Bài viết số 1 - Văn thuyết minh

H24

Thuyết minh về cây nhãn quê em (nhãn lồng Hưng Yên)! Mong các bạn giúp mk ạ!Mk đang cần rất gấp, cảm ơn các bạn nhiều ạ !

H24
7 tháng 9 2019 lúc 21:54

Tham khảo:

“Da cóc mà bọc bột lọc

Bột lọc mà bọc hòn than”

Đó là quả gì? Chắc hẳn những ngày còn bé, ai trong chúng ta cũng từng cùng chúng bạn chơi trò câu đố như thế. Câu đố đã miêu tả một loại quả rất đặc trưng của làng quê Việt Nam, đặc biệt là Hưng Yên quê hương tôi – quả nhãn.

Nhãn trong Hán Việt là "long nhãn"; nghĩa là "mắt rồng" vì hạt có màu đen bóng. Nhãn là loài cây nhiệt đới lâu năm thuộc họ Bồ hòn, có nguồn gốc ở miền nam Trung Quốc. Cây nhãn có nhiều loại, được trồng ở nhiều nơi nhưng nổi tiếng nhất là nhãn lồng Hưng Yên.

Cây nhãn cao từ 5–10 m, thân gỗ. Vỏ cây xù xì, có màu nâu xám. Trên thân có nhiều cành, lá um tùm xanh tươi quanh năm. Lá nhãn hình lông chim, mọc so le lẫn nhau, gồm 5 đến 9 lá 1 cành nhỏ, dài khoảng 3 – 4 cm, rộng 1,5 – 2,5 cm. Nhãn ra hoa vào mùa xuân, khoảng các tháng 2, 3, 4. Hoa nhãn màu vàng nhạt, mọc thành từng chùm. Đến tháng 7, tháng 8 cây mới ra quả. Quả nhãn hình tròn có vỏ ngoài màu vàng xám, hầu như nhẵn. Thời gian đó, chỉ đi trên những con đường ở Hưng Yên bạn cũng có thể nhẹ nhàng chạm tay vào những chùm nhãn bóng mịn, trĩu nặng xà xuống. Quả đúng như tên gọi “vương quốc nhãn lồng”. Quả nhãn lúc nhỏ thì bé xíu, màu xanh. Đến khi chín quả mới phồng lên căng mọng, hương thơm dịu nhẹ. Qủa nhãn lồng Hưng Yên to, tròn, da trơn bóng và màu vàng nâu. Vỏ nhãn bao bọc bên trong lớp cùi nhãn dày, màu trắng ngà.

Qủa nhãn có vị ngọt thơm, dai, vị ngọt nhẹ nhàng lan tỏa trong miệng, đặc biệt dễ chịu. Lớp cùi ngọt lại bọc lấy hạt màu đen nhánh, to nhỏ tùy cây. Hương vị quả rất ngon. nhà bác học Lê Quý Đôn từng viết "mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi, đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho" để ngợi ca hương vị của thứ quả này.

Qủa nhãn có rất nhiều công dụng, giá trị. Nhãn là một trong những loại quả được yêu thích nhất, đặc biệt là vào mùa hè. Nhãn lồng Hưng Yên được bạn bè quốc tế yêu thích, đưa tên tuổi của nước ta ra thị trường thế giới khó tính như Nhật Bản, Mỹ hay Hàn Quốc. Nhãn chín xong hái xuống ăn hoặc bóc lấy cùi để làm chè long nhãn nổi tiếng. Còn ở nhiều nơi người ta đem sấy khô, ăn cũng rất ngon. Cùi nhãn khô có màu nâu hoặc nâu đen, được dùng làm thực phẩm đồng thời là một vị thuốc thường được dùng trong Đông y chữa các chứng bệnh hay quên, thần kinh kém,... Hạt nhãn để chữa các chứng chốc lở, gội đầu, đứt tay, chân.

Vì quả nhãn có nhiều giá trị thiết thực như vậy nên cần chăm sóc bảo quản quả nhãn đúng cách. Khi quả còn trên cây, để tránh sâu hại và chim ăn và tránh mưa gió quật rụng quả, người trồng thường buộc những chùm quả lả tả thành chùm to, lấy lá để che chắn. Qủa nhãn hái xuống khỏi cây có thể để được vài ngày nhưng để lâu sẽ bị thối, héo, mất nước và dần xẹp xuống. Nếu dùng lâu thì nên bỏ vào tủ lạnh hoặc sấy khô để thời gian sử dụng tăng lên. Qủa nhãn rất ngon nhưng ăn quá nhiều trong thời gian dài cũng không tốt, ngược lại gây nóng và say, ảnh hưởng đến sức khỏe. Cần chú ý để vừa thưởng thức được vị ngọt thơm của nhãn vừa bảo đảm sức khỏe.

