Đây là phiên bản do Trúc Giang
đóng góp và sửa đổi vào 1 tháng 8 2021 lúc 9:00. Xem phiên bản hiện hành
Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácĐề bài : Lý giải tính biểu tượng của nhan đề truyện ngắn “Bến quê”
Truyện ngắn Bến quê là một tác phẩm giàu giá trị nhân văn sâu sắc của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Qua tác phẩm, ông đã giúp người đọc nhận ra rất nhiều điều ý nghĩa, và điều đầu tiên đọng lại trong tâm trí người đọc, có lẽ bắt nguồn từ nhan đề: Bến quê. Tính biểu tượng của nhan đề thể hiện qua từng chi tiết và nhân vật của câu truyện.
Nội dung truyện xoay quanh nhân vật Nhĩ. Anh làm nghề từng đi khắp mọi nơi trên thế giới. Nhưng đến tuổi xế chiều lại mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo, phải nằm liệt giường. Hàng ngày anh chỉ nằm một chỗ và nhìn bên ngoài qua ô cửa sổ. Đến việc di chuyển đến bên cửa sổ cũng phải nhờ sự giúp đỡ. Mọi sinh hoạt đều phải nhờ đến vợ anh. Vào một buổi sáng ngày mùa thu, khi Nhĩ nhìn ra cửa sổ, anh bỗng phát hiện ra bãi bồi bên kia sông đẹp đến lạ thường: bên kia những hàng cây bằng lăng, tiết trời đầu thu đem đến ccho con sông Hồng màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra, vòm trời cũng như cao hơn… những màu sắc thân thuộc như da thịt, như hơi thở. Chính lúc này đây, Nhĩ chợt nhận ra có những điều rất đỗi bình thường nhưng anh chưa làm được, có những nơi rất đỗi thân thuộc như bãi bồi bên kia sông Hồng nhưng anh chưa một lần được đặt chân đến. Nhĩ biết giờ đây anh không còn cơ hội để đến đó nữa rồi. Anh quyết định nhờ cậu con trai duy nhất sang đó thay anh. Nhưng đáng buồn thay, con trai anh trên đường qua đó lại bị cuốn hút, mải mê xem trò đánh cờ. Anh nhìn con bất lực, chỉ biết khoát tay ra hiệu để bảo con đi nhanh cho kịp chuyến đò cuối ngày sang bên kia sông, sợ là sắp không kịp nữa rồi. Và rồi anh nhận ra rằng, con người ta trên đường đời, không thể qua được những điều vòng vèo hay chùng chình. Đó chính là những cám dỗ, những điều làm chúng ta bị thu hút, mà chúng ta cần phải vượt qua.
Câu truyện có kết thúc mở khiến cho người đọc cảm thấy day dứt và ám ảnh. Tác phẩm có nhiều chi tiết đắt giá, đặc sắc tạo nên giá trị của tác phẩm. Nhan đề “Bến quê” cũng góp một phần không nhỏ đế giá trị của tác phẩm. Mới nghe qua tưởng chừng như nhan đề không hề có sự liên quan gì đến tác phẩm. Tại sao tác giả lại chọn nhan đề là “Bến quê” ? Nhưng sau khi đọc tác phẩm, nghiền ngẫm, ta mới thấy nó có tính biểu tượng rất cao.
Với mỗi người, bến quê chính là nơi thân thuộc, gắn bó từ lúc sinh ra cho đến khi từ giã cõi đời. Đó là nơi mà bất cứ ai dù cho có đi đến đâu, cũng muốn trở về để tìm chốn bình yên. Nhưng tiếc thay, người ta thường hay bỏ lỡ rất nhiều những năm tháng tuổi trẻ để theo đuổi những giá trị vô thường, mà quên mất những thứ gần gũi thân thương nhất. Nhĩ cũng là một người như vậy. Anh dùng nửa cuộc đời để đi khắp nơi, nhưng bến bồi quê hương thì chưa từng đặt chân đến, đó thật sự là một nghịch lý trớ trêu của cuộc đời Nhĩ.
Bến quê còn là nơi lưu giữ những điều bình dị nhất với mỗi người. Là hơi thở của tình yêu thương, tình thân. Nơi đó có cha mẹ già đợi con, có những người mẹ, người vợ dịu hiền tần tảo sớm hôm. Mà sau bao nhiêu năm tháng, nhân vật Nhĩ mới nhận ra.
Bến quê cũng là nơi gần gũi nhất, thân thương nhất. Nơi đón chúng ta mỗi khi chúng ta mệt mỏi trên đường đời, cần một nơi bình yên để trở về. Thế nhưng có lẽ Nhĩ đã nhận ra điều này quá muộn màng. Khi mà anh sắp lìa xa cõi đời, anh mới nhận thức được rằng những điều giản dị, gần gũi nhất lại là những thứ quý giá nhất. Nhưng anh không còn thời gian để làm những điều anh mong muốn nữa rồi.
Thật vậy, nhan đề “Bến quê” mang tính biểu tượng, cùng giá trị nhân văn sâu sắc. Như một lời nhắn gửi đến tất cả chúng ta, hãy biết trân trọng những điều bình dị, đời thường nhất, không nên để những thứ phù phiếm làm mờ mắt mà quên đi giá trị của nơi có tình yêu thương, có gia đình, nơi đã sinh ra ta và nuôi dưỡng ta trưởng thành.
Trúc Giang đã đóng góp một phiên bản khác cho bài học này (1 tháng 8 2021 lúc 9:00) | 0 lượt thích |