Tận tâm, trách nhiệm và được nhiều người quý mến… Đó là nhận xét chung của nhiều người tại Khu cách ly tập trung người bệnh Covid-19 cơ sở Cỏ May, Ký túc xá Đại học Nông lâm TPHCM dành cho Đại úy Phan Quốc Tùng, một trong những chiến sĩ tham gia “Tuyến đầu chống dịch”, hiện đang công tác tại Ban chỉ huy quân sự thành phố Thủ Đức. Gặp anh tại nơi tuyến đầu chống dịch, Đại úy Tùng chia sẻ: Làm việc trong môi trường quân đội là ước mơ của tôi từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, được sự ủng hộ của gia đình, tôi đã mạnh dạn đăng ký đi nghĩa vụ quân sự, sau đó thi vào trường Sĩ quan và đã có 16 năm phục vụ trong quân ngũ… Cuộc chiến chống dịch Covid-19 bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt trong thời gian vừa qua, cũng như đồng đội của mình, gác lại hạnh phúc gia đình, anh bước vào “tuyến đầu chống dịch” với tâm thế của một người lính “sẵn sàng chiến đấu”. Đại úy Tùng cho biết, từ Tết nguyên đán đến nay anh chưa một lần về thăm nhà, tuy nhà anh cách đơn vị không xa… Ngoài nhiệm vụ tại đơn vị, Đại úy Tùng còn tham gia các hoạt động chống dịch như chuẩn bị cơ sở vật chất tại khu cách ly tập trung; kiểm soát các chốt kiểm tra chống dịch và bây giờ là đảm bảo công tác hậu cần tại cơ sở cách ly Cỏ May. Khi nói đến gia đình, Đại úy Tùng đã không nén được cảm xúc cho biết trong lúc anh đang làm nhiệm vụ tại Khu cách ly tập trung bệnh nhân Covid – 19 cơ sở Cỏ May, thì bố, mẹ, anh, chị và cháu ở nhà trở thành F0. Do bố mẹ đã lớn tuổi lại có bệnh nền nên tình trạng bệnh khá nặng, phải nằm khoa Hồi sức. Gia đình có 5 người trở thành F0, mỗi người lại điều trị tại các cơ sở khác nhau. Trong lúc đó, cả anh và vợ đều đang làm nhiệm vụ. Vợ anh làm việc “3 tại chỗ” tại một cơ sở sản xuất thiết bị y tế cũng đã nhiều tháng chưa về nhà. Bản thân anh rất lo lắng cho bố mẹ. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ và yêu cầu công tác phòng dịch nghiêm ngặt nên anh cũng chỉ biết cầu mong cho gia đình được bình an. Trăn trở lớn nhất của anh lúc này là bản thân mình phục vụ, chăm sóc cho bệnh nhân F0 nhưng khi bố mẹ và gia đình nhiễm bệnh anh chỉ có thể thăm hỏi từ xa. Đôi lúc anh cảm thấy chưa trọn vẹn trách nhiệm với gia đình. Vì bố mẹ đã già, vợ chồng anh vì hoàn cảnh thường xuyên xa nhau nên tuy đã kết hôn 4 năm nhưng vẫn thiếu tiếng nói bi bô của trẻ nhỏ. Động lực giúp Đại úy Tùng vượt qua được hoàn cảnh lúc này là anh tin rằng bản thân mình cùng đồng đội sẽ góp phần sức lực của mình cùng thành phố đẩy lùi Covid-19, mang lại cuộc sống an vui cho mỗi người. Phụ trách khu Cách ly tập trung người bệnh Covid – 19 cơ sở Cỏ May, Bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng cho biết, trong thời gian làm nhiệm vụ tại cơ sở Cỏ May, Đại úy Phan Quốc Tùng được đồng đội, các y bác sĩ và bệnh nhân hết sức quý mến, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Những bệnh nhân nơi đây chưa bao giờ phải phàn nàn về công tác hậu cần do anh và đồng đội phụ trách. Mong muốn lớn nhất của Đại úy Tùng lúc này là bố mẹ và gia đình sớm mạnh khỏe, thành phố sớm an bình và lại là trung tâm phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa của cả nước. Khó khăn, vất vả là thế, nhưng ý chí, lòng quyết tâm của các chiến sĩ chưa bao giờ ngừng lại. Mỗi cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đều xác định rằng đây là nhiệm vụ thiêng liêng của những người lính, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, không quản ngại gian khổ, chấp nhận sự hy sinh, ngay cả những việc riêng tư quan trọng của đời mình để mỗi gia đình sớm đoàn tụ, cho thành phố sớm vượt qua đại dịch, tiếp tục phát triển bền vững.