Bài viết số 5 - Văn lớp 7

HT

văn chương gây cho ta những tình cảm ta chưa có luyện những tình cảm ta sẵn có.hãy chứng minh

DD
24 tháng 2 2017 lúc 12:11

Là một nhà phê bình văn học xuất sắc, chắc hẳn hơn ai hết, Hoài Thanh phải nhận thức sâu săc về ý nghĩa và sức mạnh của văn chương. Chính vì vậy, trong tác phẩm Ý nghĩa văn chương của mình, ông đã khẳng định chắc chắn: Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm sẵn có .

Phải nuôi con mới biết lòng cha mẹ là một câu nói vô cùng ý nghĩa và mang đầy tính triết lí nhân sinh. Chỉ khi nào chúng ta là bậc làm cha, làm mẹ, lúc đó, ta mới cảm nhận được đầy đủ và sâu sắc nhất tình yêu thương của cha mẹ. Thế nhưng, văn chương đã giúp ta biết quý trọng và thấu hiểu phần nào tấm lòng bao la của người mẹ ngay cả khi còn là một đứa trẻ. Với cổng trường mở ra của Lí Lan, chúng ta đã biết rằng mẹ làm gì trước đêm khai trường đầu tiên của cuộc đời con. Lúc con say sưa trong giấc ngủ lại chính là lúc mẹ không ngủ được mà lên giường và trăn trọc. Mẹ đã có bao đêm không ngủ được như thế với những cái đầu tiên của con? Những bước đi chập chững đầu tiên của con làm mẹ vui mừng không ngủ được. Mẹ sung sướng đến không ngủ được ngày con cất tiếng nói đầu tiên gọi Mẹ!… Và đêm nay mẹ không ngủ được vì Ngày mai là ngày khai trường lớp Một của con. Hôm nay mẹ thức không phải vì lo lắng cho con, bởi mẹ tin đứa con của mẹ lớn rồi. Trong lòng mẹ có sự xáo trộn lạ kỳ. Phải chăng chính vì cảm giác con mình đã lớn, chuẩn bị bước vào vùng trời rộng lớn của tri thức, chuẩn bị đón nhận tương lai, làm chủ thế giới khiến mẹ vừa vui sướng, vừa háo hức hồi hộp? Và lúc này đây, mẹ trở về với đứa trẻ buổi đáu đi học, nhớ đến bà ngoại giống như mẹ hiện giờ. Cũng có khi mẹ thức vì lo lắng, lo lắng tột bậc. Mẹ đã phải thức suốt đêm cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quần quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con!… (Mẹ tôi, Ét-môn-đô đơ A-mi-xi). Mẹ đã thức để cho con có những giấc ngủ yên bình. Biết được những tình cảm và việc làm cao cả ấy, chúng ta càng yêu và biết ơn công lao to lớn trời bể của mẹ, càng quý trọng từng giờ từng phút được sống bên mẹ yêu thương.

Đất nước thanh bình đang trên đà phát triển, chẳng còn họa ngoại xâm, chẳng còn những ngày chiến tranh ác liệt. Nhưng qua bài thơ Tiếng gà trưa, Xuân Quỳnh đã giúp người đọc cảm nhân được những tình cảm, cảm xúc của người chiến sĩ trên đường hành quân. Ai mà chẳng có tuổi thơ và kỉ niệm tuổi thơ lại ùa về tràn ngập cả lòng ta. Đó là hình ảnh người bà yêu quý hiện ra như một bà tiên hết lòng vì con vì cháu. Bà đã chăm lo từng con gà, nâng niu từng quả trứng để cho cháu có quần áo mới: Cứ hàng năm hàng năm – Khi gió mùa đông tới – Bà lo đàn gà toi – Mong trời đừng sương muối – Để cuối năm bán gà – Cháu được quần áo mới. Người chiến sĩ trên đường hành quân mang theo hành trang là lòng căm thù giặc, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần quyết chiến quyết thắng (đất nước đang trong những ngày tháng sôi đọng và ác liệt của cuộc kháng chiến) và tình cảm với bà. Bài thơ mộc mạc giản dị mà thấm đẫm tình bà cháu, tình yêu quê hương đất nước của một người con đang chiến đấu bảo vệ đất nước, bảo vệ xóm làng và những kỉ niệm trong sáng hồn nhiên của tuổi thơ.

