Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Chưa có thông tin , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 29
Số lượng câu trả lời 37
Điểm GP 14
Điểm SP 52

Người theo dõi (9)

LT
HT
HA
LN

Đang theo dõi (0)


Câu trả lời:

Truyện Kiều từ lâu đã được đánh giá là một kiệt tác, đỉnh cao của nghệ thuật thơ ca tiếng Việt và thi hào Nguyễn Du được công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. Thế nhưng dưới thời phong kiến trước đây, đã có lúc Truyện Kiều bị kết tội là “dâm thư” và trong dân gian lưu truyền câu nói: Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều. Dựa trên cơ sở giá trị bất hủ của Truyện Kiều, chúng ta có thể khẳng định rằng đây là quan điểm sai lầm của một số nhà Nho bảo thủ.

 

Dạng đầy đủ của câu nói đó như sau:

 

Đàn ông chớ kể Phan Trần,

Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều.

 

Ý nghĩa của câu nói này là răn đe nam nữ chớ noi gương Phan Trần trong truyện thơ Phan Trần và Thúy Kiều trong Truyện Kiều, làm những điều trái với lễ giáo phong kiến. Các nhà Nho bảo thủ cho rằng Thúy Kiều là một cô gái hư vì đã dám coi thường chuẩn mực đạo đức phong kiến. Đạo đức ấy quy định người phụ nữ phải đoan chính, phải giữ chữ trinh làm đầu. Trong khi luân lí quy định nam nữ thụ thụ bất thân, vậy mà Thúy Kiều lại dám: Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình sang gặp Kim Trọng để thổ lộ lòng mình. Đã thế, trong quãng đời mười lăm năm lưu lạc, Thúy Kiều phải trải qua: Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần, hết gá nghĩa với Thúc Sinh lại kết duyên vợ chồng với Từ Hải. Chính những điều ấy khiến các nhà Nho thủ cựu phê phán Thúy Kiều mà không cần tìm hiểu, phân tích rõ nguyên nhân.

 

Chúng ta thấy họ đã sai lầm và phiến diện khi đánh giá Thúy Kiều và Truyện Kiều vì Thúy Kiều là người con gái đáng thương và đáng trân trọng. Nàng không chỉ tài sắc vẹn toàn mà còn có phẩm hạnh cao quý hiếm thấy. Trong tình yêu với Kim Trọng, Thúy Kiều là người tình tuyệt vời. Nàng đã dám vượt qua những trói buộc hà khắc của lễ giáo phong kiến để chủ động đi tìm hạnh phúc. Điều đó thể hiện khát vọng sống, khát vọng yêu mãnh liệt. Hành động của Thúy Kiều thật đáng yêu, đáng phục. Thử hỏi các cô gái ngày nay mấy người dám suy nghĩ và hành động mạnh dạn như nàng? Không ngồi chờ số phận, không chấp nhận quy định: Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy của lễ giáo phong kiến cổ hủ, đó là sự dũng cảm, tiến bộ của Thúy Kiều.

 

 Chúng ta hãy trở lại với mối tình khá đặc biệt của lứa đôi Kim Trọng, Thúy Kiều, một trong những nguyên nhân dẫn đến quan niệm cực đoan trên. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì hai người đã bị ‘‘tiếng sét ái tình" đánh trúng ngay từ phút đầu tiên gặp gỡ trong một buổi chiều của tiết Thanh minh, để rồi Người quốc sắc kẻ thiên tài, Tình trong như đã mặt ngoài còn e. Sau lúc chia tay, hình bóng Kim Trọng đã in đậm trong trái tim đa cảm của Thúy Kiều khiến nàng thao thức, băn khoăn suốt canh thâu: Người đâu gặp gỡ làm chi, Trăm năm biết có duyên gì hay không ? Tình yêu chân thành, mãnh liệt đã thôi thúc nàng Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình sang tâm sự với chàng Kim. Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường, cử chỉ hăm hở và mạnh bạo của Thúy Kiều đã gây ngạc nhiên đến sững sờ cùng với phản ứng dữ dội của những người vốn coi trọng luân thường đạo lí Nho giáo. Họ không thể chấp nhận một tiểu thư khuê các như Thúy Kiều mà lại có tư tưởng tự do, tình yêu tự do vượt ra ngoài khuôn khổ của lễ giáo và sợ rằng nàng sẽ là gương xấu cho nữ giới. Đó cũng là điều dễ hiểu dưới thời phong kiến.

 

Thúy Kiều đã tự tìm đến với người yêu, với tình yêu. Tuy chủ động tìm đến với Kim Trọng nhưng Thúy Kiều luôn giữ sự đoan trang, đúng mực. Trong đêm thề nguyền đính ước, khi Kim Trọng: Sóng tình dường đã xiêu xiêu, Xem trong âu yếm có chiều lả lơi thì Thúy Kiều đã tế nhị, nhẹ nhàng khuyên nhủ:

 

Đã cho vào bậc bố kinh,

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.

Phải tuồng trên bộc trong dâu,

Thì con người ấy ai cầu làm chi!

 

Thúy Kiều không làm gì sai trái với đạo đức mà nàng chỉ không tuân theo những ràng buộc phi lí, cổ hủ của chế độ phong kiến mà thôi.

 

Nếu nhìn nhận và đánh giá tình yêu Kim Trọng – Thúy Kiều theo quan niệm của thời nay thì chúng ta thấy rằng đó là một tình yêu hồn nhiên, trong sáng. Nó không bị chi phối, không vướng bận bởi bất cứ một toan tính vật chất nào mà thuần là tiếng nói của hai trái tim, hai tâm hồn hòa hợp. Cho nên nó nhanh chóng trở thành lời thề nguyền vàng đá trăm năm. Tình yêu ấy dù dang dở nhưng nó vẫn ám ảnh mọi suy nghĩ, cảm xúc của Thúy Kiều trong suốt mười lăm năm lưu lạc: Khi Vô Tích, khi Lâm Tri, Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương với thân phận tủi nhục: Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần. Mỗi lần chìm đắm trong đau khổ, Thúy Kiều đều nghĩ tới Kim Trọng với một tình cảm xót xa, nuối tiếc: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng, Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

 

Như vậy là tình yêu và phẩm giá của Thúy Kiều rất xứng đáng với hai câu thơ ca ngợi của Nguyễn Du: Như nàng lấy hiếu làm trinh, Bụi nào cho đục được mình ấy vay? Hay như nhận xét của Chu Mạnh Trinh, một nhà Nho tiến bộ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX vốn rất mê hình tượng Thúy Kiều thì: Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên.

