Bài viết số 7 - Văn lớp 7

AD

Đề: Giải thích ý nghĩa lời dạy của Lenin: Học, học nữa, học mãi.

PT
23 tháng 4 2017 lúc 21:05

I/ Mở bài
- Trên con đường tiến tới đài vinh quang của nhân loại, chẳng bao giờ có dấu chân của kẻ lười biếng.
- Qua đó Lê-nin đã nhắc nhở chúng ta về thái độ học tập không ngừng bằng một câu nói nổi tiếng: “Học, học nữa, học mãi.
II/ Thân bài

1)Giải thích ngắn ( là gì ? )
- “Học” là sự kế thừa những kiến thức mà ông cha ta để lại.
- Khi học chúng ta phải tìm hiểu và mở rộng các kiến thức đã thu nhân được từ thế giới xung quanh.
- “Học nữa” là chúng ta phải học từ trình độ này đến trình độ khác.
- Nâng cao trình độ và sự hiểu biết của mình về mọi mặt và ở bất cứ nơi nào
- “Học mãi” có nghĩa là chúng ta phải không ngừng học tập.
- Phải luôn luôn tìm tòi và nghiên cứu những kiến thức mà ta đã học được.
- Từ ngàn xưa, lợi ích của việc học tập là đúc kết những tinh túy và áp dụng chúng vào cuộc sống.
- Chỉ khi có học thức chúng ta mới có thể góp phần đem lại một xã hội văn minh và tiến bộ.
- Như thế lời dạy của Lê-nin mang hàm ý khuyên răn chúng ta phải học hỏi không ngừng và học suốt đời.

2)Lý giải cơ sở nảy sinh vấn đề (Tại sao?)
* LĐ1:
- Kiến thức mà ta biết chỉ là một giọt nước, còn những điều ta chưa biết là biển cả.
+Chỉ có học tập mới giúp ta thỏa mãn sự hiểu biết và sự tò mò của con người.
+Học là con đường ngắn nhất trong hành trình đến với tri thức.

*LĐ2:
- Học tập là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của mỗi con người
+nghĩa vụ: ai cũng phải học tập để có nền tảng kiến thức, góp phần xây dựng bảo vệ Tổ Quốc
+ trách nhiệm: học tập phải là một quá trình nghiêm túc, góp phần xóa nạn mù chữ ở nước ta
+quyền lợi: ai cũng có quyền được học, được trở thành người văn minh, có tri thức

*LĐ3:
- Học tập đem lại lợi ích cho bản thân
+ bảo vệ bản thân
+ tự nuôi sống bản thân
- Và qua đó ta cũng có thể khẳng định giá trị của mình qua những kiến thức mà ta đã áp dụng.

3) Phương hướng vận dụng (Như thế nào?)
- Chúng ta phải cố gắng học tập thật chăm chỉ.
- Với mỗi con người sẽ có nhiều cách học khác nhau, nhưng quan trọng nhất là học phải đi đôi với hành.
- phải luôn học tập không ngừng (qua mỗi giờ trên Trái Đất lại có thêm một phát minh mới ra đời)
- học ở nhà trường và tham khào thêm nhiều từ sách vở, từ kinh nghiệm của mọi người xung quanh
- Nhân vật điển hình
+ nhà bác học nổi tiếng Đắc-uyn : “ Nhà bác học không có nghĩa là ngừng học”.
+Bác Hồ người lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam.
(Bác đã không ngừng học hỏi từ các nước láng giềng và đem những tinh túy ấy áp dụng vào nước ta.)
- Qua đó đã góp phần nâng lên giá trị chân lí của Lê-nin.

4) Phê phán:
- Trong trường học: có những học sinh lười biếng không chăm chỉ học hành, kiến thức dở dang
- Trong xã hội: những người tự kiêu mãn nguyện với những gì mình đã làm được, nên không chịu tiếp tục học hỏi.

