Thực hành đọc hiểu: Ca dao Việt Nam

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. TÌM HIỂU CHUNG

1. Ca dao

- Ca dao là một hình thức thơ ca dân gian truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam.

- Ca dao sử dụng nhiều thể thơ, trong đó nhiều bài viết theo thể lục bát. Mỗi bài ca dao ít nhất có hai dòng.

- Ca dao thể hiện các phương diện tình cảm, trong đó có tình cảm gia đình.

2. Văn bản

- Thể thơ: lục bát.

- Vần chân, vần lưng đặc trưng của thể lục bát.

- Nhịp ngắt nhịp chẵn 2/2/2 hoặc 4/4.

- Cùng nói về tình cảm gia đình.

II. TÌM HIỂU CHI TIẾT

1. Bài ca dao 1

- Bài ca dao là lời mẹ nói với con qua điệu hát ru.

- Mẹ nói với con về: công lao của cha mẹ và bổn phận của con trước công lao ấy.

- Công cha, nghĩa mẹ là công sinh thành và giáo dưỡng của cha mẹ.

- Núi ngất trời, nước ở ngoài biển Đông là những hình ảnh thiên nhiên vũ trụ rộng lớn, vĩnh hằng.

=> Hình ảnh so sánh cụ thể, phù hợp: lấy cái to lớn mênh mông, vô tận để so sánh với công lao cha mẹ.

=> Khẳng định công lao cha mẹ vô cùng to lớn.

- Chín chữ cù lao nói về công lao cha mẹ nuôi con vất vả nhiều bề.

=> Con cái phải biết ghi tạc công ơn trời biển của cha mẹ mà đền đáp, làm tròn bổn phận của mình.

2. Bài ca dao 2

- Đây có thể là lời của ông bà, cha mẹ nói với con cháu, cũng có thể là lời tâm sự của mọi người với nhau.

- Bài ca dao nói về tình cảm đối với tổ tiên, nguồn cội.

- Chữ "có" được điệp lại bốn lần:

+ Tạo nhịp điệu cho bài thơ

+ Khẳng định một chân lí, một sự thật hiển nhiên rằng mọi người, mọi vật đều có nguồn gốc.

- Cây thì có cội có gốc, sông thì có nguồn. Nhờ có gốc bền rễ sâu mà cành lá mới xanh tươi, đơm hoa kết trái. Nhờ có nguồn mà sông mới có nước không bao giờ cạn. Con người cũng vậy, phải "có cố, có ông", có tổ tiên, ông bà mới có cha mẹ, con cháu. 

=> Hình ảnh so sánh giúp cho ý thơ trở nên giản dị, dễ hiểu.

=> Con cháu phải biết ghi nhớ công ơn của tổ tiên, ông bà; phải thủy chung, không được vong ơn bội nghĩa.

3. Bài ca dao 3

- Đây có thể là lời của ông bà, cha mẹ nói với con cháu, cũng có thể là lời tâm sự của anh em với nhau.

- Bài ca dao nói về tình cảm anh em trong gia đình.

- Điệp từ "Cùng" nhấn mạnh sự gắn bó về nguồn gốc máu mủ, ruột thịt.

- So sánh " Tình cảm anh em - tay chân " biểu thị sự gần gũi ko thể tách rời.

=> Anh em một nhà cùng do cha mẹ sinh ra vậy nên phải sống hoà thuận, yêu thương gắn bó, đoàn kết tương thân, tương ái với nhau để cha mẹ được an tâm và vui lòng.

=> Qua 3 bài ca dao, ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn người Việt:

- Trân trọng, đề cao nguồn cội, tình cảm;

-  Sống ân nghĩa, thủy chung.

=> Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng nhất đối với mỗi con người. Chúng ta cần biết trân trọng, vun đắp tình cảm ấy ngày càng sâu sắc, bền chặt.

III. TỔNG KẾT 

1. Nghệ thuật

- Thể thơ lục bát.

- Âm điệu tha thiết.

- Phép so sánh, đối xứng.

2. Nội dung

Tình cảm đối với ông bà, cha mẹ, anh em và tình cảm của ông bà, cha mẹ đối với con cháu luôn là những tình cảm sâu nặng thiêng liêng nhất trong đời sống mỗi con người.

IV. LUYỆN TẬP

1. Hãy chọn và nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong một bài ca dao.

HD trả lời:

Có thể chọn như sau:

Phép so sánh:

 " công cha - núi Thái Sơn"

" Nghĩa mẹ - nước trong nguồn"

=> tác dụng: tăng sức gợi tả gợi cảm cho câu ca dao. nhấn mạnh sự hy sinh lớn lao của cha mẹ dành cho con cái, một tình yêu thương bao la vô bờ bến mà không gì có thể đo đếm được.

2. Em thích bài ca dao nào nhất? Vì sao?

HD trả lời:

Em thích bài ca dao thứ 2 vì bài ca dao nhắc nhở chúng ta sêc lé sống phải, biết ơn cha ông, nhớ về quê hương cội nguồn của mình.