 

Đối với cha mẹ, Thúy Kiều là người con hiếu thảo hiếm có. Sau lời vu oan của một thằng bán tơ nào đó, gia đình nàng tan tác. Thúy Kiều đành phải ngậm ngùi gác mối tình đầu trong sáng, thiết tha với Kim Trọng rồi quyết định bán mình cho Mã Giám Sinh để lấy ba trăm lạng vàng chuộc cha và em ra khỏi chốn ngục tù : Để lời thệ hải minh sơn, Làm con trước phải đền ơn sinh thành. Hành động bán mình chuộc cha của Thúy Kiều khiến người đọc cảm phục và thương xót.

 

Sau khi bước chân lên cỗ xe định mệnh: Đùng đùng gió giục mây vần, Một xe trong cõi hồng trần như bay, Thúy Kiều đã dấn thân vào kiếp đoạn trường. Suốt mười lăm năm lưu lạc, nàng luôn bị những thế lực đen tối vùi dập xuống bùn nhơ. Mấy lần nàng cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi đêm tối của số phận nhưng lại càng bị nhấn chìm sâu hơn nữa. Làm sao chúng ta có thể trách một người con gái liễu yếu đào tơ như Thúy Kiều?! Có trách là trách cái xã hội vạn ác đã nhẫn tâm chà đạp lên số phận của người phụ nữ đáng thương ấy.

 

Để thoát khỏi kiếp kĩ nữ tủi nhục chốn lầu xanh nhơ nhớp, Thúy Kiều đành chấp nhận làm lẽ Thúc Sinh. Cuộc hôn nhân tạm bợ này kéo dài chưa được bao lâu thì nàng bị vợ cả Thúc Sinh là Hoạn Thư bắt cóc về nhà làm con ở, đày đọa cất đầu chẳng lên, đang đêm phải bỏ trốn khỏi Quan Âm Các. Thoát chốn hang hùm, Thúy Kiều lại rơi vào ổ rắn. Lần thứ hai, Thúy Kiều bị Bạc Bà, Bạc Hạnh lừa bán vào lầu xanh. Đau đớn và tuyệt vọng, nàng đã thốt lên những lời bất bình, uất hận:

 

Chém cha cái số hoa đào,

Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!

Nghĩ đời mà ngán cho đời,

Tài tình chi lắm cho trời đất ghen!

Tiếc thay nước đã đánh phèn,

Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần!

 

Từ Hải yêu vì sắc trọng vì tài nên đã bỏ tiền chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh và cưới nàng làm vợ. Chàng còn giúp nàng thỏa ước nguyện đền ơn, báo oán, gột rửa bao tủi hờn chất chứa trong lòng bấy lâu nay. Sống sung sướng, đầy đủ bên người anh hùng hiểu mình, thương mình hết lòng nhưng Thúy Kiều vẫn không quên tình cũ, người xưa:

 

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

 

Xã hội trọng nam khinh nữ quan niệm rằng: Trai năm thê bảy thiếp, Gái chính chuyên chỉ có một chồng, cho nên các nhà Nho căn cứ vào đó để kết tội Thúy Kiều là: đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm mà không xem xét kĩ để tìm ra nguyên nhân nào đã đẩy nàng vào tình cảnh éo le, trớ trêu ấy.

 

Có lẽ chỉ có Nguyễn Du là người thấu hiểu và đồng cảm nhiều nhất với nỗi đau khổ của Thúy Kiều, để từ đó đưa ra lời nhận xét khái quát thấm đẫm cảm xúc chua xót, đắng cay:

 

Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!

 

Nguyễn Du đã hoàn lương chiêu tuyết cho Thúy Kiều bằng những câu thơ thể hiện thái độ yêu mến và trân trọng:

 

Như nàng lấy hiếu làm trinh,

Bụi nào cho đục được mình ấy vay…

Hoa tàn mà lại thêm tươi,

Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa…

 

Thúy Kiều không chỉ đáng thương mà còn đáng quý. Đọc Truyện Kiều, chúng ta thông cảm với nỗi đau khổ và trân trọng vẻ đẹp tâm hồn của người con gái tài sắc ấy.

 

Câu: Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều không chỉ nhận xét sai lầm về nhân vật Thúy Kiều mà còn là nhận định không đúng về Truyện Kiều của Nguyễn Du, khi cho rằng đây là “dâm thư", không nên đọc. Truyện Kiều là một kiệt tác của nền văn học dân tộc, đỉnh cao của thơ ca tiếng Việt, bởi vậy khi đánh giá Truyện Kiều, chúng ta cần phải có thái độ khách quan, đúng đắn.

 

Đọc Truyện Kiều, chúng ta thấy được sự tàn ác của chế độ phong kiến đối với người phụ nữ. Một người con gái tài sắc, hiếu nghĩa đủ đường như Thúy Kiều mà lại bị coi như một món hàng vô tri vô giác: Thoắt mua về, thoắt bán đi, Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi. Cuộc đời Thúy Kiều trầm luân, khổ nhục cũng vì những thế lực đen tối trong xã hội vạn ác. Ma lực của đồng tiền khiến những kẻ bất lương nhẫn tâm đẩy Thúy Kiều từ tình cảnh đau thương này tới tình cảnh đau thương khác. Hơn ở bất cứ đâu, bức tranh về một xã hội nhiễu nhương, đảo điên, thối nát được phản ánh rất rõ trong Truyện Kiều. Nguyễn Du đã ngậm ngùi thốt lên:

 

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!

 

Truyện Kiều còn đạt tới đỉnh cao của giá trị nhân đạo bởi nó là tiếng kêu đứt ruột về số phận của một người con gái tài sắc vẹn toàn, lẽ ra phải được sống trong tình yêu và hạnh phúc thì lại phải chịu toàn là khổ nhục, đớn đau.

