Một vài thế kỷ trước, khi khoa học phát triển nhanh, nhiều phát minh quan trọng được ra đời. Không thiếu những trường hợp các nhà khoa học nghiên cứu độc lập nhưng được cấp chung bằng sáng chế vì công bố cùng thời điểm.
Tai nghe cũng là một trường hợp tương tự vì có nhiều người cùng ý tưởng chế tạo ra, nhưng không ai được cấp bằng sáng chế nên các nhà nghiên cứu lịch sử đã gặp khó khăn khi muốn tìm ra nguồn gốc chiếc tai nghe đầu tiên.
Năm 1881, trước khi xuất hiện định dạng mp3 hay nhạc điện tử, tai nghe đã xuất hiện. Tai nghe thời kì đó không để dành cho nghe nhạc mà chúng được sử dụng chủ yếu cho các điện tín viên. Các mẫu tai nghe đầu tiên mới chỉ là những cái ốp tai biết phát ra tiếng được đeo trên cổ người sử dụng và nặng khoảng 4,5 kg (giống như đeo đài cát-xét trên vai).
Đến năm 1895, nhờ có hệ thống điện tín, các tín đồ âm nhạc có thể thưởng thức những giai điệu đến từ nhà hát một cách thoái mái tại nhà. Người đăng ký sử dụng dịch vụ “thượng lưu” này sẽ thưởng thức âm thanh yêu thích thông qua một chiếc tai nghe. Trên thực tế, chúng giống với một ống nghe phổi của bác sĩ hơn là tai nghe, tuy nhiên chúng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình: phát được âm thanh từ nhà hát đến tận nhà.
Vào năm 1924, Eugen Beyer thành lập hãng Beyerdynamic GmbH và năm 1937 ông đã chế tạo được chiếc headphone đầu tiên DT 48, một phiên bản (đã có những thay đổi) vẫn còn được sản xuất cho đến ngày nay. Thời bấy giờ, Eugen Beyer gọi chúng là thiết bị “điện thoại năng động” (Dynamic Telephone – DT 48). Đến những năm 50, công ty Beyerdynamic mới phát triển chúng thành tai nghe cao cấp đầu tiên trên thế giới.
DT-48, mẫu tai nghe được giới thiệu năm 1937
Thập niên 50 đánh dấu sự kết duyên giữa định dạng âm thanh nổi (stereo) với headphone. Mặc dù định dạng âm thanh nổi (stereo) được phát minh từ những năm 30 của thế kỷ trước nhưng phải đến giữa thập kỷ 50 nó mới được áp dụng vào các sản phẩm thương mại và xuất hiện trong ấn phẩm đĩa than (LP-long play records). Vào năm 1958, John Koss là người tiên phong áp dụng tiêu chuẩn âm thanh nổi (stereo) vào headphone nhằm đưa tới người sử dụng những âm thanh sống động, thực và rõ nét hơn. Đây thực sự là bước ngoặt trong công nghệ sản xuất tai nghe. Từ đó, thiết bị này đã bắt đầu hiện diện tại các phòng thu và sử dụng tại gia đình. Chất lượng âm thanh headphone giai đoạn này tất nhiên không thể sánh với ngày nay, nhưng nó là bước nhảy vọt về chất lượng.
Năm 1980, 2 kiểu tai nghe dành cho những người có vấn đề với tóc khi đeo tai nghe, đó là kiểu in-ear và earbud.
Năm 1997, mẫu tai nghe đeo cổ được ra đời bởi Sony. Họ nghĩ rằng chúng sẽ là sản phẩm tuyệt vời dành cho những người không thích tai úp chụp nhưng vẫn muốn độ cách âm tốt hơn kiểu earbud.
Vào năm 2000, tiếng đồng ồn nhiễu từ môi trường sẽ không làm phiền nhiễu người dùng tai nghe quá nhiều như trước đây. Bose đặt ra một giới hạn tiện nghi mới khi cho ra dòng tai nghe với công nghệ cản ồn.
Năm 2001, iPod thay đổi toàn diện thế giới âm nhạc. Rất dễ dàng thấy mọi người đi đường với sợi dây dẫn trắng từ túi quần túi áo lên đến hai tai.
Trong suốt quá trình phát triển, headphone đã trở thành một thiết bị nhỏ gọn chứa đựng những thành tựu công nghệ tiên tiến nhất. Các sản phẩm tai nghe cao cấp không những hướng tới việc giảm tối đa độ ồn và tiếng động xung quanh người nghe mà còn tìm cách giảm độ méo trong kết nối giữa nó và thiết bị nguồn, nhằm tạo ra thứ âm thanh trung thực nhất có thể.