Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácThế giới xung quanh ta thật đẹp và có biết bao điều thú vị khiến ta mong muốn được lưu giữ lại. Những bức tranh, bức ảnh, bản nhạc, trang văn và cả những vần thơ có thể giúp ta thực hiện điều đó. Ở phần Đọc, em đã được làm quen với những bài thơ bốn chữ và năm chữ, nhận biết những đặc điểm cơ bản của các thể thơ này. Hãy vận dụng những hiểu biết đó để tập làm một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ về một sự vật, cảnh sắc, câu chuyện... khơi gợi trong em nhiều cảm hứng nhất
a. Xác định đề tài và cảm xúc
Em có thể chọn bất cứ đề tài nào mà em yêu thích như nhà trường, gia đình, thiên nhiên, quê hương, đất nước,... và ghi lại cảm xúc về đối tượng được nói đến. Đó có thể là những cảm xúc như yêu mến, xúc động, lưu luyến, bâng khuâng, nhớ nhung, biết ơn, tự hào,...
b. Tìm hình ảnh để biểu đạt cảm xúc
- Sau khi đã xác định được đề tài và cảm xúc, em hãy tìm hình ảnh để thể hiện cảm xúc đó. Ví dụ, nếu định viết về một vẻ đẹp của thiên nhiên, em có thể dùng hình ảnh bông hoa, chiếc lá, giọt sương, áng mây,... để gửi gắm cảm xúc của mình. Nếu có cảm xúc bâng khuâng, lưu luyến khi về nghỉ hè, chia tay thầy cô, bạn bè, mái trường, em có thể dùng hình ảnh hoa phượng rơi, chiếc trống trường nằm yên, sân trường vắng,... để thể hiện cảm xúc.
- Tiếp theo, em hãy liên tưởng, tưởng tượng, kết nối sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ với nhau và với con người để mạch cảm xúc được thể hiện và phát triển một cách tự nhiên. Chẳng hạn miêu tả hình ảnh áng mây, em có thể triển khai cảm xúc theo hướng tả cảnh mây bay (mây xuất hiện khi nào, ở đâu, mây màu gì, có hình thù như thế nào, bay lửng lơ chậm chạp hay bay nhanh hối hả; những sự vật, hiện tượng thiên nhiên xung quanh như mặt trời, mặt trăng, những vì sao, ánh sáng,... có đặc điểm ra sao); hoặc tưởng tượng về hành trình "du lịch" của áng mây (mây bay về đâu, gặp gỡ những ai, trò chuyện những gì, "cuộc đời" của mâu kết thúc thế nào,...)
- Thể hiện cảm xúc của mình về sự vật, hiện tượng đó, chẳng hạn niềm xúc động về sự mong manh của áng mây trước gió hay vòng tuần hoàn của các hiện tượng thiên nhiên,...
c. Tập gieo vần
Chọn thể thơ bốn chữ hoặc năm chữ và tìm vần thích hợp. Để tập gieo vần, em hãy tìm những tiếng thích hợp cho những chỗ trống trong các dòng thơ sau đây:
- Vần liền:
Ai là bạn gió
Mà gió đi tìm
Bay theo cánh…
Lùa trong tán lá.
Gió nhớ bạn…..
Nên gõ cửa hoài.
(Theo Ngân Hà, Bạn của gió)
=> Từ phù hợp điền vào chỗ chấm: tìm - chim; lá - quá.
- Vần cách:
Nhà trẻ con đã quen
Không còn hờn khóc nữa
Nhưng cứ độ tan tầm
Con lại ra đứng…….
Mong mẹ và mong bố
Mắt nhìn về phố đông
Ôi tấm lòng thơ nhỏ
Đã thuộc giờ ngóng…..
Thành phố rộng mênh ….
Bao la chiều gió thổi
Ở cuối con đường kia
Có con đang đứng …..
(Theo Lưu Quang Vũ, Buổi chiều đón con)
=> Từ phù hợp điền vào chỗ chấm: nữa - cửa; đông - trông; thổi - đợi.
- Vần hỗn hợp:
Mặt trời thổi lửa
Sông biển bốc hơi
Hơi bay cao vút
Thành mây lưng….
Mây hồng nhẹ trôi
Mây xanh đằm thắm
Dịu dàng mây….
Thẩn thơ mây vàng
Mây đen lang….
Thân mình nặng trĩu
Gió trêu tí xíu
Đã vội khóc oà.
(Theo Hoàng Lựu, Mây khóc)
=> Từ phù hợp điền vào chỗ chấm: hơi - trời; thắm - trắng - vàng - thang.
- Suy nghĩ về đề tài mà em đã chọn: hình dung trong tâm trí các hình ảnh nổi bật, từng đề lại cho em ấn tượng sâu đậm; xác định cảm xúc của em về đối tượng; lựa chọn những từ ngữ có khả năng khắc họa rõ nét hình ảnh và diễn tả chính xác cảm xúc.
- Quyết định chọn thể thơ và viết một hoặc hai dòng thơ đầu tiên theo đúng thể thơ đã chọn (bốn chữ hoặc năm chữ) diễn tả ấn tượng, cảm xúc nổi bật của em về đối tượng. Chú ý phần vần ở những tiếng cuối để tiếp tục gieo vần chân ở những dòng sau. Có thể ngắt nhịp linh hoạt, phù hợp với cảm xúc được thể hiện trong bài thơ.
- Những dòng tiếp theo có thể triển khai cụ thể hơn, chẳng hạn miêu tả chi tiết các đặc điểm của đối tượng, kể về đối tượng; có thể diễn đạt dưới hình thức tâm tình trò chuyện với đối tượng,...
- Sử dụng những từ ngữ biểu đạt cảm xúc và những biện pháp tu từ như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, điệp ngữ,...
- Có thể kết thúc bài thơ theo nhiều cách khác nhau: sửu dụng hình ảnh gây ấn tượng, nêu cảm nghĩ về đối tượng được nói đến trong bài thơ, dùng câu hỏi tu từ,... để tạo dư âm trong người đọc.
Sau khi đã hoàn thành, em hãy đọc lại thật kĩ bài thơ. Hãy kiểm tra xem bài thơ em vừa làm đã đáp ứng được các yêu cầu chung của bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ chưa. Có thể chỉnh sửa để hoàn thiện bài thơ theo gợi ý sau:
Hình thức nghệ thuật | Số tiếng trong mỗi dòng thơ (bốn tiếng hoặc năm tiếng) |
Hình thức nghệ thuật | Các dòng thơ bắt vần với nhau (vần liền, vần cách, vần hỗn hợp) |
Hình thức nghệ thuật | Nhịp thơ phù hợp cảm xúc |
Hình thức nghệ thuật | Hình ảnh để biểu đạt cảm xúc |
Hình thức nghệ thuật | Biện pháp tu từ để tăng tính gợi hình, gợi cảm |
Nội dung nghệ thuật | Cảm xúc của em |
Nội dung nghệ thuật | Thông điệp mà em gửi gắm qua bài thơ |
* GỢI Ý LÀM BÀI:
- Thể thơ 4 chữ:
Con đường đi học
Rợp bóng tre xanh
Ban mai trong lành
Tiếng chim thánh thót.
- Thể thơ 5 chữ:
Mùa hè hoa phượng nở
Đỏ rực cả góc trời
Như ngọn đuốc sáng ngời
Cháy suốt đêm không tắt.