 

Về mặt nghệ thuật, Truyện Kiều đạt tới đỉnh cao của văn chương, đặc biệt là nghệ thuật thơ ca tiếng Việt. Nguyễn Du thành công xuất sắc trên nhiều phương diện như tả cảnh, tả người, thể hiện tâm lí nhân vật… Với Truyện Kiều, Nguyễn Du xứng đáng là đại thi hào của dân tộc Việt Nam.

Câu trả lời:

          Không phải quá tự hào, nhưng có lẽ trên thế giới, hiếm có dân tộc nào kiên cường bất khuất, mà lại nặng tình, nặng nghĩa như người dân Việt. Vó ngưa Nguyên Mông dẵm nát đất Trung Nguyên nhưng bao lần đến Việt Nam đều phải quay về. Giặc Pháp, giặc Mĩ hiện đại thiện chiến cũng đành thất bại.

         Trung Quốc đất rộng người đông, dùng bao thủ đoạn âm mưu thâm độc chưa thành công. Cả ngàn năm Bắc thuộc không làm đồng hóa được người dân Việt. Có thể nói dòng máu Lạc Hồng luôn nóng ấm ân tình, chảy trong tâm hồn những con người bé nhỏ nghèo khó ấy, đã cho họ một sức sống anh dũng phi thường. Dòng máu ấy không chỉ làm nên một Việt Nam anh hùng, mà còn làm nên một Việt Nam mượt mà tình cảm qua những làn điệu dân ca, ca dao.

         Không ai có thể thống kê hết những sắc màu tình cảm trong muôn ngàn những mối quan hệ của người dân Việt. Bao thế hệ đi qua đã để lại một khối lượng lớn ca dao dân ca ăm ắp ân tình làm nên trái tim ấm áp trong lòng văn hóa Đại Việt. Trong muôn ngàn những ân tình; Tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước, yêu lao động…thì số lượng những câu ca dao nói về tình cảm gia đình cha con, chồng vợ… chiếm một vị trí rất quan trọng và vô cùng phong phú.

         Vốn dĩ mang dòng dõi con Lạc cháu Hồng, người Việt rất yêu quý tổ tông, nòi giống, vì thế tình cảm gia đình yêu thương gắn bó chính là nét truyền thống muôn đời của người Viêt.

         Trong gia đình Việt Nam có khi lên đến “Tứ đại đồng đường”, nó chính là một Xã hội thu nhỏ. Chính các mối quan hệ rắc rối, chằng chịt của nó, cùng với tâm hồn dạt dào tình cảm của người dân Việt làm cho ca dao dân ca về tình cảm gia đình vô cùng phong phú, nhiều màu sắc. Ca dao dân ca thể hiện rất hoàn hảo nét đẹp cao quý của tình cảm thiêng liêng này.

           Nói đến nhân tố đầu tiên, cốt tỷ làm nên gia đình, phải nói đến vợ chồng. Tình cảm vợ chồng yêu thương gắn bó, chính là cơ sở của một gia đình tốt đẹp, là một tế bào lành mạnh của xã hội.

                                  Trên đồng cạn dưới đồng sâu,

                                   Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa.

           Vợ chồng hòa thuận chính là sức mạnh cho họ cùng vượt qua khó khăn gian khổ, làm lợi ích cho xã hội.

           Họ có thể cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng xây dựng mái ấm, nuôi dưỡng con cái tốt, khiến xã hội giàu mạnh an vui.

           Nhưng không phải lúc nào cũng “Phu sướng phụ tùy” đẹp đôi tốt lứa, trong ấm ngoài êm. Trong những gia đình phong kiến ngày xưa, truyền thống gia đình “tam đại”, “tứ đại”, hay năm thê bảy thiếp, thì sẽ có nhiều xung đột tình cảm giữa các mối quan hệ xảy ra. Nhưng nó chỉ làm cho các cung bậc tình cảm của con người thêm phong phú, làm cho ca dao dân ca thêm nhiều màu sắc, có khi hóm hỉnh cười ra nước mắt.

             Sống với chồng họ hết lòng chăm lo cho chồng, cho con và gia đình chồng.

                                   Lấy chồng từ thuở mười ba,

                                   Đến khi mười tám thiếp đà năm con.

                                   Ra đường người tưởng còn son,

                                   Về nhà thiếp đã năm con với chàng.

            Cho dù cha mẹ anh em nhà chồng có phụ rẫy, họ cũng phải vì chồng vì con mà cam chịu.

                                   Bởi vì con heo nên phải đèo khúc chuối,

                                   Bởi vì con muỗi nên phải thả màn loan.

                                   Bởi vì chàng nên thiếp phải chịu đòn oan,

                                   Phụ mẫu nhà đay nghiến, thế gian chê cười.

           Nhưng rồi thì “năm tháng trôi đi lòng người thay đổi”, đến cả người chồng mình chăm sóc yêu thương cũng thay dạ đổi lòng.

                                   Ngày xưa anh bủng anh xanh,

                                   Tay tôi nâng chén thuốc, tay tôi đèo múi chanh.

                                    Bây giờ anh khỏi anh lành,

                                    Anh mê nhan sắc, anh tình phụ tôi.

                                    Nhưng vì con cái họ lại một lần nữa cam chịu hẩm hiu.

                                    Chàng ơi phụ thiếp làm chi,

                                    Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng.

            Ca dao dân ca trở thành người bạn tâm tình cho họ thở than nỗi lòng. Nhưng chỉ là thở than cho khuây khỏa mà thôi, còn cả tâm tư hi vọng, hạnh phúc của họ đều dành cho con cái.

            Có thể nói trong đề tài ca dao tình cảm gia đình thì mảng thiêng liêng cao đẹp nhất chính là tình cảm cha mẹ và con cái. Trong đó không có gì đẹp bằng tình mẫu tử. Con ơi con ngủ cho yên,

                                    Hết gạo hết tiền mẹ kiếm mẹ nuôi.

                                    Công trình kể biết mấy mươi,

                                    Mai sau con lớn con đền bồi mẹ cha.

           Hình tượng người mẹ Việt nam chính là vẻ đẹp tuyệt vời của ca dao tình cảm gia đình.

