Lập dàn bài:
Mở bài : - Hoàn cảnh ra đời của bài thơ vào thời kì chống Mĩ.
- Nhà thơ Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ xuất sắc trong thơ ca hiện đại Việt Nam. Bài thơ " Tiếng gà trưa " là bài thơ hay về tình bà cháu trong dòng hồi tưởng của người cháu.
Thân bài : - Những cảm xúc chung về mạch cảm xúc của bài thơ : Bài thơ diễn tả cảm xúc tràn đầy qua " tiếng gà gáy " vào buổi trưa với một giọng kể và tả ngọt ngào, lắng đọng.
- Những suy nghĩ và cảm xúc cụ thể có thể dựa vào nội dung và nghệ thuật bài thơ :
+ Âm thanh tiếng gà trưa đã làm cho người chiến sĩ xôn xao trong lòng, gợi nhớ biết bao kỉ niệm : Kỉ niệm về con gà mái mơ, kỉ niệm về tuổi thơ xem trộn gà đẻ và bị bà mắng. Đặc biệt là hình ảnh của người bà hiện ra trong kí ức là người bà yêu thương cháu hết mực, tần tảo, chắt chiu cho con gà mái ấp.
+ Cảm xúc về hiện tại từ âm thanh của tiếng gà trưa như thôi thúc , giục giã người chiến sĩ chiến đấu vì tình yêu Tổ Quốc, tình yêu làm xóm và tình yêu bà .
+ Bài thơ được làm theo thể thơ 5 chữ nhưng biến đổi linh hoạt . Âm thanh của tiếng gà trưa được lặp đi lặp lại nhiều lần qua điệp từ " nghe " và điệp từ " vì ".
Kết bài : - Ấn tượng chung về bài thơ.
- Bài thơ thể hiện cảm xúc chân thành, mộc mạc, sâu lắng về hồi ức tuổi thơ. Tình cảm trong bài thơ đã trở thành nguồn động lực cho người cháu trên đường hành quân xa.
Chúc bạn học tốt!
MB : Mỗi người trong chúng ta ai cũng có quê hương, nơi ghi dấu bao kỉ niệm êm đềm của tuổi thơ. Tình cảm quê hương thường rất sâu kín trong tâm hồn mỗi người mà nhiều khi chỉ cần một sự việc bất ngờ, tình cảm ấy sẽ trỗi dậy mãnh liệt. Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh có lẽ được ra đời trong trường hợp như thế. Bài thơ khiến người đọc không thể quên.
TB : Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Người chiến sĩ trên chặng đường hành quân đã dừng chân nghỉ ở một xóm nhỏ ven đường. Thật bất ngờ, đúng lúc ấy, người chiến sĩ bỗng nghe được một âm thanh quen thuộc:
“Cục… cục tác cục ta”
Tiếng gà nhảy ổ, âm thanh rất đỗi quen thuộc của làng quê, gợi lên trong lòng người chiến sĩ bao cảm giác, cảm xúc, đánh thức bao kỉ niệm trong lòng người chiến sĩ.
Trước hết kỉ niệm về đàn gà:
Này con gà mái tơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng
Những từ này gợi lên hình ảnh đàn gà thân thuộc. Dường như người chiến sĩ đang hình dung trước mắt mình từng con gà mái vàng, mái mơ. Có lẽ đã bao nhiêu năm xa nhà, vẫn nhớ rõ những vật nuôi tầm thường ấy. Và có lẽ bởi đàn gà ấy gắn với hình ảnh người bà thân thương:
Tay bà khum soi trứng
Dành từng quả chắt chiu
Kỷ niệm về bà sao mà da diết!. Hình ảnh bà hiện lên tần tảo, vất vả, hết lòng lo toan, chắt chiu, dành dụm cho cháu. Món quà tuổi thơ “cái áo chúc bâu”, “cái quần chéo go” không phải là món quà đẹp, đắt tiền nhưng với cháu, đó là niềm vui lớn khi năm mới đến. Giờ đây sau nhiều năm đi xa, nhớ về món quà bình dị ấy, người cháu như nhớ về kỉ niệm đẹp đẽ đáng trân trọng nhất vì món quà ấy là tình thương yêu, là sự hy sinh thầm lặng mà mộc mạc của bà. Tôi thấy người bà trong bài thơ cũng giống như bao người bà, người mẹ Việt Nam khác, dịu hiền và cao đẹp biết bao!
Cứ tưởng, tiếng gà trưa chỉ đánh thức kỉ niệm. Nhưng thật bất ngờ và thú vị kỉ niệm ấy làm đẹp thêm những tình cảm với nhau một cách thật hợp lí: tình yêu bà và tình yêu quê hương, Tổ quốc.
Ðoạn cuối của bài thơ gợi lên trong lòng người đọc những tình cảm thật cao đẹp, thiêng liêng:
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ
Xuân Quỳnh không phải là nhà thơ đầu tiên bộc lộ tình yêu gia đình, yêu quê hương, Tổ quốc. Trước Xuân Quỳnh hàng trăm năm, ca dao dân gian và văn học bác học đã rất thành công khi viết về những tình cảm ấy. Vậy mà, chúng ta vẫn rất thích đoạn thơ cuối này bởi cách thể hiện rất riêng của nữ sĩ. Những tình cảm lớn lao được viết một cách thật dung dị và tự nhiên: yêu Tổ quốc, quê hương, từ tình yêu bà, yêu “Ổ trứng tuổi thơ”; chiến đấu vì quê hương, vì xóm làng, vì bà và cả “Ổ trứng tuổi thơ” đó. Chính cách nói đó khiến chúng ta tin tình cảm của người cháu trong bài thơ là rất chân thành, mãnh liệt. Người cháu trân trọng hiện tại và tương lai của dân tộc, đất nước.
KB :Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh là một bài thơ dễ thương, dễ mến, bắt đầu bằng những điều bình dị nhưng lại đưa ta đến những tình cảm lớn lao, cao đẹp, nhỏ nhẹ và sâu lắng.