III/ Kết bài:
- Câu nói: “Học, học nữa, học mãi” của Lê-nin là câu nói mang ý nghĩa nhân văn lớn cho con người.
- Nó sẽ luôn là một ngọn đèn sáng soi đường dẫn lối cho chúng ta bước tới đài vinh quang của nhân loại

Bình luận (1)
H24
23 tháng 4 2017 lúc 21:20

Trong cuộc đời của mỗi con người ai cũng mong muốn sau này lớn lên sẽ trở thành một con người có ích trong xã hội, đặc biệt trong thời đại mà xã hội ta đang trên con đường đổi mới theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để đất nước có thể theo kịp các nước khác chúng ta phải có nhiều nhân tài. Và đối với thế hệ học sinh, nhiệm vụ học tập là vô cùng quan trọng vì họ chính là người chủ tương lai đất nước, họ phải là những con người có tri thức có trình độ mới có thể làm tốt vai trò quan trọng của mình sau này. Về ý thức học tập Lênin có một câu nói rất nổi tiếng “Học, học nữa, học mãi”.

Để hiểu nội dung của lời khuyên này trước hết chúng ta cần hiểu học là gì? Học là một quá trình thu nhận, tích lũy kiến thức, kĩ năng để giúp cho bản thân có thêm hiểu biết về trình độ khoa học, kĩ thuật. Học là một khái niệm rất rộng chứ không phải bó hẹp trong phạm vi ngôi trường mà ngay từ nhỏ khi sống giữa vòng tay yêu thương của cha mẹ, ông bà chúng ta đã được dạy dỗ từ cách ăn nói, ứng xử, đi đứng đối xử với người trên với bạn bè. Thế rồi khi đến trường chúng ta lại được các thầy cô dạy kiến thức về khoa học về xã hội, và dưới bàn tay chăm sóc Ân cần của các thầy cô giáo ta còn được học cả rèn luyện cả về đạo đức. Và khi đi ra ngoài xã hội ta còn được học hỏi qua bạn bè, qua những người xung quanh mình, rồi còn qua các thông tin đại chúng như đài báo sách vở… Song có một điều chúng ta cần chú ý là phải học toàn diện tránh tình trạng hỏi về bất cứ vấn đề về tự nhiên thì đều biết còn hỏi về các vấn đề xã hội thì chẳng biết gì.

“Học nữa” là học hết trình độ này chúng ta phải chuyển sang trình độ khác, từ dễ đến khó, từ phạm vi hẹp đến phạm vi rộng. Việc học không bao giờ được ngừng nghỉ mà là một mạch nối tiếp nhau và không ngừng nâng cao để ta có cơ hội trau dồi tri thức, nâng cao trình độ hiểu biết của mình. Mỗi lần nâng lên một mức học con người sẽ trưởng thành và vững chắc thêm một bước về tri thức và trình độ và đó là thứ hành trang quý giá giúp con người tự tin khi bước vào cuộc sống tự lập sau này và quan trọng nhất là có tri thức trí tuệ để có thể vận dụng tốt vào công việc và có thể sáng tạo ra những công trình khoa học, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Còn “học mãi” là học liên tục, học không ngừng nghỉ suốt đời, luôn nâng cao trình độ hiểu biết của mình. Học mãi để tạo thành thói quen ham học hỏi, say mê với khoa học. Và việc học phải được liên tục không bị hạn chế bởi tuổi tác. Khi ta còn trẻ việc học tập là đương nhiên thế nhưng khi ta càng cao tuổi thì việc học không vì thế mà ngưng trệ, mà ta cũng cần chăm chỉ học hỏi hơn nữa bằng cách tự học, nghiên cứu qua sách vở. Như vậy việc học là vô tận vừa học vừa làm vô cùng có lợi bởi quá trình làm việc sẽ giúp ta hiểu được mình còn thiếu kiến thức gì và việc học sẽ bổ sung cho ta. Như vậy câu nói rất đơn giản của Lênin đã cho ta thấy cần phải học như thế nào mới giúp ta trở thành con người hoàn thiện, một người có tri thức.