Một quả nhãn bé nhỏ thôi nhưng khi chạm vào lưỡi lại giống như mang theo cả hương vị của mùa hè. Cái vị ngọt ngọt thanh thanh của nhãn đã làm say đắm biết bao trái tim. Thời gian qua đi, mỗi mùa hè sang, trên những kệ hoa quả, trong mỗi gia đình đều không thể thiếu chùm nhãn căng mọng, hấp dẫn. Những chùm nhãn kính dâng lên ông bà, tổ tiên, và những chùm nhãn cả đại gia đình cùng thưởng thức đã trở thành một phần của mùa hè. Nhãn lồng Hưng Yên là niềm tự hào của người dân nơi đây, đồng thời cũng là hương vị thanh mát của mùa hè Việt Nam.


#Walker
Bình luận (1)
H24
7 tháng 9 2019 lúc 21:54

Tham khảo:

Lập dàn ý Thuyết minh về nhãn lồng Hưng Yên

1. Mở bài: Giới thiệu về cây nhãn.

2.Thân bài:

Nhãn là loài cây nhiệt đới lâu năm thuộc, có nguồn gốc miền nam Trung Quốc.

Cây nhãn có nhiều loại nhưng nổi tiếng nhất là nhãn lồng Hưng Yên.

Cây nhãn có mùa tháng 7, tháng 8 đang là mùa nhãn chín rộ.

Nhãn quả to tròn, vỏ có màu vàng nâu nhạt, cùi dày, ráo nước, bóc một lớp vỏ mỏng láng để lộ lớp cùi nhãn dày trắng ngà.

Bên trong là hạt nhỏ màu đen nháy, đưa vào miệng nếm thử có vị ngọt thơm, giòn dai.

Mùi hương nhẹ nhàng, tinh khiết và dịu mát.

Cây nhãn có rất nhiều ứng dụng, có thể ăn trực tiếp hoặc dùng để nấu chè nhãn hay nhãn sấy khô, bánh nhãn…

3. Kết bài: Khẳng định lại vai trò cây nhãn.

#Walker

Bình luận (0)
DH
8 tháng 9 2019 lúc 7:31

Tham khảo:

Mùa hè là mùa của những loại trái cây và loại hoa ngát hương, hữu sắc, hữu tình, ngọt trong vị, ngạt trong hương. Và trong số đó, hẳn cây nhãn là loại cây quen thuộc và là hương vị không thể thiếu mỗi khi hè đến phải không nào. Vậy thì hôm nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về cây nhãn nhé.

Cây nhãn là loại cây nhiệt đới lâu năm có nguồn gốc từ miền nam Trung Quốc. Cây cao 5–10 m. Vỏ cây xù xì, có màu xám. Thân nhiều cành, lá um tùm xanh tươi quanh năm. Lá kép hình lông chim, mọc so le, gồm 5 đến 9 lá chét hẹp, dài 7–20 cm, rộng 2,5–5 cm. Mùa xuân vào các tháng 2, 3, 4 ra hoa màu vàng nhạt, mọc thành chùm ở đầu cành hay kẽ lá, đài 5-6 răng, tràng 5-6, nhị 6-10, bầu 2-3 ô. Quả tròn có vỏ ngoài màu vàng xám, hầu như nhẵn. Hạt đen nhánh, có áo hạt màu trắng bao bọc. Mùa quả là vào khoảng tháng 7-8. Cây nhãn tương đối chịu rét hơn so với các cây cùng họ như vải, đồng thời cũng ít kén đất hơn.

Cây nhãn có nhiều loại, nhãn super, nhãn tiêu da bò và lồng Hưng Yên là loại nhãn nổi tiếng nhất ở nước ta. Nhiệt độ bình quân hàng năm 21-27oC thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển. Nhãn cần nhiều ánh sáng, thoáng. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây nhãn thích hợp với ánh sáng tán xạ hơn ánh sáng trực xạ. Nhãn là cây ưa ẩm nhưng không chịu úng và rất dễ nhạy cảm với việc ngập nước kéo dài. Cây nhãn sinh trưởng tốt trong điều kiện đất thoát nước, tơi xốp, pH nước khoảng 5,5-6,5.

