Cuộc đời của Bác là một quá trình vừa học tập vừa hoạt động cách mạng. Học tập để hoạt động cách mạng, đạt được mục đích, lý tưởng của mình; qua hoạt động cách mạng, không ngừng học tập, hoàn thiện tri thức và nhân cách của bản thân. Quá trình ấy đã tạo nên Hồ Chí Minh, một thầy giáo mẫu mực, một nhà giáo dục vĩ đại. Người đã để lại tấm gương cao đẹp về tinh thần tự học và học tập suốt đời mà chúng ta phải noi theo. Trong bản lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tại Mát-xcơ-va vào tháng 8 năm 1935, Bác đã khai rõ trong lý lịch: “Họ và tên: Lin. Trình độ học vấn: Tự học”. “Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga”.
Trên thực tế, dựa vào những lần Bác đi thăm nước ngoài, cũng như những lần đón tiếp các phái đoàn ngoại giao tới thăm Việt Nam, chúng ta còn được biết vốn ngoại ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không dừng lại ở đó, Người còn có thể sử dụng thông thạo khá nhiều ngoại ngữ khác nữa như: Tiếng Thái Lan, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng của rất nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam… vốn ngoại ngữ đó của Bác không phải do tự nhiên mà có, mà chính là cả một quá trình khổ công rèn luyện, học tập của Người.
Việc tự học của Bác Hồ có mục đích cuối cùng là làm cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Người đã đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi bằng sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam. Vận dụng sáng tạo chính là quá trình tự thích nghi, tự tìm tòi thâm nhập thực tiễn, đúc rúc kinh nghiệm, phát huy nội lực. Sâu xa hơn, đó là quá trình tự học, tự giáo dục để làm cho nhân cách và năng lực của mình phù hợp với mục tiêu, lý tưởng, phù hợp với yêu cầu công việc. Việc tự học của Bác diễn ra suốt cả cuộc đời cách mạng của mình, cho tới khi tuổi cao, sức yếu, Bác vẫn giữ được tinh thần tự học như xưa.