường, đi sai làn đường, uống rượu bia trước khi tham gia giao thông, sử dụng điện thoại khi đi xe; chẳng những không nhường nhịn mà còn cố giành giật nhau từng khoảng trống trên đường, rồi thì có va chạm nhẹ là đủ các kiểu nào ăn vạ cố tình, rồi hung hăng đòi đánh người, hậu quả có khi còn nghiêm trọng hơn cả tai nạn thật... Rất nhiều, rất nhiều những biểu hiện của ý thức tham gia giao thông đã xuống cấp tồi tệ, để cảnh vi phạm không phải là ngoại lệ nữa, mà thành môi trường buộc chúng ta phải thích nghi. Tất thảy bắt nguồn từ thói ích kỉ hẹp hòi vô trách nhiệm với bản thân và người khác, không chịu mở mắt nhận ra sự việc sẽ tồi tệ thế nào khi chính ý thức ấy sẽ mang tới những đau đớn mà thân thể máu thịt không thể chịu đựng!

Đạo đức xuống cấp ở phần đông người tham gia giao thông là nguy cơ lớn nhất, thì nguy cơ lớn thứ nhì, là sự vô cảm của một số người - những người nắm trong tay quyền lãnh đạo. Chừng nào vẫn còn cái cách nói, cách nghĩ rằng “Tất cả làm đúng mà tai nạn vẫn xảy ra” thì chừng ấy vẫn liên tiếp xảy ra tai nạn! Hình như mất mát của 339 vụ tai nạn vẫn chưa phải là thứ gì đó để những nhà chức trách ngày quên ăn đêm quên ngủ mà làm, làm theo trách nhiệm thuộc về vị trí mà các vị đang nắm giữ. Cũng giống như lái xe gây tai nạn lái xe chịu chứ không can hệ gì tới doanh nghiệp, hiện nay "bị phê bình" vẫn còn quá nhẹ nhàng chưa tác động được tới tận động cơ mạnh mẽ nhất cho người nắm quyền tận tâm tận sức thì phải...?

Bên cạnh thứ xuất phát từ chính cái đầu của người cầm tay lái, người cầm quyền, những nguyên do của tai nạn giao thông còn tới từ công trình không đảm bảo chất lượng khi bị rút ruột trong quá trình thi công, cơ sở vật chất không được tu bổ đúng kì hạn, quản lí còn nhiều bất cập... rồi lí do thiên tai thời tiết, và... cả số mệnh nữa, chúng chiếm 20% còn lại những nguyên nhân của tai nạn giao thông.

Lâu nay tai nạn giao thông gây ra nhiều hậu quả tới mức người ta chẳng muốn kể ra và cũng chẳng thể kể hết. Nhưng nhìn vào tác hại không cùng của tai họa, âu cũng là động lực hướng cho ta chống lại chúng, nếu vẫn còn lương tri và nhiệt huyết.

Bi kịch thực sự của việc vô ý thức là hầu hết không hiểu, không hình dung ra, không có chút bóng đen nào đè lên thói ích kỉ khi nghĩ về hậu quả của tai nạn giao thông, cho tới khi chính mình phải hứng chịu mất mát, để rồi sự việc trở thành nỗi ám ảnh suốt đời không gì thanh tẩy được. Đó chính là nỗi giày vò không chỉ cướp đi sinh mạng một người, mà còn reo rắc nỗi đau cho người sống của tai nạn giao thông vậy. Cái "họa trên trời" ấy không mắt không tai, nó chia lìa những người thân thuộc, máu mủ, nó tước đi niềm hi vọng của cả gia đình và cộng đồng, bao nhà tang tóc bi thương, bao nhà táng gia bại sản... cũng đều vì một vụ tai nạn.

Với xã hội, không chỉ nhân mạng mất đi, mà thiệt hại ở mọi mặt. 40 000 tỉ mỗi năm nhằm khắc phục hậu quả tai nạn giao thông, số tiền ấy đem so với 1 400 tỉ đồng chuyển về Quỹ bảo trì Trung ương mỗi quý, chỉ cho ta thấy sự vô vọng và thiếu sót đến thế nào của nguồn ngân sách dành cho giao thông khi có quá nhiều tai nạn gây thiệt hại nặng nề thế này.

Tai nạn giao thông có thể bóp méo giá trị tinh thần trong đời sống hàng ngày của chúng ta, bởi thời điểm nghỉ lễ mà ai ai cũng mong chờ được dành thời gian cho người thân yêu, từ lâu đã như một cái lệ, chính là thời điểm tai nạn giao thông tăng đột biến với mức độ thảm khốc hơn bình thường: trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua có tới 110 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Năm ngày nghỉ, 110 mạng người, ai vui được?

Thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra, quả thật đáng báo động: người chết, tàn hại vật chất, mất mát cả tinh thần và của cải đè nặng lên từng mái nhà, hình ảnh đất nước xấu đi rất nhiều trong mắt bạn bè quốc tế chỉ vì tình hình giao thông không khác gì ong vỡ tổ... Chúng ta còn hướng tới ngay mai tươi sáng được không nếu cặn bẩn hôm nay vẫn còn? Chừng nào tháo gỡ được những xiềng xích mà tai nạn giao thông là một trong số đó, dân tộc Việt Nam mới có bước đi lên mạnh mẽ được!

Vậy, phải làm sao?

Đường lối không phải chưa có, vẫn là 3 yếu tố chính là con người, cơ sở hạ tầng và khâu quản lý. Tuy nhiên đến nay, chúng ta chưa ghi nhận được sự chuyển biến đáng kể. Bằng chứng đường sá vẫn xuống cấp, kém chất lượng, vẫn ăn gian vật liệu, khâu thi công, cảnh sát giao thông vẫn cắm chốt đều, nhưng tài xế vẫn phóng nhanh, vượt ẩu, sát hạch giấy phép lái xe quá dễ dàng, kiểm định làm qua loa...

Nhưng cơ sở hạ tầng cần thời gian, quản lí sai phạm cũng không phải ngay lập tức mà trơn tru được, chỉ có ý thức con người là cấp bách lắm rồi và làm lúc nào cũng là cần thiết. Nói đi nói lại vẫn chỉ có làm sao cho nhận thức, ý thức, trách nhiệm, văn hóa, văn minh, đạo đức, tự trọng của người tham gia giao thông được nâng cao lên. Ở các cấp giáo dục thì đó là thay đổi toàn diện những điều bất cập được chỉ ra trong suốt thời gian qua. Còn với chung toàn xã hội, ta cần tuyên truyền, vận động, nhưng phải tuyên truyền làm sao để người ta thấy đây không còn là chuyện của luật lệ mà còn là chuyện của đạo đức con người. Cái được coi là bắt buộc nên đứng sau đạo đức, bởi đạo đức mới là yếu tố thực sự có sức mạnh điều chỉnh hành vi của con người. Nó khiến người ta biết kiềm chế bản thân, có ý thức nhận thức một cách đầy đủ để muốn hành động trước khi sự việc ụp xuống mình một cách không thể né tránh, khiến người ta thấy rằng bảo vệ người khác cũng là bảo vệ chính mình vậy....

Đồng thời, những gì còn là bất cập, là thiếu nghiêm minh và còn tạo cơ sở để diễn biến trở nên trầm trọng hơn... của luật pháp, thì chỉ còn cách chỉnh sửa, hoặc dẹp bỏ đi. Cách cải thiện đúng đắn nhất là thay thế những cái sai bằng một việc đúng khác. Tính răn đe trong điều luật phải luôn sẵn sàng cho trường hợp đạo đức không cứu vãn được nữa, đó là thu hồi bằng lái xe vĩnh viễn, là tăng án phạt với các hình thức vi phạm, đồng thời tương quan giữa các án phạt phải tỉ lệ thuận với mức độ sai phạm gây ra... Trong khu vực của chúng ta có những nước có luật và ý thức chấp hành luật giao thông có thể coi là hình mẫu lí tưởng, như Singapore hay Nhật Bản, những nước mà thành công của họ không chỉ dựa vào cơ sở hạ tầng được đầu tư kĩ lưỡng và hiện đại - thứ chúng ta chưa lập tức mà theo được. Vậy nên trước tiên, bên cạnh thay đổi điều luật, hiển nhiên ta còn phải học hỏi nghiêm túc ý thức và văn hóa giao thông của họ để quyết liệt chống tai nạn giao thông trên mỗi nẻo đường.

Tất cả chúng ta đều trông thấy hậu quả khôn lường cũng như những mất mát là không đo đếm được mà tai nạn giao thông gây ra, chúng ta mang trái tim con người, biết đau xót cảm thương, chúng ta đủ sáng suốt và quyết tâm, hãy hành động ngay bởi thảm cảnh đen tối nơi đây đang không ngừng đe dọa cuộc sống, tương lai của mỗi người!

(kham khảo nha(

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
NP
Xem chi tiết
KK
Xem chi tiết
NP
Xem chi tiết
KK
Xem chi tiết
PA
Xem chi tiết
KK
Xem chi tiết
DN
Xem chi tiết
AN
Xem chi tiết
AN
Xem chi tiết