Chắc hẳn, chúng ta đã từng nghe nói đến một thời chữ Quốc ngử không đuợc giảng dạy trong các trường học Viêt Nam, thay vào đó là tiếng Pháp bởi mục đích đô hộ của kẻ thù. Chúng muốn đào tạo ra những con người chỉ biết vâng lệnh và phục tùng người Pháp. Nhung khi đọc Buổi học cuối cùng của An-phông-xô Đô-dê la mới hiểu được phần nào cảm giác nuối tiếc, xót xa khi không còn được dạy và được học tiếng mẹ đẻ của thầy Ha-men và cậu học trò Phrăng. Phải thực sự ở vào hoàn cảnh trớ trêu đau lòng ấy, ta mới thấy thiêng liêng và đáng trân trọng biết bao khi hàng ngày được sử dụng thứ tiếng nói của dân tộc. Tiếng mẹ đẻ được nâng lên như một thứ vũ khi giải phóng dân tộc: phải giữ lấy nó trong chúng ta và đừng bao giờ quên lãng nó, bởi vì khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù… Câu truyện giống như một bức thông điệp nhiều ý nghĩa: chúng ta phải biết giữ gìn và yêu quý tiếng mẹ đẻ, đó là một phương diện quan trọng của lòng yêu nước. Yêu nước, tự hào dân tộc cũng chính là phát huy sự giàu đẹp và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Khả năng của văn chương thật kì diệu, nó có thể tác động tới nơi sâu kín trong tâm hồn con người – tình cảm. Và một khi đã thấm vào tâm hồn, tình cảm con người thì hiệu quà nó mang lại rất to lớn và lâu bền. Những tác phẩm văn chương đích thực thật sự là những người thầy gây và luyện cho ta thứ tình cảm cao quý.

Bình luận (1)
LL
24 tháng 2 2017 lúc 12:32

Văn chương có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với con người, ảnh hưởng và góp phần tác động tới sự hình thành phát triển tâm hồn, nhân cách, cá tính con người. Hoài Thanh viết: : Vănchương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có. Đó là ông muốn nói đến sức mạnh cũng như chức năng, nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của văn chương.

Văn chương theo nghĩa rộng bao gồm cả triết học, chính trị học, sử học, văn học… Theo nghĩa hẹp nhất thì đó là tính nghệ thuật, vẻ đẹp của câu văn, lời văn. Thế nhưng trong câu nói của Hoài Thanh thì văn chương mà ông nhắc tới ở đây là tác phẩm văn học – nghệ thuật ngôn từ mà nguồn gốc của nó đều là tình cảm từ lòng vị tha. Vậy tình cảm là gì? Tình cảm là trạng thái cảm xúc của con người đối với một đối tượng nào đó. Và văn chương đã đi từ-tình cảm để đến với tình càm. Nghĩa là với sức mạnh của mình, văn chương sẽ khiến con người thêm yêu gia đình, yêu quê hương đất nước, bồi đắp niềm tự hào dân tộc hay dạy ta biết cảm thông với những thân phận bất hạnh bị chà đạp trong xã hội cũ trước đây…

Thật vậy, trước hết văn chương luyện những tình cảm mà ta sẵn có. Con người ai sinh ra mà chẳng có một gia đình, một quê hương đất nước. Và ta mang trong mình tình cảm đối với ông bà cha mẹ, tình yêu quê hương đất nước:

Công cha như núi ngất trời,

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.