                                    Mẹ già như áng mây trôi,

                                    Như sương trên cỏ, như lời hát ru.

                                    Lời hát ru vi vu trong gió,

                                    Sương trên cỏ khó vỡ dễ tan.

                                    Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ
                                    Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con

            Mẹ chính là nhịp cầu ân tình cho con gắn bó yêu thương với mọi người trong gia đình. Mẹ chính là nhân tố nền tảng tạo lập tính cách nhân phẩm đầu đời cho con. Mẹ thổi vào tâm hồn thơ bé của con những tình cảm yêu thương trong sáng ngọt ngào nhất. “Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn.” Mẹ ru rằng:

                                       Cái cò đi đón cơn mưa,

                                       Tối tăm mù mịt ai đưa cò về.

                                       Cò về thăm quán cùng quê

                                       Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh.

                                       Cò bay xuống vũng trâu đằm,

                                       Lấy rơm làm tổ cho con cò nằm.

            Trong lời ru của mẹ chứa đựng tất cả những thăng trầm nắng mưa, những hoàn cảnh xã hội. Mẹ vẽ vào tâm hồn con mình từ cảnh sắc non sông gấm vóc đến những ước mơ khát vọng sống.

                                       Thời giờ ngựa chạy, tên bay,

                                        Hết trưa lại tối, hết ngày lại đêm.

                                        Đông qua Xuân lại đến liền,

                                        Hè về rực rỡ, êm đềm Thu sang.

                                        Giờ con chăm học, chăm làm,

                                        Thì mai sau sẽ giỏi dang giúp đời.

                                        Nước nhà mong đợi con ơi,

                                        Hãy luôn ghi nhớ những lời thầy khuyên.

                Lời mẹ ru con thấu tình đạt lý, mong muốn con hướng tới đời sống tinh thần tốt đẹp hơn…

                Qua những bài dân ca-ca dao về tình cảm gia đình, cho chúng ta thấy người phụ nữ, người mẹ là nhân vật trữ tình nhất và cũng là nhân vật chịu đựng nhất, quan trọng nhất. Người phụ nữ là hạt nhân trung tâm gánh vác mọi mối quan hệ trong gia đình. Họ chính là những người vợ đảm đang, là người con dâu hiếu thảo, là người chị chăm chỉ, là người mẹ dịu hiền. Tục ngữ có một câu rất chí tình dành cho họ: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.” Có thể nói nếu không có họ thì không hình thành nên gia đình, cũng không có tổ ấm yêu thương với những đứa con tương lai cho đất nước. Đặc biệt là nếu không có họ thì không có ca dao dân ca phong phú truyền tải cho đến hôm nay và mai sau.

Câu trả lời:

Trăng là chủ đề sáng tác, là cảm hứng của các thi nhân và Bác Hồ không chỉ là chiến sĩ mà còn là một nhà thơ lớn có tình yêu thiên nhiên với tâm hồn nhạy cảm. Trong những năm đầu ở chiến khu Việt Bắc, trong một đêm trăng đẹp, Bác đã sáng tác ra bài thơ Cảnh khuya để lại trong em nhiều cảm xúc

 

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”

 

Bài thơ “Cảnh khuya” thể hiện tình yêu thiên nhiên song hành cũng là tình yêu nước sâu đậm của Bác trong một đêm trăng ở núi rừng Việt Bắc

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa”

 

Khi mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ, một màn đêm thanh tĩnh buông xuống khắp khu rừng, nó làm cho tiếng suối dủ ở rất xa vẫn theo gió mang tiếng ca êm đềm, trong vắt của mình cho những người yêu vẻ đẹp sáng ngời của đêm trăng cùng thưởng thức. Tiếng suối và ánh trăng, chao ôi hai thứ ấy hòa quyện thì thật là tuyệt vời! Nó khiến cho người đang tham gia chính sự như

 

Bác đã có một cảm nhận tinh tế về tiếng ca này. Tiếng suối dịu êm khoan nhặt như một khúc hát trữ tình sâu lắng. Bác đã khéo léo dùng nghệ thuật lấy động tả một khung cánh yên tĩnh có thể nghe rõ âm vang từ xa vọng lại. Và Người đã so sánh tiếng suối với tiếng hát để nhấn mạnh nét gợi tả mang sức sống và hơi ấm của con người. Sự ví von trên đã làm cho em nhớ lại câu thơ trong tác phẩm “Côn Sơn ca” của Nguyễn Trãi từng viết

“Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.”

 

Mỗi vần thơ, mỗi khung cảnh, âm thanh đều là tiếng suối nhưng được cảm nhận khác nhau ở nhiều khía cạnh. Song tất cả vẫn là một tình yêu thiên nhiên. Câu thơ đã cho ta thấy rằng: dù là một vĩ lãnh tụ cách mạng nhưng Bác vẫn mang tâm hồn tràn đầy tình cảm lãng mạn, đẹp đẽ. Cám ơn Bác, ngòi bút tài hoa và tâm hồn yêu thiên nhiên say đắm của Người đã giúp em cảm nhận sự ngọt ngào, du dương của âm thanh suối chảy

“Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”

 

Ánh sáng dịu dàng, thanh khiết từ ánh trăng len lõi chiếu vào lá và hoa tạo nên vẻ đẹp lấp lánh. Hoa lá nghiêng bong trên mặt đất tạo nên những bức tranh lấp loá, lúc ẩn lúc hiện. Hoa lá cỏ cây và ánh trăng lồng quyện vào nhau, trăng đan vào cậy cổ thụ, trăng tràn vào hoa. Đó như một bức tranh tuyệt vời của đất nước. Bác đã làm mọi sự vật sống động qua nghệ thuật nhân hóa “lồng” để miêu tả đan xen cay lá và ánh trăng. Bác quả là một người đa cảm và có tâm hồn vô cùng phong phú! Trăng trở nên thú vị và lãng mạn trong cảnh khuya sáng ngời, lung linh, huyền ảo. Đọc thơ mà em cứ hình dung cảnh thơ như đang hiện lên mờ ảo trước mắt. Khung cảnh thật thơ mộng kết hợp với nhạc tạo nên một bức tranh đầy sinh động. Vì vẻ đẹp bất tận của mình, trăng là người bạn của các nhà thơ, ta khó có thể hững hờ với vẻ đẹp của trăng