Vậy vì sao chúng ta phải hiểu như vậy? Trước hết việc ta học tập tốt sẽ có lợi cho chính bản thân ta, bởi nếu ta không học sau này ta sẽ không thể làm tốt công việc được. Kết quả công việc sẽ không được tốt đẹp như ta mong muốn và chúng ta sẽ không thể nuôi sống bản thân mình, không thể giúp được gia đình công như không thực hiện được nghĩa vụ cao cả của đất nước; là người làm chủ tương lai đất nước. Bác Hồ đã từng nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai với các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần công lao học tập của các cháu”. Đúng như vậy nếu chúng ta không học tập thì cả thế hệ trẻ sẽ chẳng có ai tài giỏi để giúp cho đất nước tiến lên, vì thế việc học tập là vô cùng cần thiết và hơn thế còn là trách nhiệm đối với mỗi người học sinh chúng ta để đưa đất nước sáng ngang với các nước khác trên thế giới. Và chúng ta không học tập tốt không nắm được những tri thức khoa học hiện đại chúng ta sẽ trở thành những người lạc hậu trước sự lớn mạnh như vũ bão của khoa học kĩ thuật trong ngày nay. Như vậy học tập tốt là giúp cho ta và cho xã hội hơn nữa là phát huy truyền thống hiếu học của ông cha ta từ xưa cho đến nay.

Ngày xưa ông cha ta đã có một truyền thống hiếu học như Mạc Đĩnh Chi là con nhà nghèo nhưng vẫn ham mê học đêm đến vì nhà nghèo không có đèn học nôn ông phải bắt đom đóm cho vào vỏ trứng để học và sau thành tài… Ngày xưa chúng ta có biết bao tấm gương chăm học tập và ngày nay chúng ta cũng cần noi gương theo cha ông.

Song việc học như thế nào để đem lai hiệu quả tốt thì chúng ta thấy cần phải học tập thật chăm chỉ, học say mê hứng thú và phải luôn sáng tao, bên cạnh đó chúng ta cũng cần xem xét phương pháp học tập sao cho đại được kết quả cao. Khi đến lớp cần chăm chú nghe cô giáo giảng bài, ghi chép đầy đủ về nhà học lại và làm bài tập đầy đủ, chuẩn bị bài mới trước khi đến lớp. Ngoài ra ta còn phải học hỏi thêm bạn bè thầy cô giáo và quan trọng là chúng ta phải luôn chủ động trong việc học tránh sự sao chép học tủ học lệch để có thể phát huy được tính sáng tạo của mình. Luôn tạo cho mình một thói quen học tập thật nghiêm túc, say mê, sáng tạo. Học phải đi đôi với hành bởi có như vậy chúng ta mới nhớ lâu kiến thức đã được học.

Câu nói trên của Lênin đã khuyên chúng ta phải học tập thật nhiều học không mệt mỏi để tạo thành nguồn kiến thức vô tận trong mỗi người để sau này trưởng thành có thể làm chủ mọi công việc, góp phần xây đựng đất nước, xã hội ngày một giàu đẹp văn minh. Đó là một lời khuyên mà mỗi học sinh chúng ta cần nhớ và làm theo.

Bình luận (1)
LN
29 tháng 4 2017 lúc 14:00

Con người có thể tìm thấy nguồn tri thức rộng lớn cho mình từ những cái mà họ bắt đầu. Nguồn tri thức rộng lớn ấy đã khởi nguồn trong tiềm thức con người cái gọi là tri thức sáng tạo và tìm hiểu- cái gọi là học tập. Con người đã định hướng được tầm quan trọng của việc học từ thời xa xưa, những tri thức ấy dần dà được tích lũy và truyền đạt cho thế hệ ngày nay. Vì ý thức được tầm quan trọng ấy của việc học, Lê - nin đã từng khuyên con cháu rằng: “Học, học nữa, học mãi”.