Cùi nhãn khô hay long nhãn nhục dẻo, có màu nâu hoặc nâu đen, được dùng làm thực phẩm đồng thời là một vị thuốc thường được dùng trong Đông y chữa các chứng bệnh hay quên, thần kinh kém, suy nhược, hay hoảng hốt, khó ngủ. Hạt nhãn được dùng để chữa các chứng chốc lở, gội đầu, đứt tay, chân. Ngoài ra long nhãn nhục cũng được dùng trong chế biến một số món chè. Hương vị của quả nhãn rất thanh đạm và tươi mát, không ngọt sắc như đường nhưng lại rất đặm đà và dễ tan vào miệng. Đặc biệt khi thưởng thức nhãn thì thật tuyệt khi chạm lưỡi vào cùi nhãn ròn và ngọt, dường như hương vị ngọt ngào của mùa hè đã được thu lại cả vào trong đó.

Dinh dưỡng là yếu tố chính ảnh hưởng đến sự hình thành trái (ngoại trừ các yếu tố như thời tiết, nhiệt độ và lượng mưa). Bón phân hợp lý sẽ làm cho năng suất được ổn định. Thiếu phân, đặc biệt là thiếu đạm và kali sẽ làm cho trái rụng, trái nhỏ và cơm mỏng. Việc cung cấp phân cũng giống như tưới nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến suốt vụ, đặc biệt là sự phát triển của chùm hoa, sự ra trái và thời kỳ sinh trưởng, ra đọt ở vụ sau. Liều lượng phân bón cho nhãn cần căn cứ vào độ lớn của cây, sản lượng quả hàng năm, giống và độ màu mỡ của đất để bón phân.

Cây nhãn đã trở thành một trong những loại cây ăn quả được ưa chuộng và phổ biến rộng rãi. Đặc biệt những loại nhãn nổi tiếng như nhãn lồng Hưng Yên đã đưa tên tuổi của nước ta ra thị trường thế giới khó tính như Nhật Bản, Mỹ hay Hàn Quốc. Cây nhãn là một trong những loại cây không thể thiếu trong mùa hè bởi hương vị và giá trị sử dụng của nó. Cây nhãn đã trở thành một loại cây giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta, và đồng thời tăng thêm thu nhập cho những người dân, đưa tên tuổi của nước ta sang những thị trường tiêu dùng rộng lớn, để ngày càng khẳng định uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bình luận (0)
MN
8 tháng 9 2019 lúc 8:24

Tham khảo: (người Hưng Yên hả e??)

Hạ vừa là mùa của nắng của gió lại vừa là mùa nở rộ của biết bao nhiêu loại trái cây thơm ngon. Là xoài vàng ươm chín ngọt, là sấu xanh chua chua, là mít thơm lừng ngọt sắc, và còn là nhãn dịu nhẹ mà thơm giòn. Nhãn là loài cây, là thức trái quen thuộc và gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ.

Ở nước ta nổi tiếng nhất là nhãn lồng Hưng Yên, mùa vụ của loại nhãn này thường từ cuối tháng tám đến cuối tháng chín. Còn với nhãn nói chung thì mùa vụ là khoảng tháng bảy, đến tháng tám là thời điểm nhãn chín rộ. Nhãn là cây thân gỗ, cao từ năm đến mười mét, vững chắc. Từ thân, cây mọc ra nhiều cành cây như những cánh tay với những tầng lá rậm rạp.Cũng giống như phượng, lá nhãn là loại kép hình lông chim, các lá mọc so le hai bên gân chính, mỗi lá kép thường có năm đến chín lá đơn. Trên nền xanh của lá còn điểm xuyết sắc vàng nhàn nhạt của hoa nhãn. Hoa nhãn nhỏ xíu như sao nhưng vẫn dễ dàng được nhìn thấy cũng như ngôi sao luôn tỏa sáng trên bầu trời xanh mát, thường mọc thành chùm ở đầu cành hoặc xen vào các kẽ lá. Có hoa thì sẽ có quả, khi hoa nhãn già rồi rụng xuống thì quả nhãn bắt đầu đâm trổ thành những quả bé xíu như chỉ có vỏ với hạt. Vỏ nhãn màu nâu nhạt hoặc vàng xám, nhẵn. Hạt nhãn đen nhánh. Trong phiên âm từ tiếng Trung ra tiếng Hán Việt, nhãn được gọi là “long nhãn”, nghĩa là “mắt rồng” cũng chính bởi màu đen của hạt trông và hình dáng tròn trông như mắt rồng. Nằm giữa lớp vỏ mỏng bao bên ngoài và hạt là lớp cùi nhãn có màu trắng ngà, hơi trong.

