Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácKí hiệu \(K\) là khoảng hoặc đoạn hoặc nửa khoảng. Giả sử hàm số \(y=f\left(x\right)\) xác định trên \(K\).
Hàm số \(y=f\left(x\right)\) đồng biến (tăng) trên \(K\) nếu với mọi cặp \(x_1,x_2\in K\) và \(x_1< x_2\) thì \(f\left(x_1\right)< f\left(x_2\right)\), tức là
\(x_1< x_2\Rightarrow f\left(x_1\right)< f\left(x_2\right)\) ;
Hàm số \(y=f\left(x\right)\) nghịch biến (giảm) trên \(K\) nếu với mọi cặp \(x_1,x_2\in K\) và \(x_1< x_2\) thì \(f\left(x_1\right)>f\left(x_2\right)\), tức là
\(x_1< x_2\Rightarrow f\left(x_1\right)>f\left(x_2\right)\).
Hàm số đồng biến hoặc nghịch biến trên \(K\) được gọi chung là hàm số đơn điệu trên \(K\).
Nhận xét:
a) \(f\left(x\right)\) đồng biến trên \(K\) \(\Leftrightarrow\dfrac{f\left(x_2\right)-f\left(x_1\right)}{x_2-x_1}>0\), \(\forall x_1,x_2\in K\) , (\(x_1\ne x_2\)) ;
\(f\left(x\right)\) nghịch biến trên \(K\) \(\Leftrightarrow\dfrac{f\left(x_2\right)-f\left(x_1\right)}{x_2-x_1}< 0\), \(\forall x_1,x_2\in K\), (\(x_1\ne x_2\)).
b) Nếu hàm số đồng biến trên \(K\) thì đồ thị đi lên từ trái sang phải ;
Nếu hàm số nghịch biến trên \(K\) thì đồ thị đi xuống từ trái sang phải.
Định lí:
Cho hàm số \(y=f\left(x\right)\) có đạo hàm trên \(K\).
a) Nếu \(f'\left(x\right)>0\) với mọi \(x\in K\) thì hàm số \(f\left(x\right)\) đồng biến trên \(K\).
b) Nếu \(f'\left(x\right)< 0\) với mọi \(x\in K\) thì hàm số \(f\left(x\right)\) nghịch biến trên \(K\).
Chú ý: Nếu \(f'\left(x\right)=0\), \(\forall x\in K\) thì \(f\left(x\right)\) không đổi trên \(K\).
Ví dụ 1: Tìm các khoảng đơn điệu của hàm số:
a) \(y=2x^4+1\) ;
b) \(y=\sin x\) trên khoảng \(\left(0;2\pi\right)\).
Giải:
a) Hàm số đã cho xác định trên \(R\).
Ta có \(y'=8x^3\). Bảng biến thiên:
Vậy hàm số \(y=2x^4+1\) nghịch biến trên khoảng \(\left(-\infty;0\right)\), đồng biến trên khoảng \(\left(0;+\infty\right)\).
b) Xét trên khoảng \(\left(0;2\pi\right)\) ta có \(y'=\cos x\). Bảng biến thiên:
Vậy hàm số \(y=\sin x\) đồng biến trên các khoảng \(\left(0;\dfrac{\pi}{2}\right)\) và \(\left(\dfrac{3\pi}{2};2\pi\right)\), nghịch biến trên khoảng \(\left(\dfrac{\pi}{2};\dfrac{3\pi}{2}\right)\).
Chú ý: Ta có định lí mở rộng sau đây:
Giả sử hàm số \(y=f\left(x\right)\) có đạo hàm trên \(K\). Nếu \(f'\left(x\right)\ge0\) (\(f'\left(x\right)\le0\)), \(\forall x\in K\) và \(f'\left(x\right)=0\) chỉ tại một số hữu hạn điểm thì hàm số đồng biến (nghịch biến) trên \(K\).
Ví dụ 2: Tìm các khoảng đơn điệu của hàm số \(y=2x^3+6x^2+6x-7\).
Giải:
Hàm số đã cho xác định với mọi \(x\in R\).
Ta có \(y'=6x^2+12x+6=6\left(x+1\right)^2\)
Do đó \(y'=0\Leftrightarrow x=-1\) và \(y'>0\) với mọi \(x\ne-1\)
Theo định lí mở rộng, hàm số đã cho luôn luôn đồng biến.
1. Tìm tập xác định.
2. Tính đạo hàm \(f'\left(x\right)\). Tìm các điểm \(x_i\left(i=1,2,3,...,n\right)\) mà tại đó đạo hàm bằng 0 hoặc không xác định.
3. Sắp xếp các điểm \(x_i\) theo thứ tự tăng dần và lập bảng biến thiên.
4. Nêu kết luận về các khoảng đồng biến, nghịch biến của hàm số.
Ví dụ 3: Xét sự đồng biến, nghịch biến của hàm số \(y=\dfrac{1}{3}x^3-\dfrac{1}{2}x^2-2x+2\).
Giải:
Hàm số xác định với mọi \(x\in R\).
Ta có: \(y'=x^2-x-2\) , \(y'=0\Leftrightarrow\left[{}\begin{matrix}x=-1\\x=2\end{matrix}\right.\). Bảng biến thiên:
Vậy hàm số đồng biến trên các khoảng \(\left(-\infty;-1\right)\) và \(\left(2;+\infty\right)\), nghịch biến trên khoảng \(\left(-1;2\right)\).
Ví dụ 4: Tìm các khoảng đơn điệu của hàm số \(y=\dfrac{x-1}{x+1}\).
Giải:
Hàm số xác định với mọi \(x\ne-1\).
Ta có: \(y'=\dfrac{\left(x+1\right)-\left(x-1\right)}{\left(x+1\right)^2}=\dfrac{2}{\left(x+1\right)^2}\). \(y'\) không xác định tại \(x=-1\).
Bảng biến thiên:
Vậy hàm số đồng biến trên các khoảng \(\left(-\infty;-1\right)\) và \(\left(-1;+\infty\right)\).
Ví dụ 5: Chứng minh rằng \(x>\sin x\) trên khoảng \(\left(0;\dfrac{\pi}{2}\right)\) bằng cách xét khoảng đơn điệu của hàm số \(f\left(x\right)=x-\sin x\).
Giải:
Xét hàm số \(f\left(x\right)=x-\sin x\) \(\left(0\le x< \dfrac{\pi}{2}\right)\),
Ta có \(f'\left(x\right)=1-\cos x\ge0\) (\(f'\left(x\right)=0\) chỉ tại \(x=0\)) nên ta có \(f\left(x\right)\) đồng biến trên nửa khoảng \([0;\dfrac{\pi}{2})\).
Do đó, với \(0< x< \dfrac{\pi}{2}\) ta có \(f\left(x\right)=x-\sin x>f\left(0\right)=0\)
hay \(x>\sin x\) trên khoảng \(\left(0;\dfrac{\pi}{2}\right)\).