“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ”

 

Đọc đến đây ai cũng nghĩ Bác vẫn còn thức vì trăng, vì sự cuốn hút của thiên nhiên nhưng người không chỉ xúc động trước vẻ đẹp của đất trời mà còn vì

“Chưa ngủ vì nỗi lo nước nhà”

 

Nước nhà đang bị giặc xâm lăng, giày xéo, bao người còn sống trong cơ cực, lầm than. Và để nhấn mạnh nỗi lo của mình, Bác đã điệp vòng “chưa ngủ” như láy lại tâm tư của Bác, một người luôn nặng lòng với quê hương. Hai câu thơ cuối giúp ta thấy rõ hơn con người của Bác. Một con người yêu thiên nhiên tha thiết nhưng cũng chính vì yêu thiên nhiên mà luôn lo cho sự nghiệp của đất nước.Đây chính là nỗi lòng, là tâm tình của vị lãnh tụ. Đồng thời ta cũng đã thấy Bác Hồ của chúng ta dẫu bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian để chiêm nghưỡng thiên nhiên, có lẽ thiên nhiên chính là người bạn giúp Bác khuây khoả, bớt đi sự vất vả mà Bác phải chăng chở suy tư. Từ đây, ta nhận thấy Bác là một người luôn biết hài hoà giữa công việc với tình yêu thiên nhiên và càng yêu thiên nhiên thì trách nhiệm đối với công việc càng cao bởi ta có thể nhận thấy đằng sau hình ảnh người ung dung ngắm trăng đó là một nõi khao khát về một đất nước thanh bình, để ngày ngày con người được sống tự do, hạnh phúc. Dường như trong Bác luôn xoáy sâu câu hỏi: Biết đến bao giờ đất nước mới đc tự do để con người thoả sức ngắm trăng? Đọc đến đây ta càng hiểu rõ hơn con người của Bác đó là một người luôn canh cánh trong lòng nỗi lo vì dân vì nước, vì đất nước Bác có thể hi sinh tất cả. Hình ảnh của Bác làm em dâng trào cảm xúc mến yêu, kính trọng Bác. Và ta đã luôn tự hỏi rằng: Có bao giờ Người được thảnh thơi để tận hưởng niềm vui của riêng mình? Bác thật vĩ đại trong tâm hồn em và của cả dân tộc Việt Nam. Qua bài thơ, ta cảm nhận được lòng yêu quê hương trong Bác thật sâu đậm, lớn lao và đã bắt gặp một tâm hồn thanh cao lồng trong cốt cách người chiến sĩ cộng sản. Tác phẩm là một bức tranh đẹp về quê hương, về con người và sự sự hài hòa giữa cảnh và tình.

 

Bài thơ đã khép lại trong niềm xúc động dạt dào. Bác đã để lại cho đời những vần thơ hay đầy ý nghĩa, những vần thơ đó đã khơi dậy trong em tình yêu thiên nhiên và niềm kính yêu vô hạn vị Cha già của dân tộc. Qua bài thơ này ta càng hiểu rằng trong hoàn cảnh nào, Bác vẩn giữ được thái độ bình tĩnh chủ động như vậy, mặc dù ẩn trong phong thái ung dung tự tại ấy là nỗi lo cho nước, nỗi thương dân. Trong cuộc đời 79 năm, Bác Hồ có biết bao đêm không ngủ vì nhiều lẽ nhưng điều khiến chúng ta cảm phục vô hạn đó là ý thức, trách nhiệm của Bác trước vận mệnh nước nhà. Ý thức ấy ở Bác không chút nào xao lãng.

 

 

Câu trả lời:

“Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.”

