Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Trích - Lưu Quang Vũ)

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác
1
8 gp

 HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT

 

CÂU HỎI LUYỆN TẬP:

Câu 1: Qua cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt trong đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, tìm hàm ý mà tác giả muốn gửi gắm.

Đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt là một trong những đoạn đối thoại hay và có nhiều ý nghĩa. Đoạn đối thoại này cho thấy Trương Ba đã được trả lại cuộc sống nhưng là một cuộc sống đáng hổ thẹn vì phải sống mượn, gá lắp, tạm bợ và lệ thuộc, nên chẳng những không sai khiến được xác anh hàng thịt mà còn bị xác anh hàng thịt điều khiển. Từ đó, tác giả muốn cảnh báo rằng: khi con người phải sống trong dung tục thì cái dung tục sẽ ngự trị, sẽ thắng thế, sẽ lấn át và tàn phá những gì thánh thiện nhất, cao đẹp nhất trong con người.

 

 Câu 2: Qua lớp kịch hồn Trương Ba và gia đình (vợ, cháu gái, con dâu) trong đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, anh (chị) nhận thấy nguyên nhân nào khiến cho người thân của Trương Ba và cả chính Trương Ba rơi vào bất ổn và phải chịu đau khổ? Trương Ba có thái độ như thế nào trước những rắc rối đó?

Qua lớp kịch hồn Trương Ba và gia đình (vợ, cháu gái, con dâu), ta thấy rằng nguyên nhân khiến cho người thân của Trương Ba và cả chính Trương Ba rơi vào bất ổn và phải chịu đau khổ vì Trương Ba vốn là một người có tâm hồn nhân hậu, trong sạch, bản tính ngay thẳng, nhưng giờ đây khi nhập vào xác anh hàng thịt thì trở nên phàm tục. Những người thân của Trương Ba (vợ, cháu gái, con dâu) cảm thấy Trương Ba bỗng trở nên xa lạ, thậm chí đáng ghét trong mắt họ. Trước tình cảnh đó, Trương Ba cảm thấy vô cùng đau khổ. Đặc biệt trước sự phản ứng gay gắt của cô cháu gái: Tôi không phải là cháu của ông!... Đừng vờ! Chính ông làm cu Tị thêm khổ! Cu Tị nó cũng ghét ông! Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi… càng làm Trương ba thêm dằn dặt, khổ đau hơn. Trước tình hình đó, Trương Ba đã quyết định tách khỏi xác hàng thịt để tồn tại độc lập. Màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt cho thấy sự hổ thẹn của Trương Ba vì phải sống chung với sự dung tục và bị sự dung tục đồng hóa. Chính vì vậy, Trương Ba đã đi đến quyết định là: Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!. Đây là một quyết định sáng suốt của Trương Ba, điều này cho thấy rằng chúng ta cần phải biết sống như thế nào  chứ không đơn giản chỉ là sống.

 

Câu3: Cuộc trò chuyện giữa hồn Trương Ba với Đế Thích trong đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt về ý nghĩa sự sống và quyết định của Trương Ba kiên quyết đòi trả xác cho anh hàng thịt, từ chối nhập vào xác cu Tị gợi cho anh (chị)  suy nghĩ gì?

Đoạn hồn Trương Ba trò chuyện với Đế Thích về ý nghĩa sự sống và chuyện Trương Ba kiên quyết trả lại xác cho anh hàng thịt, Trương Ba không chịu nhập vào xác cu Tị là lớp kịch hay nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất. Đây có lẽ cũng là đoạn trích mà tác giả gửi gắm những quan niệm về hạnh phúc, về lẽ sống và cái chết. Hai lời thoại sau của Trương Ba: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”“Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết” như một chân lí giúp ta hiểu ra rằng con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hòa. Không thể có một tâm hồn thanh cao trú ngụ trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của thân xác thì không nên đổ lỗi cho thân xác, không nên tự an ủi, vỗ về mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn.

Sống để được tôn kính, ngưỡng mộ, sống chính với bản thân mình quả là chuyện không dễ dàng, đơn giản. Khi phải sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa.

Những lời thoại giữa ông Đế Thích và hồn Trương Ba chứng tỏ hồn Trương Ba đã ý thức được về tình cảnh trớ trêu, đầy tính bi hài của mình. Đã đến lúc hồn Trương Ba đau đớn nhận ra rằng cần phải sống là mình toàn vẹn. Đúng vậy, chỉ vì phải sống trong xác anh hàng thịt mà những người thân của ông, từ đứa cháu nội rất yêu quý cho đến vợ ông, cô con dâu, tất cả đều đang xa lánh ông. Lời của đứa cháu: ông nội tôi đời nào thô lỗ phũ phàng như vậy, lời cô con dâu: cái bên ngoài không đáng kể, chỉ là cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, đau đớn thấy… mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa… Những lời nói từ đáy lòng, từ trái tim của những người thân yêu đã khiến ông Trương Ba vô cùng đau đớn, day dứt, thất vọng. Khi Đế Thích gợi ý ông có thể nhập vào xác cu Tị, Trương Ba đã từ chối, vì: Sợ chỉ càng oái oăm rắc rối hơn. Trẻ con phải là trẻ con, người lớn phải là người lớn. Thằng cu Tị bỗng thành ông nội, con bé đời nào chịu. Tôi đã lường trước thấy bao sự không ổn, ông Đế Thích ạ. Quyết định xin được trở lại chính mình của Trương Ba là một quyết định sáng suốt, hợp lí, phù hợp với diễn biến tâm lí nhân vật, phù hợp với những gì đã xảy ra đối với hồn Trương Ba khi phải sống trong xác anh hàng thịt.

Chỉ qua một số lời thoại ngắn trong đoạn trích Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lưu Quang Vũ đã gửi tới chúng ta thông điệp: Được sống làm người thật quý giá, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và đeo đuổi còn đáng quý hơn. Sự sống chỉ có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa tâm hồn và thể xác. Con người cần phải biết đấu tranh với những nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.

 

Khách