Lời khuyên ngắn gọn như một khẩu hiệu thúc giục mọi người học tập. Vậy ý nghĩa của nó là gì? “Học” không chỉ đơn thuần là tích lũy thật nhiều kiến thức, mà nó còn là sự trau dồi, học hỏi thêm về lối sống đạo đức, những cái hay, cái đẹp của cuộc sống, con người từ trước đến nay được hình thành qua nhiều thế hệ. Đạo đức và nhân phẩm con người là một điều không thể thiếu. Vì vậy nên cái đó cũng cần phải học, và cái đó cũng được coi là một thứ kiến thức sống tốt đẹp mà ai cũng phải học hỏi. Cụm từ “học nữa” thì thúc giục chúng ta tiếp tục học. Nó cũng mang hàm ý là đã học rồi nhưng cần phải tiếp tục học thêm nữa. Khẳng định vấn đề quan trọng về công việc học tập là ý nghĩa của vế thứ ba. Học tập là công việc suốt đời, mãi mãi. Con người luôn luôn phải học hỏi ngay cả khi mình đã có được một vị trí trong xã hội.

Từ lâu việc học là vấn đề cần thiết. Nó đào tạo chúng ta thành người có kiến thức để giúp ích cho cuộc sống văn minh, tiến bộ. Xã hội ngày một đi lên theo thời gian, đất nước ngày càng cần nhiều nhân tài có trình độ cao, hiểu biết rộng xây dựng đất nước phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng khuyên dạy. Học tập còn giúp chúng ta tồn tại và sống tốt trong xã hội, bởi xã hội luôn luôn vận động, cái mới luôn luôn được sinh ra, nếu ta không chịu khó học tập thì ta sẽ nhanh chóng bị lạc hậu về kiến thức.Và vì cuộc sống có rất nhiều nhân tài, nếu ta không chịu khó học hỏi thì ta sẽ thua kém họ và dần dần sẽ mất đi vị trí của mình trong xã hội. Câu nói của Lê-nin muốn nhấn mạnh về những tri thức trong cuộc sống. Nó chưa bao giờ có giới hạn, con người cũng không thể tự nhận thấy những thứ mình học đã đủ. Họ cần phải nhận ra mọi điều họ biết chỉ là một hạt cát trong đại dương mênh mông mang tên tri thức.

Song phải học như thế nào để đem lại hiệu quả tốt? Chúng ta cần phải học tập thật chăm chỉ, học say mê hứng thú và phải luôn sáng tao, bên cạnh đó chúng ta cũng cần xem xét lại phương pháp học tập của mình. Khi đến lớp cần chăm chú nghe cô giáo giảng bài, ghi chép đầy đủ về nhà học lại và làm bài tập đầy đủ, chuẩn bị bài mới trước khi đến lớp. Ngoài ra ta còn phải học hỏi thêm bạn bè thầy cô giáo và quan trọng là chúng ta phải luôn chủ động trong việc học tránh sự sao chép, học tủ, học lệch để có thể phát huy được tính sáng tạo của mình. Luôn tạo cho mình một thói quen học tập thật nghiêm túc, say mê, sáng tạo.

Ngày xưa, nhân dân ta đã có truyền thống hiếu học. Đầu tiên phải nhắc tới trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Mạc Đĩnh Chi là con nhà nghèo, hiếu học từ nhỏ. Mặc dù không có tiền ăn học nhưng cậu bé rất thèm được học. Mỗi lần gánh củi qua trường, cậu lại học lỏm. Nhiều ngày như vậy, thầy thấy cậu bé nhà nghèo mà hiếu học, thầy cho phép cậu bé vào trường. Nhờ có trí thông minh, Mạc Đĩnh Chi nhanh chóng trở thành học trò giỏi nhất trường. Buổi tối, Mạc Đĩnh Chi mới có thì giờ đọc sách vì ban ngày cậu phải làm việc khác. Nhưng lại không có đèn dầu thắp, cậu bé đã nghĩ ra cách bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng làm đèn. Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất chính là Nguyễn Hiền. Cha mất sớm, cậu phải sống với mẹ trong một căn nhà nhỏ bên cạnh ngôi chùa ở Nam Định. Vị sư trụ trì của chùa là người uyên thâm Nho học, vừa tụng kinh niệm phật vừa dạy học cho những trẻ chưa biết chữ trong làng. Khi còn rất nhỏ, Nguyễn Hiền đã lân la ở lớp học và tiếp xúc với sách vở. Cùng với trí thông minh hơn người, dù chưa tới tuổi đi học nhưng Nguyễn Hiền đã tỏ ra là người hiểu biết hơn người. Ông là người đỗ đầu trong kỳ thi năm 1247 dưới triều Trần, và khi đó ông chỉ mới 12 tuổi. Lương Thế Vinh là người Nam Định. Từ nhỏ ông có khả năng học thuộc, trí nhớ hơn người, nhanh hiểu và đầy sáng tạo trong các trò chơi với bạn bè. Năm 23 tuổi, Lương Thế Vinh đỗ trạng. Ông làm quan dưới triều Lê trong 32 năm, là người học rộng hiểu sâu, Lương Thế Vinh trở thành nhà bác học toàn diện của Việt Nam. Ở lĩnh vực toán học, ông dạy cho người đời các phép tính cửu chương, cách đo đạc, hệ thống đo lường… chính vì vậy ông còn được gọi là “Trạng Lường”.