Trong cuộc đời này, có ai lại không được lớn lên trong vòng tay của mẹ, được nghe tiếng ru hời ầu ơ ngọt ngào, có ai lại không dược chìm vào giấc mơ trong gió mát tay mẹ quạt mỗi trưa hè oi ả. Và trong cuộc đời này, có ai yêu con bằng mẹ, có ai suốt đời vì con giống mẹ, có ai săn sàng sẻ chia ngọt bùi cùng con như mẹ. Với tôi cũng vậy, mẹ là người quan tâm đến tôi nhất và cũng là người mà tôi yêu thương và mang ơn nhất trên đời này. 
          Tôi vẫn thường nghĩ rằng mẹ tôi không đẹp. Không đẹp vì không có cái nước da trắng, khuôn mặt tròn phúc hậu hay đôi mắt long lanh… mà mẹ chỉ có khuôn mặt gầy gò, rám nắng, vấng trán cao, những nếp nhăn của cái tuổi 40,của bao âu lo trong đời in hằn trên khóe mắt. Nhưng bố tôi bảo mẹ đẹp hơn những phụ nư khác ở cái vẻ đẹp trí tuệ. Đúng vậy, mẹ tôi thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát lắm. Trên cương vị của 1 người lãnh đạo, ai cũng nghĩ mẹ là người lạnh lùng, nghiêm khắc. có những lúc tôi cũng nghĩ vậy. nhưng khi ngồi bên mẹ, bàn tay mẹ âu yếm vuốt tóc tôi, mọi ý nghĩ đó tan biến hết. Tôi có cả giác lâng lâng, xao xuyến khó tả, cảm giác như chưa bao giờ tôi được nhận nhiều yêu thương đến thế. Dường như 1 dòng yêu thương mãnh liệt qua bàn tay mẹ truyền vào sâu trái tim tôi, qua ánh mắt, đôi môi trìu mến, qua nụ cười ngọt ngào, … qua tất cả những gì của mẹ. tình yêu ấy chỉ khi người ta gần bên mẹ lâu rồi mói cảm thấy đuợc thôi. Từ nhỏ đến lớn, tôi đón nhận tình yêu vô hạn của mẹ như một ân huệ, một điều đương nhiên. Trong con mắt một đứa trẻ, mẹ sinh ra là để chăm sóc con. Chưa bao giờ tôi tư đặt câu hỏi: Tại sao mẹ chấp nhận hy sinh vô điều kiện vì con? Mẹ tốt, rất tốt với tôi nhưng có lúc tôi nghĩ mẹ thật quá đáng, thật… ác. Đã bao lần, mẹ mắng tôi, tôi đã khóc. Khóc vì uất ức, cay đắng chứ đâu khóc vì hối hận. Rồi cho đến 1 lần… Tôi đi học về, thấy mẹ đang đọc trộm nhật ký của mình. Tôi tức lắm, giằng ngay cuốn nhật ký từ tay mẹ và hét to: “Sao mẹ quá đáng thế! Đây là bí mật của con, mẹ không có quyền động vào. Mẹ ác lắm, con không cần mẹ nữa!” Cứ tưởng, tôi sẽ ăn một cái tát đau điếng. Nhưng không mẹ chỉ lặng người, hai gò má tái nhợt, Khóe mắt rưng rưng. Có gì đó khiến tôi không dám nhìn thẳng vào mắt mẹ. Tôi chạy vội vào phòng, khóa cửa mặc cho bố cứ gọi mãi ở ngoài. Tôi đã khóc, khóc nhiều lắm, ướt đẫm chiếc gối nhỏ. Đêm càng về khuya, tôi thao thức, trằn trọc. Có cái cảm giác thiếu vắng, hụt hẫng mà tôi không sao tránh được. Tôi đã tự an ủi mình bằng cách tôi đang sống trong một thế giới không có mẹ, Không phải học hành, sẽ rất hạnh phúc. Nhưng đó đâu lấp đầy dược cái khoảng trống trong đầu tôi. Phải chăng tôi thấy hối hận? Phải chăng tôi đang thèm khát yêu thương? … Suy nghĩ miên man làm tôi thiếp đi dần dần. Trong cơn mơ màng, tôi cảm thấy như có một bàn tay ấm áp, khẽ chạm vào tóc tôi, kéo chăn cho tôi. Đúng rồi tôi đang mong chờ cái cảm giác ấy, cảm giác ngọt ngào đầy yêu thương. Tôi chìm đắm trong giây phút dịu dàng ấy, cố nhắm nghiền mắt vì sợ nếu mở mắt, cảm giác đó sẽ bay mất, xa mãi vào hư vô và trước mắt ta chỉ là một khoảng không thực tại. Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi cảm thấy căn nhà sao mà u buồn thế. Có cái gì đó thiếu đi. Sáng đó, tôi phải ăn bánh mỳ, không có cơm trắng như mọi ngày. Tôi đánh bạo, hỏi bố xem mẹ đã đi đâu. Bố tôi bảo mẹ bị bệnh, phải nằm viện một tuần liền. Cảm giác buồn tủi đã bao trùm lên cái khối óc bé nhỏ của tôi. Mẹ nằm viện rồi ai sẽ nấu cơm, ai giặt giữ, ai tâm sự với tôi? Tôi hối hận quá, chỉ vì nóng giận quá mà đã làm tan vỡ hạnh phúc của ngôi nhà nhỏ này. Tại tôi mà mẹ ốm. Cả tuần ấy, tôi rất buồn. Nhà cửa thiếu nụ cười của mẹ sao mà cô độc thế. Bữa nào tôi cũng phải ăn cơm ngoài, không có mẹ thì lấy ai nấu những món tôi thích. Ôi sao tôi nhớ đén thế những món rau luộc, thịt hầm của mẹ quá luôn. Sau một tuần, mẹ về nhà, tôi là người ra đón mẹ đầu tiên. Vừa thấy tôi, mẹ đã chạy đến ôm chặt tôi. Mẹ khóc, nói: “Mẹ xin lỗi con, mẹ không nên xem bí mật của con. Con … con tha thứ cho mẹ, nghe con.” Tôi xúc động nghẹn ngào, nước mắt tuôn ướt đẫm. Tôi chỉ muốn nói: “Mẹ ơi lỗi tại con, tại con hư, tất cả tại con mà thôi.” Nhưng sao những lời ấy khó nói đến thế. Tôi đã ôm mẹ, khóc thật nhiều. Chao ôi! Sau cái tuần ấy tôi mới thấy mẹ quan trọng đến nhường nào. Hằng ngày, mẹ bù đầu với công việc mà sao mẹ như có phép thần. Sáng sớm, khi còn tối trời, mẹ đã lo cơm nước cho bố con. Rồi tối về, mẹ lại nấu bao nhiêu món ngon ơi là ngon. Những món ăn ấy nào phải cao sang gì đâu. Chỉ là bữa cơm bình dân thôi nhưng chứa chan cái niềm yêu tương vô hạn của mẹ. Bố con tôi như những chú chim non đón nhận từng giọt yêu thương ngọt ngào từ mẹ. Những bữa nào không có mẹ, bố con tôi hò nhau làm việc toáng cả lên. Mẹ còn giặt giũ, quét tước nhà cửa… việc nào cũng chăm chỉ hết. Mẹ đã cho tôi tất cả nhưng tôi chưa báo đáp được gì cho mẹ. Kể cả những lời yêu thương tôi cũng chưa nói bao giờ. Đã bao lần tôi trằn trọc, lấy hết can đảm để nói với mẹ nhưng rồi lại thôi, chỉ muốn nói rằng: Mẹ ơi, bây giờ con lớn rồi, con mới thấy yêu mẹ, cần mẹ biết bao. Con đã biết yêu thương, nghe lời mẹ. Khi con mắc lỗi, mẹ nghiêm khắc nhắc nhở, con không còn giận dỗi nữa, con chỉ cúi đàu nhận lỗi và hứa sẽ không bao giờ phạm phải nữa. Khi con vui hay buồn, con đều nói với mẹ để được mẹ vỗ về chia sẻ bằng bàn tay âu yếm, đôi mắt dịu dàng. Mẹ không chỉ là mẹ của con mà là bạn, là chị… là tất cả của con. Con lớn lên rồi mới thấy mình thật hạnh phúc khi có mẹ ở bên để uốn nắn, nhắc nhở. Có mẹ giặt giũ quần áo, lau dọn nhà cửa, nấu ăn cho gia đình. Mẹ ơi, mẹ hy sinh cho con nhiều đến thế mà chưa bao giờ mẹ đòi con trả công. mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất, cao cả nhất, vĩ đại nhất. Đi suốt đời này có ai bằng mẹ đâu. Có ai sẵn sàng che chở cho con bất cứ lúc nào. Ôi mẹ yêu của con! Giá như con đủ can đảm đẻ nói lên ba tiếng: “Con yêu mẹ!” thôi cũng được. Nhưng con đâu dũng cảm, con chỉ điệu đà ủy mỵ chứ đâu được nghiêm khắc như mẹ. 

