Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
THỜI GIAN LÀ VÀNG
Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá.
Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh nặng, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết.
Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi các anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại.
Thời gian là tiền. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hóa đúng lúc là lãi, không đúng lúc là lỗ.
Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực,bữa cái, thiếu kiên trì, thì học mấy cũng không giỏi được.
Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội. Bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp.
(Phương Liên )
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản.
Câu 2. Nội dung chính được sử dụng trong văn bản là gì?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản.
Câu 4. Theo em, tại sao tác giả cho rằng: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được?
BÀI 2:
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
“Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, …Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.”
Câu 1. Đoạn văn trên trích từ văn bản nào, tác giả là ai?
Câu 2. Chỉ ra câu văn nêu luận điểm (Câu chủ đề) của đoạn văn?
Câu 3. Đoạn văn sử dụng phép tu từ nào? Nêu tác dụng của phép tu từ ấy?
Câu 4. Nêu nội dung chính của đoạn văn?
Câu 5. Em hãy viết đoạn văn (từ 10 đến 15 câu) cho biết nhân dân Việt Nam đã tiếp nối truyền thống yêu nước của ông cha như thế nào trong thời gian đất nước xảy ra đại dịch Covid-19?
BÀI 3:
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
“Người ta kể chuyện đời xưa, một nhà thi sĩ Ấn Độ trông thấy một con chim bị thương rơi xuống bên chân mình. Thi sĩ thương hại quá, khóc nức lên, quả tim cùng hoà một nhịp với sự run rẩy của con chim sắp chết. Tiếng khóc ấy, dịp đau thương ấy chính là nguồn gốc của thi ca.
Câu chuyện có lẽ chỉ là câu chuyện hoang đường, song không phải không có ý nghĩa. Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài.
Câu 1: Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?
Câu 2: Nêu những phương thức biểu đạt của đoạn văn ?
Câu 3: Trong câu văn: “ Tiếng khóc ấy, dịp đau thương ấy chính là nguồn gốc của thi ca.”, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu rõ tác dụng của biện pháp tu từ đó?
Câu 4: Từ “quả tim và thi ca” trong đoạn văn được hiểu như thế nào?
Câu 5: Nêu nội dung chính của đoạn văn.
Bài 1:
1. PTBĐ: nghị luận
2. Nội dung chính: ý nghĩa của thời gian và bài học cần biết sử dụng thời gian đúng đắn.
3. Biện pháp so sánh: thời gian là vàng => Tác dụng: nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa, sự quý giá của thời gian.
4. Tác giả cho rằng như vậy vì vàng là vật hữu hình, có thể định giá; thời gian là vật vô hình, không thể đong đếm, định giá được. Ai cũng có thời gian nhưng không phải ai cũng biết sử dụng thời gian một cách hợp lí. Qua đó, ta thấy thời gian còn quý giá hơn vàng bạc và chúng ta cần phải biết trân trọng thời gian.
Bài 2:
1. Đoạn văn trên được trích trong văn bản tinh thần yêu nức của nhân dân ta.
2. Câu chủ đề: Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
3. Đoạn văn sử dụng BPTT liệt kê.
=> Tác dụng: Liệt kê ra những tấm gương vĩ đại trong công cuộc bảo vệ tổ quốc.
4. ND chính: lịch sử kháng chiến hào hùng của dân tộc.
5. Hs viết bài. Lưu ý nội dung viết về truyền thống yêu nước trong bối cảnh hiện tại. Hình thức: 10-15 câu.
Bài 3:
1. Đoạn văn trên được trích từ văn bản Ý nghĩa của văn chương - Hoài Thanh.
2. PTBĐ: Nghị luận.
3. BPTT so sánh: sự đồng cảm với nguồn gốc của văn chương
=> Tác dụng: giải thích nguồn gốc của văn chương.
4. Quả tim: tình cảm, sự đồng cảm, yêu thương - nội dung
Thi ca: cách thức thể hiện, bày tỏ tình cảm ấy - hình thức.
5. ND chính: Nguồn gốc của văn chương.