I. Tác giả - Tác phẩm
1. Tác giả
Hồ Chí Minh sinh ngày 19 - 5 - 1890 tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Thuở nhỏ, người học chữ Hán trong già đình, rồi học ở trường Quốc học Huế. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước (1911) người từng có một thời gian dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) với tên gọi Nguyễn Tất Thành.
Từ năm 1919, Nguyễn Ái Quốc (tên hoạt động của Bác lúc đó) tham gia nhiều hoạt động cách mạng ở Pháp, Liên Xô, Trung Quốc. Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Sau 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, tháng 2/1941, Người trở về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám. Cách mạng thành công, Người được bầu làm Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ cộng hòa. Từ đó, người luôn đảm nhiệm những chức vụ cao nhất của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo toàn dân giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Người qua đời ngày 2-9-1969 tại Hà Nội.
2. Tác phẩm
Chiều tối (Mộ) là bài thơ thứ 31 của tập Nhật kí trong tù. Nó được Bác sáng tác vào cuối mùa thu năm 1942 trên con đường từ Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo. Đó là một buổi chiều tối, dù đã trải qua một ngày gian lao vất vả nhưng Bác vẫn còn tiếp tục bị bọn lính áp giải trên đường và trước mắt là một đêm trong nhà giam chật hẹp, bẩn thỉu.
Bài thơ tiêu biểu cho thơ trữ tình Hồ Chí Minh: nhà thơ không trực tiếp bộc lộ cảm nghĩ nội tâm mà biểu hiện qua cách cảm nhận hình ảnh, cảnh vật khách quan. Qua bức tranh cảnh vật ta thấy được những nét đẹp tâm hồn của một nhà thơ - chiễn sĩ: lòng yêu thiên nhiên, con người, yêu cuộc sống, phong thái ung dung tự chủ và niềm lạc quan, nghị lực kiên cường vượt lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt, tối tăm.
II. Trả lời câu hỏi
1. Bức tranh thiên nhiên trong hai câu thơ đầu của bài thơ
Chiều tối là thời khắc cuối cùng của một ngày và với một tù nhân như Bác đấy cũng là chặng cuối cùng của một ngày đày ải. Thời gian và hoàn cảnh như thế dễ gây tâm trạng mệt mỏi chán chường. Vậy mà ở đây cảm hứng thơ lại đến với Bác thật tự nhiên. Trời về chiều lại đi giữa nơi đường núi, như một lẽ tự nhiên, người tù ngước lên cao để đón chút ánh sáng cuối cùng của ngày, đó cũng chính là lúc người bắt gặp cánh chim mỏi mệt đang tìm bay về tổ, bắt gặp chùm mây chầm chậm trôi qua lưng trời. Bài thơ không gợi tả màu sắc mà người đọc vẫn cảm thấy rừng núi chiều tối thật âm u, không hề gợi âm thanh mà nghe thật vắng vẻ, quạnh hiu.
Câu thơ thứ hai trong bản dịch không thể hiện được hết ý của câu thơ trong nguyên tác. Câu này phải hiểu đúng là: "Chòm mây lẻ loi lững lờ qua qua lưng chừng trời". Câu thơ gợi nhớ thơ Thôi Hiệu "Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay" - Hoàng Hạc Lâu và thơ Nguyễn Khuyến "Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt" - Thu điếu, chỉ có điều, trong thơ Bác không phải là áng mây trằng ngàn năm vẫn bay gợi sự vĩnh hằng, hay tầng mây lơ lửng gợi sự không vĩnh viễn mà mang bao nỗi khắc khoải, mơ hồ của con người trước cõi hư không. Phải có một tâm hồn thật ung dung thu thái thì người tù mới có thể dõi theo một chòm mây thong thả giữa bầu trời bao la. Hơn thế, chòm mây như có hồn người, như mang tâm trạng. Nó cô đơn, lẻ loi và lặng lẽ, lờ lững trôi giữa không gian rộng lớn của trời chiều.
2. Bức tranh đời sống trong hai câu thơ cuối
Nếu như trong hai câu thơ đầu cảnh vật mang tính ước lệ cổ điển thì hình ảnh ở trong hai câu thơ cuối lại được gợi tả một cách cụ thể, sinh động như một bức tranh hiện thực. Và chính nét vẽ đời thường này đã làm cho bài thơ thêm dáng vẻ hiện đại, hơn thế, trong sự đối sánh với hình ảnh cánh chim và chòm mây ở trên, hình ảnh cô gái xay ngô, hình ảnh con người nổi bật lên như là trung tâm của bức tranh thiên nhiên.
Bức tranh trong hai câu thơ cuối vẽ cảnh người thiếu nữ xóm núi trong lao động. Trong hoàn cảnh đầy tâm trạng, Bác đã quên đi cảnh ngộ đau khổ của mình để cảm nhận cuộc sống của nhân dân. Câu thơ cho thấy sự quan tâm và tình yêu thương của Bác với những người lao động nghèo. Hình ảnh cô gái xay ngô toát lên vẻ trẻ trung, khỏe mạnh, sống động và chính cuộc sống lao động bình dị đó càng trở nên đáng quý, đáng tôn trọng biết bao giữa núi rừng chiều tối âm u,heo hút - nó đưa lại cho người đi đường lúc chiều hôm chút hơi ấm của sự sống, chút niềm vui hạnh phúc và hạnh phúc trong lao động của con người.
Hai câu thơ cuối tạo nên một nhịp điệu đều và khỏe khắn, đó là do sự vắt dòng giữa cụm từ "ma bao túc" ở câu 3 với "bao túc ma hoàn" ở câu 4. Hình ảnh cô gái và bếp lửa tượng trưng cho cảnh gia đình, ngô xay xong, bếp lửa đỏ hồng lại tượng trưng cho công việc, sự nghỉ ngơi và sum họp - thấp thoáng trong những hình ảnh ấy như có một ước mơ thầm kín về mái ấm gia đình của người đang lưu lạc xa nhà, xa quê hương đất nước.
3. Nghệ thuật tả cảnh và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của bài thơ
- Nghệ thuật tả cảnh trong bài thơ vừa có những nét cổ điển vừa có nét hiện đại. Bài thơ chủ yếu là gợi tả chứ không phải miêu tả, vì thế mà có thể cảm nhận tính chất hàm súc của thơ rất cao.
- Ngôn ngữ trong bài thơ được sử dụng rất linh hoạt và sáng tạo. Một số từ ngữ vừa gợi tả lại vừa gợi cảm. Biện pháp láy âm vắt dòng ở câu 3 và câu 4 tạo nhịp thơ khỏe khoắn. ngoài ra bài thơ có những chữ rất quan trọng , có thể làm sáng lên cả bài thơ, ví như chữ hồng trong câu thơ cuối chẳng hạn.