Con viết những lời này, dòng này mong mẹ hiểu lòng con hơn. Mẹ đừng nghĩ có khi con chống đối lại mẹ là vì con không thích mẹ. Con mãi yêu mẹ, vui khi có mẹ, buồn khi mẹ gặp điều không may. mẹ là cả cuộc đời của con nên con chỉ mong mẹ mãi mãi sống để yêu con, chăm sóc con, an ủi con, bảo ban con và để con được quan tâm đến mẹ, yêu thương mẹ trọn đời. Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất trên đời này. Tình cảm ấy đã nuôi dưỡng bao con người trưởng thành, dạy dỗ bao con người khôn lớn. Chính mẹ là nguời đã mang đến cho con thứ tình cảm ấy. Vì vậy, con luôn yêu thương mẹ, mong được lớn nhanh để phụng dưỡng mẹ. Và con muốn nói với mẹ rằng: “ Con dù lớn vẫn là con mẹ / Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con. ”

 

Câu trả lời:

Truyện Những ngôi sao xa xôi kể về một tổ thanh niên xung phong nhận nhiệm vụ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Tổ trinh sát gồm ba cô gái là Định, Nho và Thao. Họ phải đối mặt với thần chết trong những lần phá bom, thậm chí mấy lần trong một ngày. Cuộc sống giữa chiến trường dù khắc nghiệt và nguy hiểm nhưng họ vẫn có được niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh thản và thơ mộng.

Cả ba cô gái yêu thương và gắn bó với nhau như chị em. Phần cuối truyện, tác giả tập trung miêu tả hành động và tâm trạng của các nhân vật, chủ yếu là Phương Định. Trong một lần phá bom, cô bị thương, cô được sự săn sóc chu đáo của hai đồng đội.

Những ngôi sao xa xôi là một trong số những tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê, viết vào năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt.

Truyện cho thấy tâm hồn trong sáng, lòng dũng cảm, sự hồn nhiên và cuộc sống chiến đậu nhiều gian khổ, hi sinh nhưng vẫn lạc quan của các nhân vật nữ thanh niên xung phong. Đặc biệt, nhân vật Phương Định được tác giả miêu tả chân thực, sinh động bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật độc đáo.

Vào chiến trường được ba năm, đã quen với những thử thách và nguy hiểm, giáp mặt hàng ngày với cái chết, nhưng Phương Định vẫn không đánh mất sự hồn nhiên, trong sáng và những ước mơ về tương lai. Nét cá tính ở nhân vật được thể hiện khá rõ là sự nhạy cảm, hay mơ mộng và sở thích ưa ca hát.

Cũng giống như hai người bạn trong tổ trinh sát, Phương Định yêu mến các đồng đội trong tổ và cả đơn vị mình. Hơn nữa cô cũng mến yêu và cảm phục những người chiến sĩ mà cô gặp hàng đêm trên trọng điểm con đường vào mặt trận.

Trong phần đầu truyện, Phương Định hiện lên là một cô gái nhạy cảm và quan tâm đến hình thức của mình. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa kèn. Còn đôi mắt thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”. Phương Định biết mình được nhiều người, nhất là các anh lính để ý và có thiện cảm. Điều đó làm cô thấy vui và tự hào, nhưng chưa dành riêng tình cảm cho một ai. Nhạy cảm, nhưng cô lại không hay biểu lộ tình cảm của mình, luôn tỏ ra kín đáo trước đám đông, tưởng như là kiêu kì.

Ở đoạn hồi tưởng của nhân vật về tuổi học trò, tác giả làm nổi rõ nét tính cách hồn nhiên, vô tư, một chút tinh nghịch và mơ mộng của một thiếu nữ. Chẳng hạn, chỉ một trận mưa đá vụt qua cũng đánh thức ở nhân vật này rất nhiều kỉ niệm và nỗi nhớ về thành phố quê hương, gia đình và tuổi thơ thanh bình của mình.

Tâm lí nhân vật Phương Định trong một lần phá bom được miêu tả rất cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác, ý nghĩ, dù chỉ thoáng qua trong giây lát. Mặc dù rất quen công việc nguy hiểm này, nhưng mỗi lần vẫn là một thử thách đối với thần kinh. Ở bên quả bom, kề sát với cái chết im lìm và bất ngờ, từng cảm giác của con người như cũng trở nên sắc nhọn hơn. Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tồi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành. Tiếp đó là cảm giác căng thẳng chờ đợi tiếng nổ của quả bom.

Tóm lại, ngòi bút của Lê Minh Khuê đã miêu tả sinh động, chân thực tâm lí nhân vật, làm thể hiện một thế giới nội tâm phong phú. Cách nhìn và thể hiện con người thiên về cái đẹp, sự trong sáng, cao thượng.

Viết về cuộc sông yà chiến đấu của những cô gái thanh niên xung phong trên một cao điểm ở tuyến Trường Sơn trong những năm chiến tranh chống Mĩ cứu nước, Những ngôi sao xa xôi đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, giàu mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của họ. Đó chính là hình ảnh đẹp, tiêu biểu về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ

Câu trả lời:

Phạm Tiến Duật là nhà thơ trẻ và lớn lên “trong sắc áo của anh bộ đội Trường Sơn” giữa những ngày ác liệt nhất của cuộc chiến tranh nhân dân chống Mỹ.

