Đề bài : Cảm nghĩ về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa pa
Mỗi lần có dịp ghé thăm Sa Pa – hòn ngọc của Tây Bắc, đi trên những con đường uốn lượn giữa núi rừng điệp trùng, tôi luôn kiếm tìm hình ảnh một con người, một chàng thanh niên trong câu chuyện mà tôi yêu mến : Lặng lẽ Sa Pa. Tôi thầm cảm ơn nhà văn Nguyễn Thành Long, bởi nhờ ông, tôi và biết bao độc giả biết đến một con người lặng lẽ làm nghề khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn, một chàng thanh niên “đặc biệt”, biết cống hiến, hi sinh hết mình cho đất nước.
Xuyên suốt truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, không một ai biết chính xác tên tuổi của chàng trai nhưng ấn tượng mà anh để lại thì thật sâu đậm. Trước hết đó là con người yêu đời, sống ngăn nắp, khoa học. Anh thanh niên được bác lái xe giới thiệu là “người cô độc nhất thế gian” mới nghe đã gây hứng thú và sự tò mò không chỉ với riêng ông họa sĩ, cô gái mà với cả bạn đọc. Bác lái xe đã cung cấp một cách khái quát nhất về lí lịch anh thanh niên đặc biệt này : “hai mươi bảy tuổi […] làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu“. Điều mà nhà văn thực sự muốn nhấn mạnh đó là nỗi cô đơn, thèm người lạ lùng của chàng trai trẻ trong những ngày đầu lên núi. Vì sống và làm việc một mình trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét, “bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo, chưa quen, thèm người quá” anh thanh niên đã lấy khúc gỗ chắn ngang đường cho xe dừng lại để được nói chuyện. Câu chuyện bác lái xe kể thật dí dỏm cho thấy sự vui tính của chàng trai trẻ. Con người đó thật dễ gần, dễ mến với “tầm vóc bé nhỏ, nét mặt rạng rỡ” khi xuất hiện trước mọi người. Đáng quý hơn, anh còn mang trong mình trái tim luôn biết quan tâm, sẻ chia. Từ lời nói đầu tiên của anh trong tác phẩm (Củ tam thất cháu vừa đào đấy. Cháu gửi bác gái ngâm rượu uống. Hôm nọ bác chẳng bảo bác gái vừa ốm dậy là gì ?”) đến những quả trứng anh dành cho ông họa sĩ và cô kĩ sư trẻ ăn trưa đều khiến cho người đọc cảm nhận rõ nét điều đó. Sự quan tâm đó dù rất bình dị nhưng thể hiện tình cảm yêu thương của anh thanh niên đối với những người xung quanh.
Sống một mình trên đỉnh núi cao nhưng người con trai làm nghề khí tượng không sống bề bộn mà rất gọn gàng, ngăn nắp và có tình yêu tha thiết đối với thiên nhiên, cuộc sống. Chính điều này cũng trái ngược với suy nghĩ của người họa sĩ lão thành khi thấy anh thanh niên vội vàng chạy về nhà trước (“chắc cu cậu chưa kịp quét tước dọn dẹp, chưa kịp gấp chăn chẳng hạn”). Người họa sĩ và cô gái trẻ đã vô cùng ngạc nhiên trước hình ảnh “người con trai đang hái hoa”. Những bông hoa đơn đủ sắc màu thể hiện tâm hồn trẻ trung, yêu cuộc sống của chàng trai. Chiêm ngưỡng mái ấm nho nhỏ với “một căn nhà nhỏ ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lụi một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách” ta lại khám phá thêm những phẩm chất đáng quý của anh, đó là nếp sống gọn gàng, ngăn nắp, làm việc nghiêm túc – điều mà những thanh niên trẻ ngày nay rất cần học tập.
Nhà văn Nguyễn Thành Long bên cạnh việc khắc họa lòng yêu đời, nếp sống khoa học còn đặc biệt nhấn mạnh niềm say mê, cống hiến hết mình cho công việc của chàng trai trẻ tuổi. Nghe cách anh kể về công việc của mình cho ông họa sĩ và cô kĩ sư, ta thấy toát lên một tình yêu lớn lao, vô bờ bến đối với công việc : “Cháu ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Công việc của anh tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi sự chính xác và cũng có muôn vàn khó khăn : “gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng”. Đó chính là thử thách đòi hỏi người thanh niên phải đấu tranh tâm lí để vượt qua : “Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi“. Tuy vậy, gió bão, tuyết sương không thể làm gục ngã niềm yêu nghề, sống chết với nghề của anh thanh niên. Có trách nhiệm với công việc được giao phó, người trai trẻ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và còn lập những chiến công vang dội : “nhờ cháu có góp phần phát hiện một đám mây khô mù ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ được bao nhiêu phản-lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng”. Cảm giác “hạnh phúc” của chàng trai sau khi biết được sự đóng góp của mình không phải là sự tự cao, tự đại mà là niềm hạnh phúc được cống hiến, được hi sinh cho quê hương mình.
Tinh yêu đối với công việc và mong muốn được cống hiến đã giúp chàng trai quên đi nỗi cô độc của mình : “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao lại gọi là một mình được”. Đối với anh, công việc không chỉ là trách nhiệm mà đã trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc (“công việc của cháu gian khổ thế đẩy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”) và sách trở thành người bạn thân thiết (“lúc nào tôi cũng có người để trò chuyện nghĩa là sách ấy mà”). Nhà văn đã để nhân vật bộc bạch những lời tâm sự thật chân thành. Người đọc ngưỡng mộ trước cách suy nghĩ già dặn, chín chắn của một người thanh niên trẻ có ý thức cao về vai trò và trách nhiêm của mình. Ta hiểu rằng, tình yêu và say mê với nghề nghiệp khiến con người có thể vượt lên trên tất cả khó khăn, thử thách.
Mặc dù là người hi sinh hết mình cho công việc, có những đóng góp quan trọng nhưng anh thanh niên là một người rất khiêm tốn. Phẩm chất đó khiến chúng ta càng thêm trân trọng, quý mến anh hơn. Anh thanh niên tự thấy những đóng góp của mình thật nhỏ bé so anh bạn trên trạm đỉnh Phan-xi-păng, ông kĩ sư vườn rau hay đồng chí chuyên nghiên cứu sét. Vì vậy, anh thấy mình không xứng để cho họa sĩ vẽ. Thái độ của chàng trai chuyên đo nắng, mưa, gió, bão,… không phải là sự tự ti mà là thái độ khiêm tốn, biết học hỏi.
Giữa cái lặng lẽ của đất trời Sa Pa có những con người âm thầm cống hiến cho đất nước nhưng sự lặng thầm đó thực sự mang lại những vang âm. Trước người thanh niên nhỏ bé mà có niềm say mê, sự hi sinh thật lớn lao, ông họa sĩ thấy “nhọc quá”, còn cô kĩ sư trẻ thì “bàng hoàng”. Đó là sức truyền cảm mạnh mẽ mà một con người “thực sự người” đã mang đến. Hình ảnh anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa đã mang đến cho thế hệ trẻ hôm nay niềm ngưỡng mộ, tự hào. Anh thực sự là một tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên học tập, noi theo. Học để biết sống vì người khác, vì quê hương dấu yêu. Đọc Lặng lẽ Sa Pa, lời thơ của Tố Hữu cứ mãi vang ngân trong lòng tôi : “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.“