Câu nói của Lê-nin luôn mang một giá trị to lớn, khích lệ chúng ta cần chăm chỉ, cần cù học tập thường xuyên thì ta có thể giúp ích cho xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn. mỗi chúng ta nếu không cố gắng học tập, thì đã tự giam mình vào một cái lồng của thứ kiến thức nhỏ bé, thứ kiến thức không có giá trị.

Bình luận (0)
LH
1 tháng 5 2018 lúc 22:00

Dù Bác Hồ đã đi xa nhưng trong trí nhớ của mỗi người học sinh Việt Nam chúng ta vẫn luôn khắc sâu những lời dạy của Người. Trong “Năm điều Bác Hồ dạy”, Bác đã khuyên học sinh: "Học tập tốt, lao động tốt". Vậy lời dạy trên có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay?

Lời dạy bảo sâu sắc thúc đẩy chúng ta hành động nhưng trước hết để làm tốt, chúng ta phải hiểu đúng và rõ lời dạy đó. “Học tập tốt” nghĩa là chăm chỉ, cần cù tìm hiểu, học hỏi trong quá trình tiếp thu và lĩnh hội kiến thức. “Học tập tốt” là học có động cơ, mục đích đúng đắn. Đó là học để tiếp thu nguồn tri thức, làm giàu vốn hiểu biết của mình. Học để làm người bởi “người không học không biết rõ đạo”. Không những thế, những người “học tập tốt” luôn có tinh thần, thái độ “học tập tốt”. Đó là đi học chuyên cần, luôn luôn học hỏi, tự giác học, biết kính thầy yêu bạn. “Học tập tốt” còn được thể hiện ở phương pháp học tập khoa học, mang lại hiệu quả cao. “Lao động tốt” có nghĩa là chúng ta phải tự giác lao động, trong quá trình làm việc phải đảm bảo các quy định đã đề ra. Lao động có hiệu quả, hoàn thành tốt công việc được giao phó cũng là biểu hiện của “lao động tốt”. Để làm được điều đó cần tuân thủ ba yêu cầu là kỉ luật, kĩ thuật và năng suất cao. Nghĩa là trong quá trình lao động, phải tuân thủ quy định, giờ giấc, ý thức, những yêu cầu về mặt kĩ thuật của quy trình sản xuất. Nếu “lao động tốt” sẽ tăng năng suất và hiệu quả lao động. Như vậy, “học tập tốt” và “lao động tốt” là những yêu cầu rất cần thiết đối với bản thân mỗi người trong cuộc sống.

