Đây là phiên bản do Nguyễn Trần Thành Đạt
đóng góp và sửa đổi vào 17 tháng 4 2021 lúc 5:42. Xem phiên bản hiện hành
Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácNGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ
1. Bài tựa Tuyển tập Nguyễn Tuân.
Có thể nói từ Sông Đà trở đi, Nguyễn Tuân mới mạnh dạn và thoải mái viết về cái cũ. Ông vẫn giữ thói quen tìm cái đẹp xưa trong cái ngày nay. Nhưng giờ đây, ông không viết trên tinh thần đối lập với thực tại, nghĩa là phủ nhận cái hôm nay, nuối tiếc cái ngày xưa. Trong Sông Đà, ông nhắc lại lí lịch đầy tội ác của vua Mèo Đèo Văn Long, ông kể chuyện tô nghệ thuật tủi nhục của những kiếp cô-xèo – nô-tì, để làm bật sáng hơn niềm vui của Tây Bắc giải phóng; ông ôn lại những gian khổ hi sinh của những người cộng sản trong nhà tù Sơn La, thái độ ung dung tựu nghĩa của đồng chí Tô Hiệu, những ngày gối đất nằm sương, luồn rừng lội suối của các cán bộ hoạt động bí mật hồi Tây Bắc còn bị địch chiếm v.v… để người đọc thấy hết cái giá trị rất cao của mỗi ngày được sống trong độc lập, tự do.
Thói quen đi tìm cái xưa trong cái nay khiến Nguyễn Tuân luôn luôn quan tâm đến chiều thời gian, chiều lịch sử của các sự kiện, các hiện tượng mà ông quan sát, mô tả… Những bài kí của ông, vì thế, có một phẩm chất riêng, vượt cao hơn giá trị thông tin thời sự đơn giản – không phải chỉ là những tri thức lịch sử cụ thể sinh động, mà còn có một cái gì như là linh hồn của sông núi quê hương, của tổ tiên ông bà được gợi lên từ lịch sử của địa danh, lịch sử các địa phương mà ông thường say sưa thuật kể với nhiều chi tiết thú vị.
Về cái vốn văn liệu, thi liệu cổ điển của ông, ngày nay ông cũng sử dụng theo tinh thần mới, thường là để phát hiện và diễn tả vẻ đẹp tuyệt vời của Tổ quốc mình:
Đã có lần tôi nhìn sông Đà như một cố nhân. Chuyến đi ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng loé lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”… (Sông Đà).
…
Nhìn chung, đúng như Tô Hoài nhận xét: Nguyễn Tuân có một “cách nghĩ và lối văn dường như cổ kính đĩnh đạc mà lại rất mới”. Đó là một trong những nét phong cách nghệ thuật đặc sắc nhất của ông, đã thấm sâu vào cảm quan về thế giới cũng như vào kĩ thuật đặt câu, dùng từ.
(Nguyễn Đăng Mạnh)
2. Nguyễn Tuân là người hết sức nặng tình với non sông đất nước. Trong khi thưởng ngoạn vẻ đẹp thơ mộng của sông Đà, trong ông dậy lên bao mối liên tưởng về lịch sử, dậy lên cảm giác hàm ơn sâu xa đối với cổ nhân. Việc ông nhắc đến đời Lí, đời Trần, đời Lê và câu thơ của Tản Đà cho thấy rõ một thiên hướng bộc lộ xúc cảm rất đặc thù của người từng viết Vang bóng một thời. Nhưng trước vẻ hoang dại của bờ sông Đà, nhà văn cũng có những suy nghĩ mang tính tích cực của người công dân mới, mong cuộc sống hiện đại tỏa chiếu ánh sáng lên cả chốn sơn cùng thủy tận. Tiếng còi sương xuất hiện ở đây ngân xa như một khát vọng, nó hài hòa với cảm hứng lịch sử, tạo cho đoạn văn một vẻ đẹp vừa cổ kính vừa hiện đại.
(Phan Huy Dũng)
3. Những cảm nhận và thể hiện của Nguyễn Tuân về thiên nhiên Tây Bắc:
Nguyễn Tuân cảm nhận và thể hiện thiên nhiên Tây Bắc theo cách riêng của ông. Ông nhìn thiên nhiên bằng con mắt của một nghệ sĩ. Dưới cái nhìn của ông, thiên nhiên hiện lên một vẻ đẹp hoàn mĩ, sống động và được soi chiếu ở nhiều góc độ khác nhau. Hãy đến với con sông Đà, người đọc sẽ hiểu rõ hơn cách cảm nhận và miêu tả thiên nhiên của Nguyễn Tuân.
Con sông Đà được Nguyễn Tuân miêu tả như là một nhân vật và là một trong những nhân vật chính của thiên tùy bút Người lái đò sông Đà. Con sông được miêu tả
dưới nhiều góc độ quan sát, thể hiện khác nhau của Nguyễn Tuân.