Tiếng thơ Phạm Tiến Duật hình thành và lớn lên với những bài thơ “Trường Sơn đông - Trường Sơn tây, Lửa đèn, Gửi em cô thanh niên xung phong, Nhớ....” đã góp phần trẻ hoá thơ Việt Nam thời chống Mỹ. Bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” được rút ra trong tập thơ “Vầng trăng - quầng lửa” của tác giả. Trong bài thơ tác giả đã xây dựng một hìng tượng độc đáo những “chiếc xe không kính” chắn gió vẫn băng băng trên đường ra trận vì chiến trường miền Nam ruột thịt.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã giải thích vì sao tất cả xe trong tiểu đội đều “không có kính”, vì bom đạn giặc Mỹ làm “kính vỡ đi rồi”. Chỉ một chi tiết nhỏ “không có kính không phải vì xe không có kính - Bom giật, bom rung kính vỡ mất rồi” tác giả đã làm cho người đọc hiểu được sự ác liệt, tàn bạo của cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra. Những chiếc xe này đã làm nổi bật hình ảnh những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm chống Mỹ cứu nước.

Thế mà, những người lính trên những chiếc “xe không kính” vẫn “ung dung buồng lái ta ngồi / nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng!”

Thái độ ung dung và “cái nhìn” của anh lái xe như bất chấp, coi thường tất cả nguy hiểm ở phía trước mặc dù “bụi phun tóc trắng như người già”, cho dù “mưa tuôn mưa xối như ngoài trời” các anh vẫn “nhìn nhau mặt lấm cười ha ha” hoặc tếu táo “phì phèo châm điếu thuốc” hay “bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.”

Hình ảnh trong các câu thơ trên đã làm nổi rõ cái hiên ngang, dũng cảm, bất chấp mọi nguy hiểm của các chiến sĩ lái xe, để lái những chiếc xe không kính ra mặt trận với một niềm tin niềm vui của tuổi trẻ.

Khung kính đã bị vỡ, không có gì để chắn gió trời ùa vào, đập thẳng vào mắt. Thế mà, tác giả lại viết: “Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng”.

“Xoa” là cử chỉ nhẹ nhàng vuốt ve âu yếm. Qua cách diễn đạt của câu thơ thì ở đây, gió không làm đau, làm rát mắt của người lái xe mà ngược lại gió còn vỗ về nhè nhẹ vào đôi mắt “đắng”. Và, con đường trước mặt - con đường ra trận trở nên gần sát hơn đang chạy ngược lại “Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim”. Vì không có kính chắn, nên người lái xe có cảm giác và ấn tượng “Con đường chạy thẳng vào tim”. Con đường thực trước mặt đó củng chính là con đường được nhà thơ nâng lên thành con đường lý tưởng, con đường cách mạng, con đường ở trong trái tim của người chiến sĩ. Chính là con đường đó đã giúp cho các chiến sĩ lái xe thêm sức mạnh, niềm tin, bất chấp bom đạn của kẻ thù, tiến lên phía trước: “Thấy sao trời và đột ngột cánh chim - Như sa như ùa vào buồng lái”. Người lái xe vẫn vui với “sao trời” và “cánh chim”. Sao trời và cánh chim ngày đêm như bầu bạn với người lính lái xe. Ngày cũng như đêm, thiên nhiên, đất trời luôn sát cánh với người chiến sĩ lái xe trên suốt chặng đường dài ra trận. Với nghệ thuật nhân hoá tài tình, nhà thơ đã biến những khó khăn trở ngại khi lái những chiếc xe không kính trở thành gần gũi gắn bó thân thương hơn. Giọng điệu thơ có khi thật ngang, tự nhiên, bất chấp gian khổ được thể hiện rõ trong cấu trúc đựoc lặp lại “Ừ thì...”, “Chưa cần rửa”, “Chưa cần thay”, “Lái trăm cây số nữa...”. Dường như gian khổ nguy hiểm, ác liệt của chiến tranh không làm ảnh hưởng đến tinh thần của họ, trái lại, những người lính lái xe xem như là một nhịp để rèn thử thách sức mạnh và ý chí của mình “chí làm trai - tuổi trẻ người lính”.

Những người lái xe còn là những chàng trai trẻ, sôi nổi, vui nhộn, lạc quan. Họ “nhìn nhau”, “bắt tay nhau”, và trên đường ra trận thì “Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời - Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”, và cứ thế “võng mắc chông chênh đường xe chạy”, trước mắt họ những chiếc xe lại tiến lên phía trước, là ta cứ đi, lại đi “trời xanh thêm” không có gì ngăn cản đuợc đường ra mặt trận.

Cái gì đẫ làm nên sức mạnh ở họ để coi thường gian khổ bất chấp gian nan như vậy? Đó chính là ý chí chiến đấu để giải phóng miền Nam, là tình yêu nước nồng nhiệt ở tuổi trẻ thời đánh Mỹ cứu nước.

Những chiếc xe bị bom đạn Mỹ làm cho biến dạng trơ trụi, trụi trần “Không có kính rồi xe không đèn - Không có mui xe, thùng xe có xước”. Nhưng điều kì lạ là những chiếc xe trụi trần ấy vẫn chạy, vẫn băng ra tiền tuyến. Tác giả lại một lần nữa lí giải bất ngờ và rất chí lí: “chỉ cần trong xe có một trái tim”, trái tim người lính cách mạng - trái tim của lòng quả cảm.

Với lời thơ tự nhiên như lời nói bình thường, giọng điệu thơ gần gũi, vui tươi, dí dỏm, bài thơ đã nêu bật hình ảnh người lái xe trên tuyến đường Trường Sơn: dũng cảm hiên ngang, với niềm vui sôi nổi, lạc quan yêu đời bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm để ra trận vì Miền Nam ruột thịt thân yêu. Họ luôn đối diện với khó khăn thử thách, mà vẫn cười đùa, tếu táo, hồn nhiên, tự tin. Đó là nét đặc sắc của bài thơ cũng như ngôn ngữ, giọng điệu riêng của thơ Phạm Tiến Duật.

Hôm nay đất nước đã hoà bình sau hơn 30 năm giải phóng Miền Nam. Con đường Trường Sơn đã đi vào lịch sử, đọc lại bài thơ này, chúng ta càng tự hào và khâm phục biết bao các chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn ngày trước cùng bộ đội Trường Sơn đã góp phần vào chiến thắng huy hoàng của dân tộc.