Vì sao học sinh chúng ta cần “học tập tốt” và “lao động tốt”? “Học tập tốt” giúp ta trang bị được vốn tri thức vững chắc và kĩ năng cần thiết để tự tin vào đời. Đó cũng là một cách để chúng ta khẳng định được bản thân mình trong mắt mọi người. Nếu chúng ta “học tập tốt” sẽ không phụ lòng mong mỏi của thầy cô, cha mẹ và sự tin yêu của bạn bè. “Học tập tốt” là con đường hiệu quả nhất để “lao động tốt”. Và như thế mỗi chúng ta sẽ có một công việc ổn định sau khi ra trường để tự nuôi sống bản thân, gia đình; để ta không trở thành gánh nặng cho mọi người và cả xã hội. Hơn nữa, theo Bác việc học tập của học sinh hôm nay còn đóng góp một phần lớn cho Tổ quốc mai sau. Còn chúng ta phải lao động tốt trước hết là vì bản thân chúng ta. Năng suất lao động cao, thu nhập cũng sẽ được tăng lên, cuộc sống của mỗi người sẽ được cải thiện. Đặc biết, uy tín và danh dự của chúng ta sẽ được củng cố nếu chúng ta luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. “Lao động tốt” sẽ góp phần rất lớn vào việc xây dựng đất nước. Đất nước muốn giàu mạnh, phát triển thì không thể thiếu “lao động tốt”. Thực hiện tốt lời dạy của Bác là đã góp phần vào công cuộc đổi mới nước nhà. Người đã từng nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, đó là nhờ phần lớn công học tập của các cháu”. Bởi vậy nên chỉ có học tập tốt, lao động tốt mới có thể giúp chúng ta áp dụng kiến thức vào cuộc sống, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Dân có giàu thì nước mới mạnh, đời sống mỗi ngày một nâng cao. Nếu như tất cả mọi người đều lười biếng, không học tập, không lao động thì tương lai của đất nước chúng ta sẽ ra sao. Chắc chắn rằng cái xã hội đó sẽ không tiến lên được dù chỉ là một bước, thậm chí còn thụt lùi hơn. Qua lời dạy của Bác, chúng ta có thể hiểu được phần nào tầm quan trọng của việc “học tập tốt, lao động tốt” đối với bản thân mỗi người và cả cộng đồng.

Vậy chúng ta phải làm gì để thực hiện lời dạy trên của Người? “Học tập tốt” không phải là công việc dễ dàng. Việc học phải có mục tiêu trước mắt và mục tiêu tương lai. Chúng ta cũng cần có thái độ học tập đúng đắn. Ở trên lớp cần chú ý nghe thầy cô giáo giảng bài, ghi chép bài đầy đủ, phát biểu xây dựng bài, bài nào chưa hiểu thì nhờ thầy cô giáo giảng giải thêm. Ở nhà, chúng ta cần học bài, làm bài tập đầy đủ, tìm hiểu bài mới, đọc thêm sách tham khảo. Cần chú ý tự học để tự trau dồi thêm kiến thức cho mình. Chúng ta cũng phải có phương pháp học tập khoa học: học bằng sơ đồ tư duy, không nên học tủ, học vẹt. Không nên nhét vào đầu những kiến thức lý thuyết suông mà không biết vận dụng vào thực tế. “Học đi đôi với hành”, cần có sự kết hợp giữa học và hành, vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế cuộc sống. Không chỉ học ở thầy mà còn học hỏi thêm ở bạn bè, không những học ở sách vở mà cần học thêm ở ngoài thực tế cuộc sống. Trong lao động, chúng ta cần có ý thức hơn trong việc tuân thủ giờ giấc, ý thức kỉ luật. Đối với chúng ta, lao động tốt cũng có nghĩa là học tập tốt. Ngoài việc học chúng ta cũng cần lao động như ở trường thì dọn dẹp lớp học, đổ rác, trồng, chăm sóc cây, tham gia các hoạt động của trường, lớp... Ở nhà chúng ta giúp đỡ bố mẹ như quét nhà, phơi đồ, xếp đồ, rửa chén, trong em… “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”…

Lời dạy của Bác vô cùng quý báu và sâu sắc. Qua lời dạy, ta thấy Bác đã quan tâm tới thanh thiếu niên biết nhường nào. Để xứng đáng với lòng mong mỏi và sự tin yêu của Bác, mỗi chúng ta sẽ tu dưỡng phấn đấu để trở thành những công dân vừa “hồng thắm” vừa “chuyên sâu” mà Người hằng mong mỏi.

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
H24
Xem chi tiết
VN
Xem chi tiết
DN
Xem chi tiết
PT
Xem chi tiết
PT
Xem chi tiết
LG
Xem chi tiết
PT
Xem chi tiết
PT
Xem chi tiết
PT
Xem chi tiết