Trước hết, Nguyễn Tuân quan sát con sông ở góc độ của một người khách du lịch đi ngắm cảnh. “Nhà du lịch” giới thiệu vẻ đẹp của con sông: Hùng vĩ của sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông dựng vách thành… Có thác, có đá, tất yếu sẽ có một địa thế hiểm trở. Sông Đà hùng vĩ là do cái địa thế hiểm trở này. Những vách đá dựng đứng hai bên bờ sông vừa nguy nga, hoành tráng vừa như thách thức sự gan dạ của con người. Thác, đá, cùng với gió đã hợp lực tạo ra những con sóng cuồn cuộn, xô đẩy, chen lấn nhau “gùn ghè suốt năm”, khiến những ai yếu bóng vía sẽ phải rùng mình ghê sợ mỗi khi đến khúc sông này.
Sự nguy hiểm chết người của sông Đà không chỉ có thế. Nó còn nham hiểm tạo ra những cái hút nước vừa to lớn “như cái giếng bê tông”, vừa kêu réo, sôi sục “như rót dầu sôi vào”. Với cái vẻ dữ dằn này thì bất cứ ai hay bất cứ thứ gì sơ sẩy lọt vào đây thì chỉ có con đường chết! Nguyễn Tuân dùng bút pháp tô đậm, phóng đại những nét hùng vĩ, hiểm trở của con sông, thể hiện cái nhìn của nhà văn đối với vẻ đẹp của sự vật trong sức sống mãnh liệt, mạnh mẽ của nó.
Ở góc độ thứ hai, Nguyễn Tuân nhìn con sông trong trận “ác chiến” với ông lái đò. Có thể chia trận chiến làm hai giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn đánh “giáp lá cà”. Ở giai đoạn chuẩn bị, con sông thực hiện đầy đủ những việc cần thiết cho một trận “ác chiến”. Đầu tiên, nó thực hiện chiến lược “mai phục”. Nó “bày thạch trận” bằng cách “phân công” cho những tảng đá, hòn đá dàn thành “ba hàng chặn ngang trên sông”. Mỗi hàng có một nhiệm vụ riêng cùng phối hợp với nhau để “ứng chiến”. Hàng thứ nhất – hàng tiền vệ – có nhiệm vụ canh cửa và dụ đối phương vào. Hàng thứ hai có nhiệm vụ “đánh khuýp quật vu hồi”. Còn hàng thứ ba gồm những “boong-ke chìm và pháo đài nổi” thì có nhiệm vụ “đánh tan cái thuyền” (của ông lái đò), “tiêu diệt cả thuyền trưởng, thủy thủ ngay ở chân thác”. Thật là kinh khủng! Với cách bố trí lực lượng như thế đố có người bình thường nào chưa dày dạn kinh nghiệm dám xông vào đương đầu với khúc sông này.
Vậy mà vẫn có một ông già gần bảy mươi tuổi, cao lêu nghêu, hùng dũng lái con thuyền nhỏ tiến vào “trận địa” mai phục của con sông. Thế là trận đánh giáp lá cà bắt đầu. Con sông vừa reo hò vang dậy vừa tấn công phủ đầu ông lái đò bằng những miếng “đá trái”, “thúc gối”, “đội thuyền lên”, “bám lấy thuyền như đô vật”, “bóp chặt hạ bộ”… Rất dữ dằn và rất ác liệt! Con sông như muốn nuốt chửng ngay đối phương, tiêu diệt ngay đối phương không cho kịp trở tay. Những “miếng võ” đầu tiên của con sông đã mang lại hiệu quả: ông lái đò bị thương, mặt méo bệch đi. Trận đánh tiếp theo còn nguy hiểm hơn. Con sông bày ra nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào. Cửa sinh thì nó “bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn”. Thật nham hiểm! Thác nước càng lúc càng dữ dội. Chúng vừa “hồng hộc tế mạnh” vừa “xô ra níu con thuyền vào tập đoàn cửa tử”. Một mặt chúng reo hò ầm ĩ, mặt khác chúng “không ngớt khiêu khích” làm nhụt chí đối phương. Tương quan lực lượng xem ra chênh lệch quá nhiều. Vậy mà, cho đến phút cuối cùng, con sông vẫn không thắng được ông lái đò. Nó đành cam chịu thất bại, “tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng”.
Càng theo dõi, người đọc càng bị cuốn hút vào trận ác chiến giữa con sông và ông lái đò. Ngòi bút Nguyễn Tuân như có ma lực, cứ lôi cuốn mãi người đọc vào trận chiến không dứt ra được. Ông đã huy động tất cả vốn từ ngữ chọn lọc của các ngành quân sự và võ thuật để miêu tả trận ác chiến này. Qua ngòi bút của ông, con sông Đà chẳng khác nào một võ sĩ chuyên nghiệp hay một dũng sĩ oai phong lẫm liệt trên trận địa. Đọc những trang viết này của Nguyễn Tuân, người đọc không khỏi kinh ngạc về vẻ đẹp cuốn hút của con sông – một vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội, nguy hiểm. Vẻ đẹp ấy không làm con sông trở nên ghê gớm mà ngược lại, nó càng thể hiện nét đáng yêu, đáng quý, bởi con sông càng dữ dội, nguy hiểm nó càng tô điểm vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước thêm lộng lẫy, nguy nga. Đó cũng chính là mục đích của Nguyễn Tuân khi viết về con sông Đà trong thiên tùy bút độc đáo của ông – Người lái đò sông Đà.
(Tự biên)