Núi cao biển rộng mênh mông,

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

(Ca dao)

Câu ca dao bằng hình ảnh so sánh kì vĩ lớn lao đã ví công ơn sinh thành, dưỡng dục và tình yêu thương của cha mẹ như núi ngất trời và nước ngoài biển Đông. Là phận con cái, chúng ta phải ghi lòng tạc dạ công lao, tình cảm to lớn ấy. Không những thế, người làm con biết báo đáp cha mẹ mới được tròn chữ hiếu. Đạo lí làm người ấy ai cũng biết nhưng qua lời nhắc nhở của bài ca dao trữ tình trở nên gần gũi, đầy thuyết phục. Nó cứ tự nhiên thấm vào suy nghĩ, đi vào tình cảm khiến ta thêm yêu kính mẹ cha và nhận thức rõ hơn bổn phận, trách nhiệm của một người con.

Trong tình cảm gia đình, tình anh em ruột thịt cũng như là thứ tình cảm thường xuyên được nhắc tới trong tục ngữ ca dao:

Anh em nào phải người xa,

Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân.

Yêu nhau như thể tay chân,

Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.

(Ca dao)

Công lao và tình cảm của cha mẹ vĩ đại như trời biển thì tình anh em khăng khít bền chặt được tượng trưng bằng hai hình ảnh rất cụ thể gần gũi là chân và tay. Câu ca dao dễ thuộc, dễ nhớ như bài học răn dạy cho mỗi người. Ta phải biết quý trọng mối tình máu mủ ruột thịt ấy và cách cư cử để anh em mãi mãi là hai bộ phận không thể thiếu trên cơ thể gia đình.

Nếu ca dao nhẹ nhàng và tình cảm thì văn học hiện đại cũng không kém phẩn sâu sắc khi nói về tình cảm thiêng liêng này. Ét-môn-đô đơ A-mi-xi đã viết: Con hãy nhớ rằng, tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơni cả. Thật xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình yêu thương đó. Câu văn này để lại biết bao suy ngẫm trong lòng người đọc. Và ta còn biết được rằng, mẹ đã không ngủ được trước ngày khai trường đầu tiên của cuộc đời con (Cổng trường mở ra – Lý Lan) ta mới hiểu được đức hi sinh của mẹ cao cả đến nhường nào. Hãy biết quý trọng, gìn giữ và bảo vệ lấy tình cảm gia đình.

Ngày nay, chiến tranh không còn nữa, nhưng mỗi khi nước nhà có sự kiện trọng đại: thể thao, văn hóa, chính trị … chúng ta lại như sống trong không khí hào hùng của mấy chục năm về trước. Đó là bởi thế hệ trẻ giờ đây mang sẵn trong mình tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương đất nước thiết tha. Không tự hào sao được trước lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước:

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

(Sông núi nước Nam, Lí Thường Kiệt)

Chúng ta có quyền tự hào vì những trang sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung.. (Tinh thần yêu nước của nhân dân ta , Hồ Chí Minh).

Và không tự hào sao được khi ta có một Phong Nha – kì quan đệ nhất động với bảy cái nhất: hang động dài nhất, cửa hang cao và rộng nhất, bãi cát, bãi đá rộng và đẹp nhất, có những hồ ngầm đẹp nhất, hang khô rộng và đẹp nhất, thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất, sông ngầm dài nhất (Động Phong Nha, Trần Hoàng).

Đường vô xứ Huế quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

Ai vô xứ Huế thì vô…

Đó là một kinh đô Huế cổ kính thuộc hàng di sản văn hóa thế giới cùng điệu hò nổi tiếng trên sông Hương. Nhạc công dùng các ngón đàn trau chuốt như ngón nhấn, mở, vỗ, vả, ngón bấm, day, chớp, búng ngón phi, ngón rãi. Tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt làm nên tiết tấu xao động tận đáy hồn người (Ca Huế trên sông Hương, Hà Ánh Minh).

