Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácCon người cần năng lượng và chất dinh dưỡng để duy trì sự sống, phát triển và hoạt động.
Các lương thực, thực phẩm thông thường
Thức ăn của con người ở dạng lương thực (như ngũ cốc: lúa gạo, ngô, khoai sắn, lúa mì) và thực phẩm (như thịt, cá, rau, củ, quả,…). Thức ăn được cơ thể chuyển hóa thành năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Cá ôi thiu Gạo mốc
Lương thực và thực phẩm dễ bị hư hỏng, nhất là trong môi trường nóng, ẩm. Khi đó, chúng sinh ra những chất độc, có hại cho sức khỏe. Ví dụ: thịt, cá, rau bị ôi thiu (nhiễm khuẩn) gây ra ngộ độc cho cơ thể; gạo, lạc dễ bị mốc, sinh ra những chất cực độc gây ung thư;… Vì vậy, lương thực, thực phẩm cần được bảo quản thích hợp.
Carbohydrate là tên gọi chung của nhóm chất chứa tinh bột, đường và chất xơ. Phần lớn carbohydrate có nguồn gốc thực vật.
Người Việt Nam thường ăn cơm nấu từ gạo và các loại bún, bánh chế biến từ gạo, ngô, khoai và sắn. Ở các nước khác, ngô, lúa mì, lúa mạch được sử dụng làm nguồn tinh bột và thường chế biến thành bánh mì, bánh ngô,… Khái niệm lương thực thường dùng để chỉ các nguồn tinh bột.
Khi tiêu hóa, tinh bột được chuyển hóa thành đường, rồi thành nước và khí carbon dioxide đồng thời giải phóng năng lượng. Tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể.
Đường cũng là một loại carbonhydrate. Đường cung cấp nhiều năng lượng và có nhiều trong cây mía, thốt nốt, củ cải đường, các hoa quả ngọt.
a, Protein (chất đạm)
Protein còn gọi là chất đạm, có vai trò cấu tạo, duy trì và phát triển cơ thể. Protein liên quan đến mọi chức năng sống của cơ thể và cần thiết cho sự chuyển hóa các chất dinh dưỡng. Protein có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa và các loại hạt như đậu, đỗ,…
Lipid (lipit), còn gọi là chất béo. Lipid là nguồn dự trữ năng lượng trong cơ thể và có tác dụng chống lạnh. Lipid có ở dạng sản phẩm đã chế biến như bơ, dầu thực vật,… và trong các thực phẩm tự nhiên như sữa, lòng đỏ trứng, thịt, cá, lạc, vừng,…
Chất khoáng trong cơ thể người gồm calcium (canxi), photphorus (photpho), iodine (iot), zinc (kẽm),… Chất khoáng vô cùng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Ví dụ: thiếu calcium, xương trở nên xốp, yếu; thiếu iodine gây ra các bệnh về tuyến giáp (bướu cổ,…).
Vitamin là những chất chỉ cần một lượng nhỏ nhưng có tác dụng lớn đến quá trình trao đổi chất. Vitamin được đặt tên theo chữ cái A, B1, B2, C, D, E,… Vitamin được chia thành 2 nhóm, nhóm vitamin tan trong chất béo như A, D, E, K và nhóm vitamin tan trong nước như B, C,…
Cơ thể không thể tự tổng hợp được đa số vitamin mà phải lấy qua thức ăn. Nếu cơ thể thiếu vitamin sẽ dẫn tới nhiều rối loạn chuyển hóa. Ví dụ: thiếu vitamun A khiến cho mắt kém, thiếu vitamin D khiến xương và cơ thể kém phát triển,…
Nguồn thực phẩm giàu chất khoáng và vitamin là các loại hải sản, các loại rau xanh, củ, quả tươi,…
Các loại thức ăn khác nhau cung cấp lượng năng lượng và các chất dinh dưỡng khác nhau. Năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào lứa tuổi, giới tính, cân nặng và chiều cao, công việc đòi hỏi vận động nhiều hay ít,...
Nếu ăn quá nhiều mà ít hoạt động thị thức ăn sẽ được dự trữ dưới dạng chất béo. Nếu ăn ít không đủ chất, cơ thể sẽ bị suy dinh dưỡng.
Một số chất cần cho cơ thể với lượng nhỏ (như chất khoáng, vitamin) nhưng rất quan trọng.
1. Vai trò của lương thực, thực phẩm đối với con người.
2. Lương thực và thực phẩm dễ bị biến chất, cần được bảo quản đúng cách.
3. Các nhóm chất dinh dưỡng trong lương thực, thực phẩm: carbohydrate, protein, lipid, chất khoáng và vitamin.