Con người Việt Nam sống trọng tình nghĩa. Chính vì vậy, chúng ta từ xưa đến nay luôn luôn sống theo đạo lí “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Uống nước nhớ nguồn”.
Trước hết, đạo lí “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Uống nước nhớ nguồn” có nghĩa là sống phải có lòng biết ơn, trân trọng mọi thứ. Trong quá khứ, ông cha ta đã có tục thờ cúng tổ tiên hay tổ chức các lễ hội để tưởng nhớ công ơn các bậc anh hùng có công với đất nước như lễ hội đền Hùng, hội Gióng, hội Gò Đống Đa… Đến cả Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc - cũng hiểu rất rõ truyền thống này nên dặn dò thế hệ sau: “Các vua hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Bác mong rằng nhân dân Việt Nam muôn đời trân trọng, biết ơn với những hi sinh của thế hệ trước, mà cụ thể là vua Hùng để từ đó, soi chiếu vào bản thân, tự hiểu trách nhiệm của mình đối với cuộc đời, dân tộc.
Ngày hôm nay, Đảng và Nhà nước vẫn luôn dành một sự quan tâm, động viên tới những bà mẹ Việt Nam anh hùng nhằm ghi nhận những hy sinh lớn lao của họ cho nền độc lập của nước nhà ngày hôm nay. Hằng năm, chúng ta có rất nhiều ngày lễ lớn để tri ân những đối tượng, ngành nghề như 20 tháng 11 - ngày Nhà giáo Việt Nam, 27 tháng 2 - ngày Thầy thuốc Việt Nam, 20 tháng 10 - ngày Phụ nữ Việt Nam… Vào những ngày này, mỗi người lại dành cho những con người đó lời cảm ơn, hay những bó hoa tươi thắm để bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng đến những cống hiến, đóng góp ý nghĩa.
Học sinh cũng cần học tập theo đạo lí sống tốt đẹp của ông cha. Lòng biết ơn thể hiện qua những hành động nhỏ bé như hiếu thảo với ông bà và cha mẹ, lễ phép thầy cô giáo, yêu mến bạn bè xung quanh…
Như vậy, đạo lí sống “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” đã giúp mỗi người ý thức được trách nhiệm của bản thân trong cuộc sống ngày hôm nay.
Tham khảo:
Tục ngữ được ví như túi khôn của nhân dân ta, nó là kết tinh trí tuệ và tâm hồn người dân Việt Nam. Qua những câu tục ngữ ta có thể nhìn thấy vô số những nét truyền thống văn hóa của dân tộc, một trong số những nét đẹp đáng tự hào nhất có lẽ chính là truyền thống biết ơn được ông cha đúc kết qua hai câu “Ăn quả nhớ kẻ trông cây” và “Uống nước nhớ nguồn”.
Hai câu tục ngữ sử dụng những hình ảnh ẩn dụ có ý nghĩa tương đương nhau, “Ăn quả và “uống nước” là hành động hưởng thụ, kế thừa những thành quả mà thế hệ đi trước đã để lại, “kẻ trồng cây” và “nguồn” chính là người xây dựng nên thành quả đó. Cả hai câu tục ngữ đều xuất hiện từ “nhớ”, đó là biểu hiện dễ thấy nhất của sự biết ơn. Qua đó ông cha ta muốn gửi gắm tới con cháu hãy biết trân quý những giá trị mà người xưa đã hi sinh vất vả xây đắp cho ta
Biết ơn vốn là một nét truyền thống đẹp của nhân dân ta. Từ xa xưa, dù đời sống còn khó khă, bát cơm manh áo là một xa xỉ phẩm với nhiều gia đình, song những nghi lễ thờ cúng ông bà tổ tiên vẫn được thực hiện đầy đủ và trang nghiêm. Lòng biết ơn không chỉ dành cho những người thân đã khuất trong gia đình mà còn cả những danh nhân đã có công dựng nước giữ nước. Bằng chứng là những đền thờ, miếu thờ được xây dựng để tưởng nhớ công ơn dựng nước của ông cha ta như Thành Cổ Loa, Đền Trần, Gò Đống Đa,...Hay những khúc ca ca ngợi một thời kì hào hùng và dũng cảm bảo vệ Tổ Quốc như Cô gái mở đường, Nơi đảo xa,...tất cả vẫn còn vang mãi trong lòng nhân dân ta mãi về sau.
Nếu như trong thời chiến, lòng biết ơn được ưu ái dành cho những anh hùng cứu quốc, những người đã xả thân anh dũng xông pha trăm trận để dành lấy tự do cho Tổ quốc, thì đến thời bình, những giá trị về văn hóa, giáo dục, xã hội lại được quan tâm nhiều hơn một chút. Dẫu không phải là những ngôi đền uy nghi, những khúc tráng ca đầy sĩ khí, dẫu chỉ là những bó hoa tươi thắm, những món quà nhỏ trong ngày Thương binh liệt sĩ, ngày Nhà giáo Viêt Nam, ngày thành lập Quân đội nhân dân,...Nhưng đó là những tình cảm dạt dào và đáng quý vô cùng. Truyền tống ấy cứ vậy mà trở thành thông lệ, điều hiển nhiên trong đời sống văn hóa của người Việt.
Sự biết ơn còn được dành cho những con người lao động vất vả thầm lặng để tạo ra những giá trị tưởng chừng như rất giản đơn nhưng lại vô cùng thiết yếu như hạt lúa, cái quần cái áo,...Đó là những người nông dân, công nhân đang âm thầm cống hiến cho cuộc đời, đôi khi ta sẽ lãng quên nhưng ông cha ta thì vẫn luân nhắc nhở
“Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần!”
Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, ta phải biết biết ơn những giá trị mà mình đang được thụ hưởng ngày hôm nay. Mảnh đất hòa bình, hạnh phúc ngay trước mắt ta là do ông cha ta đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, máu để giành được, hạt gạo ta đang ăn cũng không tự nhiên là có. Nhiệm vụ của chúng ta chihs là tiếp nối và kế thừa truyền thống đẹp của dân tộc, tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa như thăm mẹ Việt Nam anh hùng, cựu chiến binh...Quan trọng nhất là phải không ngừng học hỏi trau dồi kiến thức để có thể tiếp bước cha anh, phát triển những nền tảng sẵn có để đất nước ngày một già đẹp hơn.
Lòng biết ơn là một đạo lí tốt đẹp mà ông cha ta đã răn dạy từ bao đời nay, biết ơn là một trong những hành trang không thể thiếu của một công dân mẫu mực.