Văn chương dạy ta yêu nước không chỉ yêu thiên nhiên tươi đẹp, yêu đồng bào đồng chí mà còn yêu cả thứ tiếng ta nói hàng ngày. Trong khi cả châu Phi nói tiếng Pháp, Hoa Kì nói tiếng Anh… thì người Việt Nam chúng ta tự hào vì được nói thứ ngôn ngữ của dân tộc. Hơn thế nữa, đó lại là một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay. Tiếng Việt hài hoà về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị uyển chuyển trong cách đặt câu và có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt và để thỏa mãn cho yêu cầu của đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kỳ lịch sử (Sự giàu đẹp của Tiếng Việt, Đặng Thai Mai).

Sức mạnh của văn chương không chỉ dừng lại ở việc luyện những tình cảm ta sẵn có mà còn gây cho ta những tình cảm ta không có. Thế hệ trẻ ra đời trong hoà bình, sống trong hoà bình và trong một đất nước đang phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, khó có thể hình dung ra cuộc sống lầm than cơ cực của nhân dân ta vào thời thực dân nửa phong kiến. Văn chương trở thành một phương tiện chuyển tải có sức mạnh lay động đến tận tâm can người đọc. Chẳng ai có thể dửng dưng mà không xót xa cảm thông trước những dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ hết sức giữ gìn, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, bì bõm dưới bùn lầy ngập quá khuỷu chân, người nào người nấy lướt thướt như chuột lột vật lộn với thiên tai mà vẫn không tránh khỏi việc kẻ sông không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước chiếc bóng bơ vơ, tình cảm thảm sầu, kể sao cho xiết. Và nỗi khinh ghét đến tột bậc là tình cảm mà người đọc dành cho tên quan phụ mẫu lòng lang dạ thú – đại diện cho bọn cầm quyền vô lại trong Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn Song, có lẽ người đọc vẫn dành mối cảm thông nhiều nhất cho những người phụ nữ trong xã hội xưa, những thân phận nhỏ bé yếu đuối cần được che chở lại là kẻ bị chà đạp vùi dập nhiều nhất:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vần giữ tấm lòng son.

(Bánh trôi nước, Hồ Xuân Hương)

hay như:

Thân em như trái bần trôi

Gió dậy sóng dồi biết tấp vào đâu.

(Ca dao)

Hầu hết trong chúng ta đều sống trong cảnh gia đình hạnh phúc thì hãy đọc Cuộc chia tay của những con búp bê (Khánh Hoài) để cảm nhận được nỗi đau đớn xót xa của những bạn nhỏ chẳng may rơi vào hoàn cảnh gia đình bất hạnh, để thông cảm, sẻ chia với các bạn ấy.

Văn chương quả là có sức mạnh to lớn lay động tới đời sống tình cảm của con người. Chúng ta hãy đừng để cơn lốc của thời đại công nghiệp, của nền kinh tế thị trường làm khô héo tâm hồn, làm nghèo nàn tình cảm. Học văn chính là học cách làm người. Hiểu như thế cũng có nghĩa là hiểu được trách nhiệm lớn lao mà những nhà văn đang gánh vác.

Bình luận (2)
DT
24 tháng 2 2017 lúc 17:20

Đi tìm ý nghĩa của văn chương, Hoài Thanh đã giải thích: Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là ở lòng thương người và rộng ra là thương cà muôn loài, muôn vật. Chính vì thế mà ông khẳng định: "Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có".

Trong những chức năng cùa văn chương, người ta chú ý nhất đến chức năng truyền cảm. Nghĩa là văn chương có khả năng gây dựng những cảm xúc cho ta. Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, một câu chuyện cổ tích đến từ nước Nga rất xa xôi và tất nhiên có khá nhiều tình tiết xa lạ đối với chúng ta về văn hóa và phong tục. Thế nhưng chúng ta vẫn xúc động trước lối sống đầy ân nghĩa của chú cá vàng và vẫn căm ghét trước sự tham lam của mụ vợ. Chúng ta thường nghe nói: lòng tham của con người là vô đáy. Nhưng có lẽ đối với nhiều người, phải đọc đến tác phẩm này, chúng ta mới lần lượt hình dung về sự vô đáy của lòng tham.