Nhãn cũng có nhiều loại, các loại nhãn thường có sự khác biệt ở quả, đặc biệt là phần cùi nhãn. Nhãn xuồng cơm vàng là giống nhãn có gốc ở Vũng Tàu nước ta, cùi dày và có màu vàng trong, ít nước, vị ngọt và giòn sần sật. Nhãn tiêu da bò thì có nguồn gốc ở Huế, quả nhỏ. Nhãn lồng Hưng Yên thì quả to, vỏ không nhẵn mà hơi gai, dày và màu vàng sậm đặc trưng. Cùi nhãn dày, khô, mọng nước và hạt nhãn nhỏ. Loại nhãn này có vị ngọt của đường phèn. Đây là loại nhãn có giá thành khá đắt nhưng bởi những lợi thế về quả và hương vị thơm ngọt nên rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, đây cũng là loại nhãn bị “làm giả” nhiều nhất khi có nhiều thương lái dùng loại nhãn Trung Quốc hay nhãn Thái Lan và lừa gạt người mua hàng rằng đó là nhãn lông Hưng Yên, gây nhiều thiệt hại về tiền bạc và lòng tin của người mua.

Là cây cho quả nên quả nhãn là loại thực phẩm, được ăn trực tiếp mà không phải qua chế biến. Bên cạnh đó thì nhãn cũng được nấu thành chè, làm nhãn sấy khô để sử dụng quanh năm do nhãn chỉ có một mùa vụ trong một năm, là nguyên liệu làm bánh nhãn, … Nhãn cũng là một loại thuốc đông y hỗ trợ trong việc điều trị các bệnh như bệnh hay quên, thần kinh kém, suy nhược, khó ngủ,…Nhãn là loại quả chứa nhiều vitamin C giúp chống các bệnh cao huyết áp, bệnh tim hoặc các bệnh về xương khớp. Vì tác dụng và chất dinh dưỡng nó bao chứa nên nhãn được nhiều người yêu thích.

“Đêm. Hương nhãn đặc lại Thơm ngoài sân trong nhà Mẹ em nằm thao thức Nhớ anh đang đi xa...” ( “Hương nhãn”_Trần Đăng Khoa )

Cây nhãn là một hình ảnh quen thuộc của làng quê với những vườn nhãn xanh mướt quanh năm, với những chùm quả lúc lắc trên cành vào mùa nhãn chín. Mùa hè nóng nực mà được thưởng thức những trái nhãn ngọt sắc lịm với hương thơm dễ chịu, cảm nhận những cùi nhãn dày mọng nước thì còn gì bằng.

Bình luận (1)
H24
8 tháng 9 2019 lúc 9:05

I. Mở bài: giới thiệu về cây nhãn
Ví dụ:
Nước ta bởi được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu đặc biệt với những vùng đất màu mỡ, chính vì thế mà nước ta trồng rất nhiều loại cây, trong đó có cây ăn quả. Trong các loại cây ăn trái, cây nhãn được xme là một loại trái ăn quả ngon và bổ dưỡng. Nhãn thường có vị ngọt thanh nên khiến nhiều người rất yêu thích. Bên cạnh đó nhãn còn có giá trị kinh tế rất cao đối với những người có nguồn thu nhập từ nhãn.
II. Thân bài: thuyết minh về cây nhãn
1. Khái quát về cây nhãn:

Là một cây ăn trái Có giá trị kinh tế cao Là loại cây ăn trái nổi tiếng của vùng phía Nam

2. Chi tiết về cây nhãn:
- Các bộ phận của cây nhãn:

Cây nhãn cao 5-10m Vỏ cây nhãn xù xì Thân cây nhãn có nhiều lá, um tùm và xum xuê quanh năm Lá màu xanh, mọc so le trên một cành Thường ra hoa vào mùa xuân, hoa màu trắng Trái nhãn tròn, màu nâu, vỏ mềm Hạt nhãn màu đen

- Các giống cây nhãn:

Nhãn xuồng cơm vàng Nhãn lồng Hưng Yên Nhãn tiêu da bò

- Công dụng của cây nhãn:

Nhãn có thể sử dụng ăn trái cây Nhãn có thể sử dụng để nấu chè Nhãn có thể sử dụng trong đông y để chữa các chứng bệnh hay quên, thần kinh kém, suy nhược, hay hoảng hốt, khó ngủ Nhãn có giá trị kinh tế rất cao đối với nhưunxg người trồng nhãn

III. Kết bài: nêu cảm nghĩ của em về cây nhãn:
Ví dụ:
Cây nhãn là một loại cây cho trái, có giá trị kinh tế cao. Trái nhãn còn chế biến nhiều món ăn và có công dụng chữa bệnh. Chúng ta cần bảo vệ và phát huy vai trò đáng quý của cây nhãn.

