Nội dung lý thuyết
Các phiên bản kháca) Gia đình tôi khá giả. Anh em tôi rất thương nhau. Phải nói em tôi rất ngoan. Nó lại khéo tay nữa.
(Khánh Hoài)
b) Chợt con gà trống ở phía sau bếp nổi gáy. Tôi biết đó là con gà của anh Bốn Linh. Tiếng nó dõng dạc nhất xóm.
(Võ Quảng)
c) Mẹ tôi, giọng khản đặc, từ trong màn nói vọng ra:
- Thôi, hai đứa liệu mà đem chia đồ chơi ra đi.
Vừa nghe thấy thế em tôi bất giác run lên bần bật, kinh hoàng đưa cặp mắt tuyệt vọng nhìn tôi.
(Khánh Hoài)
d) Nước non lận đận một mình,
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.
Ai làm cho bể kia đầy,
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?
(Ca dao)
❓Câu hỏi:
1. Từ nó ở đoạn văn đầu chỉ ai? Từ nó ở đoạn văn 2 chỉ con vật gì? Nhờ đâu em biết nghĩa của hai từ nó trong hai đoạn văn?
2. Từ thế ở đoạn văn thứ ba trỏ sự việc gì? Nhờ đâu em biết được nghĩa của từ thế trong đoạn văn này?
3. Từ ai trong bài ca dao dùng để làm gì?
4. Các từ nó, thế, ai trong các đoạn văn trên giữ vai trò ngữ pháp gì trong câu?
Trả lời:
1. Từ nó ở đoạn văn đầu trỏ em tôi. Từ nó ở đoạn văn thứ hai trỏ con gà của anh Bốn Linh. Sở dĩ chúng ta biết được nghĩa của hai từ nó trong, hai đoạn văn trên là nhờ vào các từ ngữ chỉ người mà nó thay thế các câu văn trước.
2. Từ thế ở đoạn văn thứ ba trỏ việc phải chia đồ chơi. Sở dĩ chúng hiểu được nghĩa của từ thế là nhờ vào sự việc mà nó thay thế ở cả câu đầu.
3. Từ ai trong bài ca dao dùng để hỏi.
4. Vai trò ngữ pháp của:
- Từ nó ở câu a: chủ ngữ.
- Từ nó ở câu b: phụ ngữ của danh từ.
- Từ thế ở câu c: phụ ngữ của động từ.
- Từ ai ở câu d: chủ ngữ.
1. Đại từ dùng để trỏ người, sự vật, hoạt động, tính chất,... được nói đến trong một ngữ cảnh nhất định của lời nói hoặc dùng để hỏi.
2. Đại từ có thể đảm nhiệm các vai trò ngữ pháp như chủ ngữ, vị ngữ trong câu hay phụ ngữ của danh từ, của động từ, của tính từ,...
a. Đọc và trả lời câu hỏi
- Các đại từ tôi, tao, tớ, chúng tôi, chúng tao, chúng tớ, mày, chúng mày, nó, hắn, chúng nó, họ... trỏ gì?
- Các đại từ bấy, bấy nhiêu trỏ gì?
- Các đại từ vậy, thế trỏ gì?
Trả lời
- Các đại từ tôi, tao, tớ, chúng tôi, chúng tao, chúng tớ, mày, chúng mày, nó, hắn, chúng nó, họ... dùng để trỏ người, sự vật.
- Các đại từ bấy, bấy nhiêu dùng để trỏ số lượng
- Các đại từ vậy, thế dùng để trỏ hoạt động, tính chất, sự việc.
b. Ghi nhớ
Đại từ để trỏ dùng để:
- Trỏ người, sự vật (gọi là đại từ xưng hô);
- Trỏ số lượng;
- Trỏ hoạt động, tính chất, sự việc.
a. Đọc và trả lời câu hỏi
- Các đại từ ai, gì,... hỏi về gì?
- Các đại từ bao nhiêu, mấy hỏi về gì?
- Các đại từ sao, thế nào hỏi về gì?
Trả lời:
- Các đại từ ai, gì... hỏi về người, sự vật.
- Các đại từ bao nhiêu, mấy hỏi về số lượng.
- Các đại từ sao, thế nào hỏi về hoạt động, tính chất, sự việc.
b. Ghi nhớ
Đại từ để hỏi dùng để:
- Hỏi về người, sự vật;
- Hỏi về số lượng;
- Hỏi về hoạt động, tính chất, sự việc.