Chúng ta lại nhớ đến "Bài học đường đời đầu tiên" nhớ đến chú Dế Mèn vốn hay cà khịa, hung hăng và hống hách. Trò nghịch ngợm tinh quái của Mèn đã khiến chị Chốc trút cờn giận tày đình lên người Dế Choắt. Nỗi đau và sự ân hận của Dế Mèn vì thế mà cũng là một bài học lớn đối với mỗi chúng ta. Nó răn dạy chúng ta, nhắc nhở chúng ta hãy trận trọng trong mỗi lời ăn tiếng nói và trong mỗi hành động của mình.

Những bài học, những cảm xúc mà chúng ta vừa mới nêu ra, có thể với một số người, nó bắt đầu từ cuộc sống thế nhưng với rất nhiều người nó được "truyền sang” từ những tác phẩm văn chương. Vì thế mà dân gian ta mới có câu sách là người bạn lớn. Nó dạy ta những bài học nhân sinh và nghĩa lý ở đời.

Văn chương truyền cho ta niềm vui, nỗi buồn, truyền cho ta những cảm xúc và rung động. Không chỉ thế, văn chương còn tô thêm những tình cảm đã có trong tâm hồn của mỗi chúng ta. Thử hỏi trong chúng ta có ai lại không còn nhớ chút gì về ngày đầu tiên đi học. Với nhiều người có khi những ấn tượng ấy thậm chí vẫn còn sâu sắc lắm. Ấy thế mà tại sao khi đọc bài văn "Cổng trường mở ra" của tác giả Lý Lan chúng ta vẫn thấy xúc động, vẫn hay, vẫn thích đọc đi đọc lại nhiều lần? Câu trả lời có thể có nhiều cách để mà giải thích. Thế nhưng, sự lý giải dễ dàng và hợp tình lý nhất là bởi vì bài văn đã khơi đúng những cảm xúc của chúng ta. Có đọc bài văn, chúng ta mới thấy cái cảm xúc kia là sâu xa lý thú. Và cũng nhờ có đọc bài văn mà chúng ta lại càng khắc sâu hơn một ấn tượng đẹp đẽ về những năm tháng tuổi thơ.

Văn chương là tâm hồn và cũng là cuộc sống. Hai thứ ấy quện hòa quấn quýt vào nhau. Cuộc sống là chất liệu của văn chương còn văn chương thì làm đẹp lòng người. Nhưng để lòng người càng thêm yêu thêm đẹp thì văn chương trước hết cũng phải đẹp, phải hay. Nghĩa là nó phải yêu thương đích thực và phải là sản phẩm của những tâm hồn biết yêu thương.

