2.1. Khái niệm nghị luận về hiện tượng đời sống
- Hiện tượng đời sống: là những hiện tượng nổi bật, có ý nghĩa hoặc ảnh hưởng tới phần lớn mọi người trong xã hội. Đó có thể là hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực.
- Nghị luận về một hiện tượng đời sống: là kiểu bài sử dụng tổng hợp các thao tác lập luận để làm cho người đọc hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu sâu và đồng tình với ý kiến của người viết trước những hiện tượng đời sống có ý nghĩa xã hội.
2.2. Yêu cầu của nghị luận về hiện tượng đời sống
- Người viết phải hiểu vấn đề đúng, sâu, nắm được bản chất vấn đề ⇒ Tập hợp tư liệu chính xác, thuyết phục.
- Người viết phải thể hiện rõ quan điểm, thỏi độ của mình trước hiện tượng nghị luận ⇒ chỉ ra đúng – sai, lợi - hại, nguyên nhân và cách khắc phục.
- Người viết giữ lập trường vững vàng trước mọi hiện tượng.
- Diễn đạt trong sáng, có thể sử dụng tu từ, yếu tố biểu cảm và nêu cảm nghĩ riêng.
2.3. Cách làm bài nghị luận về hiện tượng đời sống
a. Tìm hiểu đề
- Vấn đề nghị luận
- Thao tác nghị luận
- Phạm vi dẫn chứng
b. Lập dàn ý
- Mở bài: cần giới thiệu hiện tượng đời sống phải nghị luận.
- Thân bài:
- Giải thích sơ lược hiện tượng đời sống; làm rõ những hình ảnh, từ ngữ, khái niệm trong đề bài.
- Nêu rõ thực trạng các biểu hiện và ảnh hưởng của hiện tượng đời sống; thực tế vấn đề đang diễn ra như thế nào, có ảnh hưởng ra sao đối với đời sống, thái độ của xã hội đối với vấn đề. Chú ý liên hệ với thực tế địa phương để đưa ra những dẫn chứng sắc bén, thuyết phục từ đó làm nổi bật tính cấp thiết phải giải quyết vấn đề.
- Lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đời sống, đưa ra các nguyên nhân nảy sinh vấn đề, các nguyên nhân từ chủ quan, khách quan, do tự nhiên, do con người.
- Đề xuất giải pháp để giải quyết hiện tượng đời sống (từ nguyên nhân nảy sinh vấn đề để đề xuất phương hướng giải quyết trước mắt, lâu dài. Chú ý chỉ rõ những việc cần làm, cách thức thực hiện, đòi hỏi sự phối hợp với những lực lượng nào).
- Kết bài: cần khái quát lại vấn đề đang nghị luận, bày tỏ thái độ của bản thân về hiện tượng đời sống đang nghị luận.
c. Tiến hành viết bài văn
d. Đọc lại và sửa chữa để hoàn chỉnh bài viết