Bình luận (0)
TP
8 tháng 9 2019 lúc 17:27

I, MỞ BÀI

- Dẫn dắt giới thiệu đến vấn đề mà đề bài yêu cầu: Thuyết minh về cây nhãn.

II, THÂN BÀI

* Nguồn gốc, xuất xứ của cây nhãn là từ đâu?

- Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều những ý kiến trái chiều, khác nhau về nguồn gốc của loại cây trồng này.

- Nhiều người cho rằng cây nhãn có nguồn gốc ở Trung Hoa xưa, cụ thể là vùng Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc ngày nay.

- Có người lại cho rằng cây nhãn bắt nguồn từ Ấn Độ hay Indonesia…

* Hình dáng, đặc điểm cây nhãn như thế nào?

- Rễ nhãn: Thuộc loại rễ nấm, tức là ở rễ có nấm cộng sinh giúp cho cây dễ dàng hút nước và các chất dinh dưỡng hơn. Rễ ăn sâu vào lòng đất, tạo cho cây một thế vững chãi, dù mưa gió hay bão lớn thì cũng khó lòng bị đổ.

- Thân và cành nhãn: Có màu nâu xù xì, thô ráp. Một cây có rất nhiều cành. Một cây nhãn có thể cao từ 5 cho đến 10m tùy vào giống và nhiều yếu tố ngoại cảnh khác.

- Lá nhãn: Lá màu xanh, cây xanh tươi quanh năm. Lá dài và hẹp, nhìn giống như hình lông chim.

- Hoa nhãn: Hoa ra vào mùa xuân, có màu vàng nhạt. Hoa nhãn bé li ti, chúng mọc thành từng chùm với nhau ở đầu cành hoặc ở kẽ lá. Hương hoa nhãn không nồng, nếu không chú ý thì khó lòng mà ngửi được.

- Quả nhãn: Đây là bộ phận quan trọng nhất, cũng chính là phần thu hoạch. Quả ra vào đầu hè, những trái nhãn ban đầu còn màu xanh, rất bé, qua thời gian mới lớn dần, chuyển sang màu vàng nâu mềm mịn. Bóc lớp vỏ ra sẽ thấy phần thịt nhãn trắng ngà, cùi dày cùng hột nhãn đen nhánh bên trong. Quả có vị ngọt đậm, có nước và rất ngon.

* Phân loại: Nhãn có tất cả bao nhiêu loại?

- Hiện tại ở Việt Nam có 5 loại nhãn.

+ Nhãn xuồng cơm vàng: Loại nhãn này ưa trồng trên vùng đất cát, cùi dày, giòn và ngọt, được rất nhiều người ưa chuộng.

+ Nhãn lồng Hưng Yên: Đây là loại nhãn rất nổi tiếng, vị ngọt như đường phèn vậy. Cùi to, dày, mọng nước, hạt lại rất nhỏ.

+ Nhãn tiêu da bò: Loại nhãn này được trông nhiều ở Huế, quả nhỏ vỏ mỏng, phần thịt dày và ít nước, rất thơm.

+ Nhãn tiêu quế: Quả nhỏ, vỏng mỏng và nhẵn, thơm. Phần cùi hay được sấy khô.

+ Nhãn long: Một năm cho 2 vụ nhưng không được ưa thích do hạt to, nhiều nước, cùi mỏng.

* Giá trị của cây nhãn

- Giá trị dinh dưỡng: Nhãn có rất nhiều chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết cho cơ thể con người.

- Giá trị kinh tế:

+ Hàng năm nước ta thu hoạch được vô số các loại nhãn khác nhau, đem lại nguồn kinh tế dồi dào cho người dân cũng như đất nước.

+ Không chỉ vậy, quả nhãn còn có thể biến thành nhãn sấy khô, long nhãn… - những đặc sản của một số vùng miền Việt Nam.

+ Cùi nhãn còn có thể làm một vị thuốc trong Đông y

+ Thân nhãn còn cung cấp gỗ làm đồ mỹ nghệ.

* Cách chăm sóc và nuôi trồng nhãn ra sao?

- Cần có chế độ tưới tiêu và bón phân hợp lí.

- Thường xuyên chú ý đến tình trạng của đất và của cây.

III, KẾT BÀI

- Nêu suy nghĩ của bản thân về cây nhãn, về giá trị và vai trò của cây.

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
H24
Xem chi tiết
TT
Xem chi tiết
TT
Xem chi tiết
TC
Xem chi tiết
NT
Xem chi tiết
VT
Xem chi tiết
H24
Xem chi tiết
AN
Xem chi tiết
NA
Xem chi tiết