​Chúc p học tốt

Bình luận (0)
TP
7 tháng 3 2017 lúc 15:20

Người ta kể chuyện đời xưa, một nhà thi sĩ ấn Độ trông thấy một con chim bị thương rơi xuống bên chân mình. Thi sĩ thương hại quá, khóc nức lên, quả tim cùng hoà một nhịp với sự run rẩy của con chim sắp chết. Tiếng khóc ấy, dịp đau thương ấy chính là nguồn gốc của thi ca.Câu chuyện có lẽ chỉ là câu chuyện hoang đường, song không phải không có ý nghĩa. Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài. Nó xuất hiện khi con người có cảm xúc mãnh liệt trước một hiện tượng đời sống, là niềm xót thương của con người trước những điều đáng thương. Nói chung văn chương chính là tình cảm và các nhà văn sáng tác tác phẩm là để trả lời cho tình cảm của mình và trải nghiệm tình cảm của người khác_ tức là độc giả.
Người ta vẫn đánh giá một bài văn hay là một bài văn giàu hình ảnh, nhiều cảm xúc. Vậy hình ảnh và cảm xúc trong văn có tác dụng gì? Chính là để khơi gợi cảm xúc của người đọc, cũng là để người ta hiểu, đánh giá và cản nhận cảm xúc của mình. Văn chương gây cho ta tình cảm ta chưa có. Phải! bởi nếu không đọc những ngày thơ ấu mấy ai cảm nhận được cảm giác thiếu vắng hình hài và tình cảm của người mẹ trong suốt một thời gian dài trong sự ghẻ lạnh và khinh rẻ của cậu bé Hồng. Làm sao ai hiểu cho tình cảm của con người với giống súc sinh máu lạnh khi gắn bó với nhau bởi một mối ràng buộc của tình yêu, trách nhiệm, lòng biết ơn từ cả hai phía ở chốn cô đơn như trong tác phẩm của Jack london: tiếng gọi nơi hoang dã . Cũng sẽ vẫn mãi mãi là một Chí Phèo tự rạch mặt để che đi vẻ tâm hồn thèm khát sự lương thiện thầm kính, yêu một Thị Nở xấu xí, vô duyên từng được xem là sự thật ở làng Vũ Đại nếu không có Chí Phèo của Nam Cao để rồi là bộ phim chuyện làng Vũ Đại ngày ấy. Bây giờ người ta mới thấu hiểu những khái niệm mới trong vô vàn những kịch tính và những khía cạnh cảm xúc, suy nghĩ phức tạp khác nhau của Chí Phèo. Cuộc sống không thể mang lại cho chúng ta tất cả những khái niệm đó mà chúng ta phải tự mình đi tìm để trải nghiệm nó mà những thứ tình cảm mới lạ đó chỉ tập trung đầy đủ trong văn chương mà thôi. Điều tuyệt vời nhất là văn chương dạy cho người giàu biết cảm giác nhà tranh, vách đất, bữa đói bữa no nhưng vẫn tin tưởng vào ngày mai tốt đẹp hơn, dạy cho con người đang tuyệt vọng biết được người ta lấy niềm tin ở đâu và lấy lại niềm tin như thế nào, dạy cho kẻ hạnh phúc đồng cảm với người cô đơn, cho người bây giờ biết quá khứ, cho tình yêu, cho ấm áp thậm chí là biết được con vật cũng có tình cảm riêng, có tiếng nói riêng. Văn chương thật tuyệt vời bởi nó đầy đủ kinh nghiệm sống, đầy đủ tình huống sống.
Văn chương luyện cho ta tình cảm ta sẵn có. Vì phải có tình yêu thì đọc Romeo và Julyet mới thấy cảm động đến phát khóc lên và có thêm sức mạnh đấu tranh cho tình yêu. Phải có lòng thành kính, ruồng bỏ tội lỗi và đầy tình thương với đồng loại thì mới tôn sùng ra-ma yana. Phải có lòng đấu tranh cho vẻ đẹp hoàn thiện, cho sự siêu thoát thì mới có tâm trí nghĩ về i-li-at và Ô-đi-xê. hay chỉ cần biết khóc để đọc chiếc lá cuối cùng, biết cười để đọc trưởng giả học làm sang, biết yêu nước để đọc Bình Ngô đại cáo, biết đấu tranh để suy xét về Bản án chế độ thức dân Pháp. tất cả là những thể loại văn học khác nhau nhưng chung nhau một điểm là đều thể hiện thái đọ của người viết tới đối tượng và ý tưởng mà mình đang viết. Cuộc đời chúng ta là sự giới hạn của thần thánh còn cuộc đời văn chương là sự giới hạn về tình cảm, biết bao nhiêu những tình cảm ấy chính là văn học, vì vậy mà nó giúp ta hình dung về sự sống, tồn tại là để khám phá bản thân.
Hoài Thanh đã nói đúng về ý nghĩa của văn chương nhưng chưa đủ, văn chương còn giúp ta sống, để ta sống và nuôi ta sống bằng nguồn cảm hứng vô tận về tình yêu của con người

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
H24
Xem chi tiết
NL
Xem chi tiết
H24
Xem chi tiết
NH
Xem chi tiết
NT
Xem chi tiết
NT
Xem chi tiết
1D
Xem chi tiết
VY
Xem chi